Trần Ngọc Cư dịch
David Axe là thông tín viên về các vấn đề quân sự Mỹ. Từ năm 2005, ông đã từng đưa tin về sinh hoạt quân sự và nhiều khía cạnh của các cuộc xung đột từ nhiều nước như Vương quốc Anh, Iraq, Lebanon, Nhật Bản, Đông Timor, Afghanistan, Somalia, Chad, Nicaragua, Kenya, Gabon, Congo và nhiều nước khác. Ông là cộng tác viên thường xuyên của The Diplomat, Wired, và là blogger của trang War is Boring. (Theo Wikipedia.)
Trong bài viết sau đây, Axe nêu bật vai trò quyết định của tàu ngầm trong việc chống lại tham vọng bành trướng biển đảo của Trung Quốc. Vì Việt Nam đang làm chủ và đặt mua một số tàu ngầm lớp Kilo của Nga, nên phân tích của Axe cũng khá thích thú và đáng chú ý.
Người dịch
Xin lỗi Trung Quốc nhé, nhưng Mỹ vẫn ở thế thượng phong. (Ảnh: Chuyên viên Truyền thông đại chúng Jared Hill/Hải quân Mỹ/Getty Images)
Tin xấu trước.Hiện nay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tin rằng họ có thể ngăn chặn được hành động can thiệp của Mỹ trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan hay tấn công một đồng minh của Mỹ bằng vũ lực.
Bây giờ nói đến tin vui. Trung Quốc lầm rồi – và lầm chỉ vì một lý do chính. Rõ ràng là họ không kể đến sức mạnh quyết định củatàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.
Ngoài ra, vì những lý do kinh tế và dân số, Bắc Kinh chỉ có một khung cửa lịch sử hạn hẹp để sử dụng vũ lực với tham vọng thay đổi cơ cấu quyền lực thế giới. Nếu Trung Quốc không thực hiện được một động thái quân sự quan trọng nào trong vòng 20 năm tới, gần như chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm được việc này.
Các đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ – lực lượng phòng vệ không được lưu ý tới của trật tự thế giới hiện nay – chắc chắn có khả năng ngăn chặn Trung Quốc thêm 20 năm nữa. Sau đó, Mỹ có thể tuyên bố một loại chiến thắng âm thầm trong cuộc Chiến tranh Lạnh đang ngày càng trở nên ớn lạnh với Trung Quốc.
Trung Quốc thắng bằng cách nào
Tin xấu nói trên phát xuất từ Lee Fuell, nhân viên Trung tâm Tình báo Vùng trời và Không gian Quốc gia của Không quân Mỹ, trong điều trần của ông trước Ủy ban Duyệt xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung tại Washington, D.C. ngày 30 tháng Giêng.
Qua nhiều năm, giới hoạch định chiến lược quân sự Trung Quốc cứ đinh ninh rằng bất cứ một cuộc tấn công nào nhắm vào Đài Loan hay một đảo tranh chấp sẽ được châm ngòi bằng việc Trung Quốc dùng tên lửa đánh phủ đầu các lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và Guam, theo kiểu Nhật Bản tấn công Pearl Harbor năm 1941. Lãnh đạo của Quân Giải phóng Nhân dân [QGPND] rất lo sợ về một sự can thiệp ồ ạt của Mỹ đến nỗi họ thật sự tin rằng họ không thể thắng trừ phi các lực lượng Mỹ bị loại khỏi chiến trường ngay cả trước khi QGPND mở chiến dịch chính.
Nhưng hiển nhiên, một cuộc tấn công phủ đầu là một giả thuyết có mức rủi ro cao. Nếu nó thành công, QGPND mới có thể nắm vững không gian và thời gian để đánh bại quân phòng thủ của địch, chiếm lãnh thổ, và có tư thế giải quyết tình hình hậu chiến có lợi cho mình.
Nhưng nếu quân đội Trung Quốc không làm tê liệt được các lực lượng Mỹ bằng một cuộc tấn công bất ngờ, Bắc Kinh có thể lâm vào một cuộc chiến tranh qui mô lớn ít ra trên hai mặt trận: chống lại quốc gia bị Trung Quốc xâm chiếm đồng thời cũng chống cả toàn bộ lực lượng nằm trong tay của Bộ Tham mưu Mỹ tại Thái Bình Dương, được huy động triệt để và ắt hẳn được phần còn lại của thế giới hậu thuẫn mạnh mẽ.
Đó là tư duy quân sự trước đây của Trung Quốc. Nhưng sau hai thập kỷ liên tục hiện đại hóa quân đội, trên cơ bản QGPND cũng mới chỉ thay đổi chiến lược của mình trong vòng trên dưới một năm nay. Theo Fuell, những bài viết gần đây của các sĩ quan quân đội Trung Quốc cho thấy “một sự tự tin đang gia tăng trong hàng ngũ QGPND là họ có thể sẵn sàng chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ.”
Trung Quốc không còn bàn đến kế hoạch tấn công phủ đầu nữa – và do đó không còn lo về nguy cơ bị Mỹ phản công trên qui mô lớn. Thay vì vậy, Bắc Kinh tin rằng họ có thể tấn công Đài Loan hay một nước láng giềng khác đồng thời cũng có thể ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ mà không đổ máu. Bắc Kinh sẽ làm điều này bằng cách ồ ạt triển khai các lực lượng quân sự cực mạnh – tên lửa đạn đạo, tàu sân bay, máy bay chiến đấu phản lực, và các vũ khí tương tự – đến nỗi Washington không dám dính líu.
Những hiệu ứng gián tiếp do việc Trung Quốc ngăn chặn được Hoa Kỳ có thể thay đổi trật tự thế giới. “Rút khỏi những cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ Đài Loan, Nhật Bản, hay Philippines sẽ đồng nghĩa với việc khoán trắng khu vực Đông Á cho Trung Quốc thống trị,” Roger Cliff, một nhà nghiên cứu tại Atlantic Council, đã phát biểu như thế trong điều trần trước Ủy ban Duyệt xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung nói trên vào ngày 30 tháng Giêng.
Tai hại hơn nữa, trật tự kinh tế tự do của thế giới – và thật vậy, toàn bộ ý niệm dân chủ – có thể chịu tổn thất vô phương cứu chữa. “Hoa Kỳ có lợi ích vật chất lẫn tinh thần trên một thế giới trong đó các quốc gia dân chủ đủ sức tồn tại và phát triển,” Cliff khẳng định.
May thay cho cái trật tự tự do đó, Mỹ vẫn nắm trong tay lực lượng tàu ngầm hùng mạnh nhất thế giới, hơn hẳn các nước khác – một lực lượng sẵn sàng nhấn chìm bất cứ một hạm đội xâm lược nào của Trung Quốc. Trong khi tuyên bố họ sẵn sàng đẩy lùi sức mạnh quân sự Mỹ, QGPND hình như đã bỏ qua lợi thế to tướng ở dưới mặt biển của Washington.
(Ảnh: Chuyên viên Truyền thông đại chúng Class Adam K. Thomas/Hải Quân Mỹ/Getty Images)
Binh chủng thầm lặng
Thật không đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh bỏ qua sức mạnh tàu ngầm của Mỹ. Hầu hết dân Mỹ cũng bỏ qua đội tàu đang ở trong lòng đại dương của mình – và việc này không hoàn toàn là lỗi của họ. Lực lượng tàu ngầm Mỹ chịu khó tránh xuất hiện trên tin tức báo giới để gia tăng tính bảo mật và khả năng tàng hình đến mức tối đa. “Chiếc tàu ngầm đi tuần tra bốn biển mà không ai trông thấy,” theo cách mô tả trên Website của Hải quân Mỹ.
Vừa không ai thấy vừa không ai nghe. Đó là lý do tại sao lực lượng tàu ngầm Mỹ tự xưng là “Binh chủng Thầm lặng [the Silent Service].”
Hải quân Mỹ có 74 tàu ngầm, trong đó 64 chiếc là tàu ngầm tấn công hay tàu ngầm tên lửa, được tối ưu hóa để phát hiện và đánh chìm các tàu địch hoặc đánh phá các mục tiêu trên bộ. Số còn lại là tàu ngầm tên lửa đạn đạo [ballistic-missile boats] mang tên lửa hạt nhân và thường không tham gia các chiến dịch quân sự dễ đưa đến một Thế chiến III với vũ khí hạt nhân.
33 tàu ngầm tấn công và tàu ngầm tên lửa trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, với căn cứ chính nằm tại bang Washington, California, Hawaii, và Guam. Được triển khai để hoạt động liên tục khoảng 6 tháng cứ mỗi một năm rưỡi, các tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ thường xuyên ghé lại Nhật Bản và Hàn Quốcvà thỉnh thoảng thậm chí mạo hiểm đi dưới lớp băng của Bắc Băng Dương.
Theo Đô đốc Cecil Haney, cựu chỉ huy trưởng lực lượng tàu ngầm Hạm đội Thái Bình Dương, bất cứ ngày nào cũng có 17 tàu ngầm đang hoạt động và 8 tàu ngầm “được triển khaiở vị trí tiền phương [forward-deployed],” nghĩa là chúng được bố trí trong một vùng có tiềm năng chiến đấu. Đối với Hạm Đội Thái Bình Dương, các vị trí này nói chung là các vùng biển gần Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ có dăm bảy loại tàu ngầm. Phần nhiều là tàu tấn công lớp Los Angeles vốn là thành phần nòng cốt trong thời Chiến tranh Lạnh; chúng đang được thay thế đều đặn bằng tàu ngầm lớp Virginia có khả năng tàng hình và máy dò tìm tinh vi hơn. Tàu bảo mật Seawolf, chỉ có 3 chiếc – tất cả đều hoạt động trong Thái Bình Dương – là loại tàu lớn, nhanh, và được trang bị bằng vũ khí nặng hơn các loại tàu ngầm khác. Tàu ngầm tên lửa lớp Ohio trước đây là tàu ngầm tên lửa đạn đạo [ballistic-missile boats], nhưng nay mỗi chiếc mang đến 154 tên lửa hành trình [cruise missiles].
Tàu ngầm Mỹ, nói chung, là lớn hơn, nhanh hơn, và mạnh hơn tàu ngầm của các nước khác trên thế giới. Và số lượng cũng nhiều hơn. Anh đang đóng vỏn vẹn 7 chiếc tàu ngầm tấn công Astute mới. Nga hướng đến mục tiêu duy trì khoảng 12 tàu ngầm tấn công hiện đại. Trung Quốc đang vất vả triển khai một nhúm tàu ngầm hạt nhân thô sơ.
Với khả năng lén lút bên dưới sóng nước và tấn công đột xuất bằng thủy lôi và tên lửa, tàu ngầm có tác dụng chiến thuật và chiến lược rất lớn so với số lượng tương đối nhỏ của chúng. Trong Cuộc chiến Falklands 1982, tàu ngầm Conqueror của Anh đã dùng thủy lôi đánh chìm tuần dương hạm General Belgrano của Argentina, giết chết 323 thủy thủ. Vụ đánh đắm này đã chặn đứng phần còn lại của hạm đội Argentina suốt cả cuộc chiến.
Một rào cản gồm 8 tàu ngầm Mỹ hiện diện một lúc chung quanh vùng biển của Trung Quốc cũng gây thiệt hại không kém cho các kế hoạch quân sự Trung Quốc, nhất là nếu ta xét đến các kỹ năng chống tàu ngầm hạn chế của QGPND. “Mặc dù Trung Quốc có thể kiểm soát mặt biển chung quanh Đài Loan, nhưng khả năng phát hiện và đánh chìm tàu ngầm Mỹ của Trung Quốc sẽ còn hết sức hạn chế trong một tương lai có thể thấy trước,” Cliff điều trần trước Ủy ban. “Những tàu ngầm này sẽ có khả năng đánh chặn và đánh chìm các tàu vận tải thủy bộ khi chúng vượt eo biển hướng về Đài Loan.”
Vì thế, sự kiện một quân đội Trung Quốc hiện đại hóa tin rằng mình đã nắm trong tay các phương tiện để đánh Mỹ trên sóng nước, trên đất liền, và trên không gần như không còn quan trọng nữa. Nếu quân đội này không thể đưa một đoàn tàu xâm lược đi an toàn trên biển như một nỗ lực thực hiện các tham vọng lãnh thổ, nó không thể thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình – chiếm Đài Loan và/hoặc một hòn đảo nào đó vốn được một nước láng giềng tuyên bố chủ quyền – bằng các phương tiện quân sự lộ liễu.
Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược của Washington. Vì Mỹ gần như đã hoàn thành cái trật tự thế giới mà họ đã ra sức xây dựng trong thế kỷ qua, họ chỉ cần duy trì và bảo vệ nó thôi. Nói cách khác, Mỹ ở thế thượng phong chiến lược đối với Trung Quốc, vì Trung Quốc phải tấn công và thay hình đổi dạng thế giới này mới giành được những gì họ muốn.
Trong điều kiện quân sự thực tiễn, điều này có nghĩa là Lầu Năm Góc không ít thì nhiều có thể làm ngơ phần lớn các khả năng quân sự của Trung Quốc, kể luôn cả những thứ vũ khí có vẻ đe dọa các ưu thế truyền thống của Mỹ trong các lãnh vực như vũ khí hạt nhân, không chiến, hành quân cơ giới trên bộ, và điều động hải quân trên biển.
“Chúng ta sẽ không đổ bộ lên Trung Quốc, nên các lực lượng bộ binh sẽ không đóng một vai trò nào,” Wayne Hughes, một giáo sư tại Trường Sau Đại học Hải quân Hoa Kỳ [the U.S. Naval Postgraduate School], giải thích. “Chúng ta sẽ không tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trước. Chúng ta sẽ không theo đuổi một kế hoạch tiến công bằng không quân và hải quân nhắm vào đại lục, bởi vì đó là cách chắc chắn nhất để châm ngòi cho Thế chiến IV.”
Thay vì vậy, Mỹ phải từ chối Trung Quốc khả năng tiếp cận các vùng nước gần họ. “Chúng ta chỉ cần có vừa đủ khả năngtiếp cận để đe dọa một cuộc hải chiến,” Hughes nói tiếp. Theo quan điểm của ông, một hạm đội được tối ưu hóa để chống lại Trung Quốc phải có những số lượng lớn các chiến hạm nhỏ để thực hiện một cuộc phong tỏa thương mại. Nhưng lực lượng chiến đấu chủ yếu phải là tàu ngầm, đủ sức “đe dọa phá hủy tất cả chiến hạm và thương thuyền Trung Quốc trong biển Hoa Đông và biển Hoa Nam [Biển Đông].”
Cliff ước tính rằng trong lúc lâm trận, mỗi chiếc tàu ngầm Mỹ sẽ có thể bắn “vài trái thủy lôi” trước khi cần “rút lui để bảo toàn.” Nhưng giả dụ 8 chiếc tàu ngầm Mỹ [ở tuyến ngăn chặn], mỗi chiếc bắn ra 3 trái thủy lôi, và chỉ nửa số thủy lôi đó trúng đích, thì các tàu ngầm tấn công này của Mỹ có thể hủy diệt toàn bộ các chiến hạm thủy bộ [amphibious ships] chính của Trung Quốc – do đó hủy diệt luôn khả năng đổ bộ lên Đài Loan hay chiếm giữ một đảo đang bị tranh chấp.
Đợi cho Trung Quốc suy yếu
Nếu các tàu ngầm Mỹ có thể giữ vững tuyến ngăn chặn thêm 20 nămnữa, Trung Quốc có thể trở nên già nua không còn ở trong tư thế hung hăng như hiện nay, trong khi đó họ chưa tấn công được nước nào. Nguyên do là, các xu thế kinh tế và dân số tại Trung Quốc đang cho thấy một dân số đang già nua nhanh chóng, mức tăng trưởng kinh tế đang giảm dần, và các nguồn lực có thể dùng để hiện đại hóa quân đội đang trở nên khan hiếm hơn.
Nói cho ngay, gần như mọi nước phát triển cũng đang kinh qua tình trạng lão hóa dân số, trì trệ kinh tế và do đó cần đến hòa bình hơn. Nhưng các xu thế này của Trung Quốc lại nổi bật hẳn lên vì sinh suất tại nước này đã giảm cực nhanh do chính sách một con của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một yếu tố khác đưa đến sự suy yếu của Trung Quốc là tốc độ khác thường theo đó kinh tế Trung Quốc đã bành trướng hết tiềm năng của mình, do nỗ lực tập trung đầu tư của một chính phủ độc tài… và cũng do chính phủ đó đã hoàn toàn chà đạp lên môi trường thiên nhiên và quyền sống của người dân Trung Quốc bình thường.
“Mô hình kinh tế đã thúc đẩy Trung Quốc qua ba thập niên tăng trưởng ngoạn mục có vẻ thiếu bền vững,” Andrew Erickson, một nhà nghiên cứu tại Đại học Chiến tranh Hải quân, đã phát biểu trước Ủy ban Duyệt xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung nói trên.
Cái mà Erickson mô tả là “tiềm năng quốc gia được dồn nén [pent-up national potential]” của Trung Quốc có thể bắt đầu cạn kiệt kể từ năm 2030; vào thời điểm này, “Trung Quốc sẽ có một tỉ lệ dân số trên 65 tuổi cao nhất thế giới,” ông tiên đoán. “Một xã hội già nua với nhiều cao vọng, lại bị đè nặng bởi những con số bệnh tật kinh niên do lối sống ăn không ngồi rồi, chắc chắn sẽ lấy bớt ngân sách của việc phát triển quân đội lẫn tăng trưởng kinh tế vốn chống đỡ xã hội đó.”
Bằng một chính sách khôn ngoan, các lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ đã thực hiện những đầu tư cần thiết để duy trì sức mạnh của lực lượng tàu ngầm Mỹ chí ít trong vòng 20 năm tới. Sau một đợt cắt giảm việc sản xuất tàu ngầm gây nhiều lo ngại, bắt đầu từ năm 2012 Lầu Năm Góc đã yêu cầu – và Quốc hội đã cấp ngân sách –mua mỗi năm 2 tàu ngầm lớp Virginia, trị giá 2,5 tỉ USD mỗi chiếc, một mức độ đủ để duy trì đội tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới trong một thời gian vô hạn định.
Lầu Năm Góc cũng đang cải thiện đồ án thiết kế tàu ngầm lớp Virginia, có thêm máy bay drone [máy bay oanh kích không người lái] được phóng từ dưới mặt biển, gia tăng khả năng phóng tên lửa, và với tiềm năng được trang bị thêm một tên lửa chống chiến hạm loại mới nhất.
Căn cứ vào địa vị hiện nay của Trung Quốc ở trên thế giới, các xu thế quốc gia chủ yếu của nước này và lợi thế nổi bật của Mỹ chỉ trong một khía cạnh của sức mạnh quân sự [tức tàu ngầm], một vũ khí có thể gây thiệt hại nặng nề cho các kế hoạch quân sự của Trung Quốc, các sĩ quan QGPND có vẻ lạc quan khi cho rằng họ có thể mở một cuộc tấn công đánh vào các nước láng giềng của Trung Quốc mà không cần trước hết phải loại các lực lượng Mỹ ra khỏi vòng chiến.
Một tấn công phủ đầu như thế sẽ khôngthay đổi được tình hình, vì các lực lượng duy nhất của Mỹ thực sự có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn Trung Quốc chính là những lực lượng mà Trung Quốc không thể đụng đến.
Vì chúng hoạt động dưới biển sâu.
D. A.
Dịch giả gửi BVN.