Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa chính thức giao nhà cho bà quả phụ Hải quân trung tá Ngụy Văn Thà

Ảnh: Facebook Nguyễn Thông (https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374?hc_location=timeline)

Hôm nay, 11-7-2014, Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa chính thức giao nhà cho bà quả phụ Hải quân trung tá Ngụy Văn Thà (nhũ danh Huỳnh Thị Sinh), đó là một căn hộ 3 phòng, rộng hơn 60 m2 nằm trên tầng năm (5.05) cao ốc B – Nguyễn Kim, phường 7, Quận 10. Đây là lần đầu tiên bà Huỳnh Thị Sinh có quyền sở hữu nhà.

Hải quân Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Chiến hạm Nhật Tảo (HQ-10), cùng với 73 người lính Việt Nam Cộng hòa khác, hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa chống lại quân Trung Quốc ngày 19-1-1974. Khi chồng hy sinh, bà Huỳnh Thị Sinh chỉ mới 26 tuổi. Trong suốt 40 năm qua, bà Sinh đã âm thầm thờ chồng, lặng lẽ nuôi ba con gái trong căn hộ ấy mà vợ chồng bà đã sống từ năm 1973 đến năm 2009, khi chung cư bị giải tỏa để xây những cao ốc mới.

Ảnh: Facebook Nguyễn Thông (https://www.facebook.com/thong.nguyen.7374?hc_location=timeline)

Bà Sinh đăng ký nhận một căn hộ tái định cư kèm theo một khoản tiền hỗ trợ là 546 triệu đồng. Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, khu tái định cư chưa hề có dấu hiệu khởi công. Do tuổi cao sức yếu, bà Sinh có nguyện vọng muốn chuyển sang mua một căn hộ trong khu kinh doanh (xây dựng trên nền chung cư Nguyễn Kim trước đây). Từ ngày 15-2-2014, chúng tôi đã bắt đầu cùng bà xúc tiến thủ tục, nhưng phải tới nay, sau gần năm tháng, việc mua nhà cho bà Huỳnh Thị Sinh mới hoàn thành.

Căn hộ mới có giá bán (bao gồm cả thuế) lên tới 1.343.797.981 VNĐ. Trong thời gian chờ nhà tái định cư, Nhà nước đã chi một số tiền để bà Sinh thuê nhà, cho nên “khoản tiền hỗ trợ” 546 triệu bị trừ đi, còn 229.505.000 VNĐ. Nhịp Cầu Hoàng Sa đã chi trả toàn bộ số tiền còn lại là 1.114.292.981 VNĐ. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức mà chúng tôi dự tính (750 triệu đồng).

Với mức 750 triệu đồng, chúng tôi có thể mua một căn hộ ở ngoại ô. Nhưng, cả đời bà Huỳnh Thị Sinh đã gắn bó với nơi đây; các anh, em ruột của bà cũng đang sinh sống quanh đây. Nguyện vọng của bà là có một căn hộ ở nơi mà anh em có thể qua lại thăm nhau, bà có thể phụ giúp các cháu buôn bán.

Sau nhiều lần trao đổi với bà Huỳnh Thị Sinh và các thành viên Nhịp Cầu Hoàng Sa, chúng tôi quyết định mua căn hộ này. Tuy mức giá vượt quá xa so với dự toán ban đầu nhưng chúng tôi nghĩ rằng, ý nghĩa của ngôi nhà sẽ không còn trọn vẹn nếu nó làm đảo lộn cuộc sống thường nhật của bà Huỳnh Thị Sinh và khiến bà phải xa nơi đầy ắp kỷ niệm với người chồng mà bà đã dành trọn tuổi xuân thờ phụng.

Nhịp Cầu Hoàng Sa là một chương trình được khởi xướng từ ngày 7-1-2014 bởi một nhóm các nhà báo: Vũ Kim Hạnh, Cựu TBT Tuổi Trẻ; Nguyễn Thế Thanh, Cựu TBT báo Phụ Nữ TP; TS Nguyễn Thị Hậu, kỹ sư Đỗ Thái Bình…  Sau hơn sáu tháng vận động, Chương trình đã nhận được sự ủng hộ bằng tiền, bằng hiện vật từ hơn 524 lượt đóng góp với tổng số tiền là 1.711.965.042 VNĐ.

Trong dịp Tết Giáp Ngọ, Nhịp Cầu Hoàng Sa đã gửi tặng 10 phần quà, mỗi phần 5 triệu đồng tới 5 gia đình Hoàng Sa và 5 gia đình Gạc Ma. Cùng thời gian xúc tiến việc mua căn hộ này cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Nhịp Cầu Hoàng Sa chi 320 triệu đồng giúp cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo mua một lô đất ở thành phố Hà Tĩnh và sẽ chi thêm 80 triệu giúp anh Thảo xây nhà; Nhịp Cầu Hoàng Sa cũng đang xúc tiến thủ tục để giúp bà Hồ Thị Đức – mẹ của thiếu úy Trần Văn Phương, anh hùng trong trận hải chiến Gạc Ma – sửa nhà ở Quảng Bình.

Như đã cam kết với các bạn, Nhịp Cầu Hoàng Sa sẽ tiếp tục vận động để giúp bà quả phụ Hải quân thiếu tá Nguyễn Thành Trí cải thiện chỗ ở; giúp các gia đình Hoàng Sa, Gạc Ma khác vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Nhịp Cầu Hoàng Sa xin thông báo kết quả ban đầu này, xin chân thành cám ơn toàn thể các bạn đã quan tâm và nhiệt tình ủng hộ.

H.Đ.

Nhà báo Huy Đức gửi BVN

* *  * * *  *

Tin trên RFI:

Nhịp cầu Hoàng Sa nối người Việt với người Việt

Thụy My 

Đã bốn mươi năm, bà quả phụ Ngụy Văn Thà mới có được căn nhà để có chỗ đặt bàn thờ cho người chồng anh hùng. FB Nguyễn Thông

Ngày 11/07/2014 Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa đã chính thức giao nhà mới cho bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh tại Saigon. Bà là vợ góa của trung tá Hải quân Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo (HQ-10) đã hy sinh cùng với 73 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 trước quân xâm lược Trung Quốc, và là người đầu tiên được Nhịp cầu Hoàng Sa tặng nhà mới.

Trả lời RFI Việt ngữ, bà Huỳnh Thị Sinh cho biết cảm tưởng:

Bà Huỳnh Thị Sinh: Tôi rất vui mừng khi nhận được một căn nhà mà từ lâu mình hằng mơ ước – có một căn nhà để thờ chồng. Ngày hôm nay 11 tháng Bảy năm 2014 khi nhận được căn nhà ở cao ốc B tôi rất vui mừng và cảm động khi được hội Hoàng Sa lo cho. Tôi rất biết ơn và xin gởi đến những người đã hỗ trợ tôi để có được căn hộ này lời thành thật cảm ơn rất nhiều.

Lâu nay tôi vẫn ở trọ nhà người em. Hôm nay là ngày tôi vui mừng nhất. Căn nhà này ở gần khu nhà cũ của tôi, cũng ở chợ Nhật Tảo – nhà cũ của tôi ở cách chỉ có một con đường, băng qua là tới. Tôi có anh chị em ở gần đó, chừng 200 mét. Điều này rất tiện cho tôi vì tôi cũng lớn tuổi rồi, khi đau ốm hay có việc gì thì mấy anh em có thể tới phụ giúp. Tôi đã được toại nguyện nhờ Nhịp cầu Hoàng Sa, nên rất vui mừng.

Hôm nay có nhiều người điện thoại tới hỏi thăm và mừng cho tôi, ở trong miền Nam và Hà Nội nữa. Hồi sáng làm lễ giao nhà có đông người lắm, rồi báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, báo điện tử… quay phim chụp hình, những nhà thơ nhà văn, Chuẩn đô đốc về hưu Lê Kế Lâm… đông lắm. Thấy người ta quan tâm tới mình cũng hết sức cảm động, bốn mươi năm rồi mới được cái ngày hôm nay. Tôi rất biết ơn những người đã hỗ trợ, giúp đỡ mình.

Còn nhà báo Huy Đức, một trong những người chủ xướng Nhịp cầu Hoàng Sa cùng với các nhà báo Thế Thanh, Kim Hạnh, kỹ sư Đỗ Thái Bình… tuy không hề muốn lên tiếng trên truyền thông, nhưng cuối cùng cũng đã thổ lộ:

Nhà báo Huy Đức: Tinh thần của chương trình rất đơn giản. Ở trong nước các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ thường được các tổ chức chính trị của đảng xây cho “nhà tình nghĩa”; nhưng chúng tôi chủ trương không gọi những nhà như thế là “tình nghĩa”, mà là hành động tri ân thôi.

Nhịp cầu Hoàng Sa, như tên gọi, là bắc một nhịp cầu. Tiền đóng góp là của công chúng, của những người Việt Nam ở trong nước và ở khắp nơi trên thế giới gửi về thông qua Nhịp cầu Hoàng Sa. Mua nhà, sửa nhà, giúp đỡ các gia đình Hoàng Sa, Gạc Ma… những cử chỉ đấy chúng tôi không gọi là cử chỉ “tình nghĩa”, mà là hành động người Việt tri ân những người Việt đã hy sinh, đã vị quốc vong thân.

Ngay cả khi trao nhà rồi, mình cũng có đề nghị những người như bà Ngụy Văn Thà không cần phải nói một lời cám ơn nào cả. Bởi vì không phải cho, tặng gì cả mà là hành động tri ân. Những hy sinh của họ cho đất nước thì không gì có thể đền đáp được. Không thể vì mình trao có một cái nhà nho nhỏ, rồi mình bắt người ta phải nói những lời cám ơn.

Nhưng điều quan trọng hơn: Hoàng Sa là nơi duy nhất mà người Việt Nam không bắn vào người Việt Nam! Trong cuộc chiến giai đoạn 1954-1975, Hoàng Sa là nơi mà những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu chống lại một đội quân thực sự là xâm lược, đó là quân Trung Quốc mà hiện nay vẫn đang còn chiếm giữ đảo Hoàng Sa.

Nhịp cầu Hoàng Sa một mặt tri ân, mặt khác muốn nhắc nhở mọi người nhớ rằng một phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam đang nằm trong tay quân xâm lược Trung Quốc; thông qua việc giúp đỡ các gia đình Hoàng Sa, những người lính Gạc Ma, những gia đình liệt sĩ Gạc Ma, của những người từ cả hai phía của Việt Nam trong thời chia cắt.

Và nhịp cầu này không phân biệt ai cả. Nó nối người Việt với người Việt. Những đồng tiền mà người Việt khắp nơi trên thế giới gửi về, không phải là những người phía Việt Nam Cộng Hòa đang sống ở Cali gửi về chỉ giúp bà Ngụy Văn Thà, mà những đồng tiền đấy còn giúp cả những người đã hy sinh để bảo vệ Gạc Ma – những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cho nên nhịp cầu này còn mang một ý nghĩa là bắc một nhịp cầu để người Việt đứng gần người Việt, mà con đường phía trước là đi đến một sự hòa giải cho Việt Nam.

RFI: Như vậy hoạt động tri ân này trên thực tế lại mang ý nghĩa  hòa giải rất lớn phải không anh?

Đương nhiên đây chỉ mới là những bước đi ban đầu, nhưng mục tiêu sâu xa hướng tới như vậy. Vì mình cho rằng sức mạnh của người Việt đã bị giảm đi rất nhiều bởi sự chia rẽ. Một trong những điều quan trọng là chúng ta đã thống nhất được giang sơn, mà không thể thống nhất được lòng người. Nhịp cầu Hoàng Sa chỉ là nỗ lực của một nhóm rất nhỏ. Chúng tôi muốn đánh thức vấn đề hòa giải dân tộc để phát triển quốc gia. Việc chúng tôi làm như một sự khởi đầu, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía và của tất cả mọi người.

RFI: Trong thời gian bao lâu mà quỹ đã huy động được bằng ấy tiền, thưa anh?

Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Giêng năm 2014, tính đến nay đã hơn sáu tháng, thu hút được trên 524 lượt đóng góp. Có những người đóng góp hai ba lần, và có những lượt đóng góp gồm nhiều người, cho nên con số chính thức bao nhiêu người thì khó biết. Có những nhóm bốn năm người, những cháu học sinh đóng góp những khoản tiền không lớn lắm, nhưng số lượng người cũng nhiều, góp được hơn 1,7 tỉ.

Hôm nay mới vừa giao nhà cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà, Nhịp cầu Hoàng Sa đã chi 1,114 tỉ trên tổng giá trị căn nhà 1,343 triệu (vì bà Thà được Nhà nước hỗ trợ một món tiền sau khi nhà cũ của bà thuê bị giải tỏa). Trong thời gian qua cũng đã chi gần 400 triệu để mua đất và cất nhà cho một cựu binh Gạc Ma đến giờ này vẫn chưa lấy vợ và chưa có nhà là anh Lê Hữu Thảo.

Nhịp cầu Hoàng Sa muốn làm được nhiều việc. Hiện đang sửa nhà cho bà mẹ của một anh hùng quân đội đã hy sinh trong trận Hải chiến Gạc Ma 14 tháng Ba năm 1988, và đang muốn góp một khoản tiền tương đối lớn để giúp bà quả phụ Nguyễn Thành Trí – Thiếu tá Nguyễn Thành Trí là Hạm phó chiến hạm Nhật Tảo, cũng hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974.

Số tiền còn cần khá nhiều, nhưng nhờ Nhịp cầu Hoàng Sa được sự ủng hộ của khá nhiều người nên chúng tôi cũng đang hy vọng trong thời gian tới có thể quyên góp được khoản tiền cần thiết cho chương trình.

RFI: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn nhà báo Huy Đức và bà quả phụ Ngụy Văn Thà đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ.

Nguồn:

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140711-nhip-cau-hoang-sa-noi-nguoi-viet-voi-nguoi-viet

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.