Tăng giá xăng: Giai đoạn cuối của cơ chế cưỡng đoạt

Kẻ cắp!

Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa ghi thêm một điểm nhấn lịch sử móc túi người dân khi đẩy giá xăng vượt ngưỡng 26.000 đồng/lít.

Một lần nữa, lại một lần nữa trong rất nhiều tái hiện bất biến của lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt hàng chiến lược quốc gia này được Petrolimex đẩy vọt chiến thuật ngay sau khi một kỳ họp quốc hội kết thúc.

Ngay cả ông Vũ Đình Ánh – người được mô tả là một chuyên gia thân cận với Chính phủ và thường có những lời lẽ bênh vực các nhóm lợi ích – cũng phải cho rằng bản chất là “người ta” không muốn giảm giá xăng dầu.

Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền vùn vụt phất cờ chiến dịch bù lỗ vào dân.

Trong tâm thế không thể không mở miệng, một số tờ báo nhà nước đã phải dùng đến cụm từ “móc túi dân” để mô tả hành vi không khác gì kẻ cắp của Petrolimex. Nhưng với dư luận nhiều người dân và cả giới cán bộ công chức lẫn lực lượng vũ trang, hành vi tăng giá xăng liên tục trong mấy năm qua của Petrolimex còn xứng danh với từ “kẻ cướp”.

Nhờ vào bối cảnh đó, những nhóm lợi ích như Petrolimex đã mặc sức tăng giá để khoét sâu hơn nữa nỗi khốn quẫn đau đớn của lớp người nghèo khó.

Bất chấp việc Petrolimex thua lỗ đến 10.700 tỷ đồng trong năm 2008 từ những khoản đầu tư trái ngành vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm, chiến dịch tăng giá xăng dầu đã luôn được những người đứng đầu Petrolimex âm thầm chuẩn bị và được lãnh đạo Bộ công thương cổ súy.

Tinh thần cổ súy đáng khen ngợi như thế biến diễn theo chiến thuật: mỗi khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp lại được quyền xin tăng giá trực tiếp qua Bộ Tài chính hoặc gây sức ép bằng cách găm hàng, không bán…, hoặc được trích lập quỹ bình ổn.

Còn khi giá giảm, doanh nghiệp có thể từ từ xin giảm giá hoặc chờ quyết định từ cơ quan quản lý.

Cũng bởi thế trong những năm qua, giá xăng dầu Việt Nam đã liên tục tiến chiếm những cột mốc lịch sử – một thành tích hoàn toàn đáng tự hào nếu xét đến kết quả “tận thu”.

“Đỉnh cao trí tuệ”

Giá lại đội lên một đỉnh cao mới, cùng với điều được coi là “đỉnh cao trí tuệ” mà bản hiến pháp năm 2013 đã lập kỷ lục như “tiếng nói của 90 triệu đồng bào” – một lời xác quyết chưa bao giờ vang vọng tháp ngà đến thế của Tổng bí thư Đảng.

Thế nhưng ở dưới đáy của cái tháp ngà vinh quang ấy, những người cam tâm phủ quyết toàn bộ nhiệt huyết đóng góp của đại đa số dân tình đã mặc lòng nhắm mắt bỏ qua cảnh tượng một bộ phận không nhỏ dân chúng và cả giới công chức đang phải trở về thời khốn khó của cơn bão giá – lương – tiền vào năm 1985-1987.

Hoàn toàn không nằm ngoài dự báo của giới quan sát độc lập, Hiến pháp 2013 đã trở thành một tín hiệu đồng thuận quyết liệt nhất cho sự tung hoành của các nhóm lợi ích.

Hoàn toàn không ngó ngàng đến yêu cầu phải giảm độc quyền và đặc lợi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, những người cố thủ trong lô cốt soạn thảo bản hiến pháp bị coi là “thụt lùi chưa từng thấy” này đã tiến thêm một bước dài trong việc cổ vũ các tập đoàn đặc quyền lao lên phía trước.

Phía trước ấy lại chính là gánh nặng sơn hà đang và sẽ luôn chồng chất lên đôi bờ vai lộ xương của các tầng lớp nhân dân, kể cả một bộ phận giới công chức cùng toàn bộ lực lượng vũ trang.

Những đợt tăng giá bất tận của Petrolimex sẽ khiến cho những đồng lương hưu ít ỏi trở nên cạn nghĩa trong bối cảnh mặt bằng giá hàng tiêu dùng thực tế gấp ít nhất ba lần con số báo cáo về chỉ số lạm phát.

Biểu tình!

Vào đầu năm 2013, một cuộc biểu tình lên đến hàng chục ngàn người ở Bungaria phản đối chính sách tăng giá điện đã làm thay đổi cả một chính phủ.

Sát với Việt Nam, đất nước Campuchia trong năm 2013 cũng đã rung chuyển bởi nhiều cuộc biểu tình của các tầng lớp dân oan đất đai.

Còn người Thái lại làm hơn cả thế với quy mô hàng triệu người xuống đường – một dũng khí mà đã khiến toàn bộ lực lượng quân đội bất động, còn cảnh sát không dám và càng không thể đàn áp.

Nhưng ở Việt Nam, điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều cú tăng giá xăng dầu, bất chấp đời sống có xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu thị hay biểu tình nào xứng đáng diễn ra trong lòng các đô thị.

Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40 hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.

Biểu thị thường thấy nhất chỉ là những nhóm tụm năm tụm ba bày tỏ thái độ bất mãn đối với chính sách điều hành kinh tế ngày càng tha hóa đạo lý của Chính phủ.

Không một ai hành động và xuống đường.

Không một ai xuống đường để phản đối và biểu thị thái độ cùng yêu sách giành lại cho mình cái quyền chính đáng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà các nghị quyết của Bộ Chính trị đảng vẫn luôn phát thanh như một khích lệ chỉ để nói.

Cũng không một ai xuống đường để thực thi cái quyền được biểu tình một cách hợp pháp đã được quy định trong các bản hiến pháp 1992, nhưng sau hơn hai chục năm vẫn chưa được luật định.

Không một trí thức và hưu trí nào xuống đường để cất lên tiếng nói “mình vì mọi người” và nói thay cho cả những người khác – lớp nông dân và công nhân thấp cổ bé họng không thể có nơi chốn biểu đạt và quá tự ti về thân phận chính trị đến mức không dám phản đối công khai những chính sách độc quyền đến mức độc địa của các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị.

Giai đoạn cuối

Tăng giá xăng là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt.

Tương lai và sinh mạng dân tộc Việt Nam đang phụ thuộc mật thiết vào những đợt tăng giá.

Cơ chế tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những đợt xuống giá chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.

Làm sao dân chúng có thể gìn giữ chút “lòng tin chiến lược” còn lại vào Nguyễn Tấn Dũng – người đầu tiên trong nội bộ đảng cầm quyền phất cờ về “đổi mới thể chế” và “xóa độc quyền”- khi chính phủ của ông vẫn tiếp tục để cho xương tủy của người nghèo bị rút kiệt nguồn máu sinh nhai?

T.S.

Nguồn: http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2014/07/12/xa-luan-cuoi-tuan-1272014-tang-gia-xang-giai-doan-cuoi-cua-co-che-cuong-doat/

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.