Một công nhân giờ nghỉ đọc báo Nhân Dân. AFP
Từ lâu nay người dân nhận thấy giữa những tờ báo gọi là chính thống của nhà nước Việt nam cũng có sự khác biệt về cách đưa tin tức, cách noi theo chỉ thị chung của đảng cộng sản Việt nam. Sau đây là ý kiến của một số nhà báo Việt nam về việc này.
Tác động của sự phát triển công nghệ thông tin
Đầu tháng năm năm 2014, tại Washington DC có diễn ra một cuộc hội thảo mang tên Hướng đến tự do thông tin tại Việt nam với sự tham dự của nhiều nhà báo tự do và blogger đến từ Việt nam. Nhà báo tự do Tô Oanh trình bày sự vận hành của ngành truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Việt Nam. Theo đó thì một bài báo phải qua nhiều lần kiểm duyệt, các Tổng biên tập của các tờ báo phải định kỳ họp giao ban với ban tuyên giáo trung ương, và đây chính là nơi định hướng cho các bài viết phải chứa đựng nội dung như thế nào. Theo ông Tô Oanh thì các vấn đề nhạy cảm sẽ được các buổi định hướng này tránh đi.
Ông Tô Oanh đã mô tả một cách ngắn gọn cách thức mà đảng cộng sản độc tôn kiểm soát truyền thông trong mấy mươi năm qua. Nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho sự kiểm soát độc tôn đó không còn chặt chẽ nữa với sự hiện diện của các blog, của FB,… Một thế giới thông tin tự do phát triển liên tục song hành với hệ thống của đảng cộng sản kiểm soát. Và ngay cả hệ thống nằm dưới sự kiểm soát của đảng, thường được gọi là “chính thống” hay “lề phải”, cũng không tránh khỏi sự thay đổi.
Đảng cộng sản độc tôn kiểm soát truyền thông trong mấy mươi năm qua. Nhưng sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho sự kiểm soát độc tôn đó không còn chặt chẽ nữa với sự hiện diện của các blog, của FB,… Một thế giới thông tin tự do phát triển liên tục
Trong sự thay đổi đó đã hình thành sự khác nhau giữa các tờ báo. Có những tờ báo nhanh chóng đưa những tin được cho là nhạy cảm như những tờ báo lớn phía Nam như Tuổi trẻ, Thanh niên,… Có những tờ báo thì không đưa những tin ấy, hoặc đưa rất trễ như các tờ Quân đội nhân dân, Nhân dân,… được cho là cứng rắn, rất sát với chủ trương của đảng cộng sản.
Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về sự khác biệt này.
Tháng tư năm nay tờ Thanh niên liên tục đưa tin về trận hải chiến Hoàng sa cách đây 40 năm, một chủ đề thường được cho là nhạy cảm vì dính dáng tới thể chế Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam trước đây. Từ đầu tháng Năm, các báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Vnexpress,… liên tục đưa tin về vụ giàn khoan của Trung Quốc, các báo Quân đội, Nhân dân thì phải chậm hơn vài ngày. Sau khi câu nói trịch thượng của ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc được truyền thông khắp thế giới đưa tin thì tờ báo về kinh tế ở TP HCM là Kinh tế Sài Gòn có bài chỉ trích. Trên trang mạng của báo Quân đội Nhân dân có hẳn một chuyên mục gọi là Chống diễn biến hòa bình, trong khi cụm từ “thế lực thù địch” lại ít thấy ở các tờ báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Vietnamnet,… mặc dù các tờ báo này cũng là những tờ báo hàng đầu đưa tin tức liên quan đến chính trị.
Báo chí Việt Nam (files photos)
Những tín hiệu mới trong làng báo Việt nam
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, một trong những người sáng lập Hội nhà báo Việt nam độc lập, nói:
“Tôi nhận ra khá rõ sự phân cực của một bộ phận khá lớn báo chí ở trong nhà nước với nhau. Những tin tức được coi là nhạy cảm vốn trước đây là sở hữu của các tờ báo đảng như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Sài gòn giải phóng, nay được đưa lên mặt các tờ báo khác, và họ đã mạnh dạn hơn khi đưa những tin tức nhạy cảm đó.
Tôi nhận ra khá rõ sự phân cực của một bộ phận khá lớn báo chí ở trong nhà nước với nhau. Những tin tức được coi là nhạy cảm vốn trước đây là sở hữu của các tờ báo đảng như Nhân dân, Quân đội ND, Công an ND, SGP, nay được đưa lên mặt các tờ báo khác, và họ đã mạnh dạn hơn khi đưa những tin tức nhạy cảm đó
Ông Phạm Chí Dũng
Điều đó thể hiện không những một sự phân hóa, phân cực trong làng báo chí mà nó còn thể hiện quan điểm độc lập tương đối của một số tờ báo này so với một số tờ báo khác.”
Một nhà báo khác xin không nêu danh tính lại không chia sẻ nhận xét này của ông Phạm Chí Dũng:
“Không! Tôi không thấy phân cực. Người làm báo nào họ cũng có lương tâm hết. Họ muốn nói điều đúng nhưng nhiều điều người ta không được nói thẳng. Và thế là người ta tìm cách diễn đạt theo một cách khôn khéo nào đó. Làm báo ở Việt nam thì anh biết rồi đó, viết là lách.
Viết là lách không phải là cách nói mới đây, mà là trước năm 1945 rồi. Riêng trong đời sống chính trị xã hội sau này thì viết phải là lách. Một số báo người ta muốn nói những điều trung thực hơn thì người ta phải khác những tờ báo khác. Người ta muốn đứng về phía nhân dân, phía sự thật, nói những điều bất công.”
Trao đổi với chúng tôi từ Hoa kỳ, nhà báo Đoan Trang từng làm việc ở báo Pháp luật TP HCM cũng không cho rằng có sự phân cực về quan điểm mà là sự khác biệt nằm ở chổ khả năng của các nhà báo khác nhau.
Phóng viên Nguyễn Huy Khâm, làm việc cho hãng tin Reuters tại Hà nội lại có một cái nhìn khác.
“Báo chí trong nước dù là ẩn dưới dạng một công ty đầu tư, hay ăn hoàn toàn vào ngân sách nhà nước thì họ cũng phải tuân thủ một cái trục đó là Ban Tuyên giáo. Tuy nhiên có những tờ báo như Thanh niên và Tuổi trẻ ở miền Nam có nhiều người làm báo từ trước năm 1975, với những kiến thức học thuật khác nhau, họ sẽ nhìn nhận câu chuyện làm báo khác nhau.
Ở Việt Nam có một thực tế là mọi người đều tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, nhưng một số tờ báo rất ý thức được rằng khi Ban tuyên giáo chỉ đạo thì họ sẽ thực hiện, nhưng khi Ban tuyên giáo chưa chỉ đạo thì họ làm theo cái cách của họ. Có vẻ là với một số vấn đề nhạy cảm thì họ tận dụng cái quan điểm này.”
Tôi tin là lề trái sẽ mở đường cho lề phải, nói cách khác là họ sẽ mở rộng không gian tự do cho lề phải, báo chí chính thống của nhà nước…
Nhà báo Đoan Trang
Như vậy dù đồng ý hay không đồng ý về sự khác biệt, các nhà báo cũng nhận thấy có một sự thay đổi trong làng báo Việt nam. Và sự thay đổi này có vẻ như lại được thúc đẩy bởi những vấn đề liên quan đến an nguy của dân tộc. Nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng theo một nguồn tin mà ông chưa kiểm chứng được thì trong một cuộc họp giao ban của Ban Tuyên giáo trung ương với các báo và đài phát thanh truyền hình, một chức sắc của Ban này yêu cầu dừng việc đưa tin Việt Nam kiện Trung quốc về vấn đề biển đảo. Và yêu cầu này đã bị một số đại diện báo chí phản ứng gay gắt.
Nhận định về tương lai của một nền báo chí tự do tại Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng cho rằng ông cảm thấy báo chí Việt nam, cũng như xã hội Việt nam đang nằm ở giai đoạn tương tự tại Miến Điện vào thời gian 2010-2011 trước khi luật kiểm duyệt của giới quân nhân bị bãi bỏ. Tuy nhiên ông cũng nói thêm là một điều quan trọng nữa ở Miến Điện lúc đó là đã có đảng đối lập.
Nhà báo Đoan Trang, trong lần trao đổi với chúng tôi vào đầu năm nay nói rằng có một ảnh hưởng lên báo chí “chính thống” từ mạng truyền thông không chính thức:
Tôi tin là lề trái sẽ mở đường cho lề phải, nói cách khác là họ sẽ mở rộng không gian tự do cho lề phải, báo chí chính thống của nhà nước…
Chia sẻ quan điểm này ông Phạm Chí Dũng cho rằng trong tương lai gần sẽ có sự giao thoa nào đó giữa hai hệ thống báo chí, “chính thống” và “không chính thống” hiện nay.
Trong bối cảnh thay đổi như vừa nêu, nhiều nhà báo mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra vui mừng với sự ra đời của Hội nhà báo độc lập, dù họ cũng cho rằng để đạt được đến một nền báo chí thực sự độc lập và tự do thì cần có sự cố gắng và thay đổi không phải trong thời gian ngắn.
K.H.
Nguồn:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-thr-disting-am-vn-mdia-07102014075827.html