Thầy Nguyễn Quang Đạng trong tôi

Nửa thế kỷ trước, một thầy giáo có cách dạy tiên tiến như cách dạy của các nền giáo dục tốt nhất ở những nước phát triển hiện nay. Bài viết này là nén nhang lòng của học trò kính dâng thầy Nguyễn Quang Đạng nơi chín suối, góp chút hơi ấm tình thầy trò tới tập sách “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” về Trường PT cấp III Quảng Trạch được ấn hành.

Ông luôn là người “đồng học” cùng học trò; giảng dạy theo phương pháp “gợi mở”, hoàn toàn không đọc chép, không cưỡng bức học trò thu nhận những gì trong sách vở để phát huy trí tuệ của học sinh. Hồi ấy, ông coi sách giáo khoa là phương tiện “siêu phàm” như máy tính bây giờ, nên sử dụng nó đúng cách và hiệu quả. Là nhà giáo làm “chính trị” trong nhà trường, đã luôn tinh tế, khéo léo nên lôi cuốn được tâm hồn trẻ thơ để chúng hướng tới được lý tưởng cao đẹp của con người chân chính như chức năng, nhiệm vụ khó nhất và cao quý nhất của nhà trường phải làm. Thầy giáo Nguyễn Quang Đạng là thân phụ của Giáo sư – Nhà địa mạo số một Việt Nam Nguyễn Quang Mỹ, Nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nhà văn – nhà báo Nguyễn Quang Vinh

Thầy Đạng dạy môn“Chính trị”. Cái môn vốn khô khốc, không học trò nào muốn học. Có lẽ thế nên thầy tôi luôn có mẹo riêng của mình; hoặc là “nghệ thuật” riêng sẵn có trong thầy (?), để tiến hành các tiết giảng trơn tru, nhẹ nhàng đối với mỗi chúng tôi thuở ấy.

Bắt đầu bài mới, thầy bảo chúng tôi mở sách giáo khoa ra, hướng dẫn đánh dấu các cụm từ, các ý cơ bản trong bài. Thầy xoáy vào những chỗ được đánh dấu này, cắt nghĩa rành rọt từng ý từng lời rồi xâu lại thành chuỗi liên tưởng, gợi mở để chúng tôi tự mình tìm kiếm, đào bới ra những kiến thức mới mẻ trong đó. Thầy như người bạn “cùng học” gần gũi với chúng tôi, nhiều hơn là một “ông thầy”! Công đoạn này thường chỉ diễn ra khoảng nửa tiết học. Nửa tiết tiếp theo, thầy dành kể cho nghe những mẩu chuyện nhỏ liên quan trực tiếp tới bài mới vừa giảng.

Thầy dạy “Chính trị” nhưng những chuyện thầy kể thường là những chuyện trong kho tàng văn chương, lịch sử, âm nhạc, thiên văn, địa lý, khoa học… đông tây kim cổ vô cùng phong phú, sinh động. Có những bài về thực tế thời đó trong xã, trong huyện, trong tỉnh; nhưng thầy vẫn lồng biết bao vẻ đẹp của bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… những mong nảy ra chất liệu bồi đắp lý tưởng sống cho học trò.

Khi giảng, thầy muốn chúng tôi tập trung nhìn và nghe thầy. Thầy bảo, chỉ nhìn và nghe thầy thôi; không cần phải ghi chép gì cả. Những thứ cần ghi chép đã có trong sách giáo khoa cả rồi. Mọi nội dung cần nhớ đã có sẵn trong đó rồi. Muốn ghi gì thì sau tiết học hẵng ghi. Chỉ ghi những gì chúng tôi thấy thật đặc biệt để nhớ thôi. Đó chính là thứ “của riêng” mình, không còn là của thầy của sách giáo khoa nữa, như thế nó sẽ đi suốt với mình. Thành ra, đám học trò chúng tôi thực sự thích thú và chìm lắng trong từng tiết giảng của thầy. Nó nhẹ tênh, học mà như chơi vậy.

Có một bài kiểm tra học kỳ vào năm tôi học lớp 9 (lớp 11 bây giờ), hồi sơ tán tại Bầu Mây, Quảng Lưu – năm 1965. Đề bài thầy ra là: Em hiểu gì về “Giá trị thặng dư” trong chuỗi lợi nhuận tư bản? Tôi biết thầy hay có những liên hệ thực tế rất hay. Thế là tôi bắt chước để thể hiện trong bài kiểm tra này. Sau khi phân tích các lý lẽ, tôi liền đưa ngay dẫn chứng cụ thể nhằm tăng tính thuyết phục. Bài kiểm tra này thầy cho tôi “năm cộng” (5+). Cả lớp chỉ một bạn nữa là Đặng Văn Cường – người Hòa Ninh, cũng được điểm “năm” (5). Khi thầy công bố tôi được “năm cộng”, cả lớp cười ồ lên. Vì thông thường, làm gì có mức điểm này. Thầy nói: trò Vinh và Cường hiểu bài như nhau, kiến thức trong bài đầy đủ như nhau; nhưng bài của em Vinh thể hiện lưu loát, sinh động hơn nên thầy cho “năm cộng”. Thầy nhấn mạnh “hiểu bài” chứ không phải “thuộc bài”. Mục tiêu của giáo dục là nhận thức, chứ không phải sao chép, nên “thuộc bài” chả có ý nghĩa gì cả. Điểm 5 thời ấy là to nhất rồi, thang điểm “Liên Xô” chỉ ở cấp 3, như điểm 10 bây giờ. Dấu cộng này, được thầy cộng vào bài kiểm tra khác, khi kết quả bài làm của tôi đạt dưới điểm 5. Tôi vô cùng sung sướng và nhớ mãi tới nay thành kỷ niệm để đời.

Năm 1964, tôi đỗ lớp 8, trường cấp 3 Quảng Trạch. Tôi là người làng Hòa Ninh, oách lắm. Tôi được xếp vào học lớp 8C. Tôi trọ học ở nhà mệ Tho, cách nhà thầy Đạng chỉ một quãng đường. Nhà thầy tôi nằm bên mép tay trái của con đường nội thị rải đất đỏ bazan từ thị trấn Ba Đồn xuống ngã tư đường 1 thiên lý Bắc – Nam. Ngôi nhà lợp lá tro, ba gian, nằm gần cầu Phôốc; phía trước nhà là đường quan với hai hàng dương liễu cao vống bám đầy bụi đỏ, phía sau là ruộng sâu chỉ thấy cây cỏ năn mọc rặt là năn thôi. Sáng sớm và chiều muộn, có rất nhiều người ra đây câu cá tràu. Tôi nhớ hình ảnh thầy dáng cao cao, nước da ngăm ngăm, tóc để dài chải hất ngược sau gáy. Thầy tôi hay đội mũ rộng vành, hình như là mũ lá dừa Thanh Hóa. Trong cảm thức của nhà văn Nguyễn Quang Lập tôi từng đọc, ông là người cha khá nghiêm khắc; nhưng trong tôi, thầy thật hiền. Hồi ấy dính đến cán bộ Đảng là ai cũng sợ. Thầy là Bí thư chi bộ của trường, nhưng gần gũi và dân dã. Trên lớp, thầy luôn nở nụ cười tươi vô cùng đôn hậu với học trò. Tôi chưa từng thấy thầy cáu bao giờ.

Dạy và học – thuở ấy đã quá xa xưa… Còn bây giờ, nền giáo dục nước nhà đang làm gì vậy? Nhiều con em chúng ta vốn thông minh, học hành thi cử luôn đạt điểm cao; nhưng khi đi làm,nó chả làm được việc gì ra việc gì cho cha mẹ ưng ý. Dường như vốn liếng mười mấy năm ăn học, thi đỗ nhận bằng cấp xong là nằm im ỉm trong óc; chúng không lôi được ra để ứng phó với thiên hình vạn trạng của cuộc sống. Buồn quá.

 Học trò Lê Quang Vinh

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.