Bất cứ thủ đoạn gì, tinh vi và thâm hiểm đến đâu, ông láng giềng phương Bắc đều có đủ và có truyền thống đã từ rất xa xưa. Cứ xem sách Đông Chu liệt quốc là thấy rõ. Chỉ khổ cho những kẻ đang toàn quyền chèo lái vận mệnh dân tộc thì lại không có một chút tri thức nào về chiều sâu không đáy của cái túi khôn đó, mà tri thức này đâu phải cứ đọc một vài cuốn giáo trình mác xít sơ giản dành cho loại cán bộ bổ túc từ cấp I lên là có được.
Trong khi đó về mặt đầu óc, các bác nhà ta vẫn chưa bứt lên khỏi mối liên hệ gốc rễ, vẫn là cách nghĩ của người có trong tay vài vuông đất, ít giạ lúa, nay bỗng nhiên được cưỡi trên cả một đất nước 85 triệu người thì vừa đâm ra ngợp, mặt khác cũng đâm ra hãnh tiến, thấy sướng như mở cờ, tha hồ vung vít “đổi thay xoay trở” cho thả phanh. Cứ vậy mà đòi đối phó với các thứ đòn tâm lý, đòn chính trị, đòn ngoại giao nặng chùy của đối phương thì làm sao đối phó cho lại?
Cho nên, hễ nghe một lời phỉnh phờ ngon ngọt là dỏng tai lên mà nghe, một lời dọa dẫm hung hăng là mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Rồi thì bừa phứa bán đất, bán rừng, cho người ta vào đào khoét tài nguyên khoáng sản… mà tầm mắt, trình độ và tư cách đạo đức quá giới hạn lại cho phép huyễn hoặc cả tin rằng đó là quyền sở hữu của mình, mình muốn làm gì chả được, làm cho “đã” trong cái khoảng thời gian mà mình đang ung dung trên “ghế”.
Thử hỏi, đất nước có nguy hay không nguy?
Bauxite Việt Nam
Chuyện Tăng Sâm giết người
Nguồn: Cổ học tinh hoa
Ông Tăng Sâm ở đất Phi, ở đấy có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người”.
Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc lại có người đến bảo:”Tăng Sâm giết người”.
Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi.
Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”.
Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.
Chú thích:
Tăng Sâm là người thời Xuân Thu, tính chất chân thật và có hiếu, học trò đức Khổng Tử về sau truyền được đạo của ngài.
Lời bàn:
Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo, bà mẹ vốn là người trung tín, một bụng tin con.
Thốt nhiên có kẻ bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ không tin, và người thứ hai bảo, còn chưa tin; đến người thứ ba bảo, thì cuống cuồng chạy trốn.
Như thế mới hay cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Một việc, dù cho sai lầm đến mười mươi, nhiều người đã có cùng một nghị luận đều như thế cả, thì cũng dễ khiến người ta nghi nghi hoặc hoặc rồi đem bụng tin mà cho là phải, nom đỉa hóa ra con rươi, trông con chó thành con cừu.
Đến như giữa chợ, làm gì có cọp! Thế mà một người, hai người, đến ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật nữa là!
Những bậc ra được ngoài vòng dư luận, giữ vững được bụng như cây giữa rừng, như kiềng ba chân rất là hiếm, nhưng có thế được mới cao.
Một chân lý có chứng minh rõ ràng, mười phần chắc chắn, thì mới nên công nhận.
Hết trích dẫn
Mấy hôm nay tôi hay nghĩ tới chuyện ông Tăng Sâm giết người và liên hệ với chuyện Trung Quốc bóng gió đòi chủ quyền của họ đối với đảo Bạch Long Vĩ.
Tôi nghĩ có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc đang dùng chiến thuật mưa dầm thấm đất này.
Ban đầu họ tung ra những thông tin hư hư thực thực nào đó.
Ban đầu chắc cũng chẳng ai tin, hoặc quan tâm.
Nhưng rồi, khi Trung Quốc cứ rỉ rả hoài, thì người không quan tâm có thể sẽ bắt đầu quan tâm, người không tin có thể bắt đầu dao động, thậm chí ngay cả người Việt Nam cũng có thể dao động, lung lay hoặc phản ứng thiếu cẩn trọng.
Bằng cách này, Trung Quốc có thể dần dần áp đặt “tình trạng tranh chấp” lên một hòn đảo vốn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trong câu chuyện Bạch Long Vĩ, bà mẹ là dư luận quốc tế, và cả người Việt Nam, còn những người báo tin kia là những tờ báo, hãng tin của Trung Quốc.
Nguồn: http://blogmrdo.blogspot.com/2010/04/tang-sam-giet-nguoi.html