Philippines tuần này ủng hộ Thủ tướng Nhật Bản về quyền hạn quân sự rộng lớn hơn của nước này. Đây là động thái mới nhất từ các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc để đoàn kết chống lại hành động ngày càng quyết liệt của nước này ở vùng Biển Đông và Nam Trung Hoa.
Vào lúc Bắc Kinh tiếp tục khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn ở Biển Đông, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đang tăng cường quan hệ về quân sự và ngoại giao với nhau.
Nhà nghiên cứu Ely Ratner thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nói rằng ba nước nói trên đang gác lại xung đột lịch sử với nhau để phản ứng trước sự hung hăng liên tục của Trung Quốc.
“Không có gì nghi ngờ rằng các nước trong khu vực cùng cảm thấy lo sợ về những gì họ xem là kiểu hành vi ngày càng quyết liệt của Trung Quốc từ biển Đông Trung Hoa xuống Biển Đông,” ông Ratner nói.
Phản ứng khu vực
Hai tháng vừa qua là hai tháng căng thẳng. Vào tháng Năm, Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Một vài tuần sau đó, binh sĩ Việt Nam và Philippines dành một ngày giao lưu trên một hòn đảo tranh chấp – không bên nào khẳng định vị thế thống trị, nhưng cả hai đều đoàn kết chống lại sức mạnh xâm lấn của Trung Quốc.
Sau đó, trong một chuyến thăm chính thức Nhật Bản hồi đầu tuần này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino công khai ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe mở rộng quyền hạn quân đội Nhật Bản, cho phép Tokyo hỗ trợ các đồng minh bị tấn công.
“Nhật Bản là một đối tác chiến lược của Philippines,” ông Aquino nói. “Vì thế trọng trách của chúng ta là đối thoại liên tục khi chúng ta cùng đối mặt với tình hình biến đổi trong môi trường an ninh khu vực của chúng ta.”
Để mở rộng quyền hạn của quân đội, đầu tiên ông Abe phải có được sự chấp thuận từ đảng Tân Komeito, đối tác liên minh của đảng ông.
Nhưng gần hai phần ba cử tri Nhật Bản phản đối hiểu lại Điều 9 Hiến pháp, theo một cuộc thăm dò được tờ báo hàng đầu của Nhật Bản Asahi Shimbun công bố vào tháng Tư vừa qua.
“Có một vấn đề mà tôi nghĩ rằng Thủ tướng Abe gặp phải khi tìm cách thuyết phục người dân của mình, và rồi tất nhiên là khi giải thích cho khu vực,” bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Trong khi đó Tokyo, cùng với Mỹ, đã cam kết giúp Việt Nam và Philippines nâng cấp tàu tuần tra trên biển của họ.
Không lùi bước
Nhưng Trung Quốc không tỏ dấu hiệu lùi bước. Tại hội nghị ở Myanmar vào tháng Năm vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn nói với các đối tác khu vực rằng nước ông mong muốn một giải pháp thông qua đàm phán ở Biển Đông, nhưng đa phương hóa không thể giải quyết vấn đề.
Và lập trường này có phần chắc sẽ không thay đổi, theo bà Glaser.
“Trung Quốc tin rằng những nước khác quá lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế nên sẽ không trực tiếp đối đầu với Trung Quốc hoặc không làm vậy trong một khoảng thời gian dài và rồi sẽ nhân nhượng lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng họ có lợi thế về mặt thời gian,” bà Glaser nói.
Nhà nghiên cứu Ratner nói rằng Bắc Kinh có thể đang tính toán sai lầm.
“Tôi nghĩ mọi người thường cho là chiến tranh hoặc xung đột không thể xảy ra ở châu Á vì các nền kinh tế này là quá phụ thuộc vào nhau. Nhưng khi động tới những vấn đề chính trị và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ thì thường là những cân nhắc đó bị gạt ra ngoài.”
Ông Ratner lưu ý rằng Đức và Anh vốn là những đối tác thương mại quan trọng trước Thế chiến thứ nhất.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/tranh-chap-cang-thang-khien-lang-gieng-trung-quoc-xich-lai-gan-nhau/1945115.html