Tham bát bỏ mâm

Đây là những điều tôi ghi được xoay quanh tầm quan trọng của Giáo dục:

–  Đố các ông biết, tại sao Giáo dục lại quan trọng nào?

– Thì là vì nó quan trọng chớ sao! Các cấp lý luận đã nói thế!

–  Vậy có chứng minh được tầm quan trọng đó không?

–  Cái này có văn bản nhấn mạnh rồi, không cần chứng minh nữa.

–  Tôi chứng minh được! Tôi chứng minh theo lối phản chứng. Này nhé: nếu chúng ta thiếu kỹ sư lâm nghiệp, ta có thể thuê kỹ sư lâm nghiệp nước ngoài, không ai dám chê chúng ta là “đồ vô lâm nghiệp” cả! Lại nữa, nếu chúng ta thiếu bác sĩ, cũng có thể thuê bác sĩ nước ngoài, và cũng không ai dám chê chúng ta là “đồ vô y tế”! Nếu, …

Xin ghi lại câu chuyện này, do bạn tôi bịa ra được mấy chục năm nay rồi – lạy Giời Đất xin cho anh yên nghỉ – để cám ơn Bọ Lập đã có bài viết thực là vui mà cũng hết sức ngậm ngùi.

P.T.

Mấy ngày nay thiên hạ bàn tán xôn xao việc tăng học phí, mỗi năm tăng một ít, hu hu không nghe nói chất lượng giáo dục tăng hàng năm chỉ nghe nói học phí tăng hàng năm thôi. Năm tới mức học phí đại học tăng 2, 3 lần, mới nghe đã giật mình toát cả mồ hôi.

Còn nhớ ngày xưa đi học, sinh viên đi học không phải trả học phí, mình là dân Quảng Bình còn được hưởng “lương” một tháng 4 đồng, bằng 4 trăm ngàn bây giờ chứ không ít.  Đứa nào học giỏi còn được hưởng học bổng một tháng hăm hai đồng, đi học còn có tiền gửi về giúp bố mẹ, ngày nay nghe như chuyện trên trời nhưng xưa thì có đấy.

Ăn uống cũng không phải lo, đến bữa cứ việc xách miệng đến nhà ăn thôi. Mình học ở Bách Khoa Hà Nội không cần mang bát đũa, cứ tay không đến ăn, ăn xong thì thả mâm bát đó về, có người rửa bát đũa cho rồi. Nếu cầm bát đũa lên thấy dơ, dính mỡ lập tức doạ mấy cô nhà ăn, nói sẽ báo cáo nhà trường, các cô sợ bằng chết, hi hi.

Ngày xưa nghèo khổ, dân phải ăn độn bo bo, độn sắn ngô, chỉ có sinh viên và bộ đội là được ăn cơm 100%. Bộ đội phải đánh giặc giữ nước ưu tiên là phải rồi, sinh viên cũng được ưu tiên y chang bộ đội, chuyện đó ngày nay không ai hiểu.

Hơn nửa thế kỉ qua học trò đi học chỉ chăm chăm vâng theo lời Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn công học tập của các cháu”. Mình đi học là cho đất nước, thấy vừa oách vừa lo. Học cho mình thì quấy quá thế nào cũng xong, chứ học cho Đất nước không thể tào lao chi khươn được. Thành thử đứa nào đứa nấy lo bò ra học, cứ mỗi mùa thi đứa nào cũng sụt vài ba cân là chuyện thường.

Thầy cô đi dạy cũng thế, chả ai nghĩ đi dạy để kiếm cần câu cơm, lương tháng năm đồng ba cọc câu cơm cái gì, đi dạy cũng  làm theo lời Bác là trồng người. Bác nói rồi, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” Trồng cây vớ vẩn đã chẳng thành rừng, huống hồ trồng người, cô thầy ai cũng lo lắm, nhiều người mất ăn mất ngủ vì học trò.

Thành thử không có chuyện chạy điểm mua điểm, suốt năm năm học Bách Khoa mình chưa nghe hai tiếng giới hạn bao giờ, học bao nhiêu thi bấy nhiêu chẳng giới hạn giới heo gì hết. Toàn thi vấn đáp thôi, bắt thăm đề thi may nhờ rủi chịu, cứ hai thầy một trò các thầy vặn cho đến toát mồ hôi, nảy đom đóm mới mong kiếm được điểm 4, điểm 5 ( Ngày xưa điểm số hệ số 5).

Mình nhớ năm thứ hai thi toán Lý thuyết nhóm, cô bồ của mình ở Sơn Tây mổ ruột thừa mình phải lên chăm sóc, đến ngày thi bò về thi, bắt phải cái đề khó làm không ra bị điểm hai, mình không khóc mà cô dạy toán mình lại khóc. Kể vậy để nói ngày xưa đói nghèo cực khổ nhưng học thật thi thật, thành thử đứa nào trụ được sau này đều ăn ra làm nên cả.

Ngày nay đi học là để ấm vào thân, vinh thân phì gia triết lý của thời nay. Dạy và học theo quan điểm “thị trường là tất cả”, người ta lý luận “giáo dục là hàng hóa”, anh đi học là mua, anh đi dạy là bán. Có điều người bán tha hồ tăng giá, người mua không có quyền mặc cả, chất lượng “ hàng” xuống cấp không được kêu, ai kêu thì xin good bye go home.

Đã thế thì đừng nói đến trồng người. Ai đời thưở người trông cây lại bắt cái cây trả tiền công. Thế sau này cái cây ra quả thì ai ăn quả đây, không lẽ cái cây ăn lấy một mình, bố mẹ cũng chỉ được hưởng một vài quả thôi, còn lại thì ai hưởng nhỉ.

Đã bán mua tất nhiên có mua điểm mua bằng mua đủ thứ, miễn có tiền thì mua được tất. Chỉ béo mấy anh nhà giàu, dốt mấy mà có tiền cũng xong hết. Khổ mấy anh nhà nghèo, nhiều đứa học giỏi như trời không tiền đành bỏ học. Học phí  tăng một học trò bỏ mười, kinh doanh như rứa là lời hay lỗ?

Nói gì thì nói, dù xã hội hoá kiểu gì mà giáo dục chỉ loay hoay việc mua bán là không có được. Nhiều người cứ khăng khăng chỉ vì học phí thấp, thu không đủ chi, nên chất lượng giáo dục mới thấp. Nói thế là quên mất lời Bác dặn rồi, không lẽ lại nói Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn vào… việc tăng học phí.

Hu hu.

Nguồn: http://quechoablog.wordpress.com/2010/04/12/tham-bat-bỏ-mam/

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.