Về tự kiểm duyệt

On Self-Censorship”, Huffington Post 19/6/2014

Hoài Phi dịch

Kiểm duyệt ở Trung Quốc bị áp đặt 24 giờ một ngày, và hoạt động trên mọi kênh giao tiếp. Ảnh hưởng của kiểm duyệt có mặt trong mọi hình thức thể hiện cá nhân liên quan đến công chúng, dù là dưới hình thức xuất bản, trình diễn nghệ thuật, hay một trang web. Trong hơn 60 năm qua, các chính sách về kiểm duyệt thâm nhập khắp xã hội trên toàn quốc.

Trong vòng một tháng, người ta đã loại tên tôi khỏi hai cuộc triển lãm ở Trung Quốc. Gần đây nhất, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Ullens (Ullens Center for Contemporary Art – UCCA) ở Bắc Kinh đã trưng bày ba tác phẩm của tôi trong một cuộc triển lãm tưởng niệm một người bạn cũ và đồng nghiệp, nhưng họ sợ không dám đả động đến tên tôi, cũng như không dám đả động đến mối quan hệ giữa tôi và cái trung tâm mà bạn tôi và tôi đã cùng xây dựng – viện nghệ thuật đương đại Trung Quốc đầu tiên.

Khi những sự cố này được xem xét như một phần trong một bức tranh lớn hơn, ta có thể thấy rõ sự nghiêm trọng của vấn đề. Việc kiểm duyệt ngặt nghèo về thông tin và thể hiện này không chỉ ảnh hưởng tới riêng tôi, mà còn tới cả cộng đồng nghệ sĩ và toàn xã hội. Vì nhiều lý do khác nhau, các cơ quan tự kiểm duyệt để có thể tồn tại, một số thậm chí còn gặt hái lợi ích.

Trong cuộc trò chuyện, giám đốc trung tâm UCCA là Philip Tinari có đề cập đến “những mối đe dọa” từ trên xuống đã dẫn đến việc họ bỏ tên tôi ra khỏi triển lãm. Ở Trung Quốc, chính sách của Đảng có thể không ảnh hưởng tới cá nhân bạn, nhưng lại ảnh hưởng thông qua tổ chức, chủ nhà, họ hàng và đồng nghiệp của bạn. Thậm chí ngay cả khi bạn hoạt động độc lập thì quyền lực vẫn tác động đến những người xung quanh bạn.

Đe dọa là công cụ hữu hiệu nhất của những kẻ nắm quyền lực nhằm tước đoạt ý thức độc lập của người dân. Không những họ có thể thành công trong việc xóa bỏ tư tưởng khỏi khu vực công và thanh trừng những người dám thể hiện tư tưởng và thái độ đó, mà họ còn có thể tẩy não những ai chỉ muốn hoạt động như một bộ phận của xã hội. Để có thể giành được an ninh cá nhân và tài chính, người ta phải uốn mình theo các tiêu chuẩn hành xử mà không đặt ra bất kỳ câu hỏi nào hay cố gắng phân biệt giữa đúng và sai. Kiểm duyệt là một hệ thống tạo ra quyền lực tuyệt đối và làm tê liệt xã hội, tước đi sự dũng cảm của con người trong việc đưa ra những đánh giá hoặc chịu trách nhiệm xã hội.

Kiểm duyệt và tự kiểm duyệt cùng hoạt động trong xã hội này để bảo đảm rằng suy nghĩ và sáng tạo độc lập không thể tồn tại được mà không cúi đầu trước nhà cầm quyền. Nhiều khi, tự kiểm duyệt và cái được gọi là mối đe dọa liên quan đến nó, chỉ dựa vào ký ức hay cảm giác mơ hồ về sự nguy hiểm, và chưa chắc là do sự chỉ đạo trực tiếp từ quan chức cao cấp. Thành ngữ tiếng Trung sát kê hách hầu tóm tắt súc tích: giết gà dọa khỉ. Trừng phạt một cá nhân để làm ví dụ cho những người khác lại khuyến khích chính sách đe dọa, một chính sách có thể âm vọng suốt đời và thậm chí qua vài thế hệ.

Không giống phần lớn những nơi khác trên thế giới, internet ở Trung Quốc dựa vào mạng cục bộ (local area networks), nhưng thậm chí dòng chảy thông tin hạn chế như vậy cũng đủ khiến nhà cầm quyền cảm thấy vô cùng bất an. Không những việc kiểm duyệt trên mạng đi ngược lại bản chất cơ bản của Internet, nó cũng đã dẫn tới việc bắt giữ và kết án nhiều người trong cuộc đàn áp tự do ngôn luận. Kết quả là việc tự kiểm duyệt ngày càng gia tăng, trong khi đòi hỏi về tự do cũng phát triển với tốc độ nhanh không kém. Đây là những thách thức song hành mà ta phải đối mặt trong thế giới vật chất ta đang sống hôm nay.

N. V. V.

__________

Ý tưởng nghệ thuật gần đây nhất của Ngải Vị Vị, “Leg Gun” (Vũ khí chân), đang gây sốt trên mạng. Xem Instagram và bài trên Washington Post.

Nguồn:http://www.procontra.asia/?p=4580

 

 

This entry was posted in Trung Quốc, Xã Hội. Bookmark the permalink.