Một khoá họp Quốc Hội tại Hà Nội (ảnh minh hoạ)
Đã gần hai tháng từ ngày Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam người dân vẫn trông mong một nghị quyết của Quốc hội sẽ được loan báo khẳng định ý nguyện toàn dân về vấn đề nghiêm trọng này. Tuy nhiên thực tế cho thấy gần 500 đại biểu vẫn quan tâm đến những vấn đề khác hơn là chủ quyền dân tộc bị xâm phạm.
Chỉ đưa ra thông cáo báo chí
Ngày 1 tháng 5 năm 2014, Trung Quốc công khai kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự căm phẫn của người Việt và dư luận quốc tế. Giàn khoan này một lần nữa cho thấy Trung Quốc không giấu giếm quyết tâm xâm chiếm toàn bộ Biển Đông và hợp thức hóa đường lưỡi bò bất hợp pháp của họ.
Hai mươi ngày sau khi giàn khoan đã được cắm xuống vùng biển của đất nước, Quốc hội Việt Nam mới lên tiếng phản đối Trung Quốc trong một thông cáo báo chí do văn phòng Quốc hội soạn thảo, bày tỏ lo ngại và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Quốc hội phải dành thời gian bàn thảo sâu về vấn đề, thái độ của chúng ta đối với vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
-GS Nguyễn Minh Thuyết
Là một thông cáo báo chí nên văn bản này không mạnh hơn một thông tin và hoàn toàn không có giá trị gì trên mặt pháp lý nếu xảy ra tranh tụng. Đối với cương vị của một định chế cao nhất nước trước hành vi táo bạo nghiêm trọng xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc, Quốc hội Việt Nam phải có những động thái rõ ràng, mạnh mẽ nói lên ý nguyện toàn dân. Quốc hội cần phải ra nghị quyết và chỉ có nghị quyết mới nói lên sức mạnh của định chế này.
Giáo Sư Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu quôc hội hai khóa 11 và 12 nhận xét về việc này:
“Về việc giàn khoan của Trung Quốc thì Quốc hội có nghe báo cáo và các đại biểu cũng đưa ra ý kiến của mình bày tỏ sự phản đối Trung Quốc và yêu cầu Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Nhưng tôi phải nói như thế là chưa đủ bởi vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, là cơ quan đại biểu cao nhất của người dân thì phải thể hiện được chính kiến của mình trong tình huống như thế này cho nó rõ ý của nhà nước Việt Nam và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Tàu hải giám Trung Quốc (màu trắng, phía sau) ngay sát tàu Việt Nam trên Biển Đông hôm 14/5/2014.
Theo tôi thì Quốc hội phải dành thời gian bàn thảo sâu về vấn đề, thái độ của chúng ta đối với vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội là người đại diện cho toàn dân thì phải lên tiếng một cách mạnh mẽ về vấn đề này. Phải ra nghị quyết chứ không phải chỉ ra một thông cáo báo chí chung chung.”
Trong thông cáo báo chí có đoạn viết “Quốc hội tin tưởng và nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo quân dân ta có nhiều biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời, kiên trì đấu tranh gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.”
Quốc hội chờ chủ trương của Đảng?
Ngôn ngữ của thông cáo báo chí này khiến người dân hiểu được lý do tại sao Quốc hội vẫn còn phải chờ đợi mà không có một thái độ dứt khoát. Quốc hội chờ và tin tưởng vào chủ trương của Đảng thay vì ý nguyện của toàn dân. Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc “giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc” mặc dù giàn khoan của Trung Quốc công khai rút ruột tài nguyên đất nước.
Gần một tháng sau trong suốt kỳ họp thứ 7 của quốc hội khóa XIII, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận nhưng không một lần nào vụ giàn khoan được nhắc tới nữa mặc dù tàu cảnh sát biển Việt Nam ngày ngày phải đưa lưng ra nhận vòi rồng, rượt duổi như kẻ trộm ngay trên đất nhà của mình. Tàu ngư dân tiếp tục bị húc bị quấy phá đến nỗi đã có tàu bị chìm người bị giết.
Quốc hội tránh né giàn khoan như sợ Trung Quốc giận dữ và sự né tránh ấy càng làm cho Bắc kinh thấy rõ yếu điểm của Việt Nam nên ngày càng lộng hành, ngang ngược hơn.
Đảng không có phương cách nào ngăn chặn. Chính phủ chừng như bó tay trước kẻ thù quá mạnh và manh động. Quốc hội tiếp tục im lặng và tránh né sự thật đã khiến dân chúng hoang mang cao độ.
Đối với người dân, việc im lặng của Quốc hội trong lúc đất nước nguy vong là một hành động khó chấp nhận. Nhân dân bầu người đại diện cho họ với mục đích nói lên tiếng nói của mình và khi tiếng nói chính đáng không được cất lên thì chức năng đại diện của các đại biểu không còn hợp pháp dưới cái nhìn của quần chúng. Một công dân TP HCM cho biết ý nghĩ của anh:
Cho tới hôm nay thì Quốc hội vẫn im lặng, đây là sự im lặng phải gọi là đáng nhục nhã, họ không còn đại diện cho nhân dân nữa. Tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của nhân dân.
-Một người dân
“Vấn đề giàn khoan của Trung Quốc và những động thái mới đây của họ đối với Việt Nam thì bất kể một người dân bình thường nào cũng đều cảm thấy bức xúc nếu hiểu vấn đề. Còn những người ở Quốc hội được gọi là đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu ra để thay mặt mình đối phó với những vấn đề của đất nước nhưng cho tới hôm nay thì Quốc hội vẫn im lặng, đây là sự im lặng phải gọi là đáng nhục nhã, họ không còn đại diện cho nhân dân nữa. Tiếng nói của họ không phải là tiếng nói của nhân dân.
Trong khi tất cả tầng lớp nhân dân đang xôn xao, từ những người buôn bán trên vỉa hè cho tới trí thức đều đã lên tiếng về vụ giàn khoan cũng như xây dựng quy mô ở đảo Gạc Ma và thoá mạ và hăm dọa Việt Nam trên truyền thông vậy mà Quốc hội vẫn im lặng đây là một thất vọng mà tôi có thề nói rằng họ không còn xứng đáng là đại biểu của nhân dân nữa.”
Chiều ngày 19 tháng 6, trong khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật hộ tịch một đại biểu duy nhất trong gần 500 đại biểu là ông Trương Trọng Nghĩa đã đứng lên nói trước nghị trường rằng: “Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì về Biển Đông thì tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri.
Còn phía dư luận thế giới chắc sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức gì thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”
Ý kiến của ông Trương Trọng Nghĩa ngay lập tức được nhiều tờ báo đăng lại như một phản ứng của báo chí đối với sự im lặng khó chấp nhận của cơ quan quyền lực được cho là cao nhất nước này. Mặc dù kỳ họp thứ 7 sẽ bế mạc vào ngày 24 tháng này nhưng đối với yêu cầu bức thiết của đại biểu Trương Trọng Nghĩa Quốc hội vẫn không có vẻ gì xúc động hay để ý tới.
Người dân không biết dựa vào nơi nào khác khi Đảng quá xa vời và bất lực vì cùng chung ý thức hệ, chính phủ không thoát ra được bế tắc vì kinh tế, quốc phòng quá thua sút đối phương. Cơ quan duy nhất đại diện cho dân lại tỏ ra thờ ơ và chờ đợi vào đảng và chính phủ thay vì chính Quốc hội phải chứng tỏ cho Trung Quốc và thế giới thấy rằng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một định chế hợp hiến và có thật.
M.L.
Nguồn: rfa.org