Sự hung hăng của TQ cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách VN

Tàu Việt Nam bị Trung Quốc đâm chìm ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi. Ảnh: Reuters

Trong tám năm qua, hơn 90% lượng nguyên liệu sợi cung cấp cho các nhà máy sản xuất ở Hà Nội của công ty may mặc Việt Hưng là phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước những nguy cơ từ cuộc bạo loạn chống Trung Quốc vào tháng 5.2014, Việt Hưng lần đầu tiên đã đặt mua sợi nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang nóng lên

Bà Lương Thị Kim Oanh, 52 tuổi, chủ doanh nghiệp Việt Hưng với khoảng 200 lao động, cho biết: “Việc thay đổi nguồn cung nguyên liệu có thể làm chi phí sản xuất đội lên nhưng chúng tôi cần phải nghĩ về nó từ bây giờ, nếu không sẽ quá muộn. Không ai biết được việc gì có thể xảy ra”.

Điều bà Oanh lo sợ là một sự đổ vỡ trong quan hệ thương mại Việt-Trung, khi nổ ra các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc vào tháng 5.2014.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cần phải giảm sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và cần phát triển một kế hoạch dự phòng để đối phó với bất kỳ sự biến động nào.

Các doanh nghiệp có thể sẽ phải cân nhắc những phương án thay thế khi Việt Nam chuẩn bị khởi kiện Trung Quốc vì những yêu sách chủ quyền phi lý đối với biển Đông. Trong buổi trả lời phỏng vấn vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và đã sẵn sàng để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

“Tình hình này sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm kiếm các thị trường khác, nơi mà không có những rủi ro chính trị. Việc đa dạng hóa thị trường là luôn luôn tốt, vì không ai muốn dựa quá nhiều vào nước khác, đặc biệt là khi căng thẳng chính trị đang leo thang “, ông Chua Hak Bin, một nhà kinh tế của Bank of America Corp có trụ sở tại Singapore đánh giá.

Nguồn nguyên liệu thay thế

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết hơn 1.000 thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã được yêu cầu xem xét các nguồn cung nguyên liệu thay thế cho Trung Quốc, ngay cả khi thương mại song phương của hai nước đang tăng mạnh từ 27,3 tỉ USD (2010) lên 50,2 tỉ USD (2013).

Theo thống kế năm 2013 của Bộ thương mại, khoảng 31% tổng hàng xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, may mặc, giày dép. Trong đó, may mặc và giày dép tăng 13 %. Nhưng lại có đến 42 % tổng hàng nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc, chủ yếu là linh kiện điện tử, điện thoại, nguyên liệu cho ngành may mặc và giày dép, các thiết bị, máy móc.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ đạt mức 5,4 % trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu 5,8 % đề ra trước đó.

Chính phủ đang nghiên cứu những tác động kinh tế mà mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc có thể gây ra, cũng như sẽ giám sát chặt chẽ các lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng như thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch và sẽ có những “hành động thích hợp” khi cần thiết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hôm 12.6.

Sụt giảm lượng khách du lịch

Tờ South China Morning Post hôm 9.6 đưa tin các công ty nhà nước của Trung Quốc tạm ngưng đấu thầu các hợp đồng với Việt Nam. Theo Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm gần 10% so với tháng 4.2014, trong đó khách du lịch Trung Quốc chiếm 25 %.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, từng là cố vấn chính phủ, nhận định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là ảnh hưởng bao nhiêu, 0,5 hay 1 điểm phần trăm. Điều đó còn phụ thuộc vào cách chúng ta đối phó”.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có xung đột với Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Năm 2010, Trung Quốc đã đột ngột cắt nguồn cung đất hiếm và áp đặt lệnh cấm xuất khẩu cho cho Nhật Bản sau vụ cảnh sát biển bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá va chạm với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản.

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản hồi năm 2012 đã kích hoạt một cuộc biểu tình lớn chống Nhật Bản ở Trung Quốc, gây ra nhiều thiệt hại cho các hãng xe Honda và Toyota Motor Corp của Nhật.

Cộng đồng ASEAN

Sự xung đột với Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản chuyển sự chú ý đến Đông Nam Á với hàng tỉ USD đầu tư. Việt Nam cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với một thị trường trị giá 28.000 tỉ USD mỗi năm mà không có sự hiện diện của Trung Quốc.

Việt Nam cũng hướng đến một Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng gấp sáu lần chỉ trong 10 năm, từ 1,4 tỉ USD (2002) lên 8,4 tỉ USD (2012).

Ông Trịnh Nguyễn, một nhà kinh tế đang làm việc cho HSBC Holdings Plc tại Hong Kong, cho rằng những căng thẳng ở biển Đông là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo Việt Nam để đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có khả năng cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho nền kinh tế.

Những thông điệp khẩn cấp

Kinh tế trưởng Alan Phạm của VinaCapital Group có trụ ở sở TP.HCM, quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam với giá trị 1,6 tỉ USD, cho rằng Việt Nam có thể thích ứng với những thay đổi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và “đó là một thông điệp khẩn cấp buộc Việt Nam cần có biện pháp để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc”.

Tỉnh Bắc Giang đang giúp người trồng vải thiều ở địa phương tìm kiếm những thị trường mới, sau nhiều năm xem Trung Quốc là thị trường chính.

Ông Nguyễn Văn Hùng, người bán hơn 90 % sản lượng vải thiều của mình cho Trung Quốc, chia sẻ: “Suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã bán phần lớn nông sản của mình sang Trung Quốc. Nhưng riêng năm nay, chúng tôi đang cố gắng xâm nhập các thị trường khác như Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Lâm Nguyên (theo Bloomberg News)

Nguồn: motthegioi.vn

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.