Cựu chiến binh chiến tranh biên giới Việt-Trung của Trung Quốc đang đi vào một cuộc chiến đấu mới

Tom Hancock, AFP ngày 10/6/2014

Trần Ngọc Cư dịch

Ích Dương (Trung Quốc) (AFP) – Bị Đảng vất ra bên lề và bị đời bôi bác, các cựu chiến binh chiến tranh biên giới Việt-Trung của Trung Quốc – những người đã tham dự một cuộc chiến ít ai ca ngợi, chống lại nước láng giềng phương Nam – đang liều bị đánh đập và tù tội trong một cuộc chiến đấu mới với quan chức chính phủ.

Tang Xingqiu là một trong hàng ngàn cựu chiến binh Trung Quốc đang phát động ngày càng nhiều các cuộc biểu tình đòi hỏi những quyền lợi không được đền bù và đang làm cho nhà cầm quyền Cộng sản nhức óc.

“Bọn công an nói với tôi rằng chúng hi vọng tôi sẽ chết trong tù”, Teng, một người bị kết án 3 năm tù ở vì cuộc tranh đấu của mình, đã phát biểu như vậy.

Với thân hình gầy guộc còn mang những vết sẹo mà anh nói là do công an đánh đập trong tù, người đàn ông 56 tuổi này lắm lét nhìn quanh các đường phố xem thử công an có đặt máy thu hình hay không, trước khi chọn một quán ăn xập xệ làm nơi họp mặt cho được an toàn.

Những căng thẳng hiện nay về việc Bắc Kinh hạ đặt một giàn khoan dầu vào vùng nước tranh chấp chỉ là một giằng co mới nhất giữa hai nước cộng sản láng giềng.

Teng bị đưa ra biên giới trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà rất đẫm máu vào tháng Giêng 1979 – một cuộc chiến trên bộ nghiêm trọng sau cùng của Trung Quốc – được Bắc Kinh phát động để trừng trị Hà Nội vì chính quyền này đưa quân chiếm đóng Kampuchia và lật đổ chế độ diệt chủng Polpot, một đồng minh của Trung Quốc.

“Là công dân Trung Quốc, đương nhiên chúng tôi muốn xông ra tiền tuyến. Rất nhiều chiến hữu của tôi đã hi sinh. Nhiều anh em trong trung đội tôi bị địch bắn chết”, Teng kể lại.

Theo báo chí chính thống, Trung Quốc nhìn nhận đã tổn thất 6.954 binh lính trong cuộc chiến này. Những ước tính khác đặt số tử vong này lên trên 20.000 người, trong khi số tử vong về phía Việt Nam còn cao hơn nhiều.

Trung Quốc không hề dựng một đài tưởng niệm quốc gia nào cho cuộc chiến này. Bắc Kinh hiếm khi nhắc đến nó, thậm chí ngay cả lúc họ lên án Hà Nội.

Chiến tranh là “chết chóc và tàn bạo trên trận địa”, theo sử gia Mỹ Xiaoming Zhang [PGS TS tại Trường Air War College – ND]

“Thường dân Việt Nam bí mật hợp tác với quân đội của họ, thậm chí cả ông già bà lão đều nhắm chúng tôi mà bắn, thật là khủng khiếp”, Teng chia sẻ.

Bắc Kinh tuyên bố chiến thắng và rút quân về chưa đầy một tháng sau khi họ tiến tới một tiền đồn gần Hà Nội.

Việt Nam cũng coi đó là chiến thắng của mình, tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi được quân Trung Quốc.

 

Đe dọa ổn định xã hội

Mỹ đã cho ra nhiều phim ảnh và tiểu thuyết về cuộc chiến Việt Nam của mình, nhưng trải nghiệm chiến tranh của Trung Quốc ở nước láng giềng này ít khi được nói đến, và những câu chuyện do các cựu chiến binh kể lại đều bị kiểm duyệt gắt gao.

Vào thời điểm của cuộc chiến tranh biên giới này, Trung Quốc bắt đầu các nỗ lực cải tổ quan trọng, thay thế từng phần nền kinh tế theo kế hoạch nhà nước bằng các thị trường tự do.

Sau khi xuất ngũ, Teng được bố trí làm việc tại một công ty quốc doanh, nhưng sau đó bị giảm biên chế và rốt cuộc anh chỉ kiếm được việc hốt rác.

Những người lính chiến vào thời ấy đã bị cuộc cải tổ “để lại đằng sau” và hiện nay nhiều người đang sống bằng “tay làm hàm nhai trong khi các chi phí y tế ngày một tăng cao”, Neil Diamant, một giáo sư tại Đại học Dickinson, Hoa Kỳ, đang nghiên cứu cuộc tranh đấu của cựu chiến binh, đã cho biết như thế.

Trung Quốc thường hứa hẹn giúp đỡ cưu chiến binh của mình – một con số ước tính lên tới hàng triệu người – nhưng các qui định chính phủ thường mâu thuẫn nhau và ít khi được thi hành nghiêm chỉnh.

Teng nói rằng anh kiếm khoảng 1.000 đồng Nguyên (160 USD) một tháng từ đủ thứ việc lặt vặt, nhưng theo ý anh, lẽ ra chính phủ phải tìm cho anh một công việc có đồng lương tương đương với thu nhập trung bình 2.800 đồng Nguyên một tháng tại thị xã Ích Dương của anh, thuộc tỉnh Hồ Nam.

Teng bị tuyên án hơn ba năm tù ở về tội “tụ tập phá rối trật tự công cộng”, sau khi anh tập hợp những cựu chiến binh mặc quân phục biểu tình trước các văn phòng chính phủ.

Theo số liệu của các nhóm nhân quyền, Trung Quốc chứng kiến hàng trăm cuộc biểu tình, có sức thu hút hàng ngàn cựu chiến binh mỗi năm. Vào cuối tháng trước, tin tức cho biết có hơn 10.000 cựu chiến binh biểu tình tại 11 tỉnh.

Những cuộc biểu tình này là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho ổn định xã hội trong nước.  Xue Gangling, hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc, đã nói như thế với cơ quan truyền thông Trung Quốc Tài Tân vào năm ngoái.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm qua đã hứa sẽ cắt giảm quân số như một phần trong những cải tổ quân đội sâu rộng, nhắm tới việc thành lập một quân đội có xu thế chiến đấu trên không và trên biển – việc này sẽ gia tăng khả năng có thêm nhiều cuộc biểu tình của cựu chiến binh.

Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc luôn luôn coi bất cứ một tổ chức bất đồng chính kiến nào là một mối đe dọa, và vì thế họ sẽ đàn áp thẳng tay.

Điều đáng nói là, bất cứ một biểu lộ nào thiếu trung thành với Đảng trong quân đội – một cột trụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc – là một điều tối kị đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn luôn luôn nhấn mạnh Quân đội Giải phóng Nhân dân phải tuân theo mệnh lệnh Đảng.

Bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc có bổn phận chặn đứng  mọi tin tức về các cuộc biểu tình liên quan đến quân đội, các ký giả Trung Quốc nói với AFP.

“Các đề tài liên quan đến quân đội luôn luôn là vấn đề nhạy cảm và người dân cảm nhận được sự nguy hiểm nếu đụng đến chúng, vì vậy việc các cựu chiến binh huy động hậu thuẫn từ bên ngoài là một điều cực kỳ khó khăn,” Diamant nhận xét. “Các cô nhi có thể làm việc đó, các nhà bảo vệ môi trường có thể làm việc đó, song cựu chiến binh thì không thể.”

‘Chúng ông sẽ đánh mày cho tới chết’

Rất nhiều lần Teng cố gắng kêu cứu với nhà cầm quyền trung ương tại Bắc Kinh, nhưng các quan chức địa phương đã giam anh vào “ngục tối” một cách trái phép – đây là số phận chung của những người biểu tình phản kháng.

Teng kể rằng anh bị đánh đập hàng ngày trong tù và lính gác ép anh ăn những mảnh đồ ăn dư thừa họ vất lên nền xà lim.

“Họ nói, nếu mày không nhận tội, chúng ông sẽ đánh mày cho tới chết”, anh kể lại với AFP.

Hiện nay, các phương tiện liên lạc của anh đang bị theo dõi. Công an đặt một camera bên ngoài nhà anh để giám sát và họ đã bắt giữ anh suốt 24 giờ sau khi anh được AFP tiếp xúc – họ cảnh báo anh không được nói chuyện với giới truyền thông.

Các quan chức thị xã Ích Dương từ chối bình luận về trường hợp của Teng khi họ được AFP tiếp xúc.

Wang Guolong, một người cùng hoạt động phản kháng, từng phục vụ 14 năm trong quân ngũ, đã nhận xét: “Họ bắt giữ Teng để cảnh báo chúng tôi là phải cấm dứt việc tập hợp anh em, song chúng tôi cùng hoàn cảnh với nhau mà… Hiện có hàng triệu cựu chiến binh như chúng tôi sống khắp nơi tại Trung Quốc”.

Các cựu chiến binh này thường pha trộn luận điệu đấu tranh của mình với tình yêu nước: một nhóm cựu chiến binh tại tỉnh Hồ Bắc kế cận đã hát một khúc “quân hành” thề “đập tan chủ nghĩa đế quốc Mỹ” trong một cuộc biểu tình gần đây.

Teng vẫn là một kẻ ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại quyết đoán của Bắc Kinh, và sử dụng bút danh “Chiến sĩ Nam Hải” trên mạng.

“Bảo vệ quyền làm người của bạn còn nguy hiểm hơn đi ra chiến trường nữa bạn ạ”, Teng nói. “Bạn có thể bị bắt bớ vào bất cứ lúc nào”.

T. H.

Dịch giả gửi BVN

Nguồn: http://news.yahoo.com/chinas-vietnam-veterans-fighting-battle-050326607.html

This entry was posted in Biểu Tình, Trung Quốc. Bookmark the permalink.