Ngày 29/05/2014, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, khi nói về tình hình Biển Đông và thái độ hiếu chiến của nhà cầm quyền Bắc Kinh, Thủ tướng chính phủ một lần nữa tuyên bố: “KHÔNG VÌ HỮU NGHỊ MÀ KHÔNG NÓI SỰ THẬT”.
19h cùng ngày, VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa tin về hành động gây hấn của Trung Quốc một cách có hệ thống từ cuộc xâm lăng biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979, năm 1988 tấn công và chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, liên tục uy hiếp tấn công và bắt bớ các tàu đánh cá, hành hung ngư dân ta đang hành nghề trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam để rồi nghiêm trọng và ngang ngược đưa giàn khoan thăm dò Hải Dương 981 xâm phạm sâu vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Đi liền với giàn khoan, hàng trăm tàu trong đó có tàu chiến uy hiếp, tấn công tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam, đanh đắm tàu cá của ngư dân ta rồi bỏ mặc họ, máy bay Trung Quốc rà sát khiêu khích, tình hình càng ngày càng căng thẳng. Chính phủ Việt Nam đã tự kiềm chế và đã đề nghị lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau nhưng bị phía nhà cầm quyền Trung Quốc từ chối.
Trong bối cảnh đó, nhân dân hồ hởi và phấn khởi đón nhận tuyên bố đanh thép của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp ở Manila và trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AFP và REUTER: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Thái độ thẳng thắn và minh bạch đó đã đáp ứng lòng dân, nói lên được điều nhân dân mong mỏi bấy lâu nay: phải biểu tỏ khí phách và truyền thống quật cường của dân tộc ta trước bọn xâm lược, cho dù chúng hung hãn, nham hiểm cỡ nào.
Lịch sử đã ghi nhận bài học ứng xử của ông cha ta đối với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội thôn tính nước ta. Đó là khôn khéo và sáng tạo trong ứng xử với nước lớn, biết nhu biết cương, kể cả đúc người vàng cống nạp, nhưng chưa bao giờ tỏ ra hèn nhát, khuất phục. Lời đối đáp của sứ thần Giang Văn Minh “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” trước vua nhà Minh năm 1638 để rồi nhận cái chết là một ví dụ. Những chiến công hiển hách đánh tan hàng chục vạn quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ tỏ rõ truyền thống ấy.
Đáng tiếc là một bộ phận những người cầm quyền Việt Nam thời gian qua đã quên bài học của ông cha. Bị lừa mị bởi 4 điều tốt đẹp và phương châm 16 chữ bịp bợm, mơ hồ về chuyện “cùng chung ý thức hệ XHCN” nên đã bị ru ngủ bởi những lời lẽ “hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”, biểu tỏ thái độ nhu nhược, hèn nhát, một trong những nguyên nhân đẩy tới những mưu toan thâm hiểm của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị những người cầm quyền hiện nay phải minh bạch với dân, ai là người ủng hộ đường lối cương quyết bảo vệ chủ quyền như Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố? Ai là là kẻ khư khư ôm lấy 4 tốt và 16 chữ bịp bợm, tiếp tục nhân nhượng và chịu khuất phục trước Trung Quốc?
Đất nước ông cha để lại không thể bị xâm lấn, dân tộc này dứt khoát thà mất tất cả, cương quyết không cam tâm làm nô lệ cho ngoại bang. Chúng tôi mong rằng những người đang gánh vác trọng trách quốc gia hãy mạnh dạn công khai lập trường của mình để nhân dân biết và lịch sử đánh giá. Chúng tôi đang nóng lòng chờ thái độ minh bạch công khai của từng cá nhân đang nắm giữ vận mệnh đất nước.
Tổ quốc là thiêng liêng. Hãy đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và trước hết.
H. K. B.
Tác giả gửi BVN.