Có phải Trung Quốc hất đi bát nước đầy?

Bác Nguyễn Ngọc Dương nói chí phải. Chỉ xin chen ngang bác một câu: Không phải “có nước chó đâu mà hất” như bác nói, mà có nước đấy, nhưng là nước bẩn, bởi nhà cầm quyền Trung Quốc đã thả vào đó rất nhiều thuốc độc, uống vào mất nòi giống như chơi, cho nên không việc gì phải tiếc…

BVN

Hôm 28/5, tờ An ninh Thủ đô điện tử đăng bài Trung Quốc hất đi bát nước tình nghĩa. Sau đó có nhiều tờ báo đăng lại, nhưng có những tờ sửa sang lại cái tite: Ai hất đi bát nước đầy? (Báo Điện tử Chính Phủ) hoặc Vụ giàn khoan: Trung Quốc đang hất đi bát nước đầy (Đất Việt và Viettel Telecom…)

Chắc chắn tác giả bài viết lấy cảm hứng từ hai câu thành ngữ Việt “Ăn ở với nhau như bát nước đầy” và “ Bát nước đã đổ đi thì không thể lấy lại được nữa”.

Đương nhiên, chưa cần đọc bài, chỉ đọc cái tite cũng đã hiểu được phần nào nội dung bài viết. Tôi không muốn bàn sâu về nội dung mà muốn nhân bài báo này nói vắn vài ý rằng, có phải Trung Quốc đã hất đi bát nước đầy?

Trước hết, câu thành ngữ viết là “bát nước đầy”, nhưng ANTĐ lại viết là “bát nước tình nghĩa”. Cụm từ “bát nước đầy” trong câu thành ngữ tất nhiên có hàm ý “tình nghĩa” vì nó đứng sau cụm từ “ăn ở với nhau”. Song, phải xem lại cái gọi là “tình nghĩa” là sự “ăn ở” của anh bạn khổng lồ hàng xóm này, liệu có tình nghĩa thật không? Hay chỉ là thứ tình nghĩa giả vờ, là trò bịp bợm để nhằm kiếm chác một cái gì ở đối phương mà thôi! Vì thế mấy tờ báo đăng lại của ANTĐ (như Chính phủ điện tử, Đất Việt…) đã sửa đi là “bát nước đầy”, nó vừa sát với câu thành ngữ, vừa không phải nói thẳng cái chữ “tình nghĩa” giả dối của anh “bạn vàng”, xấu hổ lắm!.

Dân tộc Việt Nam đã biết thừa, biết tỏng rằng từ hằng nghìn năm nay, TQ luôn nhăm nhe xâm chiếm Việt Nam. Nhưng kể từ thời hai nước cùng theo một chế độ chính trị là Chủ nghĩa Mác – Lê nin và con đường Cộng sản chủ nghĩa, tiến lên thế giới đại đồng thì dưới quan điểm “bốn phương vô sản đều là anh em”, Việt Nam và Trung Quốc đã kết nghĩa anh em, đồng chí, đã có những câu “núi liền núi, sông liền sông, chung một biển đông, mối tình hữu nghị”, rồi “môi hở răng lạnh”, rồi phương châm “4 tốt”, “16 chữ vàng”… toàn những từ ngữ được đánh bóng, ru ngủ nhân dân hai nước, ru ngủ những người lãnh đạo Việt Nam nhẹ dạ, cả tin. Tất cả cũng chỉ nhằm để hễ sơ hở là “ông anh” ngoạm cho “ông em” một miếng thật đau.

Xin tóm tắt con đường đi từ sau Hiệp nghị Giơ ne vơ (1954), đất nước Việt Nam sau cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, phải chia làm hai miền Nam – Bắc lấy ranh giới từ vĩ tuyến 17, miền Nam lập thể chế Cộng hòa tư sản do Hoa Kỳ hậu thuẫn, miền Bắc theo con đường Cộng sản dưới trướng hai ông anh Liên Xô và Trung Quốc. Ông bạn TQ đã “ra sức giúp đỡ” Việt Nam trong Cải cách ruộng đất bằng đường lối và phương pháp dã man, làm đảo lộn văn hóa nông thôn Việt Nam và giết oan hằng nghìn người, tạo thành một vết nhơ khó rửa trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Tiếp đó, trong văn hóa, văn nghệ, TQ đã “giúp ta đánh bọn nhân văn giai phẩm”, làm tan tác một lớp văn nghệ sĩ tài năng của dân tộc. Trong tư tưởng và chính kiến, TQ lại “giúp ta đánh thắng” những đồng chí trong nội bộ “theo chủ nghĩa xét lại Khơ ru sôp”, khiến nhiều cán bộ cao cấp của Đảng phải thân bại danh liệt, thậm chí ngồi tù không án hằng chục năm, khi được giải oan thì đời đã tàn!

Đặc biệt, trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” (mà theo nhiều nhà quan sát lịch sử cho rằng, thực chất là “cuộc nội chiến, nồi da xáo thịt”), thì một nhà quan sát phương tây cho biết, Trung Quốc sẽ ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng! Như vậy, thực chất, họ không muốn cho Việt Nam thống nhất đất nước, non sông về một dải. Họ muốn cho “cuộc nội chiến” kéo dài đến mức miền Bắc sẽ kiệt quệ và phải hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, có khi dễ dàng trở thành một tỉnh của Trung quốc mà không mất một viên đạn! Chả thế mà mùa Đông năm 1972, khi không lực Hoa Kỳ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc, cuộc kháng chiến ở Việt Nam đang lên cao trào thì Mao Trạch Đông tiếp đón Tổng thống Mỹ Nixon, thỏa thuận với nhau về “con bài Việt Nam”, khiến các nhà lãnh đạo VN lúc ấy hết sức bất bình. Báo Nhân dân – cơ quan của Đảng Lao động Việt Nam có bài xã luận “Ném cái phao cho kẻ chết chìm”, chửi đổng ông anh “môi hở răng lạnh”. Công bằng mà nói, họ (TQ) cũng rất nhiệt tình giúp ta trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ súng ống, đạn dược đến lương thực, thực phẩm, lương khô, quân trang quân dụng… Cứ nhìn vào hình thức ấy thì tưởng là “ông anh” thật lòng lắm (Có lẽ với nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt nam là thực lòng, là tình cảm có thật của hai dân tộc), nhưng đằng sau những cử chỉ ấy thì nhà cầm quyền Trung Quốc đầy mưu mô. Họ thả con săn sắt, bắt con cá rô, chứ không phải “anh em đồng chí”, “tình nghĩa cộng sản vô tư” như họ tuyên truyền.

Ngay mùa thu năm 1974, khi cuộc kháng chiến CMCN đang tiến đến giai đoạn cuối, giai đoạn mà Việt Nam cộng hòa đang gồng mình để chống lại một cách yếu ớt “Việt cộng”  thì Trung Quốc tranh thủ cho quân đội đánh chiếm Hoàng Sa, chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa thất thủ, 74 chiến sĩ phải bỏ mình vì Tổ Quốc. Họ (TQ)  đã đoán được sự thất thủ của Sài Gòn trong tương lai gần trước sự tấn công của Bắc Việt Nam, nên phải cướp Hoàng Sa trước khi rơi vào tay “thằng em môi hở răng lạnh”!

Rồi tháng Hai năm 1979, khi những nhà cầm quyền Việt Nam tỏ ra không ngoan ngoãn phục tùng những yêu cầu vô lý của Bắc Kinh, thế là “thằng em” bị “dạy cho một bài học”. Với cuộc tấn công ồ ạt và bất ngờ trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, nhà cầm quyền TQ đẩy hàng vạn chiến sĩ của cả hai nước và đồng bào vô tội Việt Nam vào bể máu, phải bỏ mạng oan uổng. Hàng loạt thành phố, thị xã của Việt nam ở biên giới bị san phẳng…

Chưa cần nói đến nghìn năm, chỉ cần điểm lại vài “vết nhọ” trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thời hiện đại, từ 1949 đến nay đã đủ thấy, cái gọi là “tình nghĩa” giữa hai nước làm gì có. Cái gọi là “bát nước đầy” hay “bát nước tình nghĩa” hay “16 chữ vàng”, phương châm “4 tốt”… chỉ là trò bịp bợm. Vừa rồi ở Ma Ni La, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thẳng ra đó là “một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Vì ông là chính khách, nguyên thủ một quốc gia, nên ông chỉ nói đến thế, nhẹ nhàng thế, chứ chả lẽ lại nói là bịp bợm!  Nhưng, hạng tép riu như tôi thì nói toạc móng heo ra, những cái gọi là hữu nghị với “16 chữ vàng”, “phương châm 4 tốt”, “anh em, đồng chí”, “môi hở răng lạnh”….tất cả đều là trò bịp bợm.

Một khi đã là trò bịp bợm, thì làm gì có cái gọi là bát nước đầy, bát nước tình nghĩa?

Vâng, có chó nước đâu mà hất?

N.N.D

Tác giả gửi BVN

 

 

 

 

 

 

This entry was posted in Biển Đông, Lên Tiếng. Bookmark the permalink.