Ai nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân về những việc làm này?

Về vụ bạo loạn ở Bình Dương, theo báo Phụ nữ online, nhân chuyến đi của Chủ tịch Trương Tấn Sang thị sát tình hình thiệt hại của tỉnh Bình Dương sau vụ một số đối tượng xấu lợi dụng tuần hành để gây rối, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung đã thay mặt lãnh đạo tỉnh xin lỗi trước Trung ương Đảng, trước Nhà nước, trước Chính phủ, trước đồng chí Chủ tịch nước và hứa sẽ ngăn chặn không cho tái diễn tình trạng vừa nêu. Còn báo Thanh Niên thì đưa tin ông Võ Thành Đức, Giám đốc Công an Bình Dương đã lên tiếng xin lỗi các doanh nghiệp với tư cách là người đứng đầu Công an tỉnh, được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự nhưng đã để xảy ra vụ việc rất đáng tiếc.

Phải xin lỗi là đúng. Vì theo ông Đức, vụ việc xuất phát từ những bức xúc của các công nhân có lòng yêu nước trước hành động Trung Quốc đặt giàn khoan xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, đã bị một nhóm phần tử xấu kích động, lợi dụng để cướp bóc tài sản. Ngoài ra, có một số người từng là công nhân có những mâu thuẫn với doanh nghiệp nên nhân cơ hội này lợi dụng đập phá để trả thù…

Thiếu tướng Đức cho biết thêm, khi xảy ra vụ việc gây rối, toàn tỉnh Bình Dương có 700 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp bị các đối tượng đe dọa, trên 460 doanh nghiệp bị đập phá, đốt cháy nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp của Trung Quốc bị đốt cháy. Thiệt hại chủ yếu là các doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Hai cán bộ này nhận trách nhiệm và xin lỗi là đúng, nhưng chưa đủ. Vì người bị thiệt hại nhiều nhất trong vụ bạo động vừa qua là nhân dân Việt Nam, mà trực tiếp và nặng nề nhất là người lao động ở các công ty bị bọn xấu phá hoại. Khỏi phải phân tích và chứng minh, ai cũng có thể thấy điều này. Thế nhưng tại sao hai cán bộ không một lời xin lỗi nhân dân và người lao động?

Ngoài ra, để xảy ra vụ việc tàn tệ như báo chí đã nêu, đâu phải chỉ vì Giám đốc công an và Chủ tịch tỉnh Bình Dương thiếu trách nhiệm. Công đoàn là tổ chức hằng tháng vẫn thu tiền đoàn phí của công nhân, và “đội tiên phong của giai cấp công nhân” có mặt khắp nơi trên đất nước này đã làm gì lúc đó? Cấp trên của tỉnh, chẳng lẽ không còn ai trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc để bạo loạn kéo dài hai ngày đêm trên nhiều tỉnh như thế hay sao? Còn nếu chỉ xét riêng trách nhiệm của của hai cán bộ này, thì chỉ cần xin lỗi như thế là đủ rồi hay sao?

Đất nước đang lúc dầu sôi lửa bỏng, kỷ luật nội bộ càng phải nghiêm minh. Mệnh lệnh của người lãnh đạo, người chỉ huy phải được tuân thủ tuyệt đối thì mới có sức mạnh chiến đấu với kẻ thù. Về quân sự, về chính trị, về kinh tế… đều phải như thế.

Từ quan điểm đó, tôi đề nghị:

1- Việc “lợi dụng phong trào công nhân biểu tình yêu nước để bạo loạn” xảy ra trên nhiều tỉnh, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, cho nhân dân trong tình hình chiến tranh cận kề. Điều nầy chứng tỏ trách nhiệm thuộc về cấp cao hơn chủ tịch và giám đốc công an tỉnh, nhà nước cần kịp thời điều tra xem xét, xử lý nghiêm minh cán bộ, cơ quan nào có trách nhiệm để xảy ra tình trạng này.

2- Để xảy ra bạo loạn như vừa qua là đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế và an ninh trật tự của cả nước, gây  khó khăn nặng nề về đời sống cho nhân dân lao động. Những người lãnh đạo đảng CSVN, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải công khai nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân.

3- Không quản lý được những kẻ xấu trong xã hội, để chúng gây rối, là trách nhiệm của nhà nước. Vậy ai chịu trách nhiệm trong việc thả nổi (hay chỉ đạo?) cho nhân viên dưới quyền công khai làm trái pháp luật khi bắt bớ, gây khó khăn, sỉ nhục, xâm phạm quyền con người… một cách vô cớ đối với những người dân lương thiện có ý định biểu tình yêu nước để phản đối Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan trong vùng biển của nước ta (nhất là những người đã bị đối xử như thế trong ngày 18-5-2014 vừa qua)?

Về việc biểu tình yêu nước, Chủ tịch Trương Tấn Sang nói: “Đó là quyền lợi của người dân khi chủ quyền thiêng liêng bị xâm phạm. Tuy nhiên, người dân phải thực hiện đúng pháp luật”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì nói rằng “người dân được quyền làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm”. Hiến pháp 2013 của Việt Nam  ghi rõ ràng là: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Cho đến bây giờ, ở Việt Nam có điều luật nào cấm người dân biểu tình hay không? Nếu có thì cũng phải xóa bỏ ngay, vì điều luật đó vi hiến.

Thả nổi cho bọn côn đồ phá phách, sau đó còn có người xin lỗi.

Để cho cán bộ công an tự do bắt bớ, đánh đập, sỉ nhục, xâm phạm trắng trợn các quyền công dân đã được hiến định để vùi dập tinh thần yêu nước của công dân, thì không ai có trách nhiệm và xin lỗi cả. Mà tình trạng này đã diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, phổ biến trên khắp các tỉnh, thành từ Nam chí Bắc, suốt từ cả chục năm nay.

Cố tình làm ngơ để bọn côn đồ phá phách rồi lợi dụng tình hình đó để thẳng tay đàn áp, ngăn chận không cho người dân biểu tình yêu nước, phản đối Trung Quốc xâm lược, không lẽ công an Việt Nam không phân biệt được việc làm đúng sai; trái và không trái pháp luật? Việc nào có lợi, việc nào có hại cho đất nước trong tình hình hiện nay? Làm như vừa qua là công an bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội hay đang thực hiện một âm mưu chính trị nhằm đè bẹp tinh thần phản kháng của nhân dân Việt Nam trước họa ngoại xâm?

Xin hỏi: những việc làm này có ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị đời sống xã hội hay không? Những kẻ làm nhục tinh thần yêu nước của nhân dân trong khi giặc ngoại xâm đang lăm le bờ cõi, thì có tội hay không? Ai cho phép, hay chủ trương, chỉ đạo công an chà đạp lên tinh thần yêu nước của người dân, đồng thời dẫm đạp lên hiến pháp Việt Nam, xé nát các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết? Đây có phải là hành vi tiếp tay cho giặc hay không?

Ai nhận trách nhiệm và xin lỗi nhân dân về những việc làm này?

25-5-2014

N.D.B.D.

Tác giả gửi BVN

 

 

 

 

 

This entry was posted in Biểu Tình, Lên Tiếng. Bookmark the permalink.