Bôxít Tây Nguyên: Quốc hội đã giám sát tốt hơn, nhưng…

 

(Tin tức thời sự) – Với những gì đang xảy ra, tôi không có nhiều niềm tin vào hiệu quả kinh tế-xã hội sẽ có của toàn bộ dự án.

Đó là nhận định của PGS.TS Hồ Uy Liêm – Nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về kết quả đánh giá ban đầu của hai dự án bôxít Tây Nguyên.

Phải xem thị trường, giá cả

PV: – Vừa qua, UB Thường vụ QH đã nghe báo cáo chuyên đề Hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ để chuẩn bị cho kỳ họp QH sắp tới. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu- Trưởng đoàn giám sát cho rằng, cần đánh giá hiệu quả của hai dự án này ở diện rộng hơn, là chuyên gia trong vấn đề này, ông hiểu đánh giá rộng hơn là như thế nào, phải đánh giá trên phương diện nào?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Trước hết, phải đánh giá thị trường, xem trong tình hình hiện nay và những năm tới thị trường alumin thế giới sẽ phát triển như thế nào, đòi hỏi chất lượng ra sao, giá cả có cạnh tranh không, đâu là những đầu ra của alumin Việt Nam.

Nếu như chỉ có Trung Quốc là thị trường tiêu thụ duy nhất, hay là thị trường chính, thì điều đó rất đáng ngại, nhất là trong tình hình phức tạp hiện nay. Đó là những yêu cầu đầu tiên.

Thứ 2, về công nghệ, phải xem xét liệu Tân Rai, Nhân Cơ có ra được sản phẩm mà thế giới chấp nhận không. Bởi chúng ta phải nên nhớ hiện nay, thị trường alumin trên TG không hề khó khăn, từ Úc, Brazil, cho đến một số nước châu Phi, lượng alumin có, thừa để cung cấp cho TQ.

PGS. TS Hồ Uy Liêm – Nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

Tất nhiên, nếu được chấp nhận, thì alumin Việt Nam có lợi thế về đường vận chuyển. Ngay ở Trung Quốc, nơi có thể sẽ tiêu thụ alumin cho chúng ta, họ cũng có một nền công nghiệp sản xuất alumin khá mạnh mặc dù từ nguyên liệu khác.

Thứ 3, chuyện biến đổi khí hậu là có thật, năm nay cả một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa vào Phú Yên, kể cả trên Tây Nguyên đang bị khô hạn nặng nề, nước còn không có đủ phục vụ sinh hoạt, nói gì làm công nghiệp?

Việc này ảnh hưởng như thế nào đến cung cấp nước để xử lý bôxít, vì quy trình sản xuất cần rất nhiều nước, mà nước đó cũng rất cần cho người dân và các khu công nghiệp dày đặc ở vùng hạ lưu Đông Nam Bộ.

Mặt khác, khí hậu khi nóng hạn, khi mưa tầm tã, cái gì sẽ xảy ra đều không biết trước hết được. Vì vậy, để có những đánh giá chính xác, toàn diện thì cần phải xem xét trên nhiều phương diện như vậy. Bởi đây là những dự án lớn cả về diện tích sử dụng và số tiền đầu tư.

Thứ 4, cần phải xem xét nghiêm túc bài toán vận chuyển alumin từ Tây Nguyên đến các cảng biển để xuất khẩu, điều nay được đề cập rất sơ sài trong dự án khả thi trước đây và bây giờ, theo tôi nghĩ, đó đã trở thành nút thắt cổ chai của toàn bộ dự án.

Sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn, nhiều công sức và thời gian để giải quyết vấn đề, để làm sao hàng ngày hàng trăm xe trọng tải 40-50 tấn có thể đi lại trên đường. Ai sẽ bỏ tiền ra làm đường? Chẳng lẽ lại trút gánh nặng lên vai người nộp thuế?

PV: – Đã từng đi Tây Nguyên nghiên cứu về đời sống người dân quanh hai dự án này, ông đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội ra sao? Trước đây Vinacomin đã từng đề xuất giảm mức bồi thường cho dân vì có thể hoàn thổ trồng trọt sau khai thác, đề xuất này đã được chấp thuận chưa và nếu được thì sẽ ra sao, thưa ông?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Tôi biết chắc là đời sống của người dân không được cải thiện bao nhiêu, có thể là TKV hỗ trợ vùng dự án một vài trường học, đường xá nhưng ảnh hưởng rõ nét đến đời sống thì hoàn toàn chưa có.

Chúng ta đừng nghĩ rằng hiệu quả XH thể hiện ra ngay, ít nhất nó phải trải qua thời gian, để làm ăn ổn định, có lãi, có tiền đắp vào giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, thì mới có thể nhìn thấy. Nhưng, với những gì đang xảy ra, tôi không có nhiều niềm tin vào hiệu quả kinh tế – xã hội sẽ có của toàn bộ dự án. Kể ra nếu ngay từ đầu chúng ta chỉ thí điểm thực hiện một dự án, như các nhà khoa học đã đề nghị, thì hay biết mấy.

Sau 5 năm thực hiện đề án bôxít cần xem xét lại các mục tiêu trước đây của TKV, đã được thực hiện như thế nào. Đáng lẽ dự án dự án Tân Rai đã phải hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào hoạt động cách đây 3 năm. Mỗi năm chậm trễ là phải trả hàng mấy chục triệu đô la tiền lãi suất.

PV: – Lựa chọn khai thác tài nguyên để lỗ, trong khi báo cáo của quốc hội chỉ rõ có nhiều lao động Trung Quốc làm ở đó, vậy thì phải hiểu về ý nghĩa việc khai thác tài nguyên này như thế nào?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Thứ nhất, nói chung thì các nước đang phát triển thế nào cũng phải đào quặng, bán đất, phá rừng để có tiền mà phát triển Cái đó là cái giá ban đầu phải trả, nước nào cũng phải làm.

Nhưng ở VN ta sự phát triển, đặc biệt là ở các địa phương, mang tính tự phát rất cao. Quy hoạch phát triển chất lượng chưa cao, nhưng quản lý việc thực hiện quy hoạch còn kém hơn nhiều, có thể nói là bị buông lỏng.

Nhiều địa phương khai thác mỏ, xây dựng các nhà máy thủy điện, phá rừng môt cách khá tùy tiện, nhưng sự giám sát của các bộ ngành, vì nhiều nguyên nhân rất lỏng lẻo.

Thứ hai, nạn tham nhũng tràn lan chưa kiểm soát được, lâu nay chúng ta cứ nói nhà nước của dân, do dân, vì dân, nhưng thực chất chưa có cơ chế hữu hiệu để dân tham gia kiểm soát tham nhũng và được bảo vệ khi tố cáo tham nhũng.

Sản xuất sắt không thể cạnh tranh.

PV: – Có ý kiến cho rằng sử dụng bùn đỏ để chế tạo sắt xốp sẽ tăng hiệu quả kinh tế hơn, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Chuyện sắt xốp đã được trường Đại học bách khoa HN tiến hành nghiên cứu làm cách đây 30 – 40 năm. Làm trong phòng thí nghiệm đã khó, nên làm trong quy mô công nghiệp, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường càng khó hơn.

Sản xuất sắt xốp là chuyện không tưởng 
Về lí thuyết từ bùn đỏ có thể làm ra rất nhiều sản phẩm chứa sắt kể cả sắt xốp, nhưng liệu sắt xốp ta làm ra có tồn tại được với thị trường hay không thì còn phải xem xét. Tôi có chút hoài nghi về lời khẳng định này. Nhưng cái điều chúng ta đang đau đầu hiện nay là liệu alumin Việt Nam có đáp ứng được những kì vọng đối với nó hay không.

PV: – Theo ông, với những rủi ro lớn về tài chính, dù Vinacomin đã xin đủ loại ưu đãi cho bauxite, cách đây gần 3 tháng, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất nhiều ưu đãi cho hai dự án bauxite này như bỏ thuế VAT, giảm phí môi trường, giảm giá điện cho nhà máy luyện nhôm, thậm chí giảm tiêu chí an toàn của hồ bùn đỏ… để bớt lỗ.

Đã đến lúc phải ngồi lại, đánh giá hiệu quả của hai dự án bauxite để đưa ra quyết định chưa? Thời điểm này đã phù hợp chưa và vì sao?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Cần thành lập các hội đồng khoa học độc lập, bao gồm các chuyên gia sâu về công nghệ, các nhà kinh tế, kể cả kinh tế giao thông vận tải, kinh tế môi trường… để đánh giá một cách nghiêm túc khách quan độc lập toàn bộ quá trình thực hiện hai dự án này.

Đánh giá những khó khăn và tồn tại trên cơ sở làm việc với các chuyên gia và các nhà quản lí dự án một cách công khai, minh bạch.

Trên cơ sở kiến nghị của các hội đồng Chính phủ sẽ xem xét thêm các yếu tố khác để quyết định cần làm tiếp hay không. Đó sẽ là quyết định rất khó khăn: làm cũng dở, mà không làm cũng dở. Trong hai cái dở ấy phải chọn ra cái đỡ dở hơn mà thôi.

PV: – Việc có một báo cáo chuyên đề về bauxite tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liệu có phải là dấu hiệu vấn đề bauxite sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội lần này?

Cùng với những chuyến giám sát hiệu quả thời gian vừa qua, ông có tin rằng, Quốc hội sẽ đưa ra quyết sách sáng suốt cho hai dự án bauxite này?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – QH gần đây đã mạnh mẽ hơn trong hoạt động lập pháp, trong việc ra những quyết định về những vấn đề lớn của đất nước và bắt đầu quan tâm hơn đên công tác giám sát hoạt động của nhà nước.

Tôi cho rằng đó là một động thái tích cực. Nhưng thực lòng tôi không chắc chắn lắm về việc QH sẽ có thể có những quyết sách mới về hai dự án này.

PV: – Vấn đề an ninh quốc phòng cũng đã được quan tâm nhiều trong lần này, như số lượng người TQ đang làm việc tại hai dự án, ông có thấy đáng lo ngại?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Báo chí và dư luận xã hội nói chung rất lo ngại về sự có mặt của nhiều người TQ tại các dự án EPC do các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ công tác quản lí nhà nước về xuất nhập cảnh đã bị buông lỏng là nguyên nhân chủ yếu.

Phải lập lại trật tự trong lĩnh vực này thôi. Phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật lao động đối với người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Mặt khác, phải tăng cường đào taọ, nâng cao tay nghề, kỷ luật lao động cho các lao động trong nước để họ có thể thay thế được lao động nước ngoài.

PV: – Nếu được đề xuất tư vấn góp ý cho Quốc hội, theo ông, phương án nào tốt nhất để hài hòa vấn đề kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng của hai dự án bauxite trên?

PGS.TS Hồ Uy Liêm: – Như tôi đã nói ở trên, hãy tổ chức các hội đồng khoa học độc lập bao gồm các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực liên quan, kể cả các chuyên gia về những vấn đề an ninh, quốc phòng, để đưa ra những ý kiến tư vấn cho các cơ quan nhà nước quyết định.

– Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thanh Huyền (Thực hiện)

Nguồn: baodatviet.vn

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.