Cách đây gần mười năm, tôi nói chuyện với một anh trước là sếp ở công ty cũ về khả năng nhận đầu tư nước ngoài của Việt nam. Anh ấy nói vấn đề của Việt nam là không có khả năng sản xuất tuân chuẩn, tức là các sản phẩm sản xuất ra không đều đặn. Một tỷ lệ không nhỏ sản phẩm bị lỗi, theo nghĩa là không triệt để tuân theo các tiêu chuẩn sản xuất định trước. Ví dụ như sản xuất ra một con ốc vít thì có một lượng vài chục phần trăm sản phẩm bị lệch với con ốc chuẩn: dài hơn một chút, to hơn hoặc nhỏ hơn một chút…etc. Cái khác biệt «một chút» này làm ảnh hưởng tới quy trình sản xuất tổng thể, vì nhà đầu tư nước ngoài cần sản phẩm đồng đều để có thể dễ dàng ráp chúng lại với nhau theo một quy trình định trước. Quy trình sản xuất hiện đại cắt nhỏ các khâu sản xuất và định chuẩn cho mỗi khâu. Sau đó toàn cầu hóa làm phần việc còn lại. Công ty mẹ hoặc công ty đặt hàng chính sẽ đi tìm đối tác trên khắp thế giới; đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào có chi phí sản xuất (lương) thấp nhất có khả năng làm ra những sản phẩm đạt chuẩn. Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ Việt nam mới có khả năng sản xuất như thế? Mười năm đã trôi qua, khả năng công nghệ của Việt nam có thay đổi, nhưng cũng vẫn chưa đạt được trình độ của các quốc gia chuyên lắp ráp xung quanh ta như Thái Lan, Malaysia, không nói gì đến Trung Quốc.
Sự buồn chán ấy kết thúc hôm qua khi tôi nhận thấy một lĩnh vực mà sản xuất của Việt Nam đồng đều gần như tuyệt đối. Đây là một lĩnh vực mà Pháp, Mỹ, Nhật hay bất cứ một quốc gia phát triển về công nghệ nào cũng không có khả năng, và không thể có khả năng. Đó là lĩnh vực đào tạo con người. Nói cho chính xác hơn đó là lĩnh vực đào tạo con người xã hội chủ nghĩa, tức là con người tham gia vào quá trình sản xuất đưa đất nước tiến lên phía trước theo định hướng của Đảng và Chính phủ. Đất nước chúng ta đã thành công vượt bậc về mặt này, đấy là điều không phải bàn cãi. Tỷ lệ đạt chuẩn cao một cách khủng khiếp, và không những thế còn tham gia vào quá trình «sản xuất» cực hiệu quả. Thực ra đã có nhiều người nói đến chuyện này, nhất là các nhà giáo. Nhưng hình như chưa có ai so sánh nó với kinh tế học như tôi. Xin đưa vài minh chứng cho những lời vừa nói.
Các tiêu chuẩn được Đảng và Nhà nước đặt ra với công dân Việt nam như sau
- Phải luôn tự hào về lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử Việt nam cận hiện đại
- Đã học lịch sử thì phải luôn nhớ sự chỉ đạo tài tình của Đảng. Ta luôn phải thắng, địch luôn phải thua.
- Không bao giờ bàn chuyện thời cuộc, thế sự. Đấy là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước.
- Đóng góp cho đất nước là học các công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài, nhưng tuyệt đối không can thiệp vào các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị.
- Không nghe đài địch. Tất cả những ai nói khác Đảng và Nhà nước đều là phản động.
- Những khó khăn lớn của đất nước hầu hết là do thế lực phản động bên ngoài gây ra hoặc xúi giục. Muốn biết ai là phản động quá đơn giản. Công an bắt ai thì người ấy là phản động.
Việc tham gia vào sản xuất thì cũng rõ ràng như ban ngày từ khái quát đến chi tiết.
Nói chuyện chi tiết trước. Đồng bào mình có rất nhiều cơ chế suy nghĩ ổn định đến mức có thể làm Apple hay Microsoft ghen tị. Các cơ chế này khi đi vào hoạt động thì cho ra kết quả tuyệt vời. Ở đây chỉ xin trình bày 3 cơ chế chính mới ghi nhận sau vụ giàn khoan HD 981.
Cơ chế 1 : Đi biểu tình là một điều không nên làm, trừ khi được Nhà nước cho phép và đi trong hàng ngũ đội quân của Nhà nước.
Hệ quả của cơ chế 1 : Người đi biểu tình, nếu không do Đảng hay Nhà nước chỉ đạo, thì ắt là do bị bọn xấu lôi kéo. Nhiều người nhẹ dạ đến mức nhận 300.000 đồng của bọn xấu để đi biểu tình chống Trung Quốc.
Cơ chế 2 : Công nhân các khu công nghiệp nếu đình công thì là do thiếu chuyên nghiệp, lười lao động, ngu dốt tự đập phá miếng cơm manh áo của mình (bọn này chưa được học lý thuyết phân công lao động của Adam Smith). Các lý do khác như điều kiện lao động cực khổ, xa cách vợ con, đồng lương rẻ mạt, ăn cơm có dòi, etc… chỉ là lý do phụ, không cần xét đến.
Cơ chế 3 : Yêu nước không phải là đi xuống đường giơ khẩu hiệu. Yêu nước đơn giản là làm tròn nghĩa vụ của mình với xã hội, theo sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Nghĩa vụ với xã hội là gì? Chẳng ai biết. Nhưng nhìn chung đó là… làm việc. Ai có việc gì làm việc ấy. Công nhân thì làm việc trong phân xưởng. Nông dân cày ruộng. Doanh nhân kinh doanh. Công chức bàn giấy. Xe ôm vỉa hè. Thất nghiệp đứng đường. Các thành phần khác tự tìm chỗ cho mình.
Ba cơ chế này vận hành nói chung rất trơn tru ổn định. Cứ ấn nút là ra kết quả. Thử 10 người 9 người kết quả giống hệt nhau. Ngoài ra tôi còn ghi nhận thêm một cơ chế cuối có lẽ ai cũng biết nhưng chỉ có mấy bác nông dân mới nói ra: «Đảng là Quân đội, Nhà nước là Công an, Dân chủ là phản động».
Với trình độ đạt chuẩn cao như thế, làm sao mà quá trình sản xuất xã hội chủ nghĩa lại chả trơn tru. Bởi vì nhìn tổng quan, quá trình này có thể được mô tả khái quát như sau.
Xã hội ổn định là điều kiện tiên quyết để dân giàu nước mạnh. Xã hội chỉ ổn định khi mỗi người làm tròn vai trò của mình trong xã hội. Cũng như một cỗ máy, muốn vận hành tốt thì mỗi bộ phận phải có một vai trò, không bộ phận nào được làm những việc ngoài vai trò định trước của mình. Xã hội nào cũng có một bộ phận đầu não ra quyết định là Đảng và Nhà nước. Cũng giống như máy tính nào cũng có bộ vi xử lý.
Về mặt này, công nhận là Việt Nam tiến bộ hơn các nước Tư bản, bởi vì tại các nước ấy cứ thỉnh thoảng lại biểu tình, lại đình công làm thiệt hại biết bao vật chất. Dân các nước ấy không hiểu một điều đơn giản là làm thế xã hội sẽ bị thiệt hại. Dân các nước ấy không biết là nếu vai trò của mình đã là ốc vít, thì phải làm tròn vai trò ốc vít, và ngoan ngoãn nghe lời processor. Ốc vít mà cãi Processor thì rõ là phản động. Xa thì có ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay mới đây là Ukraina. Gần thì Thái Lan suốt ngày bạo động. Tốt đẹp gì đâu.
Chính vì người dân được sản xuất đồng bộ và ổn định như thế nên Việt Nam luôn là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao vời vợi.
Còn lại một câu hỏi cuối cùng, đồng bộ và ổn định để cho ai được lợi? Về mặt kinh tế thì đồng bộ, ổn định và phân công lao động sinh ra thặng dư. Adam Smith đã nói như thế từ vài trăm năm trước. Câu hỏi là thặng dư đấy chảy về đâu ? Mấy cái ốc vít đồng bộ thì làm lợi chủ yếu cho nhà đầu tư, người đứng đầu quy trình sản xuất. Sau khi sản xuất ốc vít giá rẻ, nhà đầu tư ráp chúng lại thành sản phẩm hoàn chỉnh và xuất khẩu sang chính các quốc gia gia công dưới dạng điện thoại Iphone, Samsung, Tivi LCD, etc… Thặng dư chảy vào túi nhà đầu tư, đấy là điều mọi người đều biết. Còn khi con người đồng bộ, tự sắm cho mình một vai diễn cố định vĩnh viễn trong tấn trò đời hài hước do người khác chỉ đạo này, thì ai sẽ là người hưởng lợi, ai là người thu thặng dư?
Mỗi người chúng ta có thể tự đi tìm câu trả lời cho mình. Nếu không biết tìm ở đâu thì cứ nhìn Dương Chí Dũng, Phạm Quý Ngọ hay những vụ án tham nhũng tràn lan khác tại Việt Nam thời gian qua sẽ hiểu. Xã hội ốc vít muôn năm.
P.H.V.
Tác giả gửi cho BVN