Bee.net.vn – Có lẽ chúng ta đang kỷ niệm một năm Thủ đô chứ không phải là 1.000 năm nữa. Chúng ta đang đánh mất đi ba số 0 lịch sử của Thủ đô.
LTS: Phố cổ bị ép “đồng phục be hồng”, đến lượt Tháp nước Hàng Đậu bị sơn xanh. Các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, những người yêu Hà Nội đã gửi tới Bee rất nhiều phản hồi băn khoăn, liệu có phải người ta đang trát phấn cho “cụ già 1000 năm” Hà Nội. Bee trích đăng một vài ý kiến.
Nhà hoạt động nghệ thuật Nguyễn Minh Đức: Sơn mới chẳng khác gì phá vỡ Hà Nội
Nếu công trình lịch sử nào cũng mang ra cải tạo, chỉnh trang một cách bừa bãi như thế này, thì không phải Hà Nội kỷ niệm nghìn năm lịch sử nữa mà là đang phá đi, làm mất đi nghìn năm lịch sử của Thủ đô. Có lẽ chúng ta đang kỷ niệm một năm Thủ đô chứ không phải là 1.000 năm nữa. Chúng ta đang đánh mất đi ba số 0 lịch sử của Thủ đô.
Tôi lấy một ví dụ nho nhỏ thế này, ví dụ Thành Rome của Ý ở Việt Nam thì có lẽ chẳng còn du khách nào đến Việt Nam nữa. Bởi lẽ, người ta biết thành Rome, đến Rome, yêu quý Rome bởi tính huyền bí, cổ kính, và bởi tính thời gian. Nếu bây giờ mang thành Rome ra sơn lại, trát màu mè lên, cải tạo cho hoành tráng đi, mới hơn thì liệu có ai đến thành Rome?
Việc chỉnh trang những công trình lịch sử ở Hà Nội, trong đó có tháp nước Hàng Đậu là đang phá vỡ Hà Nội. Những công trình cũ này đang được “trang điểm” chẳng khác gì một cô gái nông thôn được mang ra bôi son trát phấn một cách lòe loẹt, chẳng hợp chút nào.
Bạn thử nghĩ xem, nếu tất cả các công trình cổ đều rực rỡ, không còn nét của năm tháng, không còn màu của thời gian thì Hà Nội sẽ còn lại gì? Du khách thế giới còn muốn đến Thủ đô của ta?
Về tháp nước Hàng Đậu, khi xây dựng, người Pháp người ta đã tính toán rất kỹ, một khối tháp lớn như thế, nếu bây giờ cho màu sáng lên, không gian tại đây rất chật chội và chướng mắt.
Bây giờ chỉ cần bạn thử lấy giấy màu xanh và màu vàng, dán xung quanh tháp nước đó, rất chướng và lố bịch, chẳng hợp chút nào. Bởi vì chính màu trầm mà người ta quen mắt hàng trăm năm nay nay tạo cảm giác bớt chướng hơn.
Tôi nghĩ rằng, để chỉnh trang các di tích lịch sử của Thủ đô, chúng ta cần có một nhạc trưởng dẫn đường, chứ không thể thấy bất cứ một công trình lịch sử nào cũng lôi ra trát sơn cho sáng lên là đẹp.
Nếu công trình cổ nào ở Hà Nội cũng sáng bừng lên, lộng lẫy nhiều màu thì Hà Nội sẽ chẳng còn gì thiêng liêng, còn gì đẹp, sẽ chẳng còn ai biết đến Hà Nội.
Họa sĩ Quách Đông Phương: “Tuyệt đối phải giữ nguyên ngoại thất của tháp nước”
Tôi là một người yêu Hà Nội từ khi tôi cầm cái máy ảnh đi chụp lại từng cái cổng làng cổ Hà Nội. Tôi cho rằng, Đại lễ nghìn năm lịch sử là khơi gợi lại cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử của Thủ đô. Do đó, thay vì sơn lại các công trình cho mới hơn thì chúng ta phải phục chế lại sao cho nó cổ kính hơn, để có thể khơi gợi lại được cho thế hệ trẻ về Thủ đô xưa.
Về tháp nước cổ Hàng Đậu, nếu tôi có tiền và được phép chỉnh trang nó thì tôi sẽ bắt đầu từ bên trong. Tôi sẽ cải biến bên trong tháp nước này trở thành một nơi sinh hoạt của người Hà Nội, như một phòng triển lãm tranh, một quán bar, quán ăn hoặc một sân khấu nghệ thuật…, Còn ở bên ngoài, tuyệt nhiên phải giữ nguyên nó. Tức là để nguyên gam màu trầm, màu xi măng như nó vẫn có từ hàng trăm năm nay.
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là làm xung quanh tháp nước gọn và sạch sẽ lại như chuyển nhà vệ sinh công cộng cạnh đó đi, tu sửa lại bên trong cho thoáng đãng.
Bởi có thể cải tạo bên trong thành một công trình lộng lẫy để nó trở thành câu chuyện của ngày hôm nay, nhưng vẫn phải giữ nguyên nét cổ kính bên ngoài của tháp nước.
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1983/201004/Nguoi-ta-dang-trat-phan-cho-cu-gia-ngan-nam-1748795/