Cuộc mít-tinh sáng 11.5.2014 tại Nhà hát Thành phố qua tường thuật của hai blogger

Từ 8.5.2014 nhóm 54 người đã gửi thông báo cho UBND Thành phố HCM rằng sẽ tổ chức mít-tinh lúc 9g sáng 11.5.2014.

Sáng nay 11.5 chúng tôi hẹn nhau uống cà phê để cùng đi tới Nhà hát Thành phố. Từ nhà tới nơi uống cà phê đã có hai bạn thanh niên bịt khẩu trang bám theo, các bạn này cũng đã bám theo tôi suốt ngày hôm qua. 8g chúng tôi kêu taxi, xe chạy khoảng 200 m đến ngã tư đầu tiên đã có hai anh công an áo vàng cưỡi xe trắng chờ sẵn, khi xe vừa qua ngã tư các anh chạy theo vung gậy chỉ taxi đậu vào lề đường. Biết là đụng thứ dữ, chúng tôi vội trả tiền, rời taxi về nhà lấy xe máy chạy ra cho kịp. Cũng may đến nơi trước 9g nên trên thềm nhà hát Thành phố dàn nhạc dân tộc vẫn đang biểu diễn tuy phía dưới bên trái nhà hát (phía khách sạn Caravelle) đã thấy căng khẩu hiệu và hô Đả đảo Trung Quốc xâm lược. Nhìn vào trung tâm nơi hô khẩu hiệu, thấy ông Hội đồng Khoa (Đặng Văn Khoa), ông Huỳnh Kim Báu, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Huy Đức cùng nhiều người mà tôi biết mặt, quen biết. Sẵn mang theo loa, tôi cũng hô vài câu góp vào khí thế chung.

Sau đó khi còn đang ca nhạc, mọi người rủ nhau kéo về Tổng lãnh sự quán Trung Quốc biểu tình. Tôi cũng rất muốn nhập đoàn nhưng mình đã ký tên thông báo tổ chức mít-tinh ở đây, nay chưa đến giờ, bỏ đi coi sao được nên đành ở lại.

Đúng 9g đại diện nhóm 54 người tổ chức mít-tinh lần lượt bước lên thềm cao của Nhà hát Thành phố và toan phát biểu nhưng một ông được giới thiệu là luật gia và tự xưng là người trong Ban Tổ chức đứng ra đọc diễn văn. Ơ hay! Chúng tôi đã thông báo cho UBND Thành phố HCM ngày giờ này, tại đây chúng tôi sẽ tổ chức mít-tinh; ông Phó Chủ tịch UBND đã mời đại diện nhóm 54 người tới, hứa không ngăn cản; đến trước lúc mít-tinh có thấy Hội Luật gia, Thành Đoàn, nhà Văn hóa Thanh Niên hay bất kỳ một tổ chức nào khác thông báo sẽ tổ chức mít-tinh ở đây đâu?! Có lẽ đây là chủ trương của Thành phố: chúng tôi tổ chức mít-tinh ở đâu sẽ tập hợp người của mình ở đấy để gây rối, cản trở.

Nói tiếp về cuộc mít-tinh. Khi ông luật sư kết thúc bài diễn văn, nhóm tổ chức mít-tinh chính danh (tôi tạm gọi nhóm 54 người là vậy) kiên quyết giành quyền phát biểu, khi đã giành được micro thì đúng lúc làm sao, micro không nói được. Đã dự liệu tình huống này, tôi từ dưới ôm loa chạy lên và dùng loa mình mang theo để ông Huỳnh Tấn Mẫm đọc lời Tuyên bố lên án Trung Quốc xâm lược (văn bản đã lên mạng lề trái từ hôm trước). Đã bảo rồi mà! Thấy chưa, Thành phố HCM học tập Hà Nội, khi ông Huỳnh Tấn Mẫm đang đọc thì loa hai bên phát nhạc át lời ông Mẫm. Sau khi ông Mẫm kết thúc, GS Tương Lai phát biểu, nghiêm khắc chỉ rõ hành động phá rối này. Loa không phát nhạc nữa, tôi nghĩ họ đã biết lỗi. Ông GS nói đại ý: Giặc đã vào đến nhà rồi, chúng ta phải đoàn kết cùng với nhà nước chống giặc ngoại xâm, phải tỉnh táo, không nhu nhược, không kích động. Cuối cùng ông trích dẫn lời của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Nazim Hikmet nói “cháy lên”, “bóng tối”, “ánh sáng”… Tôi biết câu này nhưng không chắc từng chữ nên không dám trích dẫn để kêu gọi thanh niên. Những lời ông GS nói không có gì gây hại cho Thành phố cả, tôi nghĩ thế. Các bạn có thể kiểm chứng bằng cách tìm đọc bài ứng khẩu của ông trên báo lề trái (chắc sẽ có đưa). Sau đó diễn ra cảnh giành mic. Phía ông luật sư tính đưa người của mình phát biểu nhằm không cho nhóm 54 nói nữa. Để chấm dứt cảnh tranh giành trên, nhóm 54 tắt mic. Mic lại về tay ông Lê Công Giàu. Ông Giàu đề nghị người tham gia đọc khẩu hiệu. Mà kìa! Lạ chưa?! Ông Giàu vừa đề nghị thì đám đông thanh niên phía dưới có những người quản trò lắc tay ra hiệu đừng tham gia. Công nhận đám này đắc lực thật, không ai mở miệng hô khẩu hiệu, đã thế họ lại hát đồng ca rất đều, rõ ràng có sự luyện tập từ trước. Chỉ có những người vì đất nước, tự nguyện đi biểu tình mới hô hưởng ứng – những người này hô cũng to ra phết tuy đa số đứng ngoài rìa và phía sau, vì thanh niên được phân công đã chiếm hết phần trung tâm rồi. Đến đây lại một màn phá rối nữa diễn ra, màn này Thành phố không học Hà Nội mà tự sáng tạo ra: cho các thanh niên cầm khẩu hiệu dài và rộng nhảy lên thềm che kín nhóm 54. Công nhận hiệu quả thật, nhóm 54 chỉ còn biết lắc đầu và tuyên bố chấm dứt vai trò của mình. Xuống dưới đọc các khẩu hiệu quốc doanh thấy ngoài các khẩu hiệu lên án Trung Quốc lại có các khẩu hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm, Sống chiến đấu, lao động, học tập theo gương… Chắc ngoài việc lên án Trung Quốc, họ nhân dịp tuyên truyền luôn. Những khẩu hiệu này treo đầy đường, các hội trường ủy ban phường, quận, Thành phố chưa đủ hay sao?!

Thật đáng tiếc cho Thành phố, và bẽ bàng cho nhóm 54. Nhóm 54  đã rất thiện chí đứng sau nhà nước tổ chức mít-tinh, nhưng Thành phố không hiểu, ruồng rẫy và cho là có ý đồ xấu. Do não trạng nhìn đâu cũng thấy địch, thấy phản động, họ không phân biệt được bạn thù, chủ trương phản biểu tình không đúng đối tượng. Không biết Thành phố đã thấy dại chưa? Các cụ nói chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Cấm có sai.

Tôi không biết hành văn, thấy sao kẻ vậy, đảm bảo người thật việc thật. Đọc xong các bạn không hài lòng thì bỏ qua cho, coi như chưa đọc, xin cảm ơn.

Tô Lê Sơn

Tác giả gửi BVN.

An Hà

Theo Tuyên bố của 54 trí thức yêu nước ở TP HCM sáng 11.5 tại Nhà hát TP diễn ra cuộc mít-tinh bày tỏ sự phẫn nộ của người dân Việt Nam trước hành động xâm lược trắng trợn lãnh hải Việt Nam của thế lực bành trướng Bắc Kinh.

Từ sáng sớm tại quảng trường trước Nhà hát Thành phố đã tràn ngập các bạn trẻ là sinh viên các trường đại học do Thành đoàn tổ chức. Các bạn trẻ hồn nhiên ca hát những bài hát ca ngợi cụ Hồ, sau đó như mọi chủ nhật, Đoàn Quân nhạc trình diễn chương trình ca nhạc. Người đi đường và khách du lịch quốc tế cảm nhận không khí tươi vui sinh hoạt hội hè chứ không hề biết rằng đây chính là nơi các trí thức yêu nước tên tuổi của đất nước chuẩn bị cuộc mít-tinh tỏ rõ sự phẫn nộ của mình trước nguy cơ chiến tranh và trước những hành động xâm lược láo xược của chính quyền Bắc Kinh đối với non sông đất nước.

Sự tươi vui hồ hởi trên các khuôn mặt, cử chỉ của các bạn sinh viên được chính quyền tổ chức này làm nhiều bậc lão thành cách mạng trong đó có nhiều người là lãnh tụ thanh niên sinh viên thời chiến tranh từng chịu cảnh tù đày phải chua xót.

Để sớm chấm dứt màn bi hài này, ông Đặng Văn Khoa cựu đại biểu Hội đồng Nhân dân cùng kĩ sư Huỳnh Kim Báu, nguyên chủ tịch Hội Trí thức yêu nước, đã giương cao khẩu hiệu “Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam”. Ngay lập tức nhiều người dân cũng tập hợp bên ông Khoa và ông Báu dương cao các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” trong tiếng vỗ tay của nhiều người phát động cuộc mitting .

Một bà mẹ trẻ dắt con gái chừng 4 tuổi – trên tay em bé là khẩu hiệu được viết tay “Đường lưỡi bò là phi pháp” – nét mặt tỏ ra rất hệ trọng, chứ không phải hồn nhiên cười đùa như các anh chị sinh viên của thành đoàn. Không thua bé gái này, một bé trai chừng 5 tuổi cũng đứng nghiêm, mắt mở to nhìn thẳng, hai tay giương khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam”. Có lẽ hình ảnh của các em bé này đã phần nào thức tỉnh các bạn sinh viên là mình đến đây để bày tỏ thái độ trước nguy cơ ngoại xâm, chứ không phải đến để theo chỉ đạo của ai đó nhằm làm mất ảnh hưởng của các trí thức yêu nước bị chính quyền quy kết là có tư tưởng chống đối chính quyền.

Và cuộc mít-tinh cũng đã được bắt đầu. Các ông Huỳnh Tấn Mẫm, Tương Lai, Lê Công Gìau lên diễn đàn. Như có chỉ đạo trước, khi ông Mẫm thay mặt cho các trí thức phát biểu thì giàn âm thanh phát lên tiếng nhạc ầm ĩ để át lời ông Mẫm. Hành động này gây phẫn nộ cho một số quần chúng dự mít-tinh. Nhiều người đã gay gắt yêu cầu những người phụ trách âm thanh phải tắt nhạc. Những người này sừng sộ lại và bảo: “Chúng tôi được lệnh của cấp trên”. Nhiều người dân truy: “Cấp trên là ai hay chính là bọn tay sai của giặc Tàu?”. Nhiều người chỉ vào mặt những người phụ trách âm thanh: “Các anh là Tàu phải không?”. Sợ hãi trước làn sóng phẫn nộ ấy, những người phụ trách âm thanh phải rút lui, trả lại diễn đàn sự im lặng cho ông Mẫm phát biểu. Ông Mẫm dõng dạc đanh thép tuyên bố:

Chúng tôi, những công dân yêu nước, bày tỏ thái độ đối với hành động xâm lược của Trung Quốc.

Ngày 2/5/2014 Trung Quốc đã đưa trái phép giàn khoan HD – 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thực hiện một bước đi mới cực kỳ nguy hiểm trong “chiến lược” xâm chiếm Biển Đông đã được hoạch định từ rất lâu của họ. Càng nghiêm trọng hơn là họ đã cho 80 tàu quân sự và hải giám theo giàn khoan tiến vào hải phận Việt Nam, và ngày 3 và 7/5/2014 đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển của Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của mình. Đây rõ ràng là hành động xâm lược đặc biệt nghiêm trọng như cuộc xâm lược cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, cướp đảo Gạc Ma năm 1988, cuộc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979…

Nhà nước ta đã tuyên bố phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, “dùng mọi biện pháp phù hợp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình”. Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố đó, sát cánh cùng với các chiến sĩ của ta đang kiên quyết ngăn chặn hành động xâm lược của Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị Nhà nước có những biện pháp cương quyết hơn nữa. Việt Nam cần sớm đưa vấn đề tranh chấp Hoàng Sa ra xử lý bởi Hội đồng trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi xác định trách nhiệm cùng với đồng bào toàn quốc ủng hộ Nhà nước ta thực hiện cuộc đấu tranh bằng mọi biện pháp để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan HD – 981 cùng mọi tàu quân sự và hải giám ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt mọi hành động xâm chiếm đất và biển của Việt Nam.

Sau phát biểu của ông Mẫm là phát biểu của giáo sư Tương Lai.

Với giọng sang sảng, ông kêu gọi các bạn trẻ hãy đứng lên vì đất nước. Giáo sư nói đại ‎ý: Giặc đã vào đến tận sân nhà rồi, người trong nhà hãy tạm gác những bất đồng, tranh cãi để dốc sức chống giặc. Lúc này đây mỗi một người Việt Nam yêu nước phải nhất tề đứng dậy đánh đuổi Trung Quốc xâm lược.

Lời tâm huyết từ tấm lòng nhiệt thành yêu nước của người giáo sư già tóc bạc phơ trước vận mệnh đất nước đã lay động lớp trẻ: “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao BÓNG TỐI có thể trở thành ÁNH SÁNG. Ánh sáng vừa le lói thì bóng tối đã lại phủ đen bầu trời mà cuộc cướp diễn đàn của ông luật sư Hậu tráo trở theo kế hoạc được chỉ đạo từ trước và ông Nhu phụ trách Nhà Hát phá rối bằng tiếng nhạc nhục nhã của ông ta đang diễn ra trước mắt bà con là một ví dụ đáng buồn. Nhưng tuổi trẻ của chúng ta không dễ bị lừa mị, chúng ta hãy biểu tỏ khí phách quật cường, truyền thống Việt Nam của ông cha ta bao đời truyền dạy kiên quyết đi đầu trong sự nghiệp chống Trung Quốc xâm lược.

Phải chăng những lời tâm huyết của vị giáo sư già đã thôi thúc một bộ phận trong họ trở lại chính là họ – tuổi trẻ yêu nước đặt sứ mệnh của đất nước lên trên hết – nên đã nồng nhiệt vỗ tay hưởng ứng phát biểu của ông. Đến đây, ông Lê Công Giàu hô to những khẩu hiệu đã được xác định của nhóm chủ xướng và tuyên bố cuộc mít-tinh kết thúc để những kẻ cướp diễn đàn ở lại với sứ mệnh được chỉ đạo của họ.

Thế rồi diễn đàn đã bị “chuyển giao” cho những người chắc là lãnh đạo Thành đoàn, tuy vậy những phát biểu của những diễn giả do chính quyền sắp xếp cũng đã lên án quân xâm lược Trung Quốc và các bạn trẻ cũng đồng thanh hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc”, “Đoàn kết dân tộc”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Theo nhận định khách quan của nhiều người, dù hành động cướp diễn đàn là đáng chê trách nhưng lần đầu tiên chính quyền cùng các trí thức mít-tinh ngoài trời công khai chống Trung Quốc đã là một sự thay đổi tích cực.

Trong lúc cuộc mít-tinh nhiều kịch tính thậm chí đôi lúc có cả sự hài hước diễn ra tại Nhà hát Lớn thì trên các con phố Sài Gòn hàng ngàn bạn trẻ đã biểu tình chống Trung Quốc một cách mạnh mẽ và đầy khí thế. Hàng ngàn quần chúng hai bên đường hoặc đang lưu thông giao thông đã nhập vào đoàn biểu tình hô vang, thét vang những khẩu hiệu yêu nước.

Sau khi rời khỏi cuộc mít-tinh, GS Tương Lai cùng một số trí thức khác trong nhóm chủ xuớng như linh mục Huỳnh Công Minh, ông Huỳnh Kim Báu đã nhập vào cuộc biểu tình này trong tiếng vỗ tay cổ vũ cùa các bạn trẻ, những người thực sự tự nguyện lên đường.

Các con phố đoàn biểu tình đi qua như một dòng sông cuộn đỏ với những khẩu hiệu và cờ tổ quốc. Đến trước Tòa Lãnh sự Trung Quốc, đoàn biểu tình bị chặn lại bởi lực lượng cảnh sát. GS Tương Lai đã cố thuyết phục hãy mở rào cản để ông và linh mục Huỳnh Công Minh đến sát cánh cổng của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, để hai ông biểu thị trực tiếp lòng yêu nước, nhưng yêu cầu đó bị từ chối.

Trong tình hình đó, giáo sư Tương Lai đã nhờ các bạn trẻ chuyển gấp một chiếc xe máy đến sát rào chắn rồi bế ông lên, giúp ông đứng trên chiếc xe ấy để hướng thẳng vào tòa nhà Tổng lãnh sự, phất cao lá cờ tổ quốc cùng quần chúng hô vang những khẩu hiệu đả đảo Trung Quốc xâm lược. Tiếng hô vang như sấm dậy, nhất là khi hô bằng tiếng Anh “China Get Out”.

Hô khẩu hiệu xong, giáo sư ôn tồn nói với những cảnh sát làm nhiệm vụ ngăn chặn không cho đoàn biểu tình vào sát cổng tòa nhà Tổng Lãnh sự: “Tôi cám ơn các bạn đã tạo điều kiện tương đối tốt cho chúng tôi biểu thị lòng yêu nước của người Việt Nam chúng ta. Vì bị câu thúc, các vị buộc phải chặn chúng tôi nhưng chắc rằng trong thâm tâm các vị cũng căm bọn giặc Tàu xâm lược vì dòng máu nóng Việt Nam vẫn lưu chảy trong huyết quản của các bạn”.

Ông vui vẻ bắt tay mấy sĩ quan cảnh sát đứng sát bên đường với vẻ mặt căng thẳng và cùng các bạn trẻ đang hào hứng râm ran tiếng cười đùa thú vị. Họ vỗ tay rất to khi thấy linh mục Huỳnh Công Minh ôm hôn giáo sư Tương Lai giữa lòng đường trước khi họ chia tay, giáo sư lên taxi về nhà. Trong đoàn biểu tình này còn có nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhiều trí thức khác cùng tham gia.

An Hà

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Biển Đông, Biểu Tình, Blog. Bookmark the permalink.