Chủ giàn khoan Hải Dương 981 là ai?

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Dàn khoan HD 981 là thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).

Nhưng cụ thể CNOOC là công ty gì? Tại sao họ lại tiến hành một vụ việc như thế lúc này?

Kiếm dầu

Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).

Theo Tạp chí Fortune, năm 2013, CNOOC có đến 102,562 nhân viên và có doanh thu lên tới 83.5 tỷ USD. Và với mức doanh thu cao như vậy, CNOOC được tạp chí này xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới.

CNOOC thậm chí được xếp trên hai hãng nổi tiếng là Sony (thứ 94, doanh thu 81.9 tỷ) và Boeing (thứ 95, doanh thu 81.7 tỷ).

Hơn nữa, xét về mặt lợi nhuận, CNOOC cũng không thua bao nhiêu so với Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Năm 2013 lợi nhuận của CNOOC là 7,7 tỷ, trong khi đó Sinopec chỉ có 8.2 tỷ dù doanh thu của tập đoàn này lên tới 428.2 tỷ và được Fortune Global 500 xếp ở vị trí thứ tư.

Dù bị xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.

Đây cũng là nhiệm vụ chính của công ty này.

Theo một bài nghiên cứu có tựa đề ‘China’s State-Owned Enterprises: How Much Do We Know? From CNOOC to Its Siblings’, được phổ biến vào tháng 6 năm 2013, của Duanjie Chen thuộc Đại học Calgary, Canada, trong thời gian đầu CNOOC chủ trương hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu ở ngoài khơi Trung Quốc.

Một sự hợp tác như vậy không chỉ giúp CNOOC tìm nguồn vốn mà còn có thể tiếp cận, sử dụng các công nghệ tiên tiến của những công ty ấy.

Hơn nữa, khi tiếp xúc và quan sát cung cách kinh doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới, CNOOC cũng đã học được cách làm ăn và cạnh tranh.

Nhờ vậy, CNOOC đã lớn mạnh rất nhanh về nhiều mặt.

Trái hẳn với thời gian đầu, giờ CNOOC được trang bị các phương tiện, kỷ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.

Giàn khoan HD 981 là một ví dụ.

Được biết, CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan này. HD 981 là một giàn khoan nước sâu khổng lồ – nặng đến 31,000 tấn, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137.8 m – và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m.

HD 981 đã được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 09/05/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên Biển Đông, cách Hong Kong 320 km.

Ngoài việc phát triển, trang bị kỷ thuật hiện đại, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí.

Tiêu biểu cho các hoạt động ấy là việc CNOOC mua Nexen – một tập đoàn năng lượng của Canada – với giá 15,1 tỉ USD vào đầu năm 2013. Đây là thương vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc và cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada.

‘Cơn khát dầu’

“CNOOC là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của Trung Quốc, sau CNPC và công ty mẹ của Sinopec. Khai thác dầu ngoài khơi TQ và cả ở Indonesia, Úc, Nigeria, Uganda, Argentina, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Brazil. Tháng 2/2013, CNOOC đã thành công trong vụ mua công ty dầu Canada, Nexen Inc. trong thương vụ 15,1 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử mua đứt lại công ty nước ngoài của TQ.”

BBC Monitoring

Xây dựng giàn khoan HD 981 hay bỏ hơn 15 tỷ để mua lại một công ty nước ngoài của CNOOC tất cả đều nhằm mục đích kiếm dầu để đáp ứng ‘cơn khát’ dầu của Trung Quốc.

Trong bài viết ‘CNOOC’s Offshore Strategy Intensifies’, đăng trên mạng Energy Tribune hôm 18/07/2013, Tim Daiss cho rằng nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể.

Với mức tăng trưởng hiện tại và – cùng với sự tăng trưởng đó – ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng xe hơi, quốc gia này càng ngày càng cần dầu khí.

Mãi tới năm 1993, Trung Quốc vẫn là một quốc gia xuất khẩu dầu. Nhưng theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ vào tháng 9 năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Theo số liệu của của EIA, giờ mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6.3 triệu thùng dầu dù Trung Quốc là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới (4.5 triệu thùng/mỗi ngày trong năm 2013). Trong khi con số ấy ở Mỹ là 6.1 triệu.

Không khai thác đủ dầu cho tiêu thụ nội địa một phần cũng vì – như Tim Daiss nhận định – các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc một ngày một cạn. Vì vậy, Trung Quốc cần tìm kiếm dầu từ các quốc gia khác.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng khác trong chiến lược phát triển – và đặc biệt tham vọng trở thành cường quốc – của Trung Quốc.

Trong cuốn ‘China, Oil and Global Politics’, xuất bản năm 2011, Philip Andrews-Speed và Roland Dannreuthe cho rằng Trung Quốc đạt được tham vọng đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc nước này có tìm đủ được nguồn dầu khí.

Vì những lý do đó, qua CNOOC, Bắc Kinh đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi.

Đã từng thất bại

“CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan nước sâu HD 981nặng đến 31 nghìn 000 tấn, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137.8 m – và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m.”

Nhưng không phải thương vụ nào do Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tiến hành cũng trôi chảy.

Năm 2005, Tập đoàn này đề nghị mua Unocal – công ty dầu lớn thứ tám tại Mỹ – nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành việc mua bán đó. Unocal sau đó đã được bán cho Chevron, công ty dầu khí lớn thứ hai tại Mỹ, với giá 17.1 tỷ – ít hơn giá mà CNOOC đề nghị là 18.5 tỷ USD.

Các dân biểu Mỹ không đồng ý thương vụ ấy vì họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0.8% số lượng dầu sản xuất tại đây.

Trung Quốc và CNOOC không hài lòng về quyết định của Unocal vì họ không thể có thêm được một nguồn cung cấp dầu quan trọng.

Vì quá cần dầu khí – và việc tìm các nguồn dầu khí từ các nước khác trên thế giới lại không dễ dàng – Trung Quốc luôn nhóm ngó các vùng biển đang có tranh chấp – hay thậm chí thuộc chủ quyền của một số nước – trong khu vực, như Biển Đông.

Biển Đông được coi là một trong những vùng biển chứa nhiều khí đốt.

Trong bài ‘China’s territorial sovereignty dispute is all about energy’, được đăng trên trang mạng của Global Risk Insights hôm 22/01/2014, Becca Cockayne nhắc lại rằng vào tháng 11 năm 2012, CNOOC đã ước tính khu vực này chứa khoảng 125 tỷ thùng dầu.

Hơn nữa, như tựa đề của bài viết mô tả tác giả này cho rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông đều liên quan đến dầu khí.

Cụ thể việc Trung Quốc quyết đình đưa giàn khoan HD 981 vào một vị trí nằm trong EEZ hay có những động thái khá hung hăng ở Biển Đông trong thời gian qua không ngoài tham vọng lấn chiếm phần lớn vùng biển này và qua đó có thể độc quyền khai thác dầu khí ở đây.

Khi CNOOC tìm cách mua Nexen, có người trong dưới phân tích cho rằng ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.

Cách đây hai năm – khi CNOOC hạ thủy giàn khoan HD 981– có không ít người cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này vào thăm dò và khoan dầu tại những vị trí đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của một số nước ở Biển Đông.

Nay thì sự việc đang diễn ra đúng như vậy.

Đ. X. L.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/05/140509_cnooc_china_oil_plan.shtml

 

This entry was posted in Biển Đông, kinh tế. Bookmark the permalink.