Tóm lược về sông Lan Thương – Mekong
Lan Thương là một dòng sông quốc tế dài 4.350 km phát nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Vân Nam – Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái, Cam Bốt vào sông Cửu Long tại Việt Nam. Sông Lan Thương có 5.000 mét thế năng nên Trung Quốc (TQ) đã khai thác thủy điện một cách đại quy mô trên dòng sông này. TQ đã xây nhiều hồ chứa vĩ đại để chạy nhà máy thủy điện, cung cấp điện cho đô thị, kỹ nghệ khai quặng mỏ, sản xuất, và bán cho Thái Lan và Việt Nam.
Dòng Lan Thương – Mekong là một hệ thống sinh thái phong phú thứ nhì của thế giới nay đang hứng chịu tác hại của các đại công trình TQ ở thượng nguồn. Các dân tộc hạ nguồn cần biết rõ về chương trình này để đối phó với tác động thượng nguồn đổ xuống lưu vực và ảnh hưởng lên sự an toàn và sinh kế của họ. Tất cả những gì các quan chức và khoa học gia TQ tuyên bố hầu hết là liệt kê các mối lợi ích TQ sẽ mang cho hạ nguồn, nhưng không cam kết, và không hề nhận trách nhiệm nào hay đề cập gì đến các tai hại mà hạ nguồn đang hứng chịu. TQ gạt bỏ sự lo ngại chính đáng là làm sao tránh các tai hại đã gây ra trên lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử không tái diễn trên lưu vực Lan Thương-Mekong.
Chính quyền TQ đã cho các Công ty Vân Nam hoàn tất đập Mãn Loan, Đại Chiếu Sơn và Cảnh Hồng trong chuỗi 8 đập lớn chặn ngang dòng chính. TQ đã không công bố chi tiết kỹ thuật và phương án điều hành từ hai thập niên qua. Đập thứ 4 Tiểu Loan, sắp hoạt động có công suất lớn bằng cả 3 đập trước cộng lại. Sự thật là mối lo âu, quyền lợi và kế sinh nhai của các dân tộc hạ nguồn Mekong đã không được TQ coi trọng. Các nghiên cứu khoa học TQ đưa ra rất thiếu khách quan và trên các căn bản khoa học mù mờ. Các quốc gia hạ nguồn cũng có 7 dự án thủy điện của riêng họ mà TQ cũng khuyến khích ủng hộ. Hình 1(Nguồn TERRA).
Khi chính quyền TQ tích cực khai thác thủy điện, Hàn lâm viện khoa học (HLVKH)TQ cổ vũ và biện bạch cho các kế hoạch này suốt 60 năm qua. Về ảnh hưởng cho hạ nguồn, HLVKH TQ cũng chỉ nói đến những lợi ích, gạt bỏ mọi ảnh hưởng tác hại và phóng đại khả năng chống lũ lụt và giảm hạn hán mà các hồ chứa của họ sẽ mang lại cho hạ nguồn. Mục đích bài này là duyệt xét những hứa hẹn của TQ và đưa ra những mối ưu tư của hạ nguồn trước công luận khoa học và thế giới.
Hứa hẹn 1: Thủy điện TQ và mối giao hảo tốt với các nước láng giềng
Ông Zhang Guobao, Phụ tá bộ trưởng Bộ Phát triển và Đổi mới, Giám đốc năng lượng, đã tuyên bố “Những công ty khai thác TQ đã gây dựng mối giao hảo thân thiện với các nước láng giềng và tinh thần hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trên sông Mekong trong việc khai thác tiềm năng thủy điện của dòng sông này”[1]
Thành quả của TQ thực ra là liên minh với các tập đoàn điện lực và kỹ nghệ của Thái Lan và Việt Nam để bán điện[2]; cùng góp vốn và chia lời, và từ đó TQ củng cố vị trí thủy điện bằng thế lực chính trị hậu thuẫn các đối tác ấy. Liên minh này dựa vào lợi nhuận cho những đối tác và có nhiều quyền lực, trong khi đó, nguy hại cho môi sinh, an toàn và kế sinh nhai của hàng chục triệu dân cư lưu vực đang bị gạt bỏ ra ngoài.
Ông Zhang Guobao cũng nói là các công ty thủy điện TQ đã “lưu tâm nhiều đến tác động liên quốc ngay từ đầu, TQ đã khảo cứu về các tác động môi sinh và xem xét quyền lợi của các vùng từ thượng nguồn đến hạ nguồn để đưa ra tiêu chí cho việc thiết kế các dự án thủy điện Lan Thương” [1]
Điều tuyên bố trên không đúng sự thật và cố ý đánh lạc hướng dư luận. Sự thật là các tác hại cho hạ nguồn đã được bộ máy tuyên truyền TQ liên tục giảm thiểu qua các tường trình khoa học ngụy tạo không được kiểm chứng độc lập hay xác nhận bởi chuyên gia quốc tế độc lập. Ngay cả người dân TQ cũng đã không được thông báo chi tiết và không hề được tham vấn về những dự án này. Không ai biết rõ đồ án thiết kế, phương án điều hành, các biện pháp an toàn, kế hoạch đối phó khi gặp nguy biến. Ngay tại TQ sau khi tai biến xảy ra và được quét dọn, chỉ trích thường bị ngăn cấm, nạn nhân bị lãng quên và sai lầm bị che dấu.
Phát triển bền vững và hợp tác quốc tế đều cần có sự quân bình; nhưng thế quân bình giữa áp lực phát triển và nhu cầu bảo toàn tài nguyên thiên nhiên, và thế quân bình giữa TQ và các quốc gia hạ nguồn dường như không có. TQ đã biến Lan Thương-Mekong thành một dòng sông sôi nổi tranh luận và tranh chấp quyền lợi. [3][4]
TQ đã không có nghiên cứu môi sinh khoa học thực sự hay tham vấn với công chúng trong lưu vực để có đồng thuận. Những tổ chức NGO của TQ chỉ mới được phôi thai từ năm 1999. Cơ chế và sự tham gia của công chúng vào các dự án phát triển còn rất yếu ớt. Dân cư lưu vực cần phương tiện theo dõi tìm hiểu dữ kiện và lên tiếng bảo vệ quyền lợi sống còn. TQ cần công khai cung cấp liên tục đầy đủ các dữ kiện khoa học và quan trắc toàn thể Lan Thương cho hạ nguồn theo dõi và nghiên cứu.
Hứa hẹn 2: Tác động nhẹ và chỉ có giới hạn xuống hạ nguồn
Chương trình thủy điện Lan Thương khởi đầu từ năm 1986. Đập Mãn Loan hoàn tất năm 1993, theo sau là Đại Chiếu Sơn và Cảnh Hồng. Đập Tiểu Loan sẽ hoàn tất năm 2010, trước dự tính hai năm, có công suất 4.2 triệu KW với chi phí 4 tỉ USD. Công trình Tiểu Loan này lớn thứ nhì của TQ chỉ đứng sau đập Tam Giáp trên sông Dương Tử.
Kỹ sư Ma Hongqi, kỹ sư chính của Công ty phát triển thủy điện Vân Nam và Hàn lâm viện TQ đã nói rằng đập Tiểu Loan, cao 292 m sẽ chỉ có tác động nhẹ “Khoa học gia TQ đã nghiên cứu cặn kẽ các tác động của Tiểu Loan xuống hạ nguồn trước khi xây đập và kết luận Tiểu Loan chỉ có tác động giới hạn xuống hạ nguồn” [6]
Hứa hẹn 3: Không chuyển nước trên thượng nguồn
TQ tuyên bố rằng các hồ chứa Vân Nam sẽ “ làm nhẹ đi nạn hạn hán cho hạ nguồn vào mùa khô và trung bình hạ nguồn sẽ có thêm 39.7% lưu lượng”. Việc này sẽ “tăng hiệu quả cho các công trình dẫn thủy dọc trên Mekong và giúp chống lại nước mặn xâm lấn vào đất liền” [6 ]
Dù giới chức TQ trấn an dân cư hạ nguồn là đập Tiểu Loan sẽ không cắt giảm nước sông chảy xuống, nhưng việc điều hành hồ nằm trong tay quản lí của các công ty TQ có ưu tiên là sản xuất bán điện kiếm lời. Dân cư hạ nguồn không có cách nào an tâm TQ sẽ giữ nước và kiểm soát được nước khỏi bị thất thoát vì sau khi nước hồ dâng đầy, rất dễ chuyển nước ra để dùng vào việc khác. Thực thế, từ khi đập Mãn Loan hoạt động, mực nước tại Chang Saen từ năm 1995-2004 đã lên xuống rất bất thường, nước chảy về Mekong đã giảm xuống thấp nhất trong 35 năm (hồ sơ số liệu).[7]
Tác động của thủy điện quá to lớn mà 65 triệu người dân lưu vực vốn phải sống dựa vào dòng nước Mekong nên không thể giao phó toàn bộ kế sinh nhai của mình cho những công ty thủy điện TQ và guồng máy quản lí TQ mà không có cam kết bảo vệ và bồi thường. Điều cần thiết nhất là một hiệp ước quốc tế về Lan Thương-Mekong có sự tham gia của cả 6 nước trong lưu vực.
Sự thất thoát nước ghê gớm do thủy điện sẽ xảy ra từ khởi đầu mà TQ không đề cập và cả Mekong River Commission rất ít nhắc đến; hồ Tiểu Loan chẳng hạn, sẽ đoạt ngay 15 tỉ mét khối nước làm đầy hồ trước khi hoạt động. Nếu chỉ giữ lại nửa lưu lượng Lan Thương lại tại hồ này, TS Tyson Roberts của viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonion đã ước tính phải mất ít nhất 10 năm [8]. Trong thời gian 10 năm này TQ không thể có dư nước để gửi về cho hạ nguồn vào mùa hạn. Hạ nguồn sẽ còn mất thêm 22 tỉ mét khối nữa cho đầy hồ Noushadu (Nọa Trát Độ) dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2014. Hạ nguồn sẽ mất tổng cộng và ít nhất là 41 tỉ mét khối cho 8 hồ chứa Vân Nam, tương đương 2/3 số nước hàng năm Vân Nam vẫn chảy xuống hạ nguồn.
Theo Scientific American, TQ cũng đã hứa hẹn khả năng trị thủy và chống hạn của chuỗi đập trên sông Dương Tử, nhưng năm 2008, chính China Daily, nhật báo TQ, đã phúc trình việc mực nước sông Dương Tử rút xuống thấp nhất trong 142 năm lịch sử của họ. Tàu bè mắc cạn tại Hồ Bắc và Giang Tây vì đập Tam Giáp đã cắt mất 50% lưu lượng .
Scientific American tường trình “Giới chức TQ vẫn bào chữa cho dự án Tam Giáp là nguồn cung cấp năng lượng chính yếu cho một quốc gia khát điện như TQ mà còn là phương án chống lũ lụt cho hạ nguồn. Sau khi Tam Giáp hoàn thành chính giới chức trách TQ đã phải nhìn nhận đã có những “nguy hiểm ngấm ngầm” có thể mang đến tai họa cho họ . Ông Wang Xiaofeng, người quản lí dự án thay mặt chính phủ TQ đã nói với giới khoa học tại Trùng Chính họ “không thể ngừng canh phòng và không thể hy sinh môi sinh mà đổi lấy món lợi kinh tế tạm thời” [9]
Hứa hẹn 4: Thủy điện không tác hại đến di ngư
Viện nghiên cứu sinh vật Côn Minh thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học TQ công bố rằng có tất cả 127 giống cá sống trong khu vực Lan Thương, trong đó chỉ có 4 giống là thuộc loài di ngư. Chúng di chuyển từ hạ nguồn Mekong lên sông Puyyan, chi nhánh sông Lan Thương tại Xishuangbanna, nằm dưới Tiểu Loan đẻ trứng, do đó các đập thủy điện không gây tác hại đến di ngư [6]
Tài liệu nghiên cứu này của Hàn lâm viện TQ làm ra trong bí mật, không công bố phương pháp khảo cứu, thời gian khảo cứu và tài liệu này không được một nhóm nghiên cứu khoa học quốc tế khách quan công nhận hay kiểm chứng. TQ đã mâu thuẫn với nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong (Mekong River Comission) MRC cho là có đến 1.700 giống cá sinh sống trên Mekong và ông Chris Barlow đã ước lượng sẽ có 58 giống di ngư sẽ chịu ảnh hưởng tai hại vì thủy điện Vân Nam.
Hứa hẹn 5: Chống sạt lở
Kỹ sư Ma Hongqi lý luận rằng “đập Mãn Loan, Đại Chiếu Sơn, Tiểu Loan ngăn dòng Mekong” làm “trọng tải phù sa xuống hạ nguồn sẽ giảm 10% sẽ giúp tránh gây sạt lở bờ sông” [6]
Lý luận trên không có cơ sở khoa học mà thực tế đã chứng minh ngược lại, sau khi Mãn Loan hoạt động lưu lượng phù sa tại Chang Saen bất thình lình thụt xuống không phải 10% mà 50% [11]. Không những thế, mực nước đã thay đổi bất thường cũng như mực nước tối thiểu hàng năm cứ hạ dần. Một trong những nguyên nhân lớn gây sạt lở chính là vì mực nuớc rút nhanh và nồng độ phù sa giảm đều làm dòng nước khát phù sa tăng cường sói mòn vào bờ.
Nếu hồ chứa có khả năng điều tiết có lợi cho hạ nguồn thì chính khả năng ấy khi sử dụng tắc trách cũng sẽ gây tác hại cho hạ nguồn không kém. Việc hợp tác kiểm soát và cam kết kiểm chứng cung cách điều tiết các hồ chứa Vân Nam là yêu cầu then chốt để TQ lấy niềm tin của dân cư hạ nguồn. Tốt hơn nữa là trích ra từ thu nhập lập một quỹ bảo hiểm để đền bù nạn nhân khi có tai họa.
Hứa hẹn 6: Không gây ảnh hưởng tiêu cực
Giám đốc He Daming của Asian International River Center tại Vân Nam nói rằng “sự giảm sút phù sa trong dòng sông sẽ giúp cho ngư sản tăng lên tại hạ nguồn và kinh nghiệm từ những dòng sông quốc tế đã chứng minh sẽ không có tác hại cho môi sinh” [13]
World Commission on Dams (WCD) đã tụ họp một đội ngũ khoa học gia nổi tiếng khắp thế giới để kiểm chứng 50 năm kinh nghiệm của thủy điện trên các dòng sông lớn thế giới. WCD đã kết luận rằng thủy điện đã không sản xuất được nhiều điện hay cản nhiều lụt như đã dự trù, thêm vào đó đã phí tổn xây dựng thủy diện gấp nhiều lần dự tính, mất thời gian rất lâu hơn mới thực hiện nổi. các dân tộc thiêu số, các bộ lạc và dân quê lưu vực thường gánh chịu thiệt thòi nặng nề mà không được hưởng phúc lợi như hứa hẹn.
Đập lớn thường gây ra thiệt hại môi sinh rất đáng kể, gây tuyệt chủng nhiều di ngư, làm mất rừng, mất diện tích đất ngập và cả mất cả hoa màu vườn ruộng.
Điều cần ghi chú là hạ nguồn không phản đối thủy điện tuyệt đối và toàn diện. Thiếu hụt năng lượng phát triển kinh tế là tình trạng chung của Á châu, vì Lan Thương – Mekong là dòng sông quốc tế chung của nhiều dân tộc nên cần hợp tác quốc tế để phát triển bền vững, cân bằng sinh thái, giảm thiểu tác hại tài nguyên môi sinh và chia sẻ phúc lợi công bằng trên toàn lưu vực.
TQ đã không chia sẻ dữ kiện dòng chảy, không chấp nhận đối thoại đa phương với hạ nguồn. TQ chỉ quan sát nhưng không tham gia UBSMK (Mekong River Commission). Cho đến nay, những hứa hẹn chống lũ giảm hạn của TQ đã không hiện thực mà ngược lại mực nước lên xuống càng thất thường, hạn hán càng khắc nghiệt, thu hoạch nông ngư sút giảm khắp hạ nguồn và nước mặn lấn càng sâu vào đồng bằng và duyên hải. Bài học lịch sử Hoàng Hà và Dương Tử có lẽ đang tái diễn trên khắp lưu vực Lan Thương – Mekong.
Yêu cầu của dân cư hạ nguồn
Trước những hứa hẹn của TQ đã không hiện thực và thiếu cơ sở khoa học, các dân tộc hạ nguồn yêu cầu TQ ngưng lại các kế hoạch xây cất hồ chứa và khai thác thủy điện, áp dụng các khuyến cáo của WCD, nghiên cứu lại độ an toàn của tất cả các đập đã xây và sắp xây, lập các biện pháp bảo vệ môi sinh, tài nguyên và kế sinh nhai dân cư lưu vực, thực sự hợp tác với hạ nguồn, ký hiệp ước cam kết tuân thủ và bảo đảm các lợi ích tốt lành mà TQ hứa hẹn thực hiện.
Long P. Pham, PE
Viet Ecology Foundation
USA
Tài liệu trích dẫn:
[1] http://www.chinadaily.com.cn/china/2008-06/19/content_6779088.htm
[2] http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2002-01/21/content_102947.htm
[3] http://www.atimes.com/se-asia/DC26Ae03.html
[5] http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/DH09Ae01.html
[6] http://china.org.cn/english/environment/42990.htm
[7] http://www.livingriversiam.org/mk/mek_down_impact_en.pdf
[8] http://vxtbg.brim.ac.cn/Symposium/Proceedings.pdf#page=48
[9] http://www.scientificamerican.com/article.cfm?id=chinas-three-gorges-dam-disaster&page=4
[10] http://www.mrcmekong.org/Catch-Culture/vol14_3Dec08/Mekong-fish-catch.htm
[11] http://hal-sde.archives-ouvertes.fr/docs/00/30/48/34/PDF/hess-10-181-2006.pdf
[12] http://www.livingriversiam.org/mk/mek_down_impact_en.pdf
[13] http://english.people.com.cn/200201/20/eng20020120_89013.shtml
[14] http://www.threegorgesprobe.org/pi/documents/three_gorges/yangtze/appendix-a.html
[15] http://www.chinapost.com.tw/china/local-news/other/2009/06/26/213768/Construction-.html
[16] http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-12/20/content_291989.htm
[17] http://www.wilsoncenter.org/topics/pubs/CEF_ToC.Forward.pdf
[18] http://dsc.discovery.com/news/2009/02/05/china-quake-dam.html
[20] http://www.chinadaily.com.cn/china/2009-07/21/content_8454978.htm
[21] http://csb.scichina.com:8080/kxtbe/fileup/PDF/00ky0376.pdf
[U1]This map is incorrect. The completed projects are Manwan, Daochashan, Jinghong and Xiawan.