(Tin tức thời sự) – Thảm họa Hàng không chắc chắn khó tránh khỏi do sự cẩu thả do chính nhân viên của Vietnam Airlines gây nên.
TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nêu quan điểm trước sự hàng loạt sự cố máy bay của Vietnam Airlines diễn ra trong thời gian vừa qua.
Vietnam Airlines bị xếp sau hãng hàng không của Campuchia, Lào
Trước sự việc tàu bay Vietnam Airlines (VNA) gặp sự cố tại Úc vào lúc 10g35′ ngày 6/5 khi chuẩn bị cất cánh, động cơ của máy bay gặp sự cố làm văng cánh quạt và các mảnh vỡ xuống đường băng. Trong khi chiếc tàu bay Airbus A330 số hiệu đăng ký VNA371 này đươc đưa vào khai thác năm 2009 và mới được kiểm tra kỹ thuật vào ngày 2/5.
TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, sự cố lần này hết sức nghiêm trọng, nó ảnh hưởng không chỉ tính mạng của toàn bộ 180 hành khách cùng 13 thành viên phi hành đoàn trên máy bay, đồng thời uy hiếp an toàn của các máy bay và nhân viên đang hoạt động tại sân bay, làm gián đoạn hoạt động trên sân bay 1 giờ.
“Theo tính toán, sự cố có thể gây thiệt hại kinh tế hàng ngàn USD cho hãng hàng không VNA do phải hoãn chuyến và làm gián đoạn hoạt hàng chục chuyến bay cất hạ cánh và làm thiệt hại cho sân bay quốc tế của nước bạn”, TS Trần Đình Bá nói.
TS Trần Đình Bá cũng cho biết, so với các sự cố như điều hành không lưu hạ nhầm đường băng, máy bay suýt đâm nhau trên không, nổ lốp trên không, nổ lốp khi hạ cánh, rơi lốp, rơi ốp, hạ cánh bằng bụng… liên tiếp xảy ra gần đây tại VNA thì sự cố lần này có mức độ nghiêm trọng lớn hơn nhiều. Nếu máy bay đã rời mặt đất thì sự cố không thể lường hết vì khi đó trên máy bay đã có nhiều tấn nhiên liệu, để hạ cánh an toàn rất khó khăn.
Đặc biệt, TS Trần Đình Bá đưa ra phép so sánh giữa VNA và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam từng được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng chỉ thẳng là “Bộ Đường sắt”.
“Phải nói rằng VNA đã đi theo “phiên bản” của “Bộ Đường sắt Việt Nam”, độc quyền, cửa quyền trở thành một “Bộ Hàng không” mang tính quan liêu bao cấp, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, TS Trần Đình Bá nói.
TS Trần Đình Bá dẫn chứng, từ tàu bay, sân bay, dịch vụ mặt đất, ăn uống, đi lại, đăng kiểm, bảo dưỡng sửa chữa… tất cả đều trọn gói trong tay “ông lớn” VNA. Họ mặc sức tăng giá cước vận tải, chặt chém các dịch vụ tại sân bay, móc túi hành khách trên những đường bay.
Còn trong an toàn hàng không, “sức khỏe” tàu bay là quan trọng nhất. Bệnh nào bác sỹ đó, bệnh nào thuốc đó, tiền nào của đó, bệnh trọng thì phải dùng liều cao đắt tiền. Tuy nhiên, người chăm sóc đội bay của VNA có thể lại là “người nhà” mà chuyên môn không cao nên họ bắt mạch bốc thuốc cho qua chuyện, ốm nặng thì cho là ốm nhẹ…thì hiện tượng vừa bảo dưỡng xong là xảy ra sự cố đến mức như thế .
“Bộ Hàng không” đã vượt qua các quy chuẩn của ICAO về bảo dưỡng, đăng kiểm tàu bay từ định kỳ đến đột xuất cho đến việc tự đào tạo nhân lực, vượt qua Học viện Hàng không Việt Nam để cấp chứng chỉ”, TS Trần Đình Bá chỉ rõ.
Đồng quan điểm với TS Trần Đình Bá, ông Lê Trọng Sành – nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng chỉ thẳng, một trong những nguyên nhân khiến các sự cố liên tiếp xảy ra thời gian qua ở VNA là do VNA đã đưa những nhân viên không có trình độ chuyên môn cao vào làm việc.
Ông Lê Trọng Sành còn dẫn chứng thêm, sân bay Cần Thơ, một vùng cực kỳ giàu có nhưng 3 năm nay không bay được chuyến bay quốc tế nào hay như sân bay Đà Lạt, Singapore cho bay nhưng không bay vì ngay bản thân vị Giám đốc cũng không đủ khả năng để làm.
Đạt kỷ lục về mất an toàn bay
TS Trần Đình Bá cũng dẫn số liệu chỉ ra, trong 6 tháng của 2012 đã xảy ra tới 500 sự cố mất an toàn hàng không. Đó là những con số minh chứng cho mức độ coi thường kỹ thuật, coi thường tính mạng con người và những tắc trách trong hoạt động khai thác. Các vụ như thuê cả phi công rởm làm náo loạn sân bay Pusan- Hàn quốc suýt gây tai nạn.
Chuyện hy hữu trong lịch sử hàng không thế giới (lốp rơi khi máy bay đang trên trời) vừa diễn ra với chuyến bay ATR 72 hành trình Hải Phòng-Đà Nẵng chiều 21/10.
TS Trần Đình Bá phân tích, tuổi của tàu bay quyết định độ an toàn, vậy mà đội bay của VNA đã bị nhanh chóng già hóa do lãng phí mất 1/4 tuổi thọ do thực hiện “học thuyết bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” mà Cục Hàng không Việt Nam áp đặt suốt 3 thập kỷ nay. Với “học thuyết” đó cục Hàng không Việt Nam đã đốt của VNA 1/4 doanh thu và lợi nhuận do lãng phí.
Ông Lê Trọng Sành cũng cảnh báo, nếu tình trạng sự cố máy bay vẫn tiếp diễn như vậy, riêng việc cất cánh gặp trục trặc phải chuyển sang máy bay khác, bắt hành khách chờ đã là mất uy tín nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu cất cánh lên trên không, bay 1-2 tiếng thì sự cố do máy bay gây ra chắc chắn sẽ rất khủng khiếp.
T. A.