Nhân một vụ đình công lớn, thử đặt lại vấn đề “Công Đoàn” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

BVN cho đăng bài phân tích của GSTS Nguyễn Thu về hiện tượng 10.000 công nhân ở Đồng Nai đình công kèm với bản tin về vụ đình công gây chấn động dư luận này trên báo Tuổi trẻ ngày 5/4/2010 của H. Mi, Anh Thoa, Hữu Danh, qua đó mời bạn đọc chiêm nghiệm về kết luận rút ra của tác giả: “Mâu thuẫn nội tại của hệ thống “công đoàn (nghiệp đoàn, liên đoàn lao động)” trong  nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay nằm ở điểm các công đoàn cơ sở đã triệt tiêu những chức năng lẽ ra phải có của nó. Nó không còn đại diện cho lợi ích chỉ của người lao động làm thuê như trên danh nghĩa, tức là “một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ“.

Trong khi đó, Hiến pháp và Luật pháp của nước CHCNXHVN vẫn không thừa nhận tính hợp pháp của bất kỳ tổ chức nào khác của người làm thuê ngoài “công đoàn” của nhà nước.

Đó quả là một thực tế nan giải, một chỉ dấu báo hiệu rằng giai cấp công nhân, đội ngũ tiên phong của Đảng hiện nay, rốt cuộc chỉ còn được tôn vinh trên danh nghĩa”.

Bauxite Việt Nam

Tờ Tuổi trẻ on line ngày 5 tháng 4, 2010 chạy hàng tít trang đầu tin sau:

TTO – “Sáng nay 5-3, khoảng 10.000 công nhân Công ty Hưng Nghiệp cổ phần TNHH Pouchen VN (trụ sở đóng tại xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công sang ngày thứ ba.

Một bất ngờ đã xảy ra khi toàn bộ công nhân đã ngưng làm việc buổi sáng, kéo xuống quốc lộ 1K, đòi quyền lợi đã khiến giao thông ra vào khu vực này bị ùn tắc.

Nhiều công nhân cho hay công ty đã ép công nhân làm việc quá giờ, chậm tăng lương, không trả tiền thâm niên và chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn chưa hợp lý…

Lực lượng cảnh sát được huy động để giữ gìn trật tự ở khu vực này yêu cầu công nhân đình công có trật tự và tổ chức phân luồng giao thông. Khoảng 9g30 phút, một thanh niên trong đám đông đã bị cảnh sát bắt giữ khi được cho là quá khích, tham gia tấn công cảnh sát.

Vào thời điểm này, công nhân đã tràn lên đoạn chợ Hóa An bao vây cảnh sát và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ thả ra. Sau đó, hàng ngàn công nhân tiếp tục quay trở lại trụ sở Công ty, tiếp tục đứng tràn ra quốc lộ và kéo băng rôn “Công nhân đại đoàn kết”.

Một quan chức có trách nhiệm ở tỉnh Đồng Nai cho hay trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực yêu cầu giới chủ giải quyết quyền lợi cho công nhân thì xảy ra sự việc trên.

Đây là Công ty chuyên sản xuất giày da, 100% vốn nước ngoài. Yêu sách mà công nhân đưa ra là yêu cầu Ban giám đốc công ty tăng lương cho công nhân, đồng thời cải thiện khẩu phần ăn cho công nhân. Nhiều công nhân cho biết: suất ăn của công ty hiện nay chỉ khoảng 4.000 đồng/suất, không đủ chất tái tạo sức lao đông”.

Nếu ta nhìn lại hàng chục vụ đình công lớn xảy ra trong vài tháng qua, như đình công toàn diện ngày 26/12/2009 tại Cty TNHH Matrix (100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc, đồ chơi và bóng da với hơn 3.000 công nhân), của 8.000 công nhân đình công ngày 13/1 /2010 tại Cty TNHH Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa tỉnh Đồng Nai (100% vốn Hàn Quốc, sản xuất hơn 7 triệu đôi giày mỗi năm, từng gia công giày thể thao thương hiệu Nike của Mỹ) và vụ đình công mới đây xảy ra tại Công ty TNHH Endo Stainless Steel (100% vốn Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội) v.v. thì vụ đình công ba ngày liền của 10.000 công nhân tại Pouchen nói trên là điển hình với những đặc trưng sau:

– Công ty lớn, 100% vốn nước ngoài, sử dụng hàng ngàn công nhân người Việt Nam.

– Đình công mang tính tự phát với những “Đai diện công nhân” thương lượng trực tiếp với chủ nhân nước ngoài thuê lao động, dưới sự trọng tài của chính quyền và Liên đoàn lao động địa phương.

– Hầu hết các lý do mà các công nhân đưa ra để họ tổ chức  đình công ở tất cả các doanh nghiệp đều tập trung vào các vấn đề như làm tăng ca, điều kiện làm việc, sinh hoạt không đảm bảo, lương thướng quá thấp không lo đủ cho cuộc sống, thực hiện một số nội quy, quy định quá khắc nghiệt đối với người lao động không những không khuyến khích người lao động tăng năng suất mà còn có tác động ngược trở lại…, rồi cuối năm không có lương tháng 13 hay tiền thưởng Tết theo như truyền thống thuê công nhân tại nước VN.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2010, cả nước đã xảy ra 64 vụ đình công. Riêng tháng 2, số vụ đình công là 26.

Còn tính cả năm 2009, cả nước xảy ra 216 vụ đình công. Số vụ đình công hầu hết vẫn diễn ra ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 157 cuộc, chiếm 72,6%. Xếp theo vùng, đình công chủ yếu diễn ra ở khu vực phía Nam với 155 cuộc, chiếm 71,7%. Xếp theo ngành, chủ yếu các cuộc đình công diễn ra ở các doanh nghiệp dệt may với 114 cuộc, chiếm 52,7%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, con số thống kê này chưa thể đầy đủ bởi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy các cuộc đình công vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo số liệu thống kê của ngành lao động thì từ năm 1995 đến năm 2006 ở Việt Nam đã xảy ra 1.250 cuộc đình công. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước có 87 cuộc, chiếm 7%; khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có 838 cuộc, chiếm 67%; khu vực doanh nghiệp dân doanh có 325 cuộc, chiếm 26%. Như vậy rõ ràng số vụ đình công hầu hết diễn ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các vụ đình công kể trên hợp pháp hay bất hợp pháp ? Vai trò của Công Đoàn (nhà nước) nằm ở đâu ?

Mặc dầu không công nhận quyền lập các “công đoàn tự trị” của công nhân nhưng, trên nguyên tắc, luật lao động của nhà nước  VN cho phép người lao động đình công.

Đoạn chót của điều 7 bộ luật Lao động năm 1994 xác nhận : Người lao động có quyền đình công theo sự quy định của luật pháp.

“Quy định của luật pháp” nằm trong các điều 172, 173, 174, 175, 176, 177, 178 và 179 của bộ luật LĐ 1994 nói trên và có thể được tóm tắt như sau :

a) Đình công là sự ngưng việc tạm thời, tự nguyên và có tổ chức của tập thể lao động để giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Đình công phải được quyết định bởi Ban chấp hành Công đoàn cơ sở sau khi được đa số lao động chuẩn nhận bằng chữ ký.

Không được đình công ở một số doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích, doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh quốc phòng, theo danh mục do Chính phủ quy định.

b) Đình công được coi là bất hợp pháp nếu không xuất phát từ tranh chấp lao động. Tòa án nhân dân có tiếng nói sau cùng để chấm dứt đình công và tranh chấp lao động.

c) Nếu đình công trở thành một hiểm họa nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia hay cho an ninh công cộng thì Thủ tướng Chính phủ có quyền hoãn lại hoặc chấm dứt đình công”.

Với sự quy định này, 10 điều khoản nói trên đã nằm yên trong bộ luật Lao động của VN từ năm 1994 cho đến ngày 29 tháng 11 năm 2006, mới được sửa đổi và bổ sung do luật số 74/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

Đạo luật số 35/2002/QH10 năm 2002 có 56 mục bổ sung và sửa đổi luật Lao động năm 1994, nhưng không sửa đổi các điều khoản về đình công.

d) Luật số 74/2006, ra ngày 29/11/2006, hiệu lực từ 01/7/2007, quy định chi tiết và chặt chẽ hơn về vấn đề đình công, nhưng chặt chẽ hơn đối với người lao động chứ không phải đối với người sử dụng lao động.

Những điều khoản mới của luật 74/2006 có thể viết lại vắn tắt như sau :

‘’Điều 172a: Đình công phải do BCH công đoàn cơ sở hoặc do BCH công đoàn lâm thời tổ chức và lãnh đạo. Đối với doanh nghiệp chưa có BCH công đoàn cơ sở thì việc tổ chức lãnh đạo đình công phải do đại diện được tập thể lao động cử và việc cử này đã được thông báo với công đoàn cấp trên.

Điều 173 bổ sung : Cuộc đình công thuộc một trong những trường hợp sau đây là bất hợp pháp : không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể – không do những người cùng làm việc trong một doanh nghiệp tiến hành – khi vụ tranh chấp lao động đang được hay chưa được giải quyết – không lấy ý kiến của người lao động theo luật định – không tuân theo luật về tổ chức và lãnh đạo đình công – tiến hành tại các doanh nghiệp không được đình công  – khi đã có quyết định hoặc ngưng đình công của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 174a: Việc lấy ý kiến để đình công phải theo quy định sau đây: Đối với doanh nghiệp có dưới 300 lao động thì lấy ý kiến trực tiếp của người lao động, – đối với doanh nghiệp có trên 300 lao động thì lấy ý kiến của thành viên BCH công đoàn cơ sở, tổ trưỏng tổ công đoàn và tổ trưởng tổ sản xuất – trường hợp không có công đoàn cơ sở thì lấy ý kiến của tổ trưởng, tổ phó tổ sản xuất.

Điều 174b: Quyết định đình công phải có sự đồng ý của trên 50% tổng số người lao động nếu doanh ngiệp có dưới 300 lao động. Con số này là trên 75% nếu doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp có trên 300 lao động.

Điều 175: Tranh chấp lao động tập thể do Hội đồng Trọng tài lao động giải quyết. Nếu một hoặc cả hai bên không đồng ý với Hội đồng Trọng tài thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

Điều 177: Tòa án nhân dân có thẩm quyền là tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công. Tòa Phúc Thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công của tòa nhân dân cấp tỉnh.

Những điều luật nói trên hoàn toàn có lợi cho giới chủ nhân các xí nghiệp vốn nước ngoài và trong thực tế công nhân tại các Cty này hầu như  không thể tổ chức đình công nếu tuân thủ đứng các điều luật như vậy.

Mặt khác vì các các công đoàn cơ sở (thuộc TCĐLĐ do Đảng CSVN và Nhà nước kiểm soát) lại ăn lương của giới chủ nhân nước ngoài, thế cho nên về mặt cơ cấu tổ chức trong hệ thống đấu tranh quyền lợi giữa “chủ và thợ”, khi có đình công, BCH công đoàn cơ sở thường đóng vai trò y hệt các “công đoàn vàng”  trong nền kinh tế thị trường các nước tư bản.

Điều này dẫn đến hàng ngàn vụ đình công của công nhân trong các năm từ 1990 đến 2010, và hầu hết các vụ đình công này bị coi là bất hợp pháp vì không do “công đoàn” tổ chức. Điều đáng ngạc nhiên là những chủ nhân nước ngoài các Cty vốn nước ngoài đã phải chấp nhận thực tế của các cuộc “đình công tự phát” kể trên trong các xí nghiệp hay các hãng xưởng của họ và chấp nhận thương lượng vớc các “Đại diện công nhân” (chứ không phải với BCH công đoàn cơ sở) nhằm giải quyết những yêu sách liên quan đến quyền lợi của công nhân mà cuộc đình công  chỉ ra.

Kết Luận:

Mâu thuẫn nội tại của hệ thống “công đoàn (nghiệp đoàn, liên đoàn lao động)” trong  nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay nằm ở điểm các công đoàn cơ sở đã triệt tiêu những chức năng lẽ ra phải có của nó. Nó không còn đại diện cho lợi ích chỉ của người lao động làm thuê như trên danh nghĩa, tức là “một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ“.

Trong khi đó, Hiến pháp và Luật pháp của nước CHCNXHVN vẫn không thừa nhận tính hợp pháp của bất kỳ tổ chức nào khác của người làm thuê ngoài “công đoàn” của nhà nước.

Đó quả là một thực tế nan giải, một chỉ dấu báo hiệu rằng giai cấp công nhân, đội ngũ tiên phong của Đảng hiện nay, rốt cuộc chỉ còn được tôn vinh trên danh nghĩa.

NT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

——————————————————

Nguyên văn bài báo trên Tuổi Trẻ Online

10.000 công nhân đình công gây ùn tắc quốc lộ

H.Mi – Anh Thoa – Hữu Danh

TTO – Sáng nay 5-3, khoảng 10.000 công nhân Công ty Hưng Nghiệp cổ phần TNHH Pouchen VN (trụ sở đóng tại xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã đình công sang ngày thứ ba.

Một bất ngờ đã xảy ra khi toàn bộ công nhân đã ngưng làm việc buổi sáng, kéo xuống quốc lộ 1K, đòi quyền lợi đã khiến giao thông ra vào khu vực này bị ùn tắc.

Hàng chục ngàn công nhân tham gia đình công - Ảnh: H.MI

Hàng chục ngàn công nhân tham gia đình công - Ảnh: H.MI

Nhiều công nhân cho hay Công ty đã ép công nhân làm việc quá giờ, chậm tăng lương, không trả tiền thâm niên và chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn chưa hợp lý…

Lực lượng cảnh sát được huy động để giữ gìn trật tự ở khu vực này yêu cầu công nhân đình công có trật tự và tổ chức phân luồng giao thông. Khoảng 9g30 phút, một thanh niên trong đám đông đã bị cảnh sát bắt giữ khi được cho là quá khích, tham gia tấn công cảnh sát.

Vào thời điểm này, công nhân đã tràn lên đoạn chợ Hóa An bao vây cảnh sát và yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ thả ra. Sau đó, hàng ngàn công nhân tiếp tục quay trở lại trụ sở Công ty, tiếp tục đứng tràn ra quốc lộ và kéo băng rôn “Công nhân đại đoàn kết”.

Công nhân công ty Pouchen đình công - Ảnh: H.MI

Công nhân công ty Pouchen đình công - Ảnh: H.MI

Một quan chức có trách nhiệm ở tỉnh Đồng Nai cho hay trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực yêu cầu giới chủ giải quyết quyền lợi cho công nhân thì xảy ra sự việc trên.

Đây là công ty chuyên sản xuất giày da, 100% vốn nước ngoài. Yêu sách mà công nhân đưa ra là yêu cầu Ban giám đốc Công ty tăng lương cho công nhân, đồng thời cải thiện khẩu phần ăn cho công nhân. Nhiều công nhân cho biết: suất ăn của Công ty hiện nay chỉ khoảng 4.000 đồng/suất, không đủ chất tái tạo sức lao động.

Cùng ngày, Ban giám đốc Công ty đã thông báo sẽ tăng lương cho công nhân 5%. Đại  diện Công ty cũng đã ghi nhận ý kiến của công nhân để trình Ban giám đốc xem xét. Ban giám đốc Công ty cũng đã tổ chức cuộc họp để giải quyết các kiến nghị của người lao động, tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, yêu sách vẫn chưa được giải quyết nên hầu hết công nhân đã bỏ ra về.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/371918/10000-cong-nhan-dinh-cong-gay-un-tacnbspquoc-lo.html

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.