Việt Nam nên làm gì khi Trung Quốc xâm lược lãnh thổ với giàn khoan HD-981?

Sự kiện ngày 04.5.2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 sâu vào lãnh thổ Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (gọi tắt là UNCLOS-1982), đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ, không chỉ đối với Nhân dân và các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự kiện này cho thấy, Bắc Kinh đang đi những bước mạo hiểm trong ý đồ từng bước thực hiện cái gọi là “đường lưỡi bò”, mà họ đã trình Liên Hợp Quốc cách đây đúng 5 năm (07.5.2009-07.5.2014).   

Để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam.

Nguồn ảnh:  http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Phan-doi-Trung-Quoc-dua-gian-khoan-den-vung-bien-Viet-Nam-post143992.gd

1. Phản ứng của Việt Nam và quốc tế

1. Ngay lập tức, ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông (1).

2. Ở mức cao hơn, chiều ngày 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì; trong đó ông Phạm Bình Minh nêu rõ: “yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này”(2).

3. Mỹ cũng đã rất kịp thời phản đối, theo đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki tuyên bố: “Với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.” (3).

2. Tại sao lại là thời điểm này?

Đã có nhiều bình luận xung quanh sự kiện này trên các báo chính thống, cũng như cộng đồng mạng Internet Việt Nam. Sau đây xin được nhắc lại những ý chính, đồng thời bổ sung, để làm rõ việc Bắc Kinh chọn thời điểm đề định vị giàn khoan HD-981.

1. Điểm nóng nhất của thế giới hiện nay chính là tình hình ở Ukraine. Các cường quốc Mỹ, Nga và Tây Âu đang chú trọng vào Ukraine, cho nên Bắc Kinh nhân cơ hội này ra tay để phần nào hạn chế nhất sự phản đối của quốc tế.

2. Đây được xem như là “Cú tát vào mặt Obama”(4) của Bắc Kinh, sau chuyến công du 4 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines trong tháng 4.2014 vừa rồi của Tổng thống Mỹ. Kèm theo đó là Obama ủng hộ về an ninh với các nước này. Và như vậy, Trung Quốc chọn điểm yếu nhất trong khu vực lại là Việt Nam để ra tay.

3. Ngả ra Tây Thái Bình Dương của Trung Quốc theo hướng Đông Bắc Á đã bị Nhật Bản chặn lại. Do đó, trong thế kỷ 21 này, Trung Quốc chỉ có thể ra Đại dương ở ngả duy nhất còn lại đó là Đông Nam Á.

3. Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc ở hầu hết các lĩnh vực then chốt, gồm: kinh tế, chính trị, ngoại giao. Từ sau hội nghị Thành Đô (1990), Bắc Kinh đã khéo léo buộc Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn. Biết rằng, bán tài nguyên thô là tàn phá đất nước, trước sau rồi cũng sụp đổ, nhưng tại thời điểm này, nếu không khai thác bán cho Trung Quốc, thì kinh tế Việt Nam sẽ hết sức khó khăn. Hiện tại, Việt Nam không có bất cứ một cơ hội để đáp trả hoặc làm trái ý Bắc Kinh, ngoài việc chiếu lệ phản đối qua phát ngôn trên truyền hình, báo chí.

4 “Họ sử dụng các biện pháp mang tính dân sự, kinh tế để thực hiện mưu đồ của mình chứ không phải là các hành động quân sự. Đó mới là đòn hiểm độc nhất. Cách làm đó của Trung Quốc khiến cho dư luận thế giới lầm tưởng rằng họ đã “xuống thang” và từ đó sẽ không có những ý kiến phản đối gay gắt đối với họ…”(5), đó là ý kiến của TS Trần Công Trục, cựu Trưởng Ban biên giới của Chính phủ Việt Nam.

5. Đây là nước cờ đối nội cao tay của Tập Cận Bình, được thể hiện:

– Chiến dịch “đập ruồi, đả hổ”, đụng chạm đến quan chức cao cấp nhất, của Tập Cận Bình cần được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước. Vì vậy, việc xâm lược Việt Nam bằng giàn khoan HD-981 để kích động một tinh thần Đại Hán, qua đó cần sự ủng hộ không chỉ đối với nhân dân Trung Quốc, mà đặc biệt để được các tướng lĩnh ủng hộ tuyệt đối. Qua đó, Tập Cận Bình thâu tóm 100% quyền lực để thực hiện các cải cách tiếp theo. Về phương diện này, Tập đã hơn hẳn các thế hệ đi trước ngay cả đối với Đặng Tiểu Bình. Ông Tập có thành công hay không còn chưa thể đoán được, tuy nhiên cách làm của ông thì rất đáng học tập.

– Tình hình ly khai của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đang có nguy cơ leo thang ngoài tầm kiểm soát. Do đó Tập Cận Bình muốn hướng dư luận ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, để ông ta mạnh tay đàn áp đối với dân tộc này ở trong nước.

3. Việt Nam nên làm gì ở thời điểm này?

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 sâu vào lãnh thổ Việt Nam là rất nghiêm trọng, nếu như không có phản ứng mạnh mẽ, dứt khoát, kịp thời… sẽ để lại hậu quả lâu dài và rất nặng nề.

Cùng với việc để mất Gạc Ma hơn 25 năm trước, và để Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đến gần 150 km, đây là một thất bại mang tính lịch sử của Việt Nam.

Theo lịch mà Trung Quốc thông báo, giàn khoan HD-981 sẽ rút đi sau 15.8.2014 sau khi đã khoan thăm dò, và rõ ràng, cho dù HD-981 có rút đi, thì Trung Quốc sẽ thay bằng một giàn khoan khác tại vị trí đó để hút dầu, và vĩnh viễn Việt Nam sẽ mất vùng biển từ vị trí đó trở ra hải phận quốc tế (khoảng 150 km). Đây là sự mất mát không thể chấp nhận được.

Từ những vấn đề trên, việc nên làm của Việt Nam lúc này là:

1. Chiều 07.5.2014, Việt Nam đã chức một cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội. Sau cuộc họp này, rất cần thiết phải ra một “Bị vong lục” của Chính phủ nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2.1979 trước đây, Việt Nam đã từng tuyên bố dõng dạc trước toàn thế giới, thì hôm nay sự cần thiết phải lặp lại, vì sự kiện hôm nay nếu để Bắc Kinh lấn tới sẽ nguy hại hơn nhiều.

Việt Nam đã từng tuyên bố dõng dạc trước toàn thế giới, thì hôm nay sự cần thiết phải lặp lại, vì sự kiện hôm nay nếu để Bắc Kinh lấn tới sẽ nguy hại hơn nhiều.

nguồn ảnh: http://boxitvn.blogspot.com/2014/02/nhung-thay-oi-bat-thuong-trong-quan-he.html

2. Chuẩn bị Hồ sơ đầy đủ để tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, không chỉ riêng với sự kiện này, mà đối với việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa trước đây. Đây là việc làm mà giới trí thức Việt Nam đề nghị và mong đợi từ lâu, và đây là dịp không thể tốt hơn để lãnh đạo Việt Nam lấy lại uy tín đối với Nhân Dân.

3. Mỗi một thời đại, một triều đại, hay cá nhân có ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc, thì không ai có thể tránh được sự phán xét về sau của lịch sử. Đảng cộng sản Việt Nam và những cá nhân có liên quan đưa đất nước mất biển đảo, chủ quyền… cũng không là ngoại lệ.

Phải thẳng thắn mà nói rằng, sau gần 70 năm cầm quyền đến nay (1945-2014), Đảng Cộng sản Việt Nam và một số cá nhân đã để lại những hậu quả nặng nề đối với Đất nước và Dân tộc. Mất mát lớn nhất mà mọi người có thể thấy được, và có thể không thể khắc phục được, đó là: Quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa; Ải Nam Quan, một nửa Thác Bản Giốc, các điểm cao chiến lược ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; diện tích trên đất liền đã mất về Trung Quốc khoảng chừng 1.500 km2 (tương đương với diện tích tỉnh Thái Bình); phân chia lại Vịnh Bắc Bộ ta đã mất về Trung Quốc khoảng 11.000 km2…

Hơn lúc nào hết, để không chịu sự phán xét đầy tội lỗi đối với dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam cần có thay đổi cần thiết. Hàng vạn giáo sư, tiến sĩ đang ngồi chật ních trong các Cục, Vụ, Viện… đã đến lúc hãy bước ra khỏi sự hèn mạt của kẻ có học, hãy cất tiếng nói trung thực, buộc cho giới cầm quyền phải thay đổi, để tự cứu mình, cứu Đất nước.

Diễn biến của cuộc họp báo quốc tế tổ chức tại Hà Nội chiều 07.5.2014 cho thấy: Mâu thuẫn trong quan hệ Việt-Trung như đã bước sang một giai đoạn mới?!

Nguồn ảnh: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/174229/80-tau-tq-da-vao-vung-bien-viet-nam.html

4. Diễn biến của cuộc họp báo quốc tế tổ chức tại Hà Nội chiều 07.5.2014 cho thấy: Mâu thuẫn trong quan hệ Việt-Trung như đã bước sang một giai đoạn mới. Đó là: từ sự phụ thuộc, nhân nhượng… như trước đây; thì nay, qua cách trả lời câu hỏi của các quan chức Việt Nam, người Việt Nam có hy vọng rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam như đã thức tỉnh (hoặc chí ít là phe phản đối thân Bắc Kinh đang thắng thế), và sẽ có bước ngoặt trong quan hệ Việt-Trung theo hướng mà giới trí thức mong đợi.

Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Dân tộc Việt đang đứng trước thời khắc lịch sử quan trọng và có cơ hội hồi sinh.

07.5.2014

H. M.

Tác giả gửi BVN.

Bài tham khảo:

(1) http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Phan-doi-Trung-Quoc-dua-gian-khoan-den-vung-bien-Viet-Nam-post143992.gd

(2) http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Yeu-cau-Trung-Quoc-rut-gian-khoan-va-cac-tau-ho-tong-ra-khoi-bien-Dong-post144096.gd

(3) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140506_china_oilrig_confrontation.shtml

(4) http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-tat-vao-mat-ong-obama-20140506201539723.htm

(5) http://soha.vn/xa-hoi/don-hiem-doc-nhat-cua-trung-quoc-trong-vu-gian-khoan-hd-981-20140507002410903.htm

 

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.