Ngôn ngữ của Việt Nam rất khác người

Nguyên thủy, khái niệm xã hội hóa có nghĩa là làm cho cả xã hội được chia sẻ một lợi ích, một hiểu biết. Xin nhớ cho nguyên thủy khái niệm này không chứa đựng nội dung chia sẻ trách nhiệm. Về phương diện này có thể nói đây là một trong những xuất xứ đầu tiên của tư duy về chủ nghĩa xã hội hay mang tính xã hội chủ nghĩa nhưng sau này bản thân khái niệm của chủ nghĩa xã hội cũng bị biến tướng, ví dụ như chế độ xã hội chủ nghĩa như nước ta đang có.

Ngay sau khi tôi viết bài “Lời giải của đẳng thức”, trên blog của nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên được biên tập lại thành tiêu đề “Thực hư cái từ “xã hội hóa” ở Việt Nam và minh họa bằng hai con mèo trắng rất dễ thương, sống động!

Nếu “mổ xẻ” khái niệm về xã hội hóa liên quan đến chính trị, thì cần phải viết tiếp bài “Ngôn ngữ của Việt Nam rất khác người”.

Mạng Bauxite Việt Nam đăng tải ý kiến phân tích của Hạ Đình Nguyên rất đáng suy ngẫm nguyên văn như sau: “GS Đỗ Quang Hưng, thuộc “Hội đồng lý luận Trung ương”, đã “thông báo” một sáng chế từ ngữ mới không giống ai. Thay vì gọi, như loài người đang gọi, “Xã hội Công dân”, “Xã hội Dân sự” với nội hàm rất minh bạch, thì gọi “Xã hội Nhân dân”, cũng giống như gọi: đất đai là sở hữu của “toàn dân”. Nhân dân = toàn dân là những từ ngữ được sử dụng một cách bịp bợm. Sự đánh cướp trước hết, bằng từ ngữ. Cướp đất bằng chữ “toàn dân”, nay toan cướp dân chủ bằng chữ nhân dân. “Xã hội nhân dân”, Trời ạ, chỉ có Quỷ Thần mới biết nó ra sao!”.

Bàn về khái niệm xã hội hóa, người bạn chuyên gia đang làm việc ở nước ngoài nhận xét ngôn ngữ của Việt Nam rất khác người, không theo chuẩn mực khoa học thế giới, mà chỉ mang tính “thủ thuật” chính trị.

“Xã hội hóa” ở Tây phương theo nghĩa tổng quát là làm sao cho mọi con người trong xã hội chia sẻ cùng một tập tục, tập quán, ý thức hệ, đạo đức, và có khả năng sống và làm việc trong xã hội. Điểm sau đưa đến quan điểm giáo dục phổ thông miễn phí để mọi người lớn lên có khả năng sống và lao động tối thiểu (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Socialization). Theo nghĩa kinh tế, thì xã hội hóa là cùng chung nhau làm chủ phương tiện sản xuất (như Marx nói) hay chung nhau những gì không thể tư hữu hóa như xây đường, cầu cống, quốc phòng, an ninh công cộng (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Socialization_%28economics%29). Chữ “xã hội hóa” ở Việt Nam đã bị biến chất thành tư nhân hóa. Xã hội hóa giáo dục hay y tế là mọi người tự bỏ tiền mà lo.

Chính trị là gì? Đó là biện pháp hay lý thuyết nhằm tạo ảnh hưởng với cá nhân hoặc tập thể người dưới góc nhìn tư cách công dân. Chính trị hóa (vấn đề như khoa học, tôn giáo) là gì? Đó là thủ thuật lạm dụng một vấn đề gì đó để đạt lợi ích chính trị (xem http://en.wikipedia.org/wiki/Politics).

Xã hội hóa chính trị theo đúng nghĩa thì đúng là mọi người được quyền làm chính trị. Tôi vẫn phải nhấn mạnh lại hiện nay với cách đang dùng ở nước ta, thuật ngữ “xã hội hóa” có hàng trăm cách hiểu và bị lạm dụng một cách ghê gớm, trốn tránh hay che đậy nhiều sự thật.

Bài viết “Lời giải của đẳng thức” đề cập đến vấn đề xã hội ổn định cần thống nhất lợi ích. Ngẫm suy vẫn chưa thật ổn, vì bất cứ một xã hội nào cũng có nhiều tầng lớp và lợi ích khác nhau, do đó muốn ổn định thì phải có thể bảo đảm cho mọi người có thể tranh đấu cho lợi ích của mình một cách chính đáng nhưng ôn hòa. Và xã hội chỉ ổn định khi các tầng lớp trong xã hội có thể thỏa hiệp (compromise) với nhau. Nếu chỉ cốt thắng tới cùng thì sẽ đưa tới xung đột, một bên thắng, một bên thua và tất nhiên là hoặc tan rã hoặc đưa tới tầng lớp cai trị và tầng lớp bị trị.

Có thể kết luận rằng ngôn từ của Việt Nam rất khác người, nhất là khi gặp phải một số vị lãnh đạo cấp cao do tư duy, năng lực hạn chế, hay chỉ biết nhìn vào “cái ghế” của mình thì thủ thuật chính trị biến trắng thành đen, biến tư tưởng đẹp đẽ của của chữ xã hội hóa thành tư nhân hóa!

Xã hội hóa ở nước ta bây giờ là cái bao cao su cho bất kỳ con đực nào muốn làm bậy mà bản thân vẫn sạch sẽ và tránh được mọi trách nhiệm. Còn bất kể việc gì cần đóng góp của xã hội để san sẻ gánh nặng thì cứ nên gọi đúng tên của sự việc, đừng lập lờ, đánh lận con đen.

 

T. V. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.