Như BVN đã đưa tin, ngày 4/3 vừa qua, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ gửi lãnh đạo Nhà nước Việt Nam “Kiến nghị xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” trong đó đó ông trân trọng đề nghị Nhà nước công nhận Liệt sĩ cho 58 chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong cuộc chiến chống hải quân Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/01/1974 và khắc sâu vào Đài tượng niệm tên các Liệt sĩ ấy chung với tên của 64 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Trường Sa cũng trước quân xâm lược phương Bắc vào ngày 14/3/1988.
Đề xuất này của ông Cù Huy Hà Vũ, không nghi ngờ gì nữa, là một “cái hích” trọng đại về nhận thức cũng như hành động, bởi một khi được dựng lên, Đài tưởng niệm chắc chắn không chỉ là ngọn Hải đăng lý tưởng thắp sáng Chủ quyền Biển, Đảo của Việt Nam nhất là trong bối cảnh Trung Quốc lăm le xâm chiếm nốt Trường Sa, mà còn là cột mốc đánh dấu sự hàn gắn kỳ diệu của một dân tộc tưởng chừng vĩnh viễn bị xé nát bởi cuộc chiến ý thức hệ đầy máu và nước mắt đằng đẵng hàng thập kỷ.
Xin giới thiệu lại cùng bạn đọc cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về Kiến nghị nói trên do RFA mới đây thực hiện.
Bauxite Việt Nam
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vừa gửi một Kiến nghị lên các cấp cao nhất của Chính phủ VN, yêu cầu xây dựng Đài tưởng niệm 58 binh sĩ quân lực VNCH đã hy sinh tại Hoàng Sa vào năm 1974.
Mặc Lâm có cuộc trao đổi với ông để biết thêm chi tiết về câu chuyện này.
Bày tỏ lòng biết ơn
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, chúng tôi được biết ông vừa đưa ra môt kiến nghị rất đặc biệt yêu cầu nhà nước cho xây dựng một đài tưởng niệm các liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến với Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Xin ông cho biết động lực nào đã thúc đẩy ông làm việc này, thưa ông?
TS Cù Huy Hà Vũ: Tổ quốc Việt Nam là Tổ quốc chung của mọi người Việt Nam bất kể quan điểm chính trị, bất kể trong triều đại phong kiến hay trong thời đại cộng hòa, bất kể trong giai đoạn hiện tại hay quá khứ. Tổ quốc Việt Nam chỉ có một, cho nên việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam mà cha ông ta đã làm, là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân Việt Nam.
Trước tình hình hiện nay, Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa xâm lăng, đe dọa thôn tính bằng vũ lực, mối đe dọa này là hiện hữu. Ngoài chuyện năm 1974, Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa mà lúc đó do Quân lực Việt Nam Cộng hòa làm nhiệm vụ trấn giữ thì sau năm 1975 đến năm 1988, Trung Quốc lại cho hải quân đến đánh chiếm quần đảo Trường Sa và tất nhiên vấp phải sự chống cự rất là mãnh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung Quốc cũng không có thể chiếm toàn bộ như đã chiếm Hoàng Sa vào năm 1974 nhưng họ cũng đã chiếm đảo Gạc-ma ở quần đảo Trường Sa đó.
Cho đến hiện nay, như chúng ta đã thấy, Trung Quốc gia tăng áp lực đối với Biển Đông của Việt Nam. Mọi tàu thuyền đánh cá của chúng ta đi ra những vùng thuộc chủ quyền của chúng ta, như ở quần đảo Hoàng Sa, đều bị Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc, thậm chí họ còn có hành vi có thể nói là xúc phạm đến nhân phẩm lẫn thể xác của ngư dân chúng ta.
Mặc Lâm: Với sức mạnh của Trung Quốc như vậy thì liệu người Việt làm gì hơn được, thưa Tiến sĩ?
TS Cù Huy Hà Vũ: Bây giờ có một lực lượng duy nhất, thế lực duy nhất có thể bảo vệ được nền độc lập của Việt Nam, bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đó chính là chủ nghĩa yêu nước, đó là tinh thần dân tộc của người Việt từ ngàn xưa. Để mà kêu gọi được tinh thần đó thì chúng ta phải biết công trạng của các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ, để xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam mà hiện chúng ta đang có.
Mặc Lâm: Xin Tiến sĩ cho biết cụ thể đài tưởng niệm mà ông đề nghị sẽ ghi công cho những ai?
TS Cù Huy Hà Vũ: Liên quan đến lãnh thổ Việt Nam ở trên biển hiện giờ đang là vấn đề gay cấn nhất thì chúng ta có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vào ngày 19-1-1974 Trung Quốc đã cho quân đánh chiếm Hoàng Sa. Đã có 58 binh sĩ thuộc lực lượng Việt Nam Cộng hòa chiến đấu và anh dũng hy sinh. Họ dũng cảm nhưng thế và lực lúc đó của Trung Quốc mạnh hơn nên đã chiếm được toàn bộ.
Thế rồi đến năm 1988 Trung Quốc tiếp tục cho hải quân đánh chiếm vùng Trường Sa, với sự chiến đấu dũng cảm của Quân đội nhân dân Việt Nam nên Trung Quốc không thể chiếm đóng được nhiều và họ chỉ chiếm đảo Gạc-ma. Hải quân nhân dân Việt Nam cũng đã có 64 chiến sĩ hy sinh anh dũng để bảo vệ nền độc lập Việt Nam. Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, hơn lúc nào hết, cần phải có tinh thần tích cực, cần phải có chủ nghĩa yêu nước.
Đặc biệt, trước sự đớn hèn của Chính phủ Việt Nam, để khơi dậy lòng yêu nước của người Việt thì trước hết phải thể hiện lòng biết ơn đối với các liệt sĩ đã ngã xuống cho sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Vì thế, tôi kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước Việt Nam xây dựng cái tượng đài gọi là “tưởng niệm liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa” với cái ý ban đầu là hãy tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ. Từ đó mới có thể kêu gọi những người đang sống tiếp tục ngọn cờ yêu nước mà bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Khơi dậy lòng yêu nước
Mặc Lâm: Có một trở ngại mà ai cũng thấy, đó là làm sao để cho nhà nước Hà Nội nhìn nhận những binh sĩ VNCH là những liệt sĩ khi họ đã từng cầm súng chống lại Miền Bắc trong thời gian chiến tranh Việt Nam, thưa ông?
TS Cù Huy Hà Vũ: Trải qua mấy chục năm chinh chiến, dù có nói gì thì Miền Bắc có sự giúp đỡ của phe cộng sản như là Trung-Xô, hay là Miền Nam có được sự hỗ trợ hay là sự can thiệp trực tiếp của người Mỹ. Dù gì chăng nữa thì cũng vẫn là một cuộc nội chiến, một cuộc nội chiến gây đầu rơi máu chảy, cũng như cuộc nội chiến Nam-Bắc phân tranh thời nhà Nguyễn chẳng hạn. Chuyện đấy thuộc về lịch sử, chúng ta cũng không cách gì tránh được.
Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, điều gì làm cho ông tin rằng nhà nước phải chấp nhận kiến nghị của ông?
TS Cù Huy Hà Vũ: Từ 1975 đến giờ như vậy là 35 năm rồi thì tôi cho rằng là không có lý gì vẫn căn cứ vào cái hệ tư tưởng để tiếp tục gây hận thù, kể cả trong các thế hệ họ chưa bao giờ biết đến chính cuộc chiến tranh Việt Nam. Cũng nhân kiến nghị xây dựng tượng đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa, tất nhiên tôi viện lý do đầu tiên là khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước của người Việt Nam để khuyến khích tất cả mọi người Việt Nam xông tới để bảo vệ Tổ quốc, còn có lý do thứ hai là chúng ta phải thực sự đi những bước đầu tiên để hòa hợp tất cả những người Việt Nam.
Chúng ta không bỏ qua quá khứ, có những cái trong quá khứ cần phải xem xét thì chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục xem xét, nhưng cái đó không phải là quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, mà quan trọng là chúng ta phải đoàn kết lại để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Và chính vì thế tôi thấy là những chiến binh thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam thì phải được công nhận là liệt sĩ.
Không có lý do gì mà nhà nước Việt Nam hiện nay, hay nói một cách cụ thể hơn là nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay lấy cái lý do phân biệt giữa hai thể chế chính trị mà không công nhận, thì tôi cho đấy là sự bội phản với xương máu của những công dân Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc.
Mặc Lâm: Xin được hỏi Tiến sĩ câu cuối, bản kiến nghị đã được ông gửi cho những ai, thưa ông?
TS Cù Huy Hà Vũ: Tôi đã gởi kiến nghị tới Quốc hội Việt Nam, tới Chủ tịch nước Việt Nam, tới Thủ tướng Việt Nam. Ngoài ra, tôi gởi cho một số những nhân vật với tính cách cá nhân, ví dụ Tổng bí thư Đảng CSVN, Chủ tịch Quốc hội VN chẳng hạn, nhằm yêu cầu phải sớm thực hiện đài tưởng niệm liệt sĩ đó.
Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Cù Huy Hà Vũ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.