Xe buýt ở Sài Gòn, ảnh minh họa.
Người ta thường nói về xe bus Sài Gòn như một kỉ niệm, và một khi nói về kỉ niệm cũng có nghĩa là đang nói về một quá khứ nào đó. Với cư dân Sài Gòn, việc đi lại bằng xe bus hiện tại luôn là nỗi ám ảnh thường ngày và khi nói về xe bus, một kỉ niệm đẹp của thời Sài Gòn vàng son lại hiện về với những chuyến xe bus đầy ắp dáng vẻ Sài Gòn.
Kỉ niệm một thời và hung thần đường phố
Một cư dân Sài Gòn tên Hải, cho biết: “Sau xe tải thì xe bus là một hung thần. Nói về những người ở dưới lề đường tham gia giao thông, bản thân họ luôn bị lấn ép bởi các chuyến xe bus. Các tài xế xe bus đều biết luật ngầm rằng họ được bảo kê là có thể gây tai nạn chết người, mỗi tài xế như vậy thì ít nhất có thể gây tai nạn chết một người trong một năm, toàn bộ kiện tụng gì đó đều được nhà đầu tư, tức cơ quan nhà nước dàn xếp. Chính vì vậy khi đi đường người dân đều bảo nhau là nếu gặp xe bus tốt nhất là thắng xe lại, tấp xe qua một bên, còn nếu lỡ bị xe bus quẹt rồi mà không sao thì tốt nhất là đi, còn nếu dừng lại thì có thể bị xe bus cán luôn mình. Còn với những người ngồi trên xe bus thì họ bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ, nhất là các dịch vụ tồi tệ của xe bus. Còn có một số chuyện mà người ta không nói đến là việc các nữ sinh của các trường đại học phải thường phải đi xe bus và họ bị lợi dụng tình dục trên xe bus. Việc này nữ sinh của trường đại học nhân văn hay bị rồi, nhưng nó đều bị ém nhẹm đi. Chuyện đó có thể là do hành khách hoặc là các lơ xe bus làm.”
Ông Hải nói rằng với ông, xe bus Sài Gòn luôn là kỉ niệm, dù hiện tại hay quá khứ, nếu như những năm trước 1975, người ta bước lên xe bus với cảm giác đang bước vào một không gian văn hóa rất Sài Gòn, ở đó, mọi sự phân chia về đẳng cấp đã được xóa nhòa và con người được phục vụ lịch sự, tuy không hiện đại, không có máy lạnh nhưng chính giọng nói Sài Gòn gốc dễ làm lòng người dịu mát. Chính phong cách phục vụ gần gũi, năng động nhưng nhẹ nhàng của lơ xe và cả những bác tài xế ít nói, chạy chậm, không đua tranh đã làm nên một Sài Gòn rất thanh thản, vô ưu và phồn thịnh.
Nói lãng mạn một chút, có một Sài Gòn khác đang di động giữa Sài Gòn trên những chuyến xe bus rất đỗi Sài Thành mà khi bước lên xe, người ta có cảm giác mình đã thật sự hòa nhập với xứ sở phồn thịnh, sầm uất này. Đó là một kỉ niệm đẹp về một thuở Sài Gòn.
Còn hiện tại, với ông Hải, xe bus cũng là một kỉ niệm, một phong cách rất riêng của Sài Gòn sau 30 tháng Tư năm 1975. Nếu như những năm đầu thập niên 1980, người Sài Gòn phờ phạc và ngộp thở vì những chuyến xe bus chạy than, nhét người như nêm cửi thì hiện tại, với dòng xe bus đời mới có máy lạnh và bán vé, dường như xe bus vẫn cứ là một kỉ niệm và nỗi ám ảnh khôn nguôi!
Nếu như trước đây, xe bus là kỉ niệm đẹp cho người tham gia giao thông, thì những năm gần đây, xe bus là một cơn khủng hoảng giao thông, nó giống như một trận cuồng phong hoặc là một thứ quái vật đe dọa tính mạng của người đi đường và tạo nên sự khó chịu cho bất kì ai tham gia đi bằng phương tiện này.
Với người đi đường, xe bus là hung thần đường phố, nó có thể chen lấn, nhấn ga hất bất kì ai không kịp tránh nó trong lúc tham gia giao thông, còn với người ngồi trên xe bus, nó giống như một sự phiền toái hiển nhiên mà con người phải gánh chịu một khi đã làm cư dân Sài Gòn và đi lại bằng phương tiện công cộng.
Cuộc chạy đua giữa xe buýt và xe tải trên đường luôn là cơn lốc hung dữ đối với người đi đường. RFA PHOTO.
Một cư dân Sài Gòn khác tên Hiển, lắc đầu than thở: “Xe bus Sài Gòn nó chạy ghê lắm. Chạy xe ra công an đông vậy đó nhưng nó chạy xào xào xào qua mặt, nó không dừng đèn luôn.”
Với ông Hiển, không có gì kinh hoàng và ám ảnh ông hơn một lần ông chứng kiến tai nạn giao thông do xe bus gây ra cách đây vài năm. Lúc đó, cô cháu nhỏ của ông đang cầm cây kem trên tay, đeo cặp tắp và đi bộ từ chỗ cổng trường đến góc đường ông đứng đón. Ông nhìn thấy cháu mình đi sát lề đường, vừa quay lưng đi chưa đầy năm giây, ông nghe tiếng la ó và khi nhìn lại, đứa cháu gái của ông đã bị xe bus tông ngã sóng soài. Cũng may là tai nạn không dẫn đến tử vong, cháu gái ông bị gãy xương sườn và rách da mặt, gãy xương đùi.
Cũng kể từ đó, nỗi ám ảnh về xe bus đã khiến ông Hiển không bao giờ dám đi lại bằng xe bus nữa vì ông nghĩ rằng biết đâu một ngày nào đó, chính chuyến xe bus ông ngồi trên đó lại va quẹt một đứa bé khác hoặc một người khác. Và điều đó sẽ làm ông đau lòng, vết thương khi chứng kiến cháu mình bị xe bus tông lại hiện về. Ông bỏ luôn phương tiện xe bus.
Văn hóa xe bus
Một thi sĩ gốc Sài Gòn, chia sẻ: “Nó là xe được ưu tiên nên nó chạy rất ẩu. Mà tình trạng mấy cái trạm dừng xe của mình nó cũng không hợp lý, xe của mình thì xe máy nhiều quá mà nó cứ tấp vào để thả khách hoặc đón khách thì… Với lại nó có giờ chạy nên những cái chỗ nó làm nhanh với cồng kềnh thì nó cản trở đường của mình rất nguy hiểm. Với lại nó hay bấm còi ồn ào, với thả khí thải rất dơ.”
Theo anh, xe bus Sài Gòn những năm trước 1975 là một bài thơ, còn xe bus Sài Gòn hiện tại là một bộ phim kinh dị. Tất cả thơ hay phim đều do văn hóa mà hình thành, mọi ứng xử và hệ lụy của nó đều có gốc từ văn hóa. Bởi vì người Sài Gòn trước 1975 chưa bao giờ phải chịu cảnh giành giật từng chỗ đứng xếp hàng để mà nhận lương thực, chính vì thế, cái nét thong dong của một Sài Gòn hoa lệ vẫn được giữ nguyên và phát triển ngay trên cả những chuyến xe, không riêng gì xe bus.
Còn hiện tại, sau một lần khủng hoảng vì tranh nhau chỗ đứng xếp hàng nhận lương thực, đổi tem phiếu, người ta đã quen với tính giành giật và tính giành giật, đua chen trở thành phong cách của thời đại mới, chính thể mới. Tiếp theo, một nền kinh tế tuy năng động nhưng ẩn chứa quá nhiều nọc độc của quyền lực tập trung và phe nhóm với cái tên kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa lại một lần nữa đẩy con người vào chỗ chạy chọt, đua chen và giành giật. Có thể nói, tính giành giật, bon chen, giẫm đạp lên nhau mà sống đã trở thành phong cách mới của đại đa số cư dân Sài Gòn hiện tại.
Và những hung thần đường phố có tên xe bus nếu xét về bản chất nó chỉ là biểu hiện, là nhân quả của một Sài Gòn đã bị đánh cắp văn hóa của một thời mệnh danh hòn ngọc viễn đông. Không có gì là lạ đối với thi sĩ này, anh cho rằng hiện tượng xe bus xem thường tính mạng người đi đường, tông chết người trong lúc chạy đua lấy khách và chạy để kịp chuyến là biểu hiện của sự đánh mất văn hóa cũng như sự quản lý quá yếu kém của nhà cầm quyền thành phố này.
Một tài xế xe bus tuyến bến xe miền Đông đi Hóc Môn, yêu cầu giấu tên, cho chúng tôi biết là ông có hơn mười năm cầm vô lăng xe bus nhưng có thể nói là chưa có tuần nào ông không thấy ác mộng mình đang tông người. Nhưng vì đó là kế sinh nhai, ông không có lựa chọn nào khác.
Cũng theo người tài xế này chia sẻ, hiện tại, vấn đề quản lý tuyến cũng như qui định thời gian của một tuyến xe hoàn toàn bất cập và làm cho nhà xe phải đua chen trong giờ cao điểm đến độ bất chấp mọi thứ nguy hiểm cho người đi đường. Mọi thứ, theo ông đều là do quản lý, nếu như quản lý về kinh tế đã đẩy con người xuống chỗ tranh giành và bất chấp thì quản lý văn hóa đã làm cho người ta trở nên vô cảm.
Nguồn: rfa.org