“Tứ Hỏa”

Hiện giờ ở Việt Nam đã có danh sách “mười người giàu nhất trên thị trường chứng khoán” và danh sách các “tỉ phú đô la”. Nhưng có lẽ còn lâu lắm những cái tên mới nổi này mới có thể sánh được về mặt danh tiếng với “tứ đại phú hào” ngày xưa được nhiều thế hệ người Sài Gòn xưng tụng – “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”.

Trong số bốn nhân vật trên, người thứ tư có nhiều huyền thoại hơn cả và thường được gọi là “chú Hỏa”. Dân ngụ tại khu trung tâm Sài Gòn trước năm 1975 chẳng mấy ai mà không biết “chú Hỏa” dù không hề có bà con gì với ông. Đơn giản là vì nhiều căn nhà họ đang ở hoặc mua hoặc thuê là của “chú Hỏa”, một thương nhân giàu lên từ địa ốc.

Chú Hỏa qua đời đã hơn 110 năm. Khối tài sản khổng lồ của ông ở miền Nam đã đổi chủ và các căn nhà cũng không còn đứng tên ông. Nhưng nhiều người vẫn còn nhớ cái tên “chú Hỏa” khi nhắc đến hai “tài sản” vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay mặc vật đổi sao dời – Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Sài Gòn. Dù công trạng của chú Hỏa trong việc xây dựng hai cơ sở này cần được làm rõ hơn, nhưng theo các tài liệu, cả hai được xây dựng từ đất của ông. Khoảng những năm 40 của thế kỷ trước, Bệnh viện Từ Dũ, lúc đó có tên Pháp, thường được người dân gọi là “Nhà sanh chú Hỏa” cho tiện.

Năm sau chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Điểm trùng hợp là năm 2015 cũng đánh dấu 170 năm ngày sinh của chú Hỏa (sinh năm 1845). Không biết ai đó trong chúng ta có giật mình khi nhận thấy rằng bốn thập kỷ đã qua và chúng ta vẫn chưa kịp làm một việc chú Hỏa đã giúp làm được ở Sài Gòn: xây một bệnh viện công tầm cỡ như Bệnh viện Từ Dũ. Đành rằng không cần quá lâu để xây một bệnh viện lớn – như Bệnh viện Chợ Rẫy chẳng hạn chỉ mất hơn ba năm – nhưng quá trình chuẩn bị cần thời gian dài hơn nhiều. Có nghĩa là chỉ với một năm còn lại, sẽ chẳng có bệnh viện tầm cỡ nào được khánh thành vào dịp 30-4 sang năm.

Bốn năm trước, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại TPHCM và cột mốc 2015 được đặt ra để thành phố này chấm dứt tình trạng bệnh viện quá tải. Nay, chỉ còn tám tháng nữa là đến hạn cuối, nhưng chuyện hết quá tải chẳng thấy đâu nếu không nói là càng trầm trọng hơn. Bao nhiêu kế hoạch được đề ra chẳng biết để làm gì và cũng chẳng ai chịu trách nhiệm! Tại sao như vậy?

Khó khăn có thể kể hoài không hết. Nhưng tựu trung, cái khó lớn nhất hình như chẳng có gì khác ngoài chữ “đất”. Ngày xưa, chú Hỏa xây bệnh viện dễ như trở bàn tay chắc là vì ông ấy nắm đất trong tay, đất lại rẻ, và chưa có chuyện lợi ích nhóm. Nay đất đắt hơn nhiều. Nhưng có thật là chúng ta không thể làm gì và đành khoanh tay chịu thua?

Cụm từ thời thượng được các giới chức có trách nhiệm ưa thích khi muốn hiệu triệu cấp dưới và vận động người dân cùng thực hiện một việc gì đó là “huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”. Xây công trình trọng điểm dù tốn bao nhiêu, quy mô đến đâu, cũng đều làm được nhờ “huy động cả hệ thống chính trị”. Vậy mà xây bệnh viện để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho dân thì lại không làm được! Tại sao như vậy?

Nếu quan chức có trách nhiệm thực sự “vì dân”, nếu họ giúp xây được bệnh viện tầm cỡ như Từ Dũ thì chắc chắn hậu thế sẽ nhớ đến họ, theo cách người ta đã nhớ chú Hỏa, dù quan chức và các nhà kinh doanh làm việc không phải chỉ để được con cháu nhớ tới.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/113915/%E2%80%9CTu-Hoa%E2%80%9D.html

 

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.