Dù đã 39 năm trôi qua kể từ ngày thống nhất đất nước, khi quân đội Miền Bắc đánh chiếm Dinh Độc lập trưa 30/04/1975 chấm dứt cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam kéo dài gần 20 năm.Vậy mà độc lập, thống nhất, dân chủ, thịnh vượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam mang lại cho đất nước ta vẫn còn chồng chất đắng cay tủi nhục ngày càng nhiều hơn.
Những ngày qua, dư luận xã hội ở Việt Nam lại được một phen chứng kiến cảnh kinh thiên động địa, khiến cho chúng ta nghẹn ngào thương xót cho số phận của người dân Việt Nam đang phải hưởng thụ từ nền độc lập, thống nhất, dân chủ, thịnh vượng mà Đảng Cộng sản Việt Nam ban phát cho họ.Quả là một cái giá quá đắt.
Vì đấu tranh bảo vệ lẻ phải, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân trước việc làm sai trái của UBND huyện Mỹ Đức, mà anh Đinh Văn Chính đã bị Tòa án Nhân dân huyện Mỹ Đức xử phạt 5 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26/04/2014 vừa qua.
Bị cáo Đinh Văn chính (áo hồng) và các bị cáo khác tại tòa – Ảnh: Lan Hương
Anh Đinh Văn Chính là tác giả câu nói:
“Đất chưa có quyết định thu hồi, bà con kiên quyết giữ đất đến cùng, không sợ chết, nếu tôi có chết đừng chôn vội mà hãy cho tôi vào quan tài chở ra Văn phòng Chính phủ để Chính phủ biết sự việc”(1).
Nội dung vụ việc:
“Năm 2008, chính quyền huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn thu hồi đất nông nghiệp của dân để thực hiện sáu dự án. Việc thu hồi không đúng trình tự, không họp dân, không kê khai kiểm đếm diện tích đất bị thu hồi…
Hàng trăm người dân đã làm đơn khiếu nại, tố cáo gửi lên cấp trên. Năm 2011, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có kết luận, theo đó trong sáu dự án thì chỉ một dự án là có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tây năm 2008, năm dự án còn lại mới chỉ có văn bản giao nhiệm vụ chủ đầu tư.
Ngay cả dự án đã được phê duyệt cũng có hàng loạt sai phạm như chủ đầu tư không làm thủ tục thu hồi đất, không lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng mà đã tổ chức thi công.
Năm 2012, 127 hộ dân đã nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Mỹ Đức yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức lập phương án bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất để áp giá bồi thường đúng pháp luật.
Năm 2013, khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện Mỹ Đức và TAND TP Hà Nội đã bác yêu cầu khởi kiện của người dân.
Theo tòa, dù chính quyền có một số sai phạm trong thủ tục, trình tự thu hồi đất nhưng không ảnh hưởng đến giá bồi thường, yêu cầu của dân là không có cơ sở. Các dự án vẫn được tiếp tục”.
Lý lẽ nêu trên của Tòa án là lập luận của kẻ có sức mạnh và không thoát khỏi cái thảm trạng: “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Là người dân ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là: trình tự, thủ tục sai thì phải bị hủy bỏ để thực hiện lại trình tự thủ tục mới cho đúng pháp luật; cơ quan nào triển khai thực hiện sai trình tự, thủ tục pháp luật mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình, thì chủ tịch UBND TP Hà Nội và Tòa sơ thẩm và phúc thẩm Hà Nội đều có thẩm quyền này, nhưng chẳng những họ không gương mẫu làm cho đúng pháp luật mà còn đánh trống bỏ dùi và tiếp tục đỗ lỗi cho dân.
Nhiều luật sư cho rằng vụ án đã bị hình sự hóa, hành vi của các bị cáo chỉ cần xử phạt hành chính, vụ án không có thiệt hại, bị cáo Chính không có mặt tại hiện trường, không mua quan tài. Chỉ một câu nói mà bị cho là lôi kéo, kích động, các luật sư đề nghị tòa tuyên các bị cáo bị oan và trả tự do.
Đối đáp lại, đại diện Viện kiểm sát cho biết đây không phải là quan hệ hành chính. Hành vi của các bị cáo diễn ra từ lâu, các cơ quan đã vận động rất nhiều nhưng các bị cáo vẫn thực hiện, phía đơn vị thi công thất thoát 10 tỉ đồng nhưng họ không yêu cầu bồi thường. Nếu không bắt các đối tượng thì việc chống đối vẫn tiếp tục…
Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cho rằng quản lý đất đai có nhiều hành lang pháp lý, nếu quyền lợi bị ảnh hưởng thì nên có đơn khiếu nại, đề nghị, tố cáo chứ không được phép chống đối.Ý kiến này của đại diện Viện kiểm sát bị tất cả bị cáo phản đối làm phiên tòa náo động”.
Chúng tôi nhận thấy, quan điểm của vị đại diện Viện kiểm sát nêu trên là hoàn toàn sai trái, vì các Cơ quan công quyền vận động người dân chấp hành việc đã rồi, chấp hành việc sai trái của chính Cơ quan công quyền là trái với lương tâm, trái với pháp luật.
Ngay tại phiên tòa, ông Đinh Văn Chính tố cáo việc ép cung dùng nhục hình của cơ quan điều tra như sau:
“Ở cơ quan điều tra, bị cáo nghe nói vợ mình bị dùng nhục hình đến mức uất ức quá phải tự cắt vào tay, điều tra viên nói nếu bị cáo nhận việc mua quan tài thì sẽ cho vợ về để chăm sóc con nên bị cáo đã nhận. Sáng 12-7 bị cáo chở vợ và bố ra nơi thi công rồi về chứ không có mặt tại hiện trường”.
Phóng viên đã phỏng vấn ôngthượng tá Lê Xuân Văn (phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội):
PV hỏi:
“Ông Đinh Văn Chính bị bệnh ung thư máu, vợ chồng ông bị bắt khi có con nhỏ. Bà Đinh Thị Hà cũng bị bắt khi có con nhỏ, con bà bị bệnh u máu bẩm sinh. Dù hành vi phạm tội không nguy hiểm nhưng họ xin tại ngoại đều không được, tại sao?”
Thượng tá Lê Xuân Văn trả lời:
“Theo quy định, chúng tôi chỉ giữ các bị can ba ngày. Có tha hay gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức”.
Câu hỏi nêu trên của phóng viên đã phần nào tố cáo hành vi vô nhân đạo của cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng, ôngthượng tá Lê Xuân Văn lại tiếp tục né tránh trách nhiệm bằng cách trả lời qua loa đại khái để lừa dối người dân và công luận nhằm bao che hành vi sai trái cho cơ quan điều tra hay cho chính bản thân ôngthượng tá Lê Xuân Văn?
Bị cáo Lê Thị Thu (đứng) xin tòa được về với con nhỏ vì cả hai vợ chồng đều bị bắt – Ảnh: Lan Hương
Qui định “Tạm giam” tại khoản 2 điều 70 Bộ luật tố tụng hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang thời kỳ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ trường hợp đặc biệt”.
Căn cứ điều 69 “Thời hạn tạm giữ”;khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều 70 “Tạm giam” của Bộ luật tố tụng hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam, thì sau khi hết “Thời hạn tạm giữ” (tối đa là 9 ngày đêm, đã bao gồm 2 lần gia hạn tạm giữ) thì ông Đinh Văn Chính phải được tại ngoại theo luật định.
Việc không chấp hành pháp luật này của cơ quan điều tra huyện Mỹ Đức và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức là hành vi vô nhân đạo, cần phải lên án mạnh mẽ, và qui trách nhiệm cá nhân để xử lý cụ thể.
PV hỏi:
“Tại sao khi cơ quan điều tra bắt vợ chồng ông Đinh Văn Chính và bà Đinh Thị Hà lại không giao người giám hộ con cho họ?”
Thượng tá Lê Xuân Văn trả lời:
“Có thể có sơ suất. Cơ quan điều tra nghĩ bà Hà còn có chồng, có ông bà, anh em, gia đình rất đông người. Nếu như có một mình bà Hà mà không có ai khác thì phải tính toán việc giao con. Nhà ông Chính có một con dưới 12 tuổi. Đúng ra về nguyên tắc phải lập biên bản giao cho anh em trông nom nhưng trên thực tế chúng tôi chưa lập”.
Chúng tôi nhận thấy ông Thượng tá Lê Xuân Văn nói: “Có thể có sơ suất”, cách giải thích như vậy là vô trách nhiệm. Có thể khẳng định là cơ quan điều tra, mà trực tiếp là Thủ trưởng cơ quan điều tra (người đã ra lệnh tạm giam theo khoản 3 điều 70 là Trưởng công an, hoặc Phó trưởng công an huyện Mỹ Đức) đã vi phạm pháp luật được qui định tại điều 72 “Việc chăm nom thân nhân và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ tạm giam” của Bộ luật tố tụng hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam.
Bị cáo Đinh Văn Chính bức xúc nói giữa tòa:
“Tôi chỉ đề nghị UBND huyện bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất vì tỉ giá đất hàng năm của UBND TP Hà Nội đều thay đổi. Tôi có đòi hỏi gì quá đáng đâu? Nhân quả gây hậu quả. Nếu chính quyền thực hiện dự án không sai thì chúng tôi đâu phải khổ sở đi kiện từ năm này qua năm khác, thì vợ chồng tôi không bị bắt, con tôi không bị bỏ rơi, 200 con lợn nhà tôi không chết, nhà tôi không bị người ta đốt, tôi không bị đe dọa tiêm HIV…”.
Luật sư Bùi Đình Ứng, thành viên của Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã bức xúc tố cáo hành vi vi phạp pháp luật của cơ quan tố tụng hình sự với phóng viên:
“Vụ án này có tới mười bị cáo. Theo tôi được biết thì bị cáo Đinh Thị Hà đã ly hôn chồng, con nhỏ 4 tuổi bị bệnh u máu bẩm sinh. Từ lúc bị bắt giam đến khi vụ án được đưa ra xét xử đã 10 tháng nhưng hai cơ quan cảnh sát điều tra và Viện KSND huyện Mỹ Đức không giao cháu cho người giám hộ để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu là vi phạm nghiêm trọng vào khoản 1, điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự và Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em”.
Còn gì để nói nữa khi một nhà nước pháp quyền XHCN không có tam quyền phân lập, tất cả đều sắp đặt dưới trướng của một “Ông vua tập thể” là Đảng Cộng sản Việt Nam muốn làm gì thì làm sao?
Oan khuất, cay đắng, tủi nhục càng ngày càng chồng chất làvì sao?
Hà Nội, ngày 30/04/2014
N.V.X.
Tác giả gửi BVN
Nguồn tư liệu trích dẫn:
(1)1 câu nói, 5 năm tù, 27/04/2014 08:11 (GMT + 7)
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/604739/1-cau-noi-5-nam-tu.html#ad-image-0
(2)Vụ “1 câu nói, 5 năm tù”: “Chúng tôi cân nhắc kỹ khi xử lý”, 30/04/2014 09:36 (GMT + 7)
(3) Quá nhiều vấn đề trong bản án, 29/04/2014 06:29 (GMT + 7)
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/604960/qua-nhieu-van-de-trong-ban-an.html