Báo động an toàn tài chính VN?

Giới chuyên gia vừa lên tiếng cảnh báo về an toàn tài chính quốc gia của Việt Nam, với tình trạng nợ công quá cao, nợ xấu chưa có hướng xử lý hiệu quả trong lúc ngân sách vẫn trong tình trạng bội chi.

Theo cách tính hiện nay của giới chức, nợ công của Việt Nam không bao gồm nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng căn bản. Với cách tính này, nợ công hiện chiếm khoảng dưới 60% GDP.

Tuy nhiên, nếu tính đủ để gộp các khoản trên, “nợ công phải lên tới gần 100% GDP”, trang tin VnExpress.net dẫn lời Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 được tổ chức hôm 28-29/4.

‘Khả năng thanh toán nợ công yếu’

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, có nhiều cách diễn giải khác nhau về tình trạng nợ công.

“Nhà nước có thể tính nợ công của nhà nước trung ương gồm các khoản nhà nước trực tiếp đi vay từ các nguồn trong nước hoặc nước ngoài, cùng một số các khoản nợ mà nhà nước bảo lãnh,” ông Bùi Kiến Thành nói với BBC Tiếng Việt.

“Ngoài ra còn các khoản nợ công của chính quyền địa phương. Rồi còn các khoản nợ của các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Định nghĩa nợ công gồm những khoản nào và vấn đề mỗi người hiểu một cách. Chính phủ [Việt Nam] hiểu theo cách hẹp nhất, còn các chuyên gia lại hiểu theo cách rộng hơn,” ông Thành nói thêm.

“Tuy nhiên tác động của khoản nợ công đối với nền kinh tế một nước không hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ lệ nợ so với GDP của nước đó, mà còn vào nhiều yếu tố khác.”

“[Con số] nợ công của Hoa Kỳ cũng không hoàn toàn chính xác. Nợ công của chính phủ liên bang, của các chính phủ tiểu bang, của các thành phố, v.v… cộng lại sẽ không phải là 100% GDP mà có thể lên tới vài trăm phần trăm.”

“Hay như ở Nhật, con số nợ công lên tới 240% GDP.”

“Khả năng thanh toán được khi nợ công đáo hạn mới là quan trọng. Nếu có khả năng thì [nợ công] bằng 100% GDP cũng không sao, nhưng nếu không có khả năng thì 30-40% cũng đã là vấn đề rồi.”

“Nền kinh tế Việt Nam trong lúc này khiến tôi thấy lo lắng. Không chỉ là ở khả năng thanh toán nợ công mà còn ở hiệu quả đầu tư của những khoản nợ công đó nữa.”

“Các nước khác đi vay về để làm các công trình cơ sở hạ tầng, chất lượng tốt, làm một lần dùng được 50, 60 năm. Còn Việt Nam đi vay về làm chưa xong đã hỏng, bị rút ruột công trình, bị tham nhũng bớt xén, cho nên không tạo được hiệu quả kinh tế mong muốn khi đi vay.”

“Do vậy, tôi e rằng nền kinh tế Việt Nam không tạo được đủ luồng tiền để giải quyết vấn đề nợ công.”

‘Chưa có giải pháp cho nợ xấu’

Ngoài vấn đề nợ công, thì nợ xấu lâu nay đã là điều khiến giới chuyên gia lo lắng.

Nợ xấu “nếu tiếp tục duy trì như hiện nay thì nguy hiểm,” VnExpress dẫn lời Tiến sỹ Trần Đình Thiên nói tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014.

Còn chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Hiện chưa có giải pháp nào cho việc xử lý nợ xấu.”

“VAMC mua nợ xấu nhưng lại không trả tiền mà chỉ trả trái phiếu đặc biệt để quét cả đống nợ xấu đó vào kho của VAMC, nhằm làm sạch sổ sách cho các ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng này có thể tiếp tục vay và cho vay” (Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành)

Mới đây, trang tin điện tử của Chính phủ công bố số liệu tổng nợ xấu tính đến cuối 2/2014 là khoảng 307 nghìn tỷ, tương đương khoảng 9,7% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, trong số này, có khoảng 185 nghìn tỷ được đưa vào tái cơ cấu nên không bị coi là nợ xấu.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành bình luận: “Nhiều khoản nợ xấu đã không được trả mà lại được cấu trúc lại, cho vay nợ mới để trả nợ cũ, thì đó vẫn là các khoản nợ cũ nhưng được mang lốt mới.”

“Việc thành lập VAMC (công ty quản lý tài sản) để mua nợ xấu chỉ là giải pháp nhất thời chứ không giải quyết được nợ xấu. VAMC mua nợ xấu nhưng lại không trả tiền mà chỉ trả trái phiếu đặc biệt để quét cả đống nợ xấu đó vào kho của VAMC, nhằm làm sạch sổ sách cho các ngân hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngân hàng này có thể tiếp tục vay và cho vay.”

“Đó chỉ là biện pháp hành chính tạm thời. Còn việc giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển thì VAMC không có phương tiện để làm.”

Trong số các khoản nợ xấu, có một phần không nhỏ là khoản các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhà nước vay.

Tại một cuộc hội thảo hồi cuối 12/2013, Quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Phạm Thế Anh cho rằng các khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước mới là rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam, bởi có khả năng sẽ phải dùng tới ngân sách nhà nước để trang trải những khoản nợ xấu này

Chính phủ là chủ sở hữu các doanh nghiệp này, nhưng trách nhiệm của chính phủ đối với các khoản vay đó ra sao lại là điều chưa được làm rõ, theo ông Bùi Kiến Thành.

“Đó là một cách để chính phủ chạy khỏi trách nhiệm của mình,” ông Thành nói thêm.

Ngân sách thâm hụt

Vấn đề thâm hụt ngân sách cũng khiến cho bức tranh kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa.

Theo số liệu chính thức, mức tăng trưởng GDP năm ngoái đạt 5,42%, tuy cao hơn 2012 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra 5,5%. Trong lúc đó mức bội chi ngân sách năm 2013 cao hơn nhiều so với mức dự toán 4,8%.

“Chính phủ đã phải xin Quốc hội nâng mức trần vay lên 5,3% do bội chi quá lớn mà không có gì bù đắp nên phải đi vay. Bởi đã vượt qua trần vay rồi nên phải xin Quốc hội nâng trần lên để Chính phủ đi vay tiếp,” ông Bùi Kiến Thành nói.

“Vấn đề thu chi ngân sách rất nghiêm trọng. Chúng ta thực sự cần nhìn lại tình hình kinh tế Việt Nam. Phải ra khỏi ảo tưởng để đi vào thực tế, phải tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp phát triển mới có thể giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế, bội chi ngân sách hay nợ công, nợ khó đòi,” chuyên gia tài chính này cảnh báo.

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.