Tại Hội nghị 16 ở Hà Nội lần này, vấn đề Biển Đông sẽ là phép thử ý chí của lãnh đạo Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội không phải một lần công khai nguyện vọng “quốc tế hóa, đa phương hóa và nhân bản hóa” tranh chấp Biển Đông. Từ tháng 11 năm ngoái, một số hội thảo học thuật quốc tế đã được tổ chức để bàn về chủ đề này.
Nhưng lần này là một hội nghị thượng đỉnh của khu vực.
Mang được chủ đề gai góc nhưng thiết thực này ra bàn luận, Việt Nam sẽ tận dụng được vị thế chủ nhà chục năm mới có một lần. Sang năm chiếc ghế chủ tịch Asean sang tay Brunei, thảo luận thực chất về Biển Đông sẽ trở thành không tưởng.
Tôi không nghĩ có nước nào tham gia hội nghị trông đợi một sự đột phá, thậm chí Tuyên bố chung của Hội nghị 16 có thể cũng sẽ không có gì đáng nói về Biển Đông.
Nhưng Chính phủ Việt Nam biết, nỗ lực của họ đang được triệu con mắt Việt trông vào.
Đối ngoại, thực ra cũng là đối nội. Năm trước Đại hội Đảng, trong các bước đi chính trị, không vị lãnh đạo nào có thể bỏ qua không tính tới sức nóng ngùn ngụt của ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa đang lan tỏa trong dân.
Hồng Nga
Biển Đông dường như đang nóng lên sau một loạt sự kiện xảy ra trong vài tuần qua. Và Hồng Nga nghĩ rằng, với Hội nghị Thượng đỉnh Asean diễn ra trong tuần tới này tại Hà Nội, chủ đề Biển Đông chứ không phải điều gì khác, sẽ là thách thức lớn cho các nhà tổ chức nước chủ nhà, về cả đối ngoại lẫn đối nội.
Tuần vừa rồi đánh dấu một số chỉ dấu tích cực, nếu chưa thể gọi là thành công, dành cho những người Việt quan tâm và vận động cho chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Chỉ dấu thứ nhất, là khi Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic) sau khi bị người Việt phản đối, đã chịu chỉnh sửa trên một số loại bản đồ bị chú đặt phía dưới quần đảo Hoàng Sa.
Từ Xisha (Tây Sa – theo tiếng Trung Quốc) sang Paracels (tên quốc tế của Hoàng Sa) và bỏ chữ China, sự sửa đổi này đã phản ánh trung thực tình trạng tranh chấp hiện thời đối với Hoàng Sa, cho dù Bắc Kinh đã chiếm hoàn toàn quần đảo này từ năm 1974.
Tất nhiên đây chỉ là một niềm vui có giới hạn, vì Hội Địa lý chỉ là một tổ chức nghề nghiệp, tuyên bố của họ không có giá trị pháp lý và cũng không đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ; thêm nữa hội này cũng chưa chỉnh sửa tất cả các loại bản đồ của họ.
Thế nhưng chỉ dấu thứ hai, rõ ràng và mạnh dạn từ chính ông Chủ tịch nước Việt Nam, đã cho thấy phần nào nhận thức của nhà chức trách Việt Nam về đòi hỏi của người Việt trong và ngoài nước trong vấn đề tuyên bố chủ quyền Biển Đông; và hơn thế nữa, trong việc chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ chủ quyền ấy.
Một số báo trích lời ông Nguyễn Minh Triết nói khi thăm Trung đoàn Hải quân 953 trên đảo Bạch Long Vĩ và tại buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng: “Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình… Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.
Những báo này không hiểu vô tình hay hữu ý lược đi một câu khác cũng của ông Triết, nói trong chuyến thăm, được báo Quân đội Nhân dân ghi lại: “Việt Nam cũng nhất quán với chủ trương: Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống”.
Tôi không cho đây là câu nói “quen miệng” của lãnh đạo một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến.
Cùng ngày ông Triết thăm hải quân Việt Nam, Trung Quốc làm lễ tiễn hai tàu ngư chính thuộc loại lớn nhất và nhanh nhất của họ tới Trường Sa.
Thời điểm để Bắc Kinh đưa ra quyết định này là hoàn toàn có chủ ý.
Tháng Tư sóng yên biển lặng, hoạt động giữa đất liền và biển đảo của Việt Nam có xu hướng nhộn nhịp hơn các quãng thời gian khác trong năm.
Tháng Tư cũng là tháng trước khi Trung Quốc bắt đầu lệnh cấm đánh bắt trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, tức cả khu vực khoanh bởi đường “lưỡi bò”, thọc sâu xuống phía Nam. Còn nhớ, đợt cấm đánh bắt năm ngoái, hàng nghìn thuyền cá của Việt Nam nằm ngửa bụng lên trời vì ngư dân sợ bị bắt và phạt vạ.
Thêm nữa, chỉ một tuần sau khi hai tàu ngư chính thẳng tiến Trường Sa, Hội nghị Thượng đỉnh Asean sẽ mở màn tại Hà Nội.
Thách thức lớn
Lẽ dĩ nhiên ông Chủ tịch Việt Nam không cầu chiến.
Giới quan sát gần như đồng thuận, rằng khả năng xảy ra chiến sự tại Biển Đông là chuyện hãn hữu, gần như không thể xảy ra.
Nhưng họ cũng gần như đồng thuận rằng Trung Quốc gần đây đã không dấu diếm sự mạnh bạo của mình tại khu vực.
Bắc Kinh đã khá thành công trong việc dùng sức mạnh và ảnh hưởng ngăn cản các nước khác hưởng lợi trong các khu vực còn tranh chấp.
Đe dọa của Trung Quốc đã làm các công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam, Philippines tại vùng tranh chấp phải ngại ngùng. Và cũng dưới áp lực của Trung Quốc, chủ đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông thậm chí còn không được mang ra bàn ở Hội nghị Thượng đỉnh Asean ở Thái Lan hồi cuối năm ngoái.
Tại Hội nghị 16 ở Hà Nội lần này, vấn đề Biển Đông sẽ là phép thử ý chí của lãnh đạo Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội không phải một lần công khai nguyện vọng “quốc tế hóa, đa phương hóa và nhân bản hóa” tranh chấp Biển Đông. Từ tháng 11 năm ngoái, một số hội thảo học thuật quốc tế đã được tổ chức để bàn về chủ đề này.
Nhưng lần này là một hội nghị thượng đỉnh của khu vực.
Mang được chủ đề gai góc nhưng thiết thực này ra bàn luận, Việt Nam sẽ tận dụng được vị thế chủ nhà chục năm mới có một lần. Sang năm chiếc ghế chủ tịch Asean sang tay Brunei, thảo luận thực chất về Biển Đông sẽ trở thành không tưởng.
Tôi không nghĩ có nước nào tham gia hội nghị trông đợi một sự đột phá, thậm chí Tuyên bố chung của Hội nghị 16 có thể cũng sẽ không có gì đáng nói về Biển Đông.
Nhưng Chính phủ Việt Nam biết, nỗ lực của họ đang được triệu con mắt Việt trông vào.
Đối ngoại, thực ra cũng là đối nội. Năm trước Đại hội Đảng, trong các bước đi chính trị, không vị lãnh đạo nào có thể bỏ qua không tính tới sức nóng ngùn ngụt của ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa đang lan tỏa trong dân.