Bước đi nham hiểm mới của Trung Quốc tại Hoàng Sa

Bày trò khảo cổ tại Hoàng Sa là bày một trò học thuật vô ích. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ tại Trung Quốc trong những năm quan hệ hai nước căng thẳng, đổi bạn thành thù, đã có những nhận định chí lý: đồ gốm sứ của Việt Nam vốn cũng được bán đi nhiều nước Đông Nam Á và Nhật Bản từ rất sớm, chẳng lẽ bây giờ đào thấy một di vật gốm Việt Nam trên đất Nhật cũng có thể kết luận mảnh đất đó là thuộc quyền sở hữu của Việt Nam? Hay như gò Đống Đa chôn biết bao nhiêu xương lính Tôn Sĩ Nghị khi xưa, các nhà khảo cổ Trung Quốc có thể sang Hà Nội đào lên, cho thử ADN rồi nói rằng Ngọc Hồi, Đống Đa vốn thuộc phần đất Trung Quốc? Mượn màu khoa học để làm chính trị là sách lược cũ mèm và chỉ chứng tỏ người cầm đầu Bắc triều đang không từ bất kỳ một thủ đoạn dù vụng về đến thế nào để thực hiện bằng được tham vọng cướp đất cướp biển trắng trợn của nước khác.

Bauxite việt Nam

Trung Quốc thông qua “đề án bảo vệ di vật khảo cổ” tại Hoàng Sa của Việt Nam. Đề án “bảo vệ di vật khảo cổ” này do Cục trưởng Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc đệ trình trong “hai kỳ họp” của Trung Quốc, theo đó trong thời gian tới Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm khảo cổ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo như đề án được đệ trình “hai kỳ họp” vừa qua, phía Trung Quốc cho rằng, ngay từ thời Tây Hán quần đảo Hoàng Sa đã là “con đường tơ lụa trên biển” quan trọng của Trung Quốc. Phía Trung Quốc nhận định do vị trí giao thương trên biển quan trọng nên tại khu vực này sau khi xảy ra các vụ đắm tàu sẽ là một trong những khu vực chứa nhiều tài liệu khảo cổ có giá trị quan trọng. Chính vì vậy, việc đưa khu vực này vào khu vực khảo cổ cần được bảo vệ và nghiên cứu một cách nghiêm túc có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Được biết năm 1998 Trung Quốc cũng đã bắt đầu các hoạt động bước đầu khai thác và tìm hiểu khảo cổ tại khu vực biển này của Việt Nam. Đến năm 2007 và 2008, Trung Quốc cũng đã cử tàu “đảo Hoa Quang 1” tới đây tác nghiệp. Tiếp đó, tháng 5 năm 2009 Trung Quốc đã tiến hành khảo sát một khu vực rộng 7.100 km vuông đồng thời phát hiện ra 11 địa điểm có khảo cổ quan trọng. Đồng thời đến tháng 9 năm 2009, một trung tâm bảo vệ di sản văn hóa dưới nước quốc gia của Trung Quốc cũng đã được thành lập. Trung tâm này cùng với trạm công tác khảo cổ Hoàng Sa có nhiệm vụ xây dựng đề án bảo vệ khảo cổ dưới biển tại Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo các chuyên gia khảo cổ nước này nhận định, khu vực biển này có nhiều tài liệu và hiện vật khảo cổ quan trọng chưa được khai thác. Tuy nhiên do phân bố trên diện tích rộng với số lượng nhiều, bên cạnh đó địa điểm lại cách xa Trung Quốc đại lục… những điều đó chính là một thách thức đối với giới khảo cổ nước này.

Được biết, các hiện vật khảo cổ trong khu vực biển này chủ yếu là đồ sứ và đồ đồng.

Trong công tác bảo vệ mà đề án đưa ra bao gồm hai vấn đề lớn. Một là, tăng cường công tác tuyên truyền pháp quy về tầm quan trọng bảo vệ văn vật dưới đáy biển, áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với các hoạt động trục vớt văn vật phi pháp. Thứ hai, kết hợp giữa các cơ quan chức năng của Chính phủ, địa phương, ngư chính… tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ các hiện vật dưới biển thuộc khu vực Hoàng Sa mà phía Trung Quốc cho rằng thuộc chủ quyền của họ.

Hiện tại, tại Hoàng Sa, phía Trung Quốc đã phát hiện ra hơn 50 địa điểm khảo cổ có giá trị, trong đó đặc biệt chú ý là đảo Trung Bắc và đảo Cam Tuyền đã được Quốc Vụ Viện nước này liệt vào khu vực bảo vệ quan trọng.

Theo như đề án trên, Cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc đã đưa ra 4 nhóm giải pháp lớn nhằm bảo vệ và nghiên cứu khu vực văn vật quan trọng dưới đáy biển thuộc phạm vi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cụ thể, thứ nhất, tích cực đẩy mạnh và cổ vũ các công trình nghiên cứu chuyên đề về vấn đề này. Đồng thời liệt công tác bảo vệ văn vật dưới nước thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào trọng tâm công tác của “kế hoạch 5 năm lần thứ 12”. Thứ hai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu chuyên đề và báo cáo liệt kê văn vật cụ thể. Thứ ba, làm tốt công tác bảo vệ văn hiện vật dưới nước thuộc Hoàng Sa.  Thành lập trung tâm nghiên cứu bảo vệ di sản văn hóa dưới nước khu vực Biển Đông và trạm công tác khảo cổ Hoàng Sa. Các bộ ban ngành có liên quan làm tốt công tác khảo sát khoa học, định kỳ tuần tra, các tàu ngư chính tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hộ tống, trục vớt khảo cổ. Thứ tư, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, trục vớt trái pháp luật các cổ vật.  Thiết lập mối liên hệ tương quan giữa các cơ quan liên quan, nghiên cứu và tìm ra phương thức công tác hợp tác có hiệu quả giữa các cơ quan chuyên trách qua đó nâng cao chất lượng hiệu quả công tác.

Những hiện vật khảo cổ (cho dù là có căn cứ khoa học chính xác) là những tư liệu khoa học có giá trị, nhưng nó không là chứng cớ khẳng định chủ quyền một vùng đất hay một vùng biển. Chủ quyền quốc gia đối với một vùng đất hay vùng biển được xác định dựa trên các công ước quốc tế. Việc Trung Quốc đưa quân vào đánh chiếm và chiếm giữ bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là hành động xâm lược, chống lại các công ước quốc tế. Ý đồ đen tối lấy khuếch trương công việc khảo cổ học nhằm lẩn tránh các cuộc đối thoại nghiêm túc là tiền đề cho những hành vi nham hiểm.

Cho dù là dưới hình thức nào, vị khoa học hay không, thì việc Trung Quốc tiến hành tìm kiếm khảo cổ học tại quần đảo Hoàng Sa là một hành động vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền trên biển của Việt Nam. Trung Quốc cần phải tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam và Công ước trên biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và Hiệp ước ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN về các vấn đề trên biển.

Nguồn: http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quansu/THSK/LA74990/default.htm

This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc. Bookmark the permalink.