Từ hai tuần nay, nước Pháp có thủ tướng mới. Manuel Valls, một gương mặt quen thuộc của đảng xã hội Pháp đã được François Hollande lựa chọn thay cho Jean-Marc Ayrautl. Chỉ số tín nhiệm của người đứng đầu chính phủ đã vượt xa so với chỉ số tín nhiệm của tổng thống François Hollande. Manuel Valls đã có bài diễn văn trước Quốc hội, giới thiệu chương trình hành động của chính phủ trong thời gian tới. Ông muốn nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ cho kế hoạch cải cách đầy tham vọng của mình: Tiến hành cải cách hành chính nhằm phân chia lại địa giới của các vùng, tiết kiệm 58 tỉ euro nợ công, tạo nhiều việc làm mới cho người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
Thủ tướng mới người xứ Catalan trở thành chính khách nổi bật nhất hiện nay ở Pháp. Ông là người được đánh giá là năng động và quyết đoán. Một số chính khách thuộc cánh hữu như François Fillon, Jean-Pierre Raffarin ủng hộ ông. Một số khác cho rằng sẽ không có gì mới, vì nội các vừa được thành lập vẫn là một bản sao của nội các cũ.
Manuel Valls sinh năm 1962 tại Barcelone, Tây Ban Nha. Mẹ ông là người Thụy Sĩ gốc Ý, sinh sống tại Paris. Cha ông, Xavier Valls, là một họa sĩ người xứ Catalan, đến Paris lập nghiệp từ năm 1948. Trong các thập niên 50, 60,70, hàng trăm nghìn người Tây Ban Nha đã phải rời bỏ quê hương, sang các nước láng giềng lánh nạn vì trong khoảng thời gian này nhà độc tài Franco cai trị đất nước. Những người có tư tưởng chính trị đối lập bị chính quyền đàn áp. Họ buộc phải ra đi. Manuel Valls có quốc tịch Tây Ban Nha và Pháp. Một số chính khách cánh tả khác như Eva Joly, cựu thẩm phán, chủ tịch đảng xanh, Jean-Vincent Placé thượng nghị sĩ đảng xanh hay Anne Hidalgo, thị trưởng Paris đều có hai quốc tịch.
Manuel Valls luôn gắn bó với xứ Catalan, ông nói thành thạo tiếng Catalan và tiếng Tây Ban Nha. Trong thời niên thiếu Manuel và em gái thường được đi nghỉ hè cùng gia đình tại Barcelone. Ở đây, Manuel có dịp được gặp gỡ những người họ hàng. Gia đình Valls có một ngôi nhà tại Barcelone, hiện nay em gái ông đã trở lại đây sinh sống. Khi Manuel Valls trở thành thủ tướng Pháp, các tờ báo lớn của Tây Ban Nha như el País, el Mundo đều dành nhiều bài giới thiệu về người con ưu tú này của vùng Catalan. Là cổ động viên của đội bóng Barcelone, điều thú vị là chính người thân của ông đã sáng tác bài hành khúc của đội bóng Barcelone (Barça). Ông cũng là người thích xem thi đấu bò tót và coi đó là một truyền thống của Tây Ban Nha. Chính vì vậy, khi các phong trào đòi Nhà nước phải bãi bỏ các giải thi đấu bò tót ở vùng Tây Nam nước Pháp. Ông đã đứng về phía những người ủng hộ các giải đấu bò tót. Vì nhờ có các hoạt động này, nhiều khách du lịch sẽ đến tham dự, nhờ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm trong ngành dịch vụ. Thi đấu bò tót cũng là một truyền thống gia đình theo nhận xét của Manuel Valls.
Manuel Valls, thủ tướng mới của Pháp
Sinh ra trong một gia đình nhập cư, như cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, Manuel Valls tham gia các sinh hoạt chính trị từ rất sớm (I) và trở thành một chính khách tiêu biểu hiện nay ở Pháp. Mặc dù thuộc đảng xã hội (cánh tả), ông lại có một số quan điểm chính trị theo kiểu cánh hữu (l’UMP) (II). Điều này tạo sự khác biệt giữa ông với các thành viên khác trong đảng xã hội. Khi trở thành người đứng đầu chính phủ, Manuel Valls có cơ hội lớn để khẳng định mình, điều này có lợi cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm 2017.
I. Con đường chính trị của Manuel Valls
Manuel Valls tham gia đảng xã hội từ lúc mới 17 tuổi, khi còn là sinh viên khoa sử Đại học Sorbonne, ông trở thành cố vấn các vấn đề về sinh viên cho Michel Rocard. Khi Michel Rocard cùng François Mitterand đại diện cho đảng xã hội cùng ra tranh cử tổng thống, Manuel Valls ủng hộ Michel Rocard. Thời gian đó, ông chưa có quyền bầu cử vì chưa được nhập quốc tịch Pháp. Năm 20 tuổi, Manuel Valls mới được nhập quốc tịch, cơ hội tham gia chính trị bắt đầu mở ra từ đây. Con đường chính trị của Manuel Valls khá thuận lợi. Năm 1986, khi mới 24 tuổi, ông được bầu vào hội đồng vùng l’Ile de France. Hai năm sau, ông được Michel Rocard chọn vào làm việc trong chính phủ, phụ trách các công việc chung giữa chính phủ và Nghị viện. Manuel Valls thất bại trong cuộc bầu cử lập pháp năm 1997. Năm 2001, ông trở thành thị trưởng thành phố Evry, (nơi có dân số khoảng 50.000 người). Năm 2002, ông trở thành đại biểu quốc hội, kiêm nhiệm thêm chức thị trưởng. Là người thuộc cánh tả, ông bênh vực các tầng lớp nghèo, nhưng cũng có thái độ dứt khoát đối với việc xây dựng trái phép các khu nhà tạm bợ do một số gia đình dựng lên. Ông cũng phản đối kế hoạch xây dựng một siêu thị bán thực phẩm riêng cho người Hồi giáo. Khi Nicolas Sarkozy thiết lập lệnh giới nghiêm ở một số khu vực ngoại thành có an ninh phức tạp. Ông là một trong những thành viên hiếm hoi của đảng xã hội không lên tiếng phê phán quy định này. Năm 2007, Nicolas Sarkozy trúng cử tổng thống, đã thành lập chính phủ mở rộng. 3 nhân vật của đảng xã hội là Bernard Kouchner, Eric Besson và Manuel được mời tham gia chính phủ. Hai người kia đã chấp nhận, sau đó bị khai trừ khỏi đảng xã hội. Riêng ông đã khước từ lời đề nghị.
Năm 2012, Manuel Valls là một trong sáu ứng cử viên của đảng xã hội tham gia tranh cử tổng thống, ông bị loại ngay từ vòng sơ tuyển, vì chỉ nhận được 6 % số phiếu ủng hộ của đảng này. Hai ứng cử viên nhiều triển vọng nhất là Dominique Strauss-Kahn, giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế và François Hollande, thủ lĩnh đảng Xã hội. Vì Dominique Strauss-Kahn dính vào vụ bê bối tình dục với một cô hầu phòng da đen tại khách sạn Sofitel Métropole ở New Yord, ngoài ra còn bị truy tố vì một số vụ quấy rối tình dục khác. Nhân vật tai tiếng này đã tuyên bố không tham gia ứng cử tổng thống. Manuel Valls trở thành trợ thủ đắc lực cho François Hollande trong cuộc đua giữa đảng xã hội và đảng liên minh đa số vì tổng thống. Trong cuộc đấu này, đảng xã hội đã chiến thắng với 51 % số phiếu bầu.
Khi bông hồng đã vào điện Elysée (1), François Hollande có quyền lực hợp pháp và là người đại diện cao nhất của nhân dân (chính xác là của 51 % dân số), giống như một vị vua nắm giữ đặc quyền bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan hành pháp. François Hollande ban phát “bổng lộc” được Hiến pháp công nhận cho các chiến hữu trong đảng xã hội. Manuel Valls được cử làm bộ trưởng nội vụ, chức vụ mà ông mong đợi từ lâu. Trong đợt bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 3 năm 2014. Đảng xã hội thất bại tại hơn 80 khu vực bầu cử vì các cử tri nghi ngờ đối với năng lực của các nhà lãnh đạo đảng xã hội. Kết quả bầu cử như một bức thông điệp thể hiện sự tức giận của dân Pháp đối với tổng thống François Hollande và thủ tướng Jean-Marc Ayraut. Lời cảnh báo này buộc François Hollande phải cải tổ mạnh nội các, nhờ vậy, Manuel Valls đã được chọn làm người đứng đầu chính phủ mới.
Nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính ở Pháp đều có những bước đi chính trị khá giống nhau. Họ có những định hướng chính trị cụ thể từ rất sớm. Phần lớn các chính khách đều học tại các trường trung học danh tiếng, như trường Henri IV, Pierre le Grand, sau đó học luật tại Sorbonne, hoặc học khoa học chính trị tại viện nghiên cứu khoa học chính trị Paris, hoặc các viện nghiên cứu chính trị ở các tỉnh. Bước đi mang tính quyết định tiếp theo, họ theo học tại trường hành chính quốc gia (l’Ecole nationale d’Administration). Đây là cái nôi đào tạo các lãnh đạo cao cấp (khoảng 70% đến 80%). Đa số các thành viên trong chính phủ hiện nay đều theo học tại trường hành chính quốc gia, (có chính phủ, tỉ lệ các cựu học viên của trường này chiếm đến 80%). Thủ tướng Manuel Valls không theo con đường chính trị truyền thống như François Hollande và các bộ trưởng Ségolène Royal, Laurent Fabus, Michel Sapin… (các cựu học viên của trường hành chính quốc gia). Ông không tốt nghiệp trường này, không học khoa học chính trị, cũng không có nhiều bằng cấp như François Hollande, không được ưu tú như Laurent Fabus (được tín nhiệm chọn làm thủ tướng, mới ngoài 40 tuổi). Điều gì khiến Manuel có con đường chính trị thuận lợi? Rất có thể ông là người khôn ngoan, quyết đoán và có nhiều may mắn. Ông hiểu rằng nếu mọi con đường đều dẫn đến thành Rome, sẽ có nhiều con đường dẫn đến điện Matignon (trụ sở của chính phủ Pháp) và cũng có nhiều con đường dẫn đến điện Elysée (trụ sở của tổng thống Pháp). Manuel Valls đã đi theo cách của riêng mình để đến đích.
II. Nhập nhằng chính trị hay quan điểm cứng rắn của Manuel Valls về chính trị?
Khi bàn về quan điểm chính trị của Manuel Valls, người ta dễ liên hệ đến một câu chuyện cổ tích của châu Phi: “Con dơi không phải đóng thuế”.
Câu chuyện kể rằng, một hôm, thượng đế quyết định sẽ thu các khoản lệ phí đối với tất cả các con vật đi trên mặt đất và những con vật biết bay ở trên trời vì chúng đang hoạt động trong vương quốc của mình. Thượng đế phân chia thành hai loại, thú phải có răng và chim phải có cánh. Lãnh địa của thú ở trên mặt đất, không gian của chim là bầu trời. Các con vật có răng, đều phải đóng thuế trên mặt đất, các con vật có cánh phải đóng thuế trên trời. Tất cả các loài vật đều tuân theo, riêng con dơi rất khôn ngoan, và tìm mọi lí do để không phải trả gì hết. Khi các đại diện của Thượng đế ở trên mặt đất đến gặp con dơi, nó giương đôi cánh, bay một vòng và nói: “Tôi là chim vì tôi bay được”. Các đại diện khác ở trên trời đến đòi nó phải trả thuế, con dơi đáp lại: “Tôi là thú vì tôi có răng”. Cuối cùng, mọi con vật đều phải tuân theo nguyên tắc của thượng đế, trừ con dơi.
Suy luận quan điểm chính trị của Manuel Valls thể hiện sự nhập nhằng cũng khó thuyết phục, vì nếu Manuel theo cánh hữu (2), ông đã chấp nhận giữ một chức vụ trong chính phủ theo đề nghị của Nicolas Sarkozy trước đây. Nhưng một số lãnh đạo đảng Xã hội lại tỏ ra nghi ngờ Manuel Valls. Năm 2011, Martine Aubry, thủ lĩnh đảng Xã hội và là thị trưởng thành phố Lille đã gửi thư cho ông và yêu cầu: “Manuel, hãy ngừng phê phán đảng xã hội, nếu không vừa ý, hãy rời khỏi đảng”. Ông phản ứng lại, bằng cách lập ra câu lạc bộ của” những người cánh tả lạc quan”, thể hiện sự gắn bó với đảng Xã hội, và có ý tưởng điều hành theo một cách khác. Là người có quan điểm cứng rắn, ông thích thể hiện mình và muốn đưa ra chiến lược hành động theo kiểu phái hữu, thái độ đó được lòng nhiều nhà lãnh đạo cánh hữu và người dân. Đây là chiến thuật của Manuel Valls.
Khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Manuel Valls tỏ ra là người có trách nhiệm và được việc. Ông có mặt ở những điểm nóng như Marseille, Corse, mỗi khi có các vụ việc nghiêm trọng.
Đảng xã hội là người đưa ra dự luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, ý tưởng này gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp. Hai phe ủng hộ và phản đối dự luật đều xuống đường thể hiện thái độ. Một phe khác trung dung hơn, không mấy quan tâm đến vấn đề xã hội này, trừ những người đồng tính! Hai phe ủng hộ và phản đối đều huy động lực lượng tham gia, nhiều bậc cha mẹ đem theo cả con cái nhỏ tuổi đi biểu tình để gây sức ép lên chính phủ. Manuel Valls khuyên các gia đình có con nhỏ không nên đi biểu tình, đồng thời triển khai đông đảo cảnh sát giữ gìn an ninh và tiến hành bắt giữ các phần tử quá khích. Nhiều người phê phán ông vi phạm quyền tự do biểu tình được Hiến pháp bảo vệ. Những người khác lại ủng hộ ông. Manuel Valls biết rằng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ông muốn làm tròn trách nhiệm của một bộ trưởng phụ trách về an ninh xã hội.
Khi lực lượng cảnh sát tiến hành bắt giữ Leonarda, một cô bé 13 tuổi người Rom ở ngay trước cổng trường học, sau đó trục xuất cả gia đình về Kosovo, vì cha của Leonarda làm giả giấy tờ và không trung thực trong việc khai báo nơi sinh của các thành viên trong gia đình. Các tổ chức nhân quyền lên án vụ việc này, vì cô bé người Rom sẽ mất cơ hội học hành để hòa nhập cuộc sống ở Pháp. Họ yêu cầu cô bé phải được quay lại Pháp để tiếp tục được đi học. Rút kinh nghiệm vụ Leonarda, Bộ Giáo dục Pháp ra thông tư cấm tất cả các vụ bắt bớ học sinh liên quan đến hộ tịch trong phạm vi trường học. Các phương tiện truyền thông và các tổ chức dân sự gây sức ép buộc Bộ trưởng Nội vụ và Tổng thống phải cho phép cả gia đình người Rom này trở lại Pháp. Léonardia ra điều kiện sẽ chỉ trở lại Pháp khi có gia đình đi cùng. Manuel Vall tuyên bố, nếu cô bé người Rom muốn trở lại, Nhà nước sẽ tạo điều kiện, nhưng chỉ được đi một mình. Tuyên bố này làm hài lòng phe cực hữu, đặc biệt là ba thế hệ nhà Le Pen (3).
Chính sách trục xuất người Rom được thực hiện dưới thời Nicolas Sarkozy, hàng chục nghìn người dân tộc Rom phải rời Pháp về Bulgary và Roumani. Mỗi người được giúp đỡ một khoản tiền nhỏ cho việc hồi hương. Liên minh châu Âu và nhiều nước phê phán chính sách phân biệt đối xử của Pháp với nhóm người này. Cộng đồng Rom đã biểu tình trước trụ sở của Ủy ban châu Âu tại Bruxelles và yêu cầu tổ chức này phải có tiếng nói bênh vực người thiểu số. Nhiều người giương cao khẩu hiệu phản đối chính phủ Pháp: “Sarkozy, mày muốn biết giá của người Rom bao nhiêu không? 300 euro giá của người lớn và 100 euro giá cho trẻ em” (ám chỉ số tiền Pháp cho người Rom, để khuyến khích họ về nước). Khi đảng Xã hội cầm quyền, các khu ổ chuột xây dựng bất hợp pháp bị cảnh sát cưỡng chế, nhiều gia đình Rom bị yêu cầu về nước. Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng cực hữu nhận xét Manuel Valls giữ nguyên thái độ đối với người Rom như cách mà Nicolas Sarkozy vẫn làm. Các đảng cánh hữu và cực hữu hài lòng về Manuel Valls qua cách hành xử cứng rắn với người Rom.
Năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đón tiếp Mouammar Kadhafi. Nhà độc tài Libya đã cắm lều tại sân điện Elysée theo truyền thống của dân tộc mình. Nước Pháp đã đón tiếp người hậu thuẫn cho hai vụ khủng bố máy bay trước đây vì trong lều của Mouammar Kadhafi có chứa hàng tỉ đôla qua các bản hợp đồng khai thác dầu và có thể còn có các phi vụ mua bán vũ khí trong tương lai, nếu chế độ độc tài không sụp đổ. Nhưng nước Pháp sẵn sàng trục xuất đúng luật hàng chục nghìn người Rom nghèo khó vì trong lều của họ không có bất cứ một đồ vật nào giá trị. Đơn giản người Pháp không muốn đón nhận sự nghèo khó từ nơi khác đến và Manuel Valls hiểu rõ điều này. Theo thăm dò dư luận, chỉ số tín nhiệm của Manuel Valls đạt 58%, đây là chỉ số khá cao đối với giới lãnh đạo, chỉ số của François Hollande chỉ đạt 24%. Con đường đến điện Elysée của Manuel Valls vì thế càng ngày càng thuận lợi hơn.
Kết luận
Charles de Gaulle, người sáng lập nền cộng hòa đệ ngũ của Pháp đã tự hỏi: “Làm thế nào để lãnh đạo một đất nước có đến 242 loại phô mai khác nhau”? Thực tế là ở Pháp có đến 1200 loại phô mai. Người Pháp phải chăng không thể nào lãnh đạo được! Liệu Manuel Valls và François Hollande có thể tạo ra được những thay đổi lớn bằng cách giảm chi phí nợ công, tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách lại hệ thống hành chính mà trước tiên phân chia lại địa giới các vùng đã có từ thời cách mạng Pháp, năm 1789, (dự án này sẽ được triển khai từ 2017, đây là một kế hoạch lớn, gây nhiều tranh cãi nhưng sẽ tạo ra nhiều thay đổi). Tất cả những tham vọng cải cách không thể chỉ đặt vào một số nhân vật, đây là những vấn đề của toàn xã hội. Hơn nữa, nước Pháp nổi tiếng với hệ thống hành chính quan liêu, chồng chéo. Đảng xã hội còn 3 năm nữa để thực hiện các kế hoạch của mình, trách nhiệm quan trọng này đặt lên vai chính phủ, với sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội và Thượng viện. Manuel Valls đang có cơ hội khẳng định mình, nếu mọi việc thuận lợi và được đa số nhân dân ủng hộ, cánh cửa điện Elysée sẽ mở rộng với ông năm 2017.
P.T.Đ.
Ghi chú
1. Biểu tượng của đảng xã hội Pháp là bông hồng. Khi François Mitterand, đại diện đảng này thắng cử lần đầu tiên năm 1982, đài phát thanh thông báo: “Sáng hôm nay, bông hồng đã vào điện Elysée” (Ce matin, la rose est entrée dans l’Elysée). Các cử tri của đảng xã hội khi ăn mừng thắng cử, mỗi người cầm một bông hồng trên tay.
2. Cách gọi đảng cánh tả hay đảng cánh hữu có từ thời cách mạng Pháp năm 1789, khi các đại biểu Quốc hội lập hiến bàn bạc về việc có nên giao cho vua quyền phủ quyết hay không. Giai cấp quý tộc và tăng lữ muốn trao cho vua quyền này, đồng nghĩa với việc duy trì chế độ quân chủ. Giai tầng thứ ba phản đối và muốn thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Quý tộc và tăng lữ tập hợp phía bên phải còn giai tầng thứ ba ở bên trái. Ngày nay, đảng cánh tả và cánh hữu có một số quan điểm chính trị khác nhau, như công đảng và đảng bảo thủ ở Anh, hay đảng dân chủ và đảng cộng hòa ở Mỹ.
3. Jean-Marie Le Pen, người sáng lập và điều hành đảng cực hữu có tên Mặt trận dân tộc với khẩu hiệu: ” Nước Pháp thuộc về người Pháp”, các thành viên quá khích của Mặt trận dân tộc cho rằng cần trục xuất những người nước ngoài khỏi Pháp, vì người nước ngoài là nguồn gốc của các vấn đề an ninh, thất nghiệp, nợ công ở Pháp. Hiện nay đảng cực hữu do Marine Le Pen, con gái của Jean-Marie Le Pen điều hành, trong đợt tranh cử tổng thống năm 2012, đảng này đã giành được 17% số phiếu ủng hộ của cử tri Pháp. Đấu tranh chống tư tưởng phân biệt chủng tộc của đảng cực hữu, ngăn chặn các quan điểm chính trị cực đoan và thiếu thực tế của các đảng cực tả trở thành nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức dân sự. Các phương tiện truyền thông luôn là công cụ đắc lực để bảo vệ quyền tự do và bình đẳng.
Tài liệu tham khảo
2.http://elpais.com/elpais/2014/04/04/gente/1396634200_323892.html 3.http://internacional.elpais.com/internacional/2014/04/09/actualidad/1397071880_180617.html
4. http://www.elmundo.es/internacional/2014/03/31/53396089268e3e9b6e8b457b.html
Tác giả gửi cho BVN