Luận văn Nhã Thuyên: tiếng nói của một số người trong cuộc

Luận văn Thạc sĩ “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan (dưới đây gọi tắt theo tên phổ biến hơn là Luận văn Nhã Thuyên – LVNT) đang được dư luận quan tâm đặc biệt, nhất là khi Luận văn này được một Hội đồng thẩm định lại và sau đó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSP HN) ra quyết định số 667/QĐ-ĐH SP HN không công nhận Luận văn này. Nhận thấy sự kiện LVNT có nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với một số người trong cuộc, bao gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Bình (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP HN) – giáo viên hướng dẫn khoa học luận văn; và hai thành viên trong vai trò phản biện thuộc Hội đồng chấm LVNT: PGS.TS Ngô Văn Giá (Đại học Văn hóa HN), TS. Chu Văn Sơn (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP HN). Cuộc phỏng vấn này, như độc giả thấy, có thể coi là sự lên tiếng chính thức đầu tiên trước công luận, điều vốn rất được nhiều người chờ đợi, của những người không chỉ liên quan, hiểu rõ LVNT mà còn có tri kiến nhất định về đời sống văn học, văn hóa, giáo dục Việt Nam hiện nay. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự hợp tác chân thành, nghiêm túc của các ông/bà có tên trên và đồng thời, hi vọng độc giả đón nhận bài phỏng vấn này trong tinh thần đối thoại thấu đáo, đẹp đẽ.

Trước khi theo dõi cuộc phỏng vấn, để có thông tin bao quát, xin được nhắc lại một số diễn biến xoay quanh LVNT:

– Đỗ Thị Thoan, bút danh Nhã Thuyên, sinh năm 1986, tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn – ĐHSP HN năm 2007, học Cao học (Thạc sĩ) chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại tại Khoa Ngữ Văn – ĐHSP HN khóa 18 (2009 – 2010)

– Ngày 2/12/2010, Trường ĐHSP HN ra Quyết định số 7460/QĐ – ĐHSP HN về việc thành lập Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ cho học viên Đỗ Thị Thoan. Đề tài: “Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Hội đồng chấm gồm:

PGS.TS Nguyễn Văn Long (ĐHSP HN) – Chủ tịch Hội đồng

TS. Chu Văn Sơn (ĐHSP HN): Phản biện

PGS.TS Ngô Văn Giá (ĐH Văn hóa): Phản biện

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện văn học): Ủy viên

TS. Nguyễn Văn Phượng (ĐHSP HN): Thư kí

Tác giả Luận văn đã bảo vệ thành công đề tài, nhận số điểm tuyệt đối (10/10)

– Tháng 3 năm 2011, Trường ĐHSP HN ra Quyết định số 676/QĐ – ĐHSP HN cấp bằng Thạc sĩ khoa học Ngữ văn cho Đỗ Thị Thoan, số hiệu bằng 7437.

– Cuối tháng 3/2013, bắt đầu xuất hiện một số bài phê bình gay gắt LVNT trên báo chí, bắt đầu với bài của Chu Giang Nguyễn Văn Lưu trên báo Văn nghệ Tp HCM, tiếp đó là loạt bài có chung giọng điệu xuất hiện trên nhiều báo (giấy) khác nhau (trong bối cảnh báo chí Việt Nam, đó là biểu hiện của chính thống). Cùng thời điểm, cũng có một số bài tỏ tinh thần bảo vệ LVNT, coi việc đả kích LVNT là biểu hiện của sự thiếu tự do học thuật, của phê bình chỉ điểm, phê bình chỉnh huấn. Loạt bài này chủ yếu đăng tải trên diễn đàn mạng. Từ đây đến hết năm 2013, tạm coi là giai đoạn “tranh luận về LVNT”.

– Ngày 5/3/2014, Trường ĐHSP HN có kết luận và đề nghị của Hội đồng thẩm định luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan. Hiện “kết luận và đề nghị” này chưa được công bố. Theo nguồn thông tin được đăng tải, Hội đồng thẩm định này bao gồm:

PGS.TS Đoàn Đức Phương (ĐH KHXH-NV): Chủ tịch Hội đồng

GS. Đặng Thanh Lê (ĐHSP HN, đã nghỉ hưu)

PGS.TS Phan Trọng Thưởng (Viện Văn học)

PGS.TS Lê Quang Hưng (ĐHSP HN)

PGS.TS Phạm Duy Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

– Ngày 11/3/2014, Trường ĐHSP HN ra Quyết định số 667/QĐ – ĐHSP HN về việc không công nhận luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan.

–Ngày 14/03/2014, ĐHSP HN ra Quyết định số 708/QĐ – ĐHSP HN về việc thu hồi bằng Thạc sĩ khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan.

– Ngày 30/03/2014, Nhã Thuyên đã công bố Hồ sơ bảo vệ Luận văn năm 2010 trên internet, blog cá nhân[1]. Đến đây, tạm coi LVNT đã thuộc về tài sản công cộng và sự đánh giá, bình luận sau đó về Luận văn, sự kiện LVNT chắc chắn vượt ra khỏi phạm vi một cá nhân, đơn vị cụ thể.

+ + +

 

PGS.TS Nguyễn Thị Bình

Nguyễn Hiếu Quân (NHQ): Trước tiên xin hỏi PGS.TSNguyễn Thị Bình (NTB): xin bà cho biết qui trình thực hiện một luận văn Thạc sĩ ở trường ĐHSP HN trải qua những bước chính nào, từ khi học viên bắt đầu đến khi luận văn được bảo vệ?

NTB: Sau khi phân công người hướng dẫn (thường là gần cuối giai đoạn học viên học các chuyên đề), học viên làm việc với người hướng dẫn để xác định đề tài luận văn, tiến hành các thao tác đầu tiên như làm thư mục tư liệu cần đọc, tìm kiếm và bao quát tư liệu, hình thành đề cương. Tiếp đó đề cương sẽ được thông qua ở Hội đồng bộ môn. Nếu Hội đồng kết luận là đề tài có thể triển khai thì học viên sẽ báo cáo lại với người hướng dẫn các ý kiến đóng góp của Hội đồng, thống nhất phương án chỉnh sửa và triển khai đề tài. Khi văn bản hoàn thành, người hướng dẫn thấy đủ điều kiện đua ra bảo vệ sẽ có văn bản đề nghị với Trưởng Bộ môn. Trưởng Bộ môn lập danh sách Hội đồng chấm Luận văn (gồm 3 thành viên là người của ĐHSPHN, 2 ngoài trường. Trong 2 phản biện, phải có ít nhất 1 người ngoài trường. Tất cả thành viên Hội đồng đều phải có học vị Tiến sĩ trở lên và phải đúng chuyên ngành, hoặc chuyên ngành gần gũi). Danh sách Hội đồng này được Ban chủ nhiệm khoa ký duyệt. Học viên nộp bản lưu luận văn cho thư viện trường, lấy giấy biên nhận của thủ thư rồi qua Phòng Sau đại học hoàn tất thủ tục bảo vệ. Hồ sơ bảo vệ được trình lên Ban giám hiệu, khi có Quyết định của Hiệu trưởng, Hội đồng chấm luận văn mới ấn định thời gian bảo vệ. Quá trình làm thủ tục được quy định là 10 ngày.

NHQ: Như vậy luận văn về Mở Miệng đã được một hội đồng duyệt đề tài thông qua. Xin hỏi, trong quá trình thực hiện đề tài về Mở Miệng, bà và học viên có nhận được những phản biện trái chiều nào từ đơn vị đào tạo hay những người có cùng chuyên môn không?

NTB: Đề tài được cho ban đầu là ¨Hiện tượng bên lề hóa trong thơ Việt đương đại¨. Tại buổi thông qua đề tài, Hội đồng bộ môn ghi nhận tính văn học sử, tính thời sự của đề tài phù hợp với chuyên ngành Văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên tên đề tài còn hơi mơ hồ và đối tượng khảo sát quá rộng. Hội đồng góp ý học viên nên xác định rõ hơn hướng tiếp cận và phạm vi khảo sát cũng nên thu hẹp lại cho phù hợp với quy mô một luận văn Thạc sĩ. Sau đó chị Đỗ Thị Thoan và người hướng dẫn đã trao đổi, đi đến thống nhất chỉnh lại theo góp ý của Hội đồng bộ môn và đề tài chính thức là ¨Vị trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa¨. Khi đưa ra bảo vệ tại Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ do trường ĐHSPHN thành lập vào tháng 12/2010, tác giả luận văn còn nhận được thêm các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, nhưng thời điểm ấy, theo quy định, học viên phải nộp bản luận văn cho thư viện, lấy giấy biên nhận mới được hoàn tất thủ tục bảo vệ nên những ý kiến đóng góp trong buổi bảo vệ sẽ chỉ được tiếp thu tại chỗ chứ không được thể hiện ở bản lưu trên Thư viện trường. Từ năm 2012 trở đi, trường mới điều chỉnh lại quy trình (Học viên bảo vệ xong, chỉnh sửa văn bản theo góp ý của Hội đồng, xin xác nhận rồi mới nộp thư viện).

TS Chu Văn Sơn

NHQ: Xin hỏi PGS.TS Ngô Văn Giá (NVG) và TS Chu Văn Sơn (CVS): xin hai ông cho biết một cách ngắn gọn việc mình đã tham gia chấm LVNT như thế nào? Hội đồng chấm LVNT mà các ông là thành viên đã thống nhất cho điểm tuyệt đối (10/10). Cá nhân hai ông đã dựa trên những tiêu chí nào để đưa ra số điểm đó?

NVG: Tôi lâu nay vẫn là cộng tác viên tham gia đào tạo (hướng dẫn và chấm luận văn/luận án)của hai Bộ môn: Văn học Việt Nam hiện đại và Lý luận văn học thuộc khoa Ngữ văn- ĐHSPHN. Đây là việc làm bình thường và đều đặn trong nhiều năm nay của tôi ở cơ sở đào tạo này. Còn việc tôi cho điểm 10 căn cứ vào 3 yếu tố: chất lượng luận văn, năng lực trình bày/ bảo vệ luận văn, cuối cùng là triển vọng nghiên cứu khoa học của tác giả luận văn.

CVS: Tôi theo dõi sự trưởng thành của bạn Thoan với cả một quá trình khá dài: từ khi Thoan còn là học sinh giỏi của trường chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), đến lúc vào khoa Văn này ở bậc học Cử nhân, rồi bậc học Cao học. Theo dõi cả chuyện viết lách của Thoan nữa. Tôi thấy Thoan là trường hợp hiếm, một học viên tài năng, một cây bút đầy triển vọng. Tôi tham gia hội đồng chấm luận văn của Thoantrong vai trò phản biện. Nội dung phản biện chính của tôi thì đã thể hiện ở bản nhận xét, mà đến nay, nó cũng đã được bạn Thoan công bố trong bộ hồ sơ “bạch hóa” chuyện bảo vệ của bạn ấy. Ở đây, bạn hỏi, tôi chỉ khẳng định lại thôi. Quan điểm của tôi là tôn trọng tự do học thuật. Đối với khoa học chân chính thì không có gì là cấm kị cả. Tất cả mọi vấn đề của đời sống văn học cần phải được nghiên cứu, kể cả hay lẫn dở. Là nghiên cứu khoa học (chứ không phải làm anh tuyên truyền) thì hay cũng cần phải biết hay thế nào, vì sao hay; dở cũng phải biết dở thế nào, vì sao dở. Né tránh là phi khoa học, là trái với sứ mệnh của khoa học. Do đó, tôi thấy nhóm Mở Miệng là hiện tượng rất cần được nghiên cứu. Và, với tinh thần tôn trọng tự do học thuật, tôi ủng hộ việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu của bạn Thoan. Còn việc đánh giá một luận văn khoa học trong học đường nói riêng, một công trình khoa học văn học nói chung, tôi nghĩ, đã là một người làm khoa học, một người thầy thực sự, thì không bao giờ được lấy quan điểm riêng của mình ra để áp đặt cho tác giả. Cho nên, dù quan điểm của tác giả công trình chưa chắc đã đồng quan điểm với mình, tôi vẫn tôn trọng, miễn là sự luận giải của tác giả về vấn đề đặt ra là nghiêm túc, có căn cứ, có lí lẽ, có bằng chứng xác đáng. Một hệ thống luận giải nghiêm túc, dù thuộc khuynh hướng nào, cũng thể hiện một cách nhìn, một cách tiếp cận. Khoa học cần nhiều cách nhìn, nhiều cách tiếp cận khác nhau về cùng một đối tượng. Bạn Thoan đã chọn một cách tiếp cận tương đối hiện đại (đối với học thuật ở Việt Nam) và đã luận giải một cách xuất sắc theo hướng tiếp cận ấy. Qua bản luận văn, có thể thấy bạn Thoan đây đó hãy còn cực đoan trong nhãn quan và nhiệt tình, nhưng không thể không thấy bạn ấy là người có bản lĩnh khoa học dám dấn thân vào những vấn đề phức tạp, cập nhật tốt các lí thuyết mới mẻ, sắc sảo trong tư duy, nhất quán trong việc giải quyết vấn đề. Đó là những khía cạnh của một năng lực xuất sắc đối với một học viên. Vì thế, tôi nhất trí với ý kiến chung của toàn thể hội đồng.

NHQ: LVNT, thực tế, không phải nghiên cứu đầu tiên về nhóm Mở Miệng[2]. Theo hai ông, đâu là điểm khác biệt cơ bản trong nghiên cứu của Nhã Thuyên và các bài tiểu luận, phê bình này?

NVG: Điểm khác biệt nhất ở luận văn này là tác giả đã tiếp cận dựa trên một khung lý thuyết nghiên cứu mới: lý thuyết diễn ngôn mà trong trường hợp này, hạt nhân của nó là những tìm hiểu và cắt nghĩa những yếu tố ngoại quan chi phối/quy định việc hình thành diễn ngôn thơ của nhóm Mở Miệng. Luận văn được tiến hành một cách có hệ thống, tương đối toàn diện về đối tượng nghiên cứu. Trong khi ở các tiểu luận khác, mỗi tác giả lựa chọn một/vài vấn đề mang tính cục bộ của nhóm thơ này.

CVS: Có lẽ đây là lần đầu tiên có một công trình đặt ra nghiên cứu về nhóm Mở Miệng một cách trực diện và toàn diện từ góc nhìn văn hóa theo tinh thần của thuyết Tâm – Biên (Trung tâm – Ngoại biên).

NHQ: Như vậy, vấn đề có lẽ ở chỗ: chỉ đến khi Mở Miệng đi vào nhà trường, đi vào nghiên cứu hàn lâm ở bậc sau đại học, thì nó trở nên bị “cấm kị” và gây ra những hệ lụy ngoài khoa học. Có thể coi đây là ví dụ cho thực tế “cấm kị” trong nghiên cứu khoa học xã hội không, thưa quí vị?

NVG: Đây mới là điểm “tréo ngoe” trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học. Đã là nghiên cứu, không nên có chuyện khoanh vùng đối tượng nghiên cứu. Nếu như vậy, hoạt động nghiên cứu sẽ có lỗi và lạc hậu đối với thực tiễn luôn luôn sinh động và phức tạp.

CVS: Thì sự thật đã rõ như ban ngày, gọi là chuyện “cấm kị”, hay là chuyện thiếu tự do học thuật thì cũng thế.

NHQ: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Bình, là người trực tiếp hướng dẫn học viên, bà có nhận xét gì về thái độ làm việc cũng như tinh thần khoa học của học viên?

NTB: Tôi biết Đỗ Thị Thoan khi chị là sinh viên năm thứ 4 tại khoa Ngữ văn dù trước đó có nghe nhiều đồng nghiệp khen năng lực vượt trội của sinh viên này. Khi tiếp xúc tôi thấy bạn ấy khá hồn nhiên, thậm chí vụng về trong giao tiếp nhưng niềm say mê văn chương, sự sắc sảo trong tư duy học thuật của Thoan mới là phẩm chất nổi bật. Bạn ấy có sức đọc đáng nể, tiếng Anh khá tốt, luôn muốn đi đến cùng một vấn đề nào mà mình quan tâm. Có thể nói Thoan là một trong số những học trò có khả năng làm việc độc lập, có tinh thần khoa học nghiêm túc nhất mà tôi từng hướng dẫn.

NHQ: Thưa TS. Chu Văn Sơn, là người dành nhiều năm nghiên cứu thơ Việt Nam hiện đại, cá nhân ông có nhận xét gì về thơ ca của nhóm Mở Miệng? Việc “thực hành thơ” của nhóm Mở Miệng – như cách gọi của Nhã Thuyên, theo ông, có thể đánh giá như thế nào trong bối cảnh văn hóa văn học Việt Nam đương đại?

CVS: Tôi cho rằng một nền văn học bình thường là nền văn học phải tạo được sân chơi cởi mở cho nhiều khuynh hướng sáng tạo, nhiều trường phái, nhiều nhóm sáng tạo cùng nảy nở. Và mọi khuynh hướng, mọi trường phái, mọi nhóm ấy có quyền tồn tại bình đẳng. Còn giá trị mà mỗi khuynh hướng, mỗi nhóm ấy tạo ra hay dở thế nào sẽ tùy thuộc sự đánh giá của công chúng nghệ thuật và sự sàng lọc của thời gian. Vì thế, dù không đánh giá cao nhóm Mở Miệng, nhưng tôi không xem sự xuất hiện của nhóm Mở Miệng trong đời sống văn học là hiện tượng bất thường.

NHQ: Nhìn vào những bản nhận xét của các thành viên trong Hội đồng chấm LVNT thì, về cơ bản, LVNT đã được hội đồng chấm cũng như nhiều nhà chuyên môn trong đơn vị đào tạo cho rằng tốt, đủ cơ sở và điều kiện để công nhận học vị Thạc sĩ. Trường ĐHSP đã ra Quyết định cấp bằng Thạc sĩ. Nhưng gần 3năm sau, LVNT lại bị/được đưa ra bàn luận, xem xét lần nữa. Theo quí vị, đâu là nguyên nhân chính của việc này?Là những người giảng dạy lâu năm ở đại học, quí vị đã từng biết có trường hợp luận văn Thạc sĩ nào được “xem xét nguội” như vậy chưa?Đã có nhiều ý kiến cho rằng, LVNT có tư tưởng phản động, phản văn hóa. Từ quan điểm của quí vị, do đâu lại có nhận xét đó?

NVG: Bàn chuyện khoa học bằng những chuyện ngoài khoa học là một căn bệnh cũ tưởng đã được thanh toán, nay lại tái phát.

CVS: Hiện tượng lập một hội đồng để xem xét lại luận văn thạc sĩ theo như cung cách vừa rồi (bạn gọi là “xem xét nguội”, còn tôi thì gọi là “hội đồng nặc danh”) trong lịch sử Đại học Việt Nam, có thể khẳng định là: xưa nay chưa từng có. Có thể đưa vào mục “Chuyện lạ đó đây” của truyền thông đại chúng. Bạn hỏi do đâu có những qui kết rằng luận văn kia là có “tư tưởng phản động” và “phản văn hóa” à, thì tất nhiên, xét đến cùng, vẫn là do não trạng của người đưa ra nhận xét đó rồi. Cả cái ý kiến về “giải thiêng” nữa, tôi cũng cho là do vậy. Tôi nghĩ, một đầu óc bình thường chứ chưa cần đến đầu óc giáo sư, cũng phải hiểu một sự thật mười mươi: làm sao mà giải thiêng được, nếu đó là thiêng thật. Người ta chỉ có thể giải được cái thiêng giả, thiêng ảo thôi. Cái gì thật sự thiêng tất sẽ tồn tại, bất chấp cả những nỗ lực “tâng hàng” lẫn “dìm hàng” của người đời. Nếu thật thiêng thì sao phải sợ giải nhỉ?

NHQ: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Bình, khi LVNT bị nhận xét như vậy, cá nhân bà và học viên đã có những đối thoại nào về chuyên môn không? Đơn vị đào tạo có tổ chức những thảo luận nào về luận văn này không?

NTB: Tôi và bạn Thoan đã chờ đợi một cuộc đối thoại dân chủ, cởi mở về học thuật, điều đó có ích không chỉ cho chúng tôi mà cho cả giới nghiên cứu khoa học xã hội-nhân văn. Tiếc là đến nay một diễn đàn như vậy vẫn chưa có. Bạn thấy đấy, báo chí chính thống hầu như chỉ đăng ý kiến phê phán, phủ nhận. Cuộc họp của Hội đồng khoa học khoa Ngữ Văn mở rộng, chỉ mình tôi có mặt với tư cách thành viên Hội đồng khoa học khoa đồng thời là người hướng dẫn luận văn. Theo đề nghị của chủ tọa (Chủ nhiệm khoa), tôi giải trình về quy trình thực hiện luận văn và về quan điểm của tôi đối với đề tài nghiên cứu mà chị Thoan lựa chọn. Ý kiến các nhà khoa học trong Hội đồng mở rộng của khoa được ghi thành biên bản nhưng sau cũng không thấy công bố. Khá nhiều cán bộ của Khoa Ngữ văn đến giờ vẫn không thật sự nắm được sự việc này.

PGS.TS Ngô Văn Giá

NHQ: Trường ĐHSP HN đã ra quyết định thành lập Hội đồng chấm lại LVNT và kết luận của Hội đồng này là cơ sở để trường không công nhận LVNT, tước bằng Thạc sĩ của Nhã Thuyên. Cá nhân quí vị được thông báo về quyết định này và biết rõ quá trình làm việc của Hội đồng chấm lại này không?

NVG: Chúng tôi hoàn toàn không được biết họ thành lập từ khi nào, và họ làm những gì. Chỉ đến khi chuyện vỡ lở ra, chúng tôi mới biết có chuyện đó.

CVS: Tôi cũng thế. Khi dư luận đã cháy rồi, dư luận đã điểm từng mặt thành viên đó rồi, tôi mới biết.

NHQ: Việc không được Hội đồng chấm lại này cho biết những kết luận khoa học của họ, dẫn đến có hai đánh giá hoàn toàn khác biệt về LVNT, khiến quí vị có suy nghĩ, cảm xúc gì? Cho đến thời điểm này, đánh giá của quí vị về LVNT có thay đổi nào không?

NVG: Đầu tiên là ngạc nhiên, sau lấy làm khó hiểu tại sao họ lại chấp nhận tham gia Hội đồng một cách thiếu cẩn trọng như vậy. Nó không có cơ sở pháp lý để thành lập Hội đồng, theo đó là phủ quyết điểm luận văn và tước bằng thạc sĩ của học viên.

CVS: Tôi thì không ngạc nhiên, khi biết các thành viên hội đồng là những ai. Còn, giờ đây, nếu phải đánh giá lại LVNT, tôi vẫn dùng bản nhận xét đã trình hội đồng trước thôi.

NHQ: Như vậy, đến thời điểm này, cả hai Hội đồng chấm LVNT vẫn chưa được đối thoại khoa học với nhau. Là những người bị gạt ra ngoài cuộc, quí vị có ý kiến, đề đạt gì không?

NVG: Các thành viên Hội đồng cũ cũng đã gửi đơn kiến nghị lên ông Hiệu trưởng ĐHSPHN để yêu cầu hai điểm: cho biết cơ sở pháp lý của những việc làm trên đối với học viên, và đề nghị tổ chức cuộc đối thoại giữa hai Hội đồng để đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch trong học thuật và đào tạo.

NHQ: Xin hỏi quí vị ở tư cách nhà giáo, nhà nghiên cứu trong nhà trường đại học: Sự kiện LVNT với những kết quả như quí vị thấy liệu có những ảnh hưởng gì đến tinh thần học tập, nghiên cứu của học viên, đặc biệt là học viên sau đại học, vốn là những người nhất thiết phải bước vào con đường nghiên cứu độc lập? Rất nhiều trí thức đã lên tiếng về “tự do học thuật” ở đại học, quí vị nhận thấy điều này nên/phải được hiểu và thực hiện như thế nào?

NVG: Về việc này, đáng lo ngại ở chỗ, nếu không được chấn chỉnh kịp thời, nó sẽ thành một tiền lệ rất nguy hiểm trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo ở các trường đại học. Nó tạo nên sự hoang mang cho những học viên muốn theo đuổi công việc học tập, nó gây ra tâm lý chán nản, buông xuôi cho đội ngũ giáo viên, đồng thời là các nhà nghiên cứu trong các trường đại học. Nghiên cứu khoa học là một công việc khổ ải, lương các giáo viên đại học đang còn rất thấp. Nếu làm khoa học khổ ải như vậy, đã không được khích lệ, động viên thì chớ, lại còn chuốc những hệ lụy khó lường thì làm sao hy vọng có thể tạo ra niềm hứng khởi cho các nhà nghiên cứu dốc tâm sức cho khoa học được!

CVS: Tôi cho rằng sự hô hào về một nền đại học Việt Nam hội nhập và phát triển có thể sánh vai với các nền đại học lớn trên thế giới sẽ là xa vời, nếu cái tối thiểu để thúc đẩy đại học là tự do học thuật không được tôn trọng.

NHQ: Thưa PGS.TS Nguyễn Thị Bình, bà được dư luận biết đến nhiều hơn sau khi gửi “Đơn kêu cứu” trên báo Kinh doanh và Pháp luật về việc trường ĐHSP HN ra quyết định cho bà về hưu trước thời hạn mà không rõ lí do. Nhiều người nghĩ rằng đây là hệ lụy do bà đã hướng dẫn LVNT. Bà có suy nghĩ vậy không? Việc “kêu cứu” của bà đang đến đâu và có những hồi đáp nào chưa?

NTB: Tôi buộc phải gửi đơn kêu cứu đến báo chí sau 4 lần gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo trường ĐHSPHN về việc trường ra quyết định tôi nghỉ hưu sớm gần 5 năm so với Nghị định 141 của Nhà nước và vì ở trường tôi cho tới nay chưa từng có một PGS.TS nào bị đối xử như thế cả. Sau đơn thứ 2 tôi được ông Đăng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trả lời miệng rằng lý do tôi phải nghỉ hưu sớm là do việc tôi hướng dẫn luận văn Th.S của Đỗ Thị Thoan làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Tôi không chấp tán thành câu trả lời này và tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần 3 rồi lần 4. Quá thời hạn trả lời đơn thư, tôi mới tìm đến báo. Do sự tình cờ, tôi đã gặp và được ông Tổng biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật nhận đăng đơn kêu cứu của tôi. Ngay sau khi báo ra, tôi nhận được Thông báo của trường ĐHSPHN do Trưởng phòng Tổ chức cán bộ là PGS.TS Phan Thanh Long kí, nội dung: ¨Hiện tại trường không có nhu cầu gia hạn hợp đồng lao động với bà¨. Đây rõ ràng là hệ lụy từ vụ việc LVNT. Họ thừa biết bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại của tôi đang thiếu cán bộ trầm trọng và khoa Ngữ văn đã có công văn đề nghị trường kéo dài hợp đồng lao động với tôi theo luật định.

NHQ: Xin trân trọng cảm ơn quý vị đã tham gia cuộc phỏng vấn. Chúc quý vị dồi dào sức khỏe, vững vàng trong học thuật để góp phần đào tạo những người nghiên cứu trẻ tuổi bước vào con đường khoa học đầy đam mê nhưng cũng không ít những khổ ải này.

Hà Nội, ngày 6/4/2014

N. H. Q.

Nguồn:http://vanviet.info/phe-binh-gioi-thieu/luan-van-nha-thuyen-tieng-noi-cua-mot-so-nguoi-trong-cuoc/


[1] Về Hồ sơ bảo vệ luận văn, xem ở đây:

http://junglepoetry.wordpress.com/2014/03/30/ho-so-bao-ve-luan-van-2010/

Về toàn văn LVNT, một địa chỉ tin cậy để xem:

http://kesach.org/archives/954

[2] Có thể xem một số bài viết:

-Đoàn Cầm Thi, Về khoan cắt bê tông, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5759&rb=0101, cập nhật 11.11.2005

– Đoàn Cầm Thi, Lại về khoan cắt bê tông, http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6109&rb=0101, cập nhật ngày 23.12.2005

– Đoàn Cầm Thi, Thơ và Lề trong xã hội Việt Nam đương đại, http://www.tienve.org/home/activities/viewWorkOfTheMonth.do?action=viewArtwork&artworkId=5898, 2007

– Inrasara, Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn,

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=3297, 2005

– Nguyễn Hưng Quốc, Giễu nhại như một ý niệm,

http://www.tienve.org/home/music/viewMusic.do;jsessionid=00D70FD504F21EA527E8A429854A01D1?action=viewArtwork&artworkId=3438

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.