Điện hạt nhân:Thế giới thiếu mặn mà và điều VN cần tránh

Nguyên chuyên viên cao cấp, hàm Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn phòng Chính phủ  

(Quan điểm) – Nhiều lý giải về ĐHN hiện không được tiếp nhận mặn mà, thậm chí một  số nước phát triển ở trình độ cao kiên quyết nói “không” với ĐHN.

Khi thế giới quay lưng

Sau thảm hoạ hạt nhân Fukushima Nhật Bản, các  nước Đức, Thụy điển, Ý, Bỉ, Thuỵ sĩ   đã  dứt khoát nói không với điện hạt nhân (ĐHN) và dứt khoát tập trung vào chiến lược phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như mặt trời, gió …


Thế giới đang quay lưng với điện hạt nhân

Nước Nhật, sau thảm hoạ ĐHN, đã cho dừng hoạt động của 3/4 số lò phản ứng hạt nhân trong tổng số 54 lò để kiểm tra và kiên quyết loại bỏ các lò phản ứng hạt nhân có dấu hiệu không an toàn.

Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Ioshihio Nôđa cũng tuyên bố, sẽ xem xét rất kỹ càng các  nhà máy ĐHN đang được triển khai xây dựng và sẽ không có kế hoạch phát triển thêm các nhà máy ĐHN mới nào tại Nhật Bản, tập trung vào phát triển các nguồn năng lượng khác để trong tương lai việc cung cấp điện tại Nhật Bản không phụ thuộc vào các nhà máy ĐHN.

Còn tại hai nước Mỹ và Nga, họ đã thiết kế  và hoàn thiện công nghệ để có thể xử lý tất cả các sai sót do lỗi vận hành của con người và do các chi tiết bị hư hỏng nhằm bảo đảm độ an toàn tuyệt đối cho nhà máy ĐHN khi vận hành, nhưng cũng chủ yếu để xuất khẩu.

Tại Mỹ từ lâu chưa có các nhà máy ĐHN mới được xây dựng đưa vào hoạt động vì vẫn vấp phải thái độ không mặn mà của dân chúng  tại các vùng có ý định xây dựng nhà máy ĐHN. Còn tại nước Nga sau thảm hoạ Chernobyl, ĐHN cũng không còn được phát triển mạnh mẽ như trước, chỉ có vài nhà máy ĐHN mới đang được xây dựng.

Tại Trung Quốc, theo  Hãng  Reuters đưa tin ngày 16/3/2011: Tại Cuộc họp của Quốc vụ viện Trung Quốc  Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì khẳng định kế hoạch phát triển ĐHN của Trung Quốc sẽ được rà soát chặt chẽ và Tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc có đoạn: “Chúng tôi sẽ tạm ngừng phê chuẩn thêm các dự án ĐHN, kể cả những dự án đang trong giai đoạn tiền phát triển”.

Như vậy, ngoài những nguyên nhân do lỗi sai sót của người vận hành và các chi tiết máy bị hư hỏng, còn nguyên nhân “ngẫu nhiên” nữa đặc biệt đáng lưu ý là do thiên tai mà con người không thể dự báo trước được. Có lẽ chính vì lý do này  mà nước Đức một cường quốc khoa học, kỹ thuật, công nghiệp có nền kinh tế  lớn thứ tư thế giới, đòi hỏi tiêu thụ một lượng năng lượng khổng lồ kiên quyết nói “không” với ĐHN.

Còn nước Nhật, cường quốc, khoa học công nghệ, có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và cũng là cường quốc về ĐHN, người dân đã trở nên không còn mặn mà với chương trình phát triển ĐHN vì nước Nhật là nước thường xuyên chịu ảnh hưởng của động đất và sóng thần.

Thế nhưng vấn đề này lại đang được đặt ra với Việt Nam. Nhưng câu hỏi chúng ta đã thực sự có đủ điều kiện để triển khai ĐHN chưa thì lại chưa thể trả lời ở năm 2014.

Những vấn đề cho Việt Nam

Để xây dựng nhà máy ĐHN ngoài việc phải tiến hành khảo sát rất kỹ về cấu trúc, nền móng địa chất, phải tiến hành quan trắc môi trường hàng chục năm trước khi đưa nhà máy vào vận hành. Việc quan trắc môi trường để có cơ sở khoa học đánh giá các biến đổi về môi trường sau khi đưa nhà máy vào hoạt động, vì đây là yếu tố rất cần thiết đặt ra chế độ phòng ngừa an toàn cho nhà máy khi có các dấu hiệu biến đổi của môi trường xung quanh.

Việt Nam là nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng vành đai núi lửa Thái Bình Dương, vì thế cơ quan khoa học liên tục đo được các dư chấn động đất tại các tỉnh vùng miền Trung và Nam bộ.

Theo phát hiện của các nhà địa chất, địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy ĐHN lại nằm gần đứt gãy địa chất vì vậy việc khảo sát cấu trúc địa chất ở vùng này là việc làm vô cùng cần thiết.

Nhà máy ĐHN Ninh thuận đã lựa chọn xong địa điểm (selectionner). Địa điểm đó cần được thẩm tra lại (approuver) trước khi đi vào thiết kế lập dự án chi tiết. Thực tế, xét riêng về mặt cấu tạo địa chất, địa điểm Ninh Thuận chưa  phải là địa điểm an toàn nhất

Xin nêu ví dụ: Năm 2000 Chính phủ đã đồng ý giao cho Cục Địa chất khoáng sản Việt nam đánh giá lại toàn bộ báo cáo cấu trúc địa chất  nền móng tại  thuỷ điện Sơn La của chủ đầu tư, và chính một phần dựa trên báo cáo địa chất của Cục Địa chất, Chính phủ đã thông qua quyết định chuyển đổi cao trình của đập như đã nói ở trên.

Cũng cần lưu ý nhà máy ĐHN là một tổ hợp thiết bị bao gồm lò phản ứng hạt nhân, hệ thống nước làm mát lò phản ứng, hệ thống máy phát điện, hệ thống đo lường điện tử cảnh báo an toàn và hệ thống điều khiển tự động để điều hành tổng thể nhà máy điện.

Trong khi đó khí hậu Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới có độ ẩm ướt và khô hanh thất thường, tần xuất biến đổi về khí hậu rất lớn  nên vật liệu để chế tạo các chi tiết của lò phản ứng cũng như các chi tiết, thiết bị của các hệ thống trên cũng phải nghiên cứu để nhiệt đới hoá.

Vùng  biển để xây dựng nhà máy ĐHN có độ mặn rất lớn, độ  mặn lớn cùng với môi trường khắc nghiệt của vùng nhiệt đới rất dễ làm biến đổi chất lượng của các vật liệu, gây ra mức độ oxy hoá cao,  với tốc độ biến đổi chất lượng này, vật liệu này có thể dễ bị cong, vênh, rạn nứt và chỉ cần một trận động đất cũng có thể phá vỡ hệ thống làm mát lò phản ứng như đã xảy ra đối với nhà máy ĐHN ở Fukushima ( như tờ Independent đã đưa tin).

Kinh nghiệm 40 năm về tư vấn ĐHN của Pháp vẫn không tránh được hết nhưng sơ suất nhỏ khi xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. Lấy ví dụ khi tư vấn cho nhà máy ĐHN tại Hàn quốc, do không nghiên cứu kỹ nhiệt độ nước biển và môi trường sinh vật tại điểm thải nước làm mát, nên chỉ sau một thời gian đưa nhà máy vào hoạt động, loài sứa biển sống  xung quanh khu vực này phát triển rất nhanh, nhiều và có kích thước rất lớn, lớn đến mức làm ảnh hưởng đến lưu lượng nước thoát, và phải xử lý.

Công nghệ – chuyện không thể xem nhẹ

Nói đến ĐHN là phải kể đến 3 cường quốc hàng đầu về thiết kế, chế tạo, về số lượng các nhà máy ĐHN đã được xây dựng vận hành ở trong nước và xuất khẩu  ra nước ngoài đó là Mỹ, Pháp, Liên Xô cũ nay là Nga. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là các nước nhập khẩu công nghệ nhà máy ĐHN từ các nước trên.

Công nghệ có liên quan đến khả năng vận hành và hoạt động của nhà máy ĐHN mà không phụ thuộc tình hình nóng lạnh của mối quan hệ nhà nước, vì nhà máy ĐHN có tuổi thọ trung bình trên 30 năm và các mẫu thiết kế mới nhất tuổi thọ của nhà máy có thể lên tới 50-60 năm.

Nhà máy ĐHN mà Nga định chuyển giao cho ta là loại lò mới nhất có kết hợp với các thành tựu về công nghệ thiết kế chế tạo các thiết bị đi kèm của các nước Mỹ, Pháp, Đức. Vì vậy trong nhà máy điện hạt nhân mà Nga dự định xây dựng ở Việt Nam có nhiều chi tiết, cụm chi tiết, thiết bị mà Nga phải nhập của  nước ngoài, khi xảy ra một sự cố hỏng hóc đối với các loại chi tiết, thiết bị này việc thay thế sẽ gặp khó khăn.

Mặc dù Nhật đã thiết kế, chế tạo và xây dựng nhiều nhà máy ĐHN trên đất Nhật nhưng cho đến thời điểm này Nhật vẫn chưa xuất khẩu được nhà máy ĐHN ra nước ngoài, lý do vì sao ta cũng cần tìm hiểu rõ về ưu nhược điểm của các nhà máy ĐHN của Nhật với các nhà máy ĐHN của Nga, Pháp, Mỹ để lường trước mọi vấn đề trong ký kết hợp đồng.

Đến Nhật Bản cũng không thể ngờ sự cố động đất đã gây tai họa cho nhà máy điện hạt nhân

Kinh nghiệm việc xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất cho thấy nhà máy lọc dầu vừa mới vận hành chưa được một tháng đã phải dừng vận hành hàng tháng để thay thế chi tiết máy bị hư hỏng và sau đó lại phải dừng để bảo dưỡng và nâng cấp. Nếu chúng ta tính toán sơ bộ, việc xây dựng khu lọc dầu Dung quất ta phải vay khoảng gần 2 tỷ USD với lãi xuất vay thương mại khoảng trên dưới 3% năm thì một tháng ta phải trả lãi khoảng 5 triệu USD  đó là chưa kể đến tiền lương và tất cả các khoản tiền khác để duy trì hoạt động của nhà máy chưa đưa vào sản xuất.

Để xây dựng nhà máy ĐHN có công xuất 1000 MW, dự kiến kinh phí ta phải vay theo lãi xuất thương mại là trên dưới 5 tỷ USD ( theo quy định của quốc tế không dùng vốn ODA để xây dựng nhà máy ĐHN), với lãi xuất trên dưới 3% năm, sau khi tiếp nhận, nếu xảy ra một sự cố cần khắc phục và phải thay thế một cụm chi tiết nào đấy, chỉ cần dừng hoạt động một tháng, tương tự cách tính trên, một tháng ta cũng phải trả lãi cho khoản vay trên khoảng 12,5 triệu USD chưa kể phải trả tiền lương cho công nhân và chuyên gia để bảo hành và duy trì nhà máy.

Nhân lực kỹ thuật – đáng lo

Cho đến thời điểm này ngoài việc gửi một số học sinh đi đào tạo tại Nga và Nhật Bản về ĐHN, việc chuẩn bị  các nguồn lực có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng nhà máy ĐHN vẫn chưa có tiến triển gì đáng kể hay nói một cách khác vẫn ở trong tình trạng yếu kếm như đã nêu trong chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Một số sinh viên đã tốt nghiệp về Vật lý ĐHN tại Việt Nam trong thời gian gần đây không tìm được việc làm đúng chuyên môn được đào tạo và thậm chí học sinh không có khuynh hướng làm cho nhà máy ĐHN vì không muốn đi xa các trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và với đồng lương thấp nếu theo thang lương hiện hành

Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận của EVN gồm khoảng 80 người, song số người được đào tạo chuyên ngành về ĐHN chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một kịch bản  là nếu ta chưa đủ khả năng vận hành kể từ thời điểm chìa khoá trao tay, để vận hành nhà máy ta phải thuê tối thiểu khoảng từ 700 đến 1000 cán bộ  kỹ thuật, lương bình quân của mỗi người là 7000 USD thì tổng tiền lương phải chi trả hàng tháng  sẽ là 4.900.000 USD đến 7.000.000 USD ( tính ra tiền Việt nam ở thời điểm hiện tại là khoảng 100 tỷ đến gần 150 tỷ) và hàng năm lên tới hơn một nghìn tỷ, việc  này sẽ đội giá thành điện lên rất cao.

Kinh nghiệm của các nước Mỹ, Nga, Pháp, Nhật bản, Hàn quốc, Trung quốc khi xây dựng nhà máy ĐHN, lãnh đạo cấp cao nhất thường lựa chọn một chuyên gia với tư cách là một tổng công trình sư để tập trung đội ngũ chuyên gia xây dựng đề án, từ lựa chọn công nghệ đến tất cả các khâu chuẩn bị và  một nhà quản lý  cấp cao chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng thống hoặc Thủ tướng để lo phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan  triển khai Đề án.

Kinh nghiệm cho thấy, vì thiếu sự chỉ đạo thống nhất nên sản phẩm bauxite hiện nay vẫn chưa tìm được giải pháp chuyên chở về nơi tập kết để xuất khẩu ra nước ngoài mặc dù vấn đề này đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất sớm.

Một điểm nữa là chúng ta cần hết sức chú trọng đến văn hoá an toàn. Xây dựng nhà máy ĐHN cần phải có đủ tri thức, hạ tầng kỹ thuật và sự thận trọng và kỷ luật hành chính nghiêm khắc.  Sự cố hạt nhân có thể  không xảy ra ở thời điểm mới đưa vào vận hành  và sau hàng chục năm vận hành, nhưng sau vài chục năm thì không chắc chắn vì chất lượng của các vật liệu cấu thành nhà máy ĐHN có thể bị biến đổi, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Việt Nam.

Cũng như  người  Nhật chưa bao giờ nghĩ  sự cố ở Fukushima lại có thể xảy  ra vì họ đã lường trước trong thiết kế tất cả các kịch bản an toàn và mọi cách thức để xử lý sự cố kể cả động đất và sóng thần, nhưng đã không lường được thiên tai ngày 11/3/2011 gây nên thảm họa hạt nhân nghiêm trọng tại Fukushuma.

Với công việc chuẩn bị xây dựng nhà máy ĐHN đang tiến triển chậm chạp như hiện nay, việc triển khai xây dựng nhà máy ĐHN vào năm 2014 chắc chắn là không thể và Thủ tướng cũng đã có ý lùi lại thời điểm khởi công nhà máy.

Chúng ta hãy thử hình dung một sự cố nào đó xảy ra với nhà máy ĐHN Ninh Thuận do động đất và sóng thần, đất nước ta sẽ bị chia cắt làm đôi, mọi phương tiện đi lại trên đường bộ của ta sẽ bị đứt đoạn và đó sẽ là thảm hoạ đối với đất nước vì sự cố hạt nhân không thể khắc phục trong một thời gian ngắn.

Chính vì vậy, việc xây dựng nhà máy ĐHN cần hết sức tránh tư duy văn hoá nhiệm kỳ và phó thác hoàn toàn về mặt công nghệ cho đối tác nước ngoài theo tư duy chìa khoá trao tay.

T.S.L.

Nguồn: 

http://www.baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/dien-hat-nhanthe-gioi-thieu-man-ma-va-dieu-vn-can-tranh-3029733?p/p8

 

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.