Lại thong thả sáng chủ nhật – nói về chuyện “thiên kinh vạn quyển”

Tôi được mách một điều này: trong các đầu sách nhà xuất bản Tri thức trình lên một cái Cục nào đó to lắm để xin tái bản, có một cuốn bị gạch (tức là không được phép).

Cuốn sách bị chặn này nhìn bề ngoài thì như thể liên quan đến cá nhân tôi: Nền Dân Trị Mỹ (De la démocratie en Amérique) của Alexis de Tocqueville do tôi dịch.

“Bề ngoài” thôi: vì có vẻ như mấy điều tôi tung ra dư luận ở đây liên quan tới việc tôi “đòi” được tái bản (nó đã tái bản rồi, nay cái Cục kia chỉ cấm việc tiếp tục tái bản thêm, mặc kệ bạn đọc đòi mua mà không có). Ai chỉ nhìn vẻ ngoài thì đâu như chuyện này hết sức “cá nhân”: tên tuổi (ôi Giời!), nhuận bút (hỡi Giời!) và này nọ (tổng của các thứ “ôi” và “hỡi”)…

Nhân thể, thong thả sáng chủ nhật, nói đôi điều, cốt chia sẻ vui vẻ cùng bè bạn, không cốt làm sáng mắt ai. Kinh nghiệm của tôi ở chốn trần gian này là đừng hy vọng cải tạo ai. Bởi vì bản thân tôi là một chứng minh rõ rệt nhất cho trải nghiệm đó: bao nhiêu cuộc vật đổi sao dời tôi tham gia đủ, nhưng hình như tôi chẳng thay đổi bao nhiêu – sắp xuống lỗ rồi, nhưng nghĩ lại thấy mình bao giờ cũng vẫn là một anh chàng boy-scout tham gia vào những điều viển vông trên đời.

Nhà văn X.K. bạn thân của tôi gọi tôi là “thằng xì-cút”. Vâng, thằng xì-cút đã đi bộ mà không mệt khi cần đi bộ cả trăm cây số.  Thằng xì-cút từng đạp xe cả ngàn cây số và cũng không thấy mệt. Vào lúc túng thiếu, có buổi sáng thằng xì-cút đạp xe tới trường, vừa đạp vừa lẩm nhẩm như tụng kinh “ở Ấn Độ người ta đang đói… ở Ấn Độ …”

Hiểu đời như hiểu bụng dạ mình đến thế, lẽ nào còn định “cải tạo” những người ở cái Cục sách vở đang rủ nhau đến cửa hiệu chọn mua kính – lặp lại câu chuyện hệt như trong sách Tập đọc lớp 3 lớp 4 gì đó.

Nào tôi xin kể.

E hèm … Tôi bắt đầu ra dạy học vào tháng 10 năm 1953 và được điều động về trường Phổ thông Lao động trung ương. Xin nói rõ về cái chữ “Lao động” ở đây: đó không phải là trường tập trung cải tạo không giam giữ. Trường của tôi dành cho các học trò cỡ A ủy, B ủy, X ủy … Hiệu trưởng là Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn (cỡ bác học một thời).

Cả đời ở trường tôi không hề gặp Hiệu trưởng, chỉ gặp Hiệu phó mà gặp cũng không nhiều, nhưng thường làm việc với một ân nhân là anh Đặng Chí Huyển. Anh phụ trách các giáo viên khoa học xã hội. Công việc chẳng nói làm gì, nhưng quan hệ giữa hai chúng tôi thì có kỷ niệm này đáng nói.

Một hôm, anh hỏi tôi: “Một đời người, đọc được bao nhiêu cuốn sách?” Tôi ngớ ra, vì vốn không để ý đến con số (kể cả tiền nong), nên không thể trả lời anh. Xưa nay, nói đến người đọc nhiều sách, thường dùng thành ngữ “thiên kinh vạn quyển”. Nghìn và vạn, chắc là rất nhiều theo quan niệm của người xưa.

Anh Đặng Chí Huyển bảo tôi: “Mình với cậu thử tính với nhau đi… Tháng này cậu đọc quyển gì?” Hai chúng tôi ngồi tính tính toán toán. Lấy số sách đọc trung bình một tháng, nhân với số tuổi đời trong phạm vi hoạt động hữu hiệu… Và chúng tôi được một con số quá ư “hẻo”: cả đời đọc giỏi lắm cũng chỉ dưới một nghìn cuốn sách thôi!

Tôi nói anh Đặng Chí Huyển là ân nhân của tôi là theo nghĩa này: anh kích thích cho tôi đọc sách, và đọc có chủ đích, đọc có chất lượng. Sau ngày ký Hiệp nghị Genève 1954, trường chúng tôi về xây dựng trên cái bãi rác cũ ở Vĩnh Tuy, Hà Nội. Một bận anh lên Bộ họp, anh tat vào Thư viện thấy người ta đang soạn sách, anh thó cuốn “Người mẹ” của M. Gorky bằng tiếng Pháp, mang về giúi cho tôi, và bắt tôi sau một tuần phải thuyết trình về cuốn đó. Ấy là ấn tượng thứ hai ân nhân của tôi dạy tôi tự học và tìm việc để buộc tôi phải tự học.

Trong cuộc đời tự học, có một kinh nghiệm sau này được nhà văn N.N. chia sẻ: muốn đọc kỹ một tài liệu nào, thì hãy cứ bắt tay dịch tài liệu đó. Trong những năm gian khổ, chúng tôi phải dịch để kiếm sống – thế là một công hai việc! Vào cái thời đó, cũng lại có chuyện vui mà cái thằng xì-cút trong tôi làm việc mà không bao giờ thấy mệt: nhà thơ D.T. và tôi thường phải chép lại bản dịch của một bậc đàn anh ký tên T.D. Bởi vì nét chữ của T.D. trộn không lẫn, và T.D. không được phép “hành nghề”. Chép lại bản dịch của T.D. vừa để “xóa dấu vết” và còn để chỉnh lại những chỗ dịch phóng túng. T.D. khi nào khoái lên, thấy trúng ý, thì có thể viết thêm vào bản dịch. Chưa kể cái nạn T.D. không thích tôn trọng thuật ngữ đã quen dùng. Nymphomanie anh thích gọi là “bệnh hoa soi”, và anh lý giải vì có hình ảnh cái hoa cúi xuống nước tự ngắm mình…

Mà thôi, lan man mãi, dù là chủ nhật, nhưng đâu có thong thả mãi được?

Tác giả bài lan man này, thằng xì-cút cho đến gìa này, xin có mấy lời nhắn nhe tới cái Cục to đùng nào đó: một đời các ông (chưa chấm dứt) mỗi vị đọc được bao nhiêu cuốn sách? Cứ cho là các vị “thiên kinh vạn quyển” đi, song các vị căn cứ vào đâu mà gạch bỏ những tên sách cần tái bản? Các vị nhân danh cái gì để gia ân (cho in) hoặc ra tay (cấm in)?

Cho in hay không cho in không còn là chuyện giữa cá nhân giữa các vị và cá nhân một thằng xì-cút hay những thằng xì-cút khác. Đây là vấn đề ngu dân hay kính trọng dân. Chấm hết.

Hà Nội, 3-4-2010

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.