Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa

Phan Thành Đạt dịch từ Philosophie Magazine (page 48), mars et avril 2014 

Anna Louise Strong (1885-1970), nhà văn, nhà báo người Mỹ, tiến sĩ triết học, bà đã viết nhiều cuốn sách về nước Nga thời Liên bang Xô viết và Trung Quốc thời Mao Trạch Đông (Đứa con của cách mạng, 1925, Stalin, 1941, Những bức thư từ Trung Quốc,1963).

Sau Cách mạng tháng 10, nước Nga của những người nông dân không biết chữ lập kế hoạch cho giáo dục. Từ năm 1921 đến năm 1923, Anna Louise Strong đi khắp nước Nga để tìm hiểu chương trình giáo dục đào tạo đầy tham vọng, mới được triển khai trên quy mô toàn quốc.

Ở nước Nga thời kì cách mạng, có những bài học được giảng dạy bằng 60 ngôn ngữ khác nhau, các cuốn sách giáo khoa được in ra bằng nhiều thứ tiếng. Để thực hiện được điều đó, cần phải ghi chép bằng 10  hay 12 thứ tiếng. Chương trình giáo dục các công dân kiểu mới thời kì Liên bang Xô viết dựa trên kế hoạch được xây dựng cụ thể để đảm bảo công bằng cho tất cả các dân tộc. “Chúng ta liệu có cần xây thật nhiều trường đại học ở Mát-xcơ-va, trước khi mở các trường phổ thông ở Bachkirs?”. Họ lập luận như vậy. Nhưng các bảng chữ cái không dành cho các dân tộc thiểu số không thuộc về lịch sử của Nga. Khi tôi ở Bakou, vùng có nguồn dầu lửa lớn nhất thế giới, tôi đã đi thăm hàng chục trường tiểu học và mẫu giáo. Tôi đã có dịp trò chuyện với những thanh niên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, họ đến đây xây dựng các trường học cho các làng quê của người Tatar. Họ là những người Nga, họ vừa lao động, vừa học đọc, học viết. Sau thời kì Cách mạng tháng Mười, ở vùng rộng lớn này nơi có dân tộc Tatar sinh sống, những người này đa phần đều không biết chữ, và bây giờ họ có một bảng chữ cái mới, rất nhanh chóng họ bắt tay ngay vào nhiệm vụ học tập, họ học đọc và học viết.

Trong khoảng từ tháng Tư đến tháng Tám năm 1923, 160 triệu bản sách giáo khoa do nhà xuất bản của chính quyền ở Mát-xcơ-va ấn hành, đây là nhiệm vụ quan trọng cho ngành giáo dục. Đây chính là nhà xuất bản lớn nhất thế giới.

Người dân cần đến một số lượng sách lớn như vậy (tính ra mỗi người có ít nhất một cuốn sách, 12 triệu học sinh, tính theo đầu người, mỗi học sinh có hơn 14 cuốn sách). Có nhiều sách như thế, một phần các cuốn sách giáo khoa trước đây đã cũ kĩ, nhưng điều cơ bản nhất là hệ thống giáo dục đã được đổi mới. Ngay cả sách giáo khoa toán cũng được viết lại, để đáp ứng đòi hỏi của phương pháp giáo dục mới.

Toán học theo định hướng của chủ nghĩa cộng sản

“Có cả môn toán học theo định hướng của chủ nghĩa cộng sản?”, tôi đặt câu hỏi và tỏ vẻ sửng sốt. Họ rất kiên nhẫn khi giải thích cho tôi. Khái niệm này được dựa theo các ý tưởng của Dewey về giáo dục chứ không phải theo các phương pháp khác đang được  thực hành ở Mỹ (John Dewey, nhà triết học người Mỹ đưa ra phương pháp học bằng thực tế, bằng hành động, phương pháp này gắn với lí tưởng về dân chủ, nhằm đem lại cho sinh viên các phương tiện và cá tính cần thiết để tham gia mạnh mẽ vào đời sống chính trị, xã hội). Họ chờ đợi những cuốn sách mới của Dewey, rồi dịch ra tiếng Nga, họ tranh luận, bàn bạc về phương pháp mới, rồi họ áp dụng cho toán học.

Một thầy giáo đã nói với tôi: “Chúng tôi gọi cái đó là trường học của lao động, chúng tôi dựa vào nghiên cứu cách vui chơi của trẻ em và quan hệ của các em với lao động sản xuất. Chúng ta hãy bắt đầu bằng môi trường nơi các em đang sinh sống: Người dân làng sống bằng cách nào? Họ sản xuất được những gì? Và họ cần đến các công cụ lao động nào? Họ tiêu thụ tất cả những gì họ sản xuất được hay họ trao đổi một phần? Họ đổi lấy gì? Ngựa là con vật như thế nào? Người ta sử dụng chúng làm gì? Con lợn là con vật như thế nào? cần có những thức ăn gì để vỗ béo chúng? Gia đình là gì? Các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau như thế nào? Ở một làng được tổ chức và có hội đoàn quan tâm đến các gia đình thì được gọi là gì?”

Tôi trả lời người giáo viên: “Những thứ đó liên quan đến tự nhiên và xã hội học, còn các bạn dạy toán học thế nào?”. Người đó nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta trả lời: “Với những bài toán thực tế cần dựa vào tình hình thực tế. Liệu chúng tôi có thể sử dụng một cuốn sách giáo khoa trong đó ghi: Một lãnh chúa có 10 nghìn rúp, cho vay lãi 5 nghìn rúp, sau đó chúng tôi hỏi các em lợi nhuận của lãnh chúa đó là bao nhiêu? Những cuốn sách toán trước đây có rất nhiều bài toán mà trẻ em ngày nay không bao giờ nắm được hết kiến thức, những cách giải bài, các đơn vị tiền tệ không còn tồn tại trong thời đại ngày nay nữa, có cả những phương pháp giải toán mà chúng tôi không khuyến khích các em học nữa, bởi vì đơn giản chỉ là hình thức và xa rời thực tiễn.

Chúng tôi có các bài toán tính cộng hết sức đơn giản, ví dụ để tính số lượng bò trong làng, bằng cách tính số bò của mỗi gia đình. Có các bài toán về phép chia cũng khá đơn giản về khẩu phần thức ăn, để biết xem một làng có thể xuất khẩu bao nhiêu lương thực. Rồi những bài toán về tỉ lệ phần trăm, nếu như làng nơi chúng tôi ở có 300 hộ gia đình, làng bên cạnh có 1000 hộ gia đình, mỗi làng phải cung cấp cho quân đội bao nhiêu lính, có bao nhiêu đại biểu ở mỗi làng có chân trong hội đồng Xô viết của thành phố.

Vật lí, hóa học và tất cả các môn khoa học khác cũng được giảng dạy cho các em từ khá sớm, cách thức giảng dạy rất đơn giản, dễ tiếp thu: Đất là gì? Ta có thể gieo hạt trên loại đất nào? Có các loại đất nào? Nước có tác dụng gì? Vì sao lại có mưa? Trong năm học thứ ba, chúng tôi sẽ tổ chức đi thăm các nhà máy, để học những bài học đầu tiên về sản xuất công nghiệp tập thể. Bởi vì  mối quan tâm lớn của chúng tôi sau việc dạy khoa học tự nhiên, là cách dạy học sinh về hoạt động tập thể. Thực sự là chúng tôi luôn cố gắng đạt được điều đó, để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trường học chính là mặt trận chiến đấu của chúng tôi để xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản”.

A. L. S. 

Anna Louise Strong, The First Time in History, Two Years of Russia’s New Life,  Boni and Liverlight Publishers, New York, 1925.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.