Có lẽ không đâu như ở Việt Nam, xổ số “kiến thiết” trở thành ngành, bán giấy số trở thành nghề. Tất cả tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đều có công ty xổ số kiến thiết. Mỗi tỉnh, thành trong tuần phát hành và mở số trúng thưởng một lần. Người ta tính phân chia rạch ròi lắm: trước nhứt chia thành khu vực, rồi từ khu vực ấn định cho những tỉnh, thành nào phát hành và mở thưởng vào ngày thứ mấy trong tuần – cứ thế mà làm, đã hơn 30 năm trở thành thông lệ. Hoạt động xổ số chẳng khác hoạt động báo chí – rất có qui củ, diễn ra hàng ngày, có đại lý (bán sỉ), có lực lượng phân phối lưu động (bán lẻ) đến tận “hang cùng ngõ hẻm”.
Xổ số “kiến thiết” lợi bất cập hại, nhưng đạt nhiều cái nhứt:
Người tham gia lãnh vực này đông nhứt: Nếu xem người bán giấy số là nhân viên ngoại ngạch của những công ty xổ số thì ngành xổ số có lượng người tham gia đông nhứt, họ có mặt “trên từng cây số”, nhất là những nơi tụ tập đông người, kể cả đám tang.
Nơi thu hút lao động nhiều nhứt: Là cái đáy của xã hội, là môi trường kiếm sống của những người nghèo khó kém may mắn như thất nghiệp, tàn tật…
Nơi kén chọn người dễ dãi nhất: Không đòi hỏi học lực, đức độ, già trẻ, gái trai, lành lặn hay tật nguyền.
Người tật nguyền lại là người tiêu thụ được nhiều vé số nhất: Những người mua vé số của những người tật nguyền vì tình thương hơn là mong trúng số – xem như làm từ thiện, mua không cần chọn số.
Người bán vé số gây phiền cho nhiều người nhất: Bất kể người ta đang làm gì, ở trong nhà hay ngoài ngõ, đang vui buồn hay đang tiếp khách, họ cũng không ngần ngại vào tận trong, đến tận nơi chìa xếp giấy số ra trước mặt mời gọi mua – xin lỗi, có người rao mời dai như đỉa đói.
Buộc người ta phải lắc đầu nhiều nhứt: Thử đến chỗ đông người như những nơi phụ huynh đón học sinh chẳng hạn khắc biết, họ thay phiên nhau, lần lươt chìa những xếp giấy số qua từng phụ huynh, phần lớn được đáp trả bằng cái lắc đầu – lắc đầu trong vẻ bực bội hay thương cảm đều có, lắc đầu trở thành thói quen không cần đếm xỉa. Họ lắc nhẹ, có lẽ sợ trặc cổ.
Những người bán giấy số có trạng thái buồn nhứt: Có lẽ họ tủi cho thân phận, vì tối ngày phải xuôi ngược cầu cạnh, van nài hết người này đến người khác như người ăn xin.
Người bán vé số cật lực và lo lắng nhứt: Hai chân họ thập bắt thập bén tối ngày tìm khách hàng, nếu không ế hàng chiều “ôm” là chết. Khi hết hàng coi như “trút được gánh nặng”, họ ngồi trệt ra đâu đó nghỉ chân, xả căng – có những em nhỏ ế hàng khóc sướt mướt, sợ về nhà người thân rầy la, đánh đập.
Xung quanh việc bán mua vé số gây nhiều thất vọng nhứt: Phàm là con người, nếu hết hy vọng là hết “nhựa sống”. Vì vậy, họ cố tìm hy vọng, dầu hy vọng mỏng manh như chơi vé số chẳng hạn. Việc bán mua vé số này trở thành “thị trường” bán mua hy vọng. Về người bán, sắc thái biến đổi trong tích tắc – khi rao mời thể hiện hy vọng, khi bị lắc đầu liền tỏ ra thất vọng ngay.Về người mua, sáng mua là nuôi hy vọng, chiều xé là hết hy vọng. Nếu người bán vé số rao mời trăm người được một người mua, thì người mua vé số ngàn lần mua chưa chắc có một lần trúng. Xổ số đem lại cho con người nhiều thất vọng hơn hy vọng. Những người dưới đáy xã hội, không còn con đường nào khác, phải vào sân chơi như cờ bạc ít may nhiều rủi này.
Xổ số kiểu Việt Nam ta không minh bạch nhất: Công ty xổ số “vừa đá bóng vừa thổi còi” – vừa là nơi phát hành vé số cũng vừa là nơi cho số trúng. Dù vô tình hay cố ý, cấp trên cho phép công ty xổ số làm như vậy thì liệu có tránh được gian lận hay không trong vấn đế này?!
Xổ số “kiến thiết” là một trong những ngành có “lương bổng” cao nhứt: Tất nhiên, công ty xổ số trực thuộc Sở Tài chánh (cấp dưới). Ở địa phương tôi, điều chuyển ông Giám đốc Công ty xổ số lên làm Giám đốc Sở Tài chánh ông không chịu. Tìm hiểu mới rõ ra: làm Giám đốc Công ty xổ số “lương bổng” 21 triệu tháng, làm Giám đốc Sở Tài chính lương chỉ trên dưới 7 triệu tháng – dại mới phải chịu thiệt 14 triệu tháng. Dằng co mãi, ông chịu lên làm Giám đốc Sở Tài Chánh với điều kiện phải nhận vợ và con ông vào Công ty xổ xố “kiến thiết” tỉnh nhà. Lãnh đạo công ty xổ số ai cũng nhà cao cửa rộng, có lẽ nhờ “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay nói cách khác, “tự biên tự diễn”.
Tôi không chơi giấy số, bữa nọ, thấy một người phụ nữ khoảng 35 tuổi tàn tật, đít ngồi trên mảnh lốp xe mỏng, một tay xỏ vào chiếc dép chẻ chòi lết, một tay cầm xếp vé số, ngửa mặt mời người qua đường. Đau lòng trước cảnh tượng, tôi lấy 20 ngàn, tương ứng giá hai tờ giấy số, cho cô ấy. Cô ấy ngơ ngác nhìn tôi nói: “Cám ơn anh, tôi bán giấy số chớ không phải ăn xin”. Biết nói gì hơn, tôi gỡ lấy hai tờ vé số và đưa cô ấy 20 ngàn. Cô ấy gật đầu cám ơn rồi lếch tiếp ra hướng chợ.
Cử chỉ và hành động của người tàn tật bán vé số này, gợi suy cho tôi: Người tàn tật lăn lê tòi lếch bán vé số kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, cho không lấy, trong khi có những kẻ cao sang, quyền uy lấy không đợi cho. Xét về mặt đạo đức, hạnh kiểm, người phụ nữ tàn tật này vượt xa những kẻ mọt nước sâu dân ấy!
Xổ số kiến thiết quốc gia hay kiến thiết tư gia? Giúp đồng bào ta xây cửa xây nhà hay giúp đồng bào ta tan cửa nát nhà? Đó là những câu hỏi thực tế đủ chứng minh không cần bất cứ ai giải đáp.
Xổ số “kiến thiết” đã đủ chuẩn, sao chưa kết nạp nó vào “những nhóm lợi ích” cho xôm tụ hơn? Câu hỏi này cần có sự giải đáp.
Đúng là xổ số đã và đang là “sân chơi”, là nơi lăn lóc, lặn hụp… của những người bất hạnh đang sống dưới đáy xã hội do Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tạo lập.
Ngày 17/03/2014
T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.