Định hướng theo kiểu “tuyên giáo”

Nhớ mấy tuần trước, một quan chức tuyên giáo trung ương, trong một lần trả lời phỏng vấn của đài BBC, khẳng định rằng không có chuyện ban tuyên giáo chỉ đạo báo chí, cũng không có chuyện tác động báo chí rút bài “tế nhị”. Nhưng cái hình chụp văn thư dưới đây (lấy từ boxitvn.blogspot.com) cho thấy hoàn toàn ngược lại những gì vị này tuyên bố trên báo chí quốc tế.

Tôi chú ý đến đoạn văn thư này hướng dẫn báo chí viết về vụ Nhã Thuyên rất… xâm phạm. Văn bản viết “Đề nghị báo chí không đăng tải ý kiến, đơn thư trái chiều”. Liên quan đến tình hình Ukraina, văn thư này chỉ dẫn: “Trong những ngày tới, tình hình Ucraina có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, đề nghị báo chí thông tin những vấn đề liên quan theo định hướng tại Giao ban báo chí ngày 11/3/2014”. Rất cụ thể. Rất thẳng thắn.

Tôi nghĩ giới báo chí VN chắc là đau khổ lắm. Họ (giới phóng viên) là những người có học, và ở mức độ nào đó, là nhóm người giàu chữ nghĩa. Có học đàng hoàng cho họ tư duy độc lập. Giàu chữ nghĩa cho họ cái lịch thiệp trong dùng chữ. Vậy mà họ phải chịu sự chỉ dạy của một nhóm người nào đó từ rất xa (hay gần?) là phải viết như thế này, đưa tin như thế kia, định hướng như thế nọ. Cách họ chỉ dạy y như là cầm tay chỉ việc cho trẻ em. Tôi đoán rằng giới báo chí đàng hoàng cảm thấy bị xúc phạm lắm.

Nhưng cái văn thư đó cũng chỉ dạy công chúng. Nó dạy công chúng là nên dè dặt với những thông tin từ báo chính thống. Có lẽ mỗi bản tin trên báo chính thống đều đã qua một quá trình chọn không tự nhiên. Không tự nhiên ở đây hiểu theo nghĩa có định hướng. Định hướng dư luận là cách xem công chúng như bầy cừu, và do đó, nó là một từ xúc phạm đến công chúng.

Noam Chomsky, một học giả lừng danh với tư tưởng tả phái, từng nói rằng tuyên truyền trong thể chế dân chủ cũng giống như là cái dùi cui của thể chế toàn trị. Ấy thế mà trong ủy ban về cải cách giáo dục, ban tuyên giáo đóng vai trò phó chủ tịch! Thế mới biết nền giáo dục đừng kì vọng gì từ cải cách, và tị nạn giáo dục sẽ còn tiếp diễn.

N. V. T.

Nguồn: FB Nguyễn Văn Tuấn

 

This entry was posted in Tư Liệu. Bookmark the permalink.