4- Câu chuyện thứ 4:Người Việt ta nhiễm phải bệnh nói dối từ bao giờ?
Đây là câu hỏi phát ra một cách ngẫu hứng của cậu Đ trong nhóm bạn đồng môn chúng tôi, khi mới vào tiệc nước, sau bữa cơm gặp nhau nhân kỷ niệm 44 năm ngày ra trường. Hội đồng môn Đại học tổng hợp Văn, khóa 64-68, khu vực Hạc Đô và vùng phụ cận của chúng tôi đến hôm nay chỉ còn đúng 9 nhân mạng. Từ khi về hưu, chúng tôi định ra một thông lệ là hàng năm đúng dịp kỷ niệm ngày ra trường thì lại gặp nhau để thăm hỏi nhau và hàn huyên, lần lượt tại nhà mỗi thành viên. Lần này chúng tôi tụ tập tại nhà cậu T ở ngay thị xã TĐ, nhưng chỉ có 7 cậu về dự được. Anh em chúng tôi (ngẫu nhiên chỉ có một bề) ra trường đều có công việc tử tế và tương đối phù hợp với chuyên môn đã học: dạy học cấp III, dạy đại học, làm báo, viết văn, nghiên cứu văn hóa, hoạt động văn hóa – xã hội (trong đó có hai cậu đã từng là phóng viên chiến trường và là thương binh hạng 2/4). Sau khi về hưu, do thói quen nghề nghiệp, hầu như tất cả chúng tôi đều không thể ngồi yên mà nhìn thế sự thăng trầm, điên đảo,…Chúng tôi vẫn tiếp tục “ngứa mồm” và không chịu “gác bút” trước những vấn đề lớn và nóng của xã hội, nhất là những vấn đề được coi là “nhạy cảm”.Sau câu hỏi mở đầu đó, cuộc trao đổi sôi nổi và rất tâm huyết bắt đầu, và chỉ tạm kết thúc khi tất cả đã có dấu hiệu ngà ngà say và buồn ngủ. Tôi xin phép tóm tắt nội dung trao đổi để bạn đọc cùng suy ngẫm và tư duy tiếp:
– Chả biết nhiễm bệnh ấy từ bao giờ, nhưng chắc là không phải từ ngày xưa, mà đó chính là sản phẩm chính thức của thời đổi mới.
– Từ xưa đến nay, khi nói đến tính cách người Việt Nam, thì bất cứ tác giả nào (Việt Nam hay nước ngoài), cũng đều đưa ra nét tính cách nổi trội dễ thấy nhất là sự chân thật (trung thực, thật thà, chân chất, mộc mạc,…), mà hiểu nôm na là biết tôn trọng sự thật, là không biết nói dối. Mọi người Việt (chưa mất gốc) đều luôn nhận mình có nét tính cách đó, và tự hào về nó. Chả thế mà một nhà văn hóa học Việt Nam đã khẳng định:Trung thực là một nét nổi trội và đặc trưng của tính cách Việt! Và tính trung thực luôn đi liền với lòng tự trọng.
– Thế nhưng, trong vài bốn chục năm gần đây thì sự đánh giá này không còn đúng nữa. Người ta bảo với nhau rằng:“Người Việt bây giờ “nói vậy nhưng không phải vậy” đâu”, hoặc:“Đừng có nghe một tai về những điều người Việt nói, nhất là các báo cáo của mấy ông quan chức”! Những người Việt Nam chân chính và có lòng tự trọng, ai cũng phải đau xót và ngậm ngùi thừa nhận cái điều đáng buồn đó! Bây giờ cái sự nói dối (hay còn gọi là nói sai sự thật, hoặc báo cáo láo, nói bốc phét, hay nói cho có vẻ hoa mỹ thì gọi là bệnh thành tích) đã trở thành phổ biến trong đời sống thường ngày, từ gia đình, nhà trường, trong mọi sinh hoạt xã hội,… và kể cả đến việc đưa các thông tin quan trọng, các tuyên ngôn, tuyên bố,… ở cấp quốc gia! Sự dối trá hiện nay đã lên đến mức trở thành một dịch bệnh khó chống lại, nhưng vẫn được coi là chuyện bình thường! Có người đã nói hơi quá lên, vừa cóvẻ bi quan, vừa có vẻ khôi hài: Người Việt thời nay có một nét tính cách mới là biết nói dối, người không biết nói dối có thể trở thành lạc lõng, ai không biết nói dối thì có thể bị coi là không thức thời, thiếu linh hoạt, không năng động, thậm chí là bảo thủ, là “hâm”, là người Việt thời tiền sử! Những người Việt chân chính, ai nghe được cũng đều thấy xấu hổ như chính mình bị xúc phạm, nhưng đó lại đã là một sự thật!
– Theo các loại từ điển thì nói dối có nghĩa là:nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che giấu một điều gì đó. Chúng ta hiểu sự thật ở đây là sự thật của đời sống kinh tế-xã hội, sự thật lịch sử, sự thật trong tư duy con người,…Còn điều gì đó muốn che giấu chính là mục đích riêng không trong sáng (của cá nhân, phe nhóm,…) chống lại lợi ích chân chính của người khác và của cộng đồng. Như vậy, nói dối là một sự tha hóa nhân cách, từ nói dối tất sẽ dẫn đến hành vi gian dối, lừa dối, lừa đảo,…nhằm đạt được mục đích bẩn thỉu đã ấp ủ.
– Tệ nói dối không phải là thứ “bệnh” bất khả kháng, người nói dối không thể đạt được mục đích triệt để, tuyệt đối và vĩnh viễn. Bởi vì Sự thật bao giờ cũng là khách quan,không thế lực nào có thể che giấu mãi mãi được, trước sau thì Sự thật cũng sẽ được bạch hóa, và kẻ nói dối sẽ bị vạch mặt. Những người chống lại nói dối bao giờ cũng là số đông, họ có thừa lòng dũng cảm và sự kiên trì, họ lại có một chỗ dựa vững chắc là Thực tiễn – luôn là tiêu chuẩn tối cao của Chân lý. Nói dối có thể thành công trong một số hoạt động, vụ việc cụ thể nhưng không thể thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống, có thể mang lại kết quả nhất thời chứ không thế đạt được mục tiêu bền vững vĩnh viễn, có thể che giấu được sự thật đối với một bộ phận nhân dân còn thiếu thông tin và ít từng trải về chính trị, chứ không thể lừa dối được toàn thể nhân dân và cả một dân tộc.
– Điều khẳng định như vậy đúng là chân lý, nhưng xin đừng chủ quan, đừng coi thường thủ đoạn nói dối của những kẻ theo đuổi lợi ích riêng đen tối. Việc nói dối, lừa dối trong nhiều trường hợp đã mang lại kết quả như ý đồ của kẻ xấu, và gây khó khăn, nguy hại cho cộng đồng. Chẳng hạn: giới truyền thông Trung Quốc đã rất thành công trong việc xuyên tạc về cuộc chiến tranh xâm lược các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2/1979. Cứ như kết quả thăm dò mới đây cho biết đã có đến gần 90% số người dân Trung Quốc được hỏi về sự thật lịch sử này, đều trả lời đó là cuộc chiến tranh tự vệ của Trung Quốc chống lại sự xâm lấn láo xược của quân đội Việt Nam. Hoặc công tác tuyên truyền, giáo dục sai lầm (để giữ quan hệ đại cục!) của các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã làm được việc tương tự trong ý đồ che giấu sự thật lịch sử này đối với nhiều người dân Việt Nam. Trong một cuộc khảo sát mini của một PGS trường Đại học Khoa học Xã hộivà Nhân văn TP HCM về ngày 17/2/1979, đối với 80 đối tượng đều là người có học, bao gồm vợ, con, sinh viên và đồng nghiệp của ông (có đến 4 đảng viên), thì tất cả đều không biết gì cả!
– Với thực trạng của dịch bệnh nói dối như hiện nay thì có vẻ như là cả một xã hội nói dối, ra đường ít được gặp người ngay thật mà toàn chạm trán với những kẻ nói dối, hoặc hoàn toàn tự nguyện, cố ý, hoặc bị làm theo! Đụng đến lĩnh vực hoạt động nào cũng đều thấy lẫn lộn thật – giả, đúng – sai, “nói vậy mà không phải vậy”!Ai muốn tìm sự thật thì phải có một phương pháp tiếp cận độc lập, rất khoa học và thật bản lĩnh. Không sao kể cho hết các hiện tượng nói dối điển hình trong cả một biển mênh mông các hiện tượng nói dối cụ thể, từ chuyện riêng cho đến chuyện công, từ việc gia đình cho đến việc nước, từ việc đời thường cho đến việc hệ trọng, đại sự, chuyện tâm linh nghiêm túc,…
– Chúng ta cứ thử nêu một số hiện tượng nói dối, gian dối, lừa dối,…mà chúng ta đã chứng kiến, đã chịu đựng, và nhiều khi đã phải làm kẻ đồng lõa,…từ giờ cho đến khi buồn ngủ xem có nhiều không nào!
– Này nhé, chồng nói dối vợ để có thì giờ và tiền bạc đi cặp bồ, rồi nuôi con ngoài giá thú. Con nói dối bố mẹ để có thì giờ và tiền bạc đi chơi game. Anh em lừa dối nhau để tranh chấp, chiếm đoạt tài sản thừa kế của bố mẹ để lại. Rồi chuyện tình yêu dối lừa, hôn nhân giả,…
– Trên các diễn đàn quan trọng của các địa phương cũng như của toàn quốc, người ta rao giảng ra rả về chống chủ nghĩa cá nhân, về phòng chống tham nhũng, về lòng yêu nước, về lòng tự trọng, về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…, nhưng bản thân diễn giả lại là những người không hề sở hữu những giá trị đó, không hề hành động như vậy, và thực tế đời sống chưa có chuyện đó để có thể nói hùng hồn, không ngượng mồm! Đó là những chuyện nói dối, lừa dối, lừa đảo,…rất công khai, nhưng lại trơ trẽn nhất, trở tráo nhất, bihài nhất,… ở cái xứ Việt ngày nay!
– Trên lớp học, thầy giáo phải dạy học trò những điều đạo đức giả, sáo rỗng, không có thật. Thầy giáo không được dạy sự thật lịch sử đất nước đúng như nó đã xảy ra (ví dụ chiến tranh biên giới tháng 2/1979, những sai lầm và tổn thất trong Cải cách ruộng đất và trong chiến tranh, những gương anh hùng, liệt sĩ không có thật hoặc được tô vẽ sai lệch,…). Cán bộ tuyên giáo cũng luôn phải nói dối theo bài bản có sẵn từ trên, không cần tính khoa học, bất cần tính chân thực!
– Rất nhiều học trò gian dối trong học tập, rèn luyện và thi cử (điển hình là nạn quay cóp rất phổ biến). Trong khi đó thì các nhà trường và các cấp quản lý Giáo dục và Đào tạo lại luôn báo cáo vống thành tích (nói dối) dạy và học để được khen thưởng, không đúng với thực tế chất lượng đang rất thấp!
– Trong đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, và trong nghiên cứu khoa học thì luôn có sự giả dối, gian lận, mua bán, sao chép khóa luận, đạo luận văn, ăn cắp công trình của người khác,…nên sản phẩm đào tạo ra, nghiên cứu ra không có chất lượng đích thực, không phản ánh đúng sự thật kết quả đào tạo và nghiên cứu, trong đó có không ít là đồ rởm, đồ giả! Việc bảo vệ học vị, học hàm cao cũng đầy rẫy chuyện giả dối, gian lận, mua bán,… Chả thế mà trên các trang mạng xã hội có hẳn một danh sách các GS, PGS rởm, vì họ không có thực tài, không có đóng góp gì đáng gọi là công trình khoa học!
– Trong sản xuất, kinh doanh lại càng ô uế, bẩn thỉu, thậm chí là bất nhân, tàn bạo,…của cả một “trận đồ bát quái” các thói xấu trên, khó lòng kiểm soát. Hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, và nay lại có cả hàng độc gây chết người, nhưng lại luôn được quảng cáo hay đến tận trời! Gian lận thương mại là chuyện rất phổ biến, điển hình là chuyện mua thật nhưng bán ảo, khuất tất trong thanh toán, trốn thuế, lậu thuế,…Rồi chuyện gian dối trong đấu thầu công trình, trong thi công, chuyện rút ruột công trình, ăn cắp nguyên vật liệu, bớt xén kinh phí xây dựng,…là rất phổ biến!
– Trong quản lý xã hội thì luôn che giấu sự thật, báo cáo vống thành tích, che giấu sai lầm, tổn thất, luôn công bố những số liệu ảo, những thông tin sai lệch,…để gây niềm tin ảo cho Dân, để được cấp trên khen thưởng, được thế giới thán phục,…Trong công tác nhân sự thì luôn dung dưỡng sự gian dối lý lịch (rút bớt tuổi, bốc phét thành tích, trưng bằng cấp giả,…), và dựa vào đấy để cất nhắc. Trong thi đua khen thưởng cũng vậy, bởi thế nên hiện nay đã có khá nhiếu danh hiệu rởm của các nhà “ưu tú”, “nhân dân”, thậm chí cả “anh hùng”!
– Đặc biệt, trong hoạt động lãnh đạo và quản lý đất nước nói chung, bệnhche giấu sự thật về thành tựu và sai lầm, khuyết điểm rất phổ biến, đến mức như là một phong cách làm việc bắt buộc (tuy không thành văn). Các số liệu về tình hình kinh tế-xã hội thường bị nhào nặn lại theo hướng tăng thêm thành tích, rút bớt khuyết điểm, tăng thêm màu hồng, giảm bớt màu đen. Tất cả những thủ đoạn đó nhằm không cho Dân biết đúng và rõ sự thật của đất nước, kể cả những sự thật liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân. Thi thoảng lãnh đạo các cấp cũng có kiểm điểm về chuyện này, nhưng lại gọi nhẹ nhàng là bệnh thành tích, và đẩy trách nhiệm về phia dưới! Tệ hơn nữa là Dân còn bị bưng bít, che giấu những sự thật lịch sử rất quan trọng đã từng xảy ra, như: chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2/1979 và chiến tranh biên giới Tây Nam trước đó, hội nghị Thành Đô và các hiệp nghị mật đã ký với Trung Quốc, những sai lầm và tổn thất trong phát triển kinh tế-xã hội, công và tội của các đời lãnh đạo,…Trong nhà trường những sự thật lịch sử này đều bị lờ đi hoặc giải thích xuyên tạc, thậm chí không được đưa vào sách giáo khoa!
Nhiều lắm và rất nhiều, lĩnh vực nào cũng có, cấp nào cũng có, địa phương nào cũng có! Thật-giả lẫn lộn, đúng-sai lẫn lộn, tốt-xấu lẫn lộn!
– Thôi, kể như vậy là quá đủ rồi. Thế thì các cậu cho biết nguyên nhân đích thực của căn bệnh đó là gì, và vì sao tệ nói dối lại phát triển khá mạnh và rộng khắp ở Việt Nam?
– Có lẽ là tội của cái “nạn thi đua”!
– Chưa thật đúng đâu, bởi có những việc chỉ là của cá nhân hoặc việc chung nhưng không liên quan đến thi đua mà vẫn bị nói dối, lừa dối kia mà. Quy tội cho thi đua thì quả là không công bằng và chưa khách quan. Ban đầu Bác Hồ đề ra thi đua với mục đích rất là trong sáng, nhưng sau này nó biến tướng dần dần, trở thành môi trường, thành công cụ để trục lợi, là do chúng ta thực hiện sai lệch, làm méo mó đi cái ý nghĩa nhân văn vốn có của nó đấy chứ.
– Muốn tìm đúng nguyên nhân thì phải soi xét cho kỹ, cho sâu cái động cơ bên trong của tệ nói dối. Động cơ này thường được che giấu một cách kín đáo, tế nhị,mà thực chất là lừa bịp, nhưng không dễ nhìn ra ngay.Nguyên nhân đích thực là cái Thiện trong mỗi con người không thắng nổi cái Ác, cái Chân không thắng nổi cái Giả, cái Chính không thắng nổi cái Tà, lòng tự trọng không thắng nổi cái bả quyền lực và đôla,…Chính lợi ích riêng (cá nhân, phe nhóm,…) không trong sáng (về Quyền, Lợi,Danh,…) đã thôi thúc con người ta phải nói dối, lừa dối. Nguời có quyền lực càng cao thì càng có thể đeo nặng lợi ích riêng không chính đáng, do đó càng dễ phạm tội nói dối, lừa dối. Các nhóm lợi ích thường cấu kết với nhau để lừa dối nhân dân, và họ luôn tìm đến sự hậu thuẫn từ giới quan chức và hệ thống chính trị. Con người ta có thể lừa dối bất cứ điều gì, với bất cứ ai để mưu cầu lợi ích riêng cho mình, và trớ trêu nhất là trước hết phải lừa dối chính bản thân mình, phải tự hủy lòng tự trọng!
– Cũng phải đề cập đến một khía cạnh rất quan trọng của nguyên nhân, đó là gương xấu của người lớn, của cấp trên. Bố mẹ nói dối, thầy giáo nói dối, quan chức nói dối,cá nhân nói dối, tập thể nói dối, cơ quan chức năng nói dối,…Tệ hại nhất là Nhà nước và Đảng đều phạm tội nói dối, lừa dối với Dân, nên cả xã hội đều bị rối nhiễu thông tin, phai nhạt niềm tin, rồi cũng theo đó mà làm theo, dù biết đó là sai trái! Nguy hiểm của chuyện này ở chỗ bề trên luôn có ưu thế trong việc nói dối, đó là uy quyền, là cả một bộ máy khổng lồ và một hệ thống truyền thông phủ khắp mọi miền đất nước, chuyên lo việc này và hầu như độc quyền, nên hiệu quả của sự nói dối phát huy tác dụng rất mạnh, có thể tưởng như là vô địch!
– Bề trên nói về chủ nghĩaxã hội nhưng làm gì có chủ nghĩaxã hội, nói “Dân chủ, công bằng, văn minh” nhưng thực tế thì toàn là những sự thật trái ngược, nói chống tham nhũng nhưng lại càng tham nhũng nhiều hơn, nói học tập đạo đức Bác Hồ nhưng toàn làm ngược lại!Thành tích thì vẽ thêm ra, bịa ra, sai lầm thì che đậy lại, chối biến! Bởi vì nhiều chính sách đi cùng với các mục tiêu đặt ra đều duy ý chí, không phải vì Nước vì Dân nên không thuận lòng Dân, phương pháp triển khai thực hiện thì giản đơn, phản khoa học, thậm chí là thô bạo.Hậu quả là không thể hiện thực hóa được mục tiêu trong thực tiễn, tức là không thể tạo ra được thành tích thật, đành phải tìm cách tạo ra thành tích ảo bằng các các phép ngụy biện, các chiêu bốc phét, tức là nói dối, lừa dối, lừa đảo!
– Thôi nhé, quỹ thời gian hôm nay của chúng ta đã gần hết, đề nghị các bạn tạm dừng tại đây. Những ý kiến còn lại chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi trên facebook.
– Tôi chỉ xin thêm mộ phút, còn điều này rất hệ trọng, không thể không nói ngay hôm nay. Đó là những tác hại ghê gớm của căn bệnh nói dối đối với toàn bộ đời sống xã hội, đối với lịch sử, đối với sự nhìn nhận của thế giới về Việt Nam ngày nay,… và đặc biệt là đối với nhiệm vụ nuôi dưỡng, vun trồng nhân cáchcho thế hệ trẻ, cũng như chống sự tha hóa nhân cách của chúng ta và toàn xã hội. Theo một điều tra về vấn nạn nói dối, của một trung tâm xã hội học, thìcác số liệu thu được sau đây về tỷ lệ người nói dối trong học sinh, sinh viên, có đáng cho chúng ta suy nghĩ không:Tiểu học 22%, Trung học Cơ sở 50%, Trung học Phổ thông 64%, Đại học 80%! Về khía cạnh này đang ẩn chứa rất nhiều điều vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn, cần được phân tích, mổ xẻ, lý giải thấu đáo, mong các bạn nói thêm qua facebook.
– Đúng là một mảng tối của thực tiễn đời sống mà xã hội chúng ta phải chấp nhận đối mặt. Xấu hổ và lo buồn!
– Nhưng không được chán nản, và càng không được phép đầu hàng! Chúng ta phải sát cánh cùng toàn Dân để khôi phục cho được những giá trị văn hóa tốt đẹp đã được hình thành và phát huy trong hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, và phải bảo vệ cho được sự toàn vẹn và thăng hoa của Tính cách Việt!Vì đó là danh dự, là nhân phẩm của người Việt chúng ta, hơn thế nó lại liên quan đến vận nước.
Buổi gặp mặt thường niên năm ấy của chúng tôi là như vậy đó. Dư vị ngọt đậm của món dê núi rất đặc biệt, cùng quyện với những nỗi niềm suy tư về câu chuyện biến đổi nhân cách, càng làm cho chúng tôi dùng dằng mãi mới dứt nhau ra được để trở lại gia đình!
Trên đây là bài viết của ông NV trong Hội đồng môn Đại học được kể ở trên gửi cho nhóm biên tập chúng tôi, và chúng tôi đã quyết định chọn bài này xếp vào câu chuyện thứ 4 mà các bạn đang đọc đấy.
5- Câu chuyện thứ 5: Nhất định phải thay thế Mô Hình Phát Triển rất lạc hậu hiện nay!
Tôi xin phép đặt tiêu đề như trên cho nội dung trao đổi của nhóm “trí thức làng” của chúng tôi trong dịp gặp mặt đầu xuân vừa qua. Chúng tôi cứ mạnh dạn tự phong như vậy cho vui thôi, chứ thật ra anh chị em chúng tôi, vốn là bạn đồng môn phổ thông cùng trang lứa, tất cả mới chỉ được sở hữu mảnh bằng đại học, và được vài ba cậu có thêm bằng Thạc sĩ. Nhưng vì tất cả chúng tôi đều làm cái nghề cầm bút và vắt óc hàng ngày, cái nghề cần biết tư duy khoa học, trước khi nghỉ hưu mà. Dăm cái xã của chúng tôi ngày xưa rất nghèo, nhưng nhiều chục năm nay đã khác nhiều, do nhờ cái lộc “ven đô” nên có phần khấm khá hơn, cũng được nhận hộ khẩu Thành phố hẳn hoi (ngày xưa thành phố này chỉ là một thị xã cỏn con, gần đây mới được đôn lên thành phố loại 2 hay 3 gì đó). Ngoài mấy anh em chúng tôi tự mang nhãn trí thức, thì trong năm xã ngoại thành của chúng tôi tại thời điểm này, cũng đã có đến hơn chục cháu đang học đại học hoặc cao đẳng, có cả cháu đi du học.
Đúng là thói quen của dân trí thức, hễ gặp nhau là toàn nói chuyện triết lý, chuyện phản biện khoa học, phản biện xã hội, chuyện nhân tình thế thái, chuyện về cái Tâm và cái Tầm ngày nay, rồi chuyện nghiên cứu khoa học, phát minh khoa học,… của Việt Nam và cả của thế giới.
Mời các bạn hãy lắng nghe bọn chúng tôi nói chuyện với nhau nhé!
– Này các bạn, thử lý giải xem hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam chúng ta thì tiêu điểm thực tiễn đang nằm ở đâu, và tâm điểm lý luận là chuyện gì nào?
– Đúng là hiện nay trên thế giới đang có nhiều biến động lớn, ở Việt Nam thì cũng đang có rất nhiều bất ổn khó lường.
– Có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo tôi thì đó là những chuyện sau đây: cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, cuộc đua tranh vị thế và ảnh hưởng của các nước lớn (cả cũ và mới nổi), cùng với sự khủng hoảng về đường hướng, sự mất ổn định về nhiều mặt trong nội bộ nhiều quốc gia.
– Quy lại và suy cho cùng thì có thể coi đó là một sự khủng hoảng mô hình phát triển trên phạm vi toàn cầu, một sự tranh giành quyền lực trên phạm vi toàn cầu, được không?
– Hiện nay khác với thời kỳ “chiến tranh lạnh”, lúc đang có sự đối đầu giữa hai phe. Tuy vẫn tồn tại nhiều thể chế chính trị khác nhau, nhưng có lẽ hiện nay không còn cuộc đấu tranh gay gắt về ý thức hệ, về chủ nghĩa như trước nữa, và cũng rất khó có khả năng xảy ra chiến tranh thế giới. Về mặt lý luận cũng như thực tiễn, hình như nhân loại đang tập trung tư duy, thể nghiệm và bàn cãi về Mô hình phát triểncho mọi quốc gia ở thế kỷ XXI?
– Những bất ổn và yếu kém của Việt Nam chúng ta hình như cũng phải được xem xét và tháo gỡ từ điểm nút này?
– Cứ cho là như thế, vậy thì chúng ta hãy bàn thảo đi, càng rõ và cụ thể càng tốt!
– Xin nhắc lại, chúng ta không bàn về lý luận, lý thuyết, mà chúng ta đang tìm hiểu thực tiễn, đi tìm Mô hình phát triểncho thực tiễn, mà thế giới và Việt Nam đều cần đến, nhằm cải biến hiện tại và kiến tạo cho tương lai tốt đẹp thực sự.
– Chỉ xét trong khoảng hơn vài trăm năm lại đây, từ khi có chủ nghĩa tư bản, trong lịch sử nhân loại đã từng có nhiều Mô hình phát triển, mà nổi lên là haiMô hình phát triểnchủ đạo, ứng với hai hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản và của chủ nghĩaxã hội. Nhưng từ sau khi Liên Xô sụp đổ thì trên thực tế chỉ còn lại mộtMô hình phát triểnchủ đạo là của chủ nghĩa tư bản (tiêu biểu là của Mỹ, Anh,…). Còn Mô hình phát triểncủa chủ nghĩaxã hội thì coi như đã chết theo cùng với sự sụp đổ đó. Đương nhiên là còn các Mô hình phát triểnkhác nữa, của các nhóm quốc gia còn lại, cũng rất đáng chú ý (như Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, nhóm mới nổi BRICS,…). Nhưng về thực chất thìhầu như các Mô hình phát triểnnày đều na ná giống nhau, vì cùng chịu sự chi phối bởi học thuyết phát triển chung của chủ nghĩa tư bản. Ngay cả Mô hình phát triểncủa các nước còn lại trong phe xã hộichủ nghĩa (Trung Quốc, Việt Nam, Cuba,…) cũng không thể khác được, thậm chí còn bị “nhuộm đen” nhanh hơn các nước khác của thế giới!…
– Hiện nay nước Mỹ và các nước tư bản phương Tây đang áp dụng học thuyết chủ nghĩa tự do mới cho Mô hình phát triểncủa mình, họ coi đó là xương sống của mô hình, để mong giải quyết được những khuyết tật cố hữu của xã hộitư bản. Nhưng chính ngay giới nghiên cứu của các nước tư bản lâu đời và giàu có nhất (như Mỹ, Anh,…) cũng đang phê phán gay gắt những mặt trái của học thuyết này, và chỉ ra hàng loạt những bất cập của mô hình. Họ coi những bất cập này tích tụ lại qua nhiều năm, chính là nguyên nhân sâu xa và nguyên cớ trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn cầu tệ hại hiện nay. Thêm nữa, cũng là các học giả phương Tây (một tạp chí ở Đức), đã đánh giá “chủ nghĩaxã hội là một tư tưởng hay, nhưng thực hành tồi!”, tức coi như chưa có Mô hình phát triểncủa chủ nghĩaxã hội!
– Như vậy có nghĩa là hiện nay trên thế giới chưa có Mô hình phát triểnnào là tiến bộ và đáng tin cậy,thế giới đang thật sự khủng hoảng về Mô hình phát triển!
– Trong tình hình hiện nay, chúng ta không thể chỉ ra một Mô hình phát triểncủa một nước nào đó là tốt nhất, vì không có. Và cũng không thể xây dựng nên một Mô hình phát triển nào làm mẫu cho mọi quốc gia trên thế giới, vì điều kiện cụ thể của mỗi nước là khác nhau.
– Nhưng có thể từ sự phân tích những bất cập (và cả những yếu tố tích cực) của Mô hình phát triểnchủ đạo hiện nay, cũng như của các nước lớn tiêu biểu, mà chỉ ra các yêu cầu cơ bản, các tiêu chí cốt tử nhất cho Mô hình phát triểntrong thế giới hiện đại. Từ đó, chúng ta có thể vận dụng để xác định Mô hình phát triển thích hợp cho Việt Nam.
– Cũng nên xem xét bao quát hơn, xem xét thêm cả Mô hình phát triển của các nhóm quốc gia khác nữa để có cái nhìn toàn diện hơn, kể cả với các quốc gia kém phát triển, đang phát triển của thế giới thứ ba, bởi ở đó cũng có nhiều yếu tố tiến bộ, đáng tham khảo.
– Gọi cho gọn là Mô hình phát triển, nhưng chúng ta phải hiểu đầy đủ là Mô hình phát triển về kinh tế-xã hội đấy, trong đó đương nhiên bao gồm cả thể chế chính trị.
– Như vậy thì định hướng tiếp cận vấn đề đã rõ, từ đó chúng ta có thể bàn thảo thấu đáo, chứ không mông lung và tản mạn đâu.
– Trước hết cần tập trung phân tích những bất cập của Mô hình phát triển của Mỹ, vì đó là quốc gia giàu nhất, mạnh nhất và đang có tầm ảnh hưởng chi phối toàn cầu về nhiều mặt, trước hết là về kinh tế và xã hội.
– Tôi có đọc một số thông tin trên các tạp chí nước ngoài liên quan đếnchủ đề này. Xin phép được nêu lại một số ý để mở đầu cho việc tìm hiểu.
Đúng là Mỹ và các nước phương Tây đang áp dụng học thuyết chủ nghĩa tự do mới (phân biệt với chủ nghĩatự do cũ) cho Mô hình phát triển của mình. Nội dung chủ yếu của học thuyết này gồm mấy điểm sau: giảm thiểu vai trò của Nhà nước (tuy vẫn thừa nhận cần phải có), tăng cường tự do kinh doanh và vai trò của thị trường, đẩy mạnh tư nhân hóa, “hàng hóa hóa” hầu hết các nhu cầu thiết yếu của con người,…Họ thường nói gọn là: tự do kinh doanh nhiều hơn, thị trường nhiều hơn, nhà nước ít hơn.
Theo đó, họ nêu ra và thực thi các biện pháp khá mạnh bạo, thậm chí cực đoan, chưa phù hợp với thực tiễn, không hài hòa với các điều kiện. Từ đó mà nảy sinh ra nhiều bất cập của Mô hình phát triển. Chẳng hạn:
ü Kích cầu tiêu dùng, mua sắm, kích cầu đầu tư, nới lỏng điều kiện cho vay,…làm cho nợ cá nhân và nợ công không ngừng bùng phát.
ü Gia tăng các hoạt động mua bán các loại giấy tờ có giá, đầu cơ chứng khoán, tiền tệ,…làm cho nền kinh tế ảo vượt gấp nhiều lần nền kinh tế thực (gọi là “bong bóng”kinh tế).
ü Áp dụng mô hình sản xuất và tiêu dùng sử dụng nhiều năng lượng (như phát triển các ngành công nghiệp tốn nhiều năng lượng, khuyến khích phát triển phương tiện đi lại cá nhân,…), gây ra khủng hoảng năng lượng và ô nhiễm môi trường. Cùng theo đó là việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, không có biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất và kinh doanh,…nên càng làm cho tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm.
ü Phân bố các nguồn lực, của cải, phúc lợi xã hội,… rất bất bình đẳng, ở mức độ chưa từng có (20% dân số giàu chiếm 84% của cải và các nguồn lực trên toàn thế giới, trong khi 20% dân số nghèo chỉ có 1,6%, sức mua của người giàu chiếm tỷ trọng tuyệt đối,…)làm cho mâu thuẫn xã hội càng diễn ra gay gắt (khoảng cách giàu – nghèo, thất nghiệp,…). Thương mại hóa tràn lan mọi nhu cầu thiết yếu của con người, kể cả văn hóa, giáo dục, y tế, làm cho người nghèo càng khó khăn trong đời sống, làm tăng thêm bất bình đẳng xã hội!
ü Khuyến khích lối sống tiêu thụ, hưởng lạc cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh, coi tiền là trên hết,…làm cho tệ nạn xã hội phát triển, văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng,v.v. vàv.v.
– Về bản chất thì đây là Mô hình phát triểnvì lợi nhuận, chứ không phải vì ConNgười. Toàn bộ lô gíc của sự phát triển đều tập trung vào việc thúc đẩy hoạt động vì lợi nhuận. Và điều tệ hại thêm nữa là lợi nhuận mang lại chỉ là tức thời, trước mắt, chỉ dành cho thiểu số người giàu có, còn những thiệt hại nặng nề về lâu dài thì đa số người nghèo và xã hội tương lai phải gánh chịu!
– Ban đầu, Mô hình phát triển này có thể đã có đóng góp nhất định cho sự củng cố xã hộitư bản, khắc phục những khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản, nhưng càng về sau càng tỏ ra phản tiến bộ, kìm hãm sự phát triển tích cực, và đến nay thì đã thực sự trở nên lạc hậu, phản văn minh,… và phải gọi là Mô hìnhphản phát triểnmới đúng!
– Những bất cập của Mô hình phát triển chủ đạo đã được bộc lộ ra rất rõ qua cuộc khủng hoảng tài chính -kinh tế hiện nay, khởi đầu từ Mỹ, ai cũng đều nhìn rõ.
– Liên hệ với thực trạng kinh tế-xã hội của bất cứ nước nào trên thế giới đều thấy những bất cập nói trên (và nhiều bất cập khác chưa nêu hết). Mỹ hay Trung Quốc, Anh hay Nga, Ấn Độ hay Đức, Nhật Bản hay Australia,…cũng đều vậy cả, chỉ khác nhau ở mức độ biểu hiện.
– Ở Việt Nam, dù có luôn nói rằng chúng ta đã có định hướng xã hộichủ nghĩa, nhưng thực tế Mô hình phát triển lại có dáng dấp như các nước tư bản, hiện diện đầy đủ những bất cập như trên, và có thể ở mức độ nặng nề hơn:kinh tế suy thoái (nợ xấu, lạm phát, thất nghiệp, giá cả tăng, doanh nghiệp phá sản,…), bất công xã hội, phân hóa giàu – nghèo, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, tham nhũng tràn lan, văn hóa, đạo đức suy thoái, lòng dân bất an,…Đó không phải là một Mô hình phát triển lý tưởng cần cho nhân dân Việt Nam, mà phải gọi đúng tên của nó là một mô hình kinh tế-xã hội phản phát triển. Và rất cần phải thay thế!
– Mô hình phát triển mà chúng ta cần có để thay thế phải tiến bộ và có tính thực tiễn cao, nghĩa là phải khắc phục được những bất cập nêu trên, và khả thi trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong thực trạng “hậu suy thoái” hiện nay.
– Nói cụ thể hơn về những đòi hỏi khách quancủa Mô hình phát triển mới này là:
ü Phải vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ vật chất của con người ngày càng tăng, lại vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, bảo vệ môi trường sống đang bị ô nhiễm, cho hiện tại và cho cả tương lai.
ü Phải vừa vận hành tốt nền kinh tế thị trường để phát triển sức sản xuất, lại vừa phải thực hiện được yêu cầu công bằng xã hội. Cũng theo đó là phải vừa nâng cao được năng lực sản xuất để làm ra càng nhiều của cải, lại vừa phải khắc phục được tiêu cực của khoảng cách giàu – nghèo đang doãng xa, chống lại sự gia tăng bất công xã hội.
ü Không làm căng thêm mâu thuẫn và sự đối lập giữa các giá trị vật chất thực dụng với các giá trị văn hóa, tinh thần, đạo đức xã hội. Chống lại sự tha hóa nhân cách. Điều hòa thường xuyên để làm giảm được mức độ mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân, cục bộ với lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
ü Phải đáp ứng được nhu cầu giải phóng Con Người, dân chủ hóa đời sống xã hội, chống lại sự lũng đoạn quyền lực của thiểu số người giàu có. Xóa bỏ dần sự bất bình đẳng xã hội dựa trên sở hữu kinh tế,…
– Chúng ta hãy bàn kỹ hơn về Mô hình phát triển mới này cho thật rõ ràng về các yêu cầu, xét trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị,…
– Nhưng trước hết cần phải khẳng định cho thật rõ:Lô gíc phát triển của Mô hình phát triển mới này là quan điểm phát triển bền vững, tức là phải coi mục tiêu cao nhất là vì Con Người, chứ không phải vì lợi nhuận. Sự phát triển bền vững nhằm làm cho mọi người được sống tốt, sống hạnh phúc, được sống hài hòa trong môi trường tự nhiên và xã hội tốt đẹp.
– Có thể nói rõ thêm về Mô hình phát triển mới này như sau:Về kinh tế, phải đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ nhằm phục vụ toàn xã hội chứ không phải nhằm thu lợi nhuận tối đa cho thiểu số người giàu. Có nhiều thành phần kinh tế. Thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.Về xã hội, phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đi liền với phát triển kinh tế, từng bước xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện phân phối theo lao động, bảo đảm cho mọi người được tiếp cận và hưởng thụ bình đẳng các nhu cầu cơ bản để sống tốt, đảm bảo việc làm cho mọi người, loại bỏ dần nạn thất nghiệp,… Về văn hóa, phải vun trồng, nuôi dưỡng các giá trị đạo đức, tinh thần tiến bộ, nhân văn, chống lại chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng lạc, vị kỷ,… Về chính trị, phải bảo đảm nền dân chủ đích thực, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, hệ thống chính trị phải trong sạch và vững mạnh,…
– Nếu có được một Mô hình phát triển như vậy thì thật là lý tưởng. Có thể nói đây đúng là Mô hình phát triển của sự phát triển bền vững, một khái niệm mới, được nêu ra từ năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên Hiệp Quốc, và được coi là một nội dung của Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI. Mô hình phát triển bền vững này vừa đáp ứng được đòi hỏi bức xúc trước mắt, vừa tạo tiền đề cho một sự chuyển biến kinh tế-xã hội rất căn bản trên phạm vi toàn cầu.
– Xin được nói thêm về khái niệmphát triển bền vữngtheo tinh thần Hội nghị trên của LHQ để chúng ta tham khảo trong quá trình bàn thảo về Mô hình phát triển mới:
Phát triển bền vững được xác định là một sự phát triểnthỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai.
Ba trụ cột của phát triển bền vữnglà:Bền vững về mặt kinh tế, hay phát triển kinh tế bền vững, là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng. Phát triển về mặt xã hội là công bằng xã hội và phát triển Con Người. Bền vững về sinh thái, môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống.
– Nhưng đó là cả một quá trình chuyển đổi rất khó khăn và lâu dài của thực tiễn, vì đụng chạm đến nhiều nhóm lợi ích trong các cộng đồng, ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu, không dễ có sự chấp nhận thay đổi nhanh chóng và thuậnchiều.
– Một câu hỏi đặt ra rất tự nhiên cho mỗi người là: Liệu nước ta có chấp nhận phải thay thế Mô hình phát triển lạc hậu hiện nay để áp dụng Mô hình phát triển bền vững đã nói trên không?
-Câu hỏi này, trước hết là dành cho giới lãnh đạo!
– Nhưng chắc chắn không thể không thay đổi, vì đó là qui luật của sự tiến hóa, là ước nguyện của nhân dân, là lợi ích sống còn của đất nước. Làm trái quy luật và không thuận lòng Dân sẽ càng thất bại! Đã đến lúc chúng ta không thể tự chấp nhận thái độ vô cảm và mặc kệ, cũng như không thể tha thứ cho những kẻ vô trách nhiệm và chỉ nghĩ đến vụ lợi!…
– Chủ đề này quả là rất lớn ở tầm vĩ mô. Do đó mọi người dân đều phải biết, phải có quyền được biết và được bàn! Chúng ta xin được góp một tiếng nói, với tư cách là những công dân…
Câu chuyện đầu xuân của nhóm “trí thức làng” của chúng tôi là như vậy đó. Chúng tôi lại chia tay nhau để trở về với cuộc sống đời thường ở mỗi gia đình, và hẹn nhau đến mùa xuân năm sau!…
Hà Nội – TP Hồ Chí Minh
(11/2013 – 1/2014)
S. L. & M. Â.
Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN.