Cảnh Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp về Ukraina, ngày 01/03/2014. Reuters
Ngay sau khi Nghị viện Nga bật đèn xanh cho phép Tổng thống Vladmimir Putin được quyền đưa quân sang Ukraina, các nước phương Tây đã đồng loạt lên tiếng gây áp lực, yêu cầu Matxcơva không đưa quân can thiệp vào nước này. Liên minh Bắc Đại Tây Dương – khối NATO – cũng như Ủy ban NATO – Ukraina của tổ chức này, nhóm họp khẩn cấp trong ngày hôm nay.
Hôm qua, Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga thu rút quân đang triển khai tại vùng Crimée. Trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khẳng định rằng Matxcơva vi phạm luật pháp quốc tế khi cho triển khai quân ở vùng Crimée.
Cùng với Hoa Kỳ, nhiều nước khác như Anh, Pháp, Ba Lan cũng tỏ thái độ cứng rắn. Thậm chí một số quốc gia, như Canada, còn triệu đại sứ của mình tại Matxcơva về nước.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki moon đã điện đàm với nguyên thủ Nga và kêu gọi Matxcơva tiến hành đối thoại trực tiếp với Kiev.
Tối hôm qua, Hội Đồng Bảo An đã nhóm họp phiên khẩn cấp để thảo luận về tình hình Ukraina. Tại hội nghị, đại sứ Mỹ Samantha Power đã yêu cầu Nga rút quân khỏi Crimée và đề nghị đưa quan sát viên Liên Hiệp Quốc tới đây. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An không ra được một quyết định nào.
Từ New York, trụ sở của Liên Hiệp Quốc, thông tín viên Karim Lebhour gửi về bài tường trình:
Cuộc họp này của Hội Đồng Bảo An có mục đích là làm dịu tình hình cuộc khủng hoảng Ukraina. Thế nhưng, cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc họp, Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã phải đấu tranh với Nga trong suốt hai tiếng đồng hồ để phiên họp có thể diễn ra công khai và đại sứ của Ukraina có thể tham dự và phát biểu.
Đại sứ Ukraina đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc ngăn chặn hành động xâm lược của Nga. Bị thúc ép trước nhiều câu hỏi, đại diện Nga không đưa ra lời giải thích về sự hiện diện của quân đội Nga tại vùng Crimée và cáo buộc Châu Âu, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này do đã ủng hộ phe đối lập Ukraina.
Hoa Kỳ đề nghị gửi các quan sát viên của Liên Hiệp Quốc tới Crimée. Thế nhưng, Hội Đồng Bảo An không ra một quyết định nào, vì Nga đe dọa phủ quyết.
Đối với các đồng minh của Ukraina, cuộc họp này của Hội Đồng Bảo An sẽ cho phép cô lập Nga và chứng tỏ rằng tình hình tại Crimée vẫn được theo dõi .
Nhằm phối hợp lập trường ngăn chặn Nga can thiệp quân sự vào Ukraina, ngoại trưởng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp khẩn cấp vào ngày mai. Ngay chiều nay, Ngoại trưởng Hy Lạp, nước làm Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và đồng nhiệm Anh Quốc tới Kiev để gặp các lãnh đạo mới của Ukraina.
Đ. T.