Mặt đường bê-tông rung chuyển dưới bước chân của những người lính trước sự chứng kiến của Tướng Than Shwe nhân ngày Quân lực Myanmar, phóng viên Alastair tường thuật từ Nay Pyi Taw.
Từng đơn vị đi qua trước mặt vị tổng tư lệnh trong tiếng nhạc vang rền khu duyệt binh bên dưới ba pho tượng lớn của các vị vua thời chiến.
Dấu hiệu của sức mạnh lịch sử nói lên rất nhiều về người đứng đầu 400.000 quân nhân – người canh giữ một đất nước mà quyền lực của giới chức là chuyện không thể tranh cãi, và đối lập là điều không được dung dưỡng.
Diễn văn của Tướng Than Shwe đọc trước hàng quân được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc với lời lẽ ngắn gọn nhưng quả quyết.
Luật chơi
Trong diễn văn dịch qua tiếng Anh đưa cho các phóng viên, có một phần duy nhất được in đậm đó là: “đất nước chỉ mạnh khi nào quân đội mạnh”.
Còn có thông điệp cho “các cường quốc bên ngoài… vốn thường can thiệp và lợi dụng vì quyền lợi của họ” là hãy đứng xa ra – có lẽ nhắm vào sự lên án của Liên Hiệp Quốc đối với luật bầu cử của nước này.
Lời cảnh báo cho các nhóm đối lập là đừng có “vận động không đúng hay không phù hợp” có vẻ không đi với lời hứa cuộc bầu cử sắp tới sẽ ”công bình và tự do”.
Phe đối lập trong nước và nhiều nước khác bên ngoài tin rằng cuộc tuyển cử sẽ không công bình, không tự do khi mà luật bầu cử ngăn cấm hàng ngàn tù chính trị tham gia.
Đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) chưa quyết định có ra tranh cử hay không nhưng bà đã nói rõ là không muốn đảng tham gia.
Ủy ban bầu cử do các tướng lĩnh bổ nhiệm cùng với một số điểm khó hiểu trong luật bầu cử sẽ tạo lợi thế cho các quân nhân.
Tuy vậy, việc mời phóng viên nước ngoài đến chứng kiến cuộc duyệt binh tại một nơi họ thường không đặt chân đến được có thể hiểu theo nhiều cách.
Có thể giới cầm quyền quân nhân muốn mở cửa để có được tính chính danh trong cuộc bầu cử, đồng thời muốn lấy sự kiện này làm dịp tốt để chứng tỏ sức mạnh của họ với bên ngoài, và rồi cánh cửa sẽ nhanh chóng đóng sập trở lại.
Tuy chúng tôi có thể đi lại trong thủ đô mới Nay Pyi Taw, nhưng người dân lại không dám nói chuyện. Và khi nói đến chính trị, người ta sợ đến nỗi không tìm được ai giúp phiên dịch cho chúng tôi.
Nếu bị nhìn thấy giúp phóng viên BBC, ngay cả người như tôi được mời đàng hoàng, đêm đến có thể có người đến gõ cửa nhà anh ngay, một người nói với tôi như vậy.
Vắng lặng
Nay Pyi Taw tự nó đã là một nơi lạ lùng.
Giữa những con đường trồng hoa và cây hai bên đường và những đại lộ với tám làn xe, là các tòa nhà hoành tráng của chính phủ, nằm rải rác trên đồi và thung lũng của nơi trước chỉ toàn bụi rậm cách Rangoon 402 cây số về hướng bắc.
Bên cạnh những căn nhà lộng lẫy của các sĩ quan cao cấp là một khu mua sắm bán TV màn hình phẳng, tủ lạnh, và đĩa nhạc Beatles.
Công việc xây dựng vẫn đang tiếp tục nhưng trên đường không có nhiều xe; trạm xe buýt thì không có ai đứng chờ chứ đừng nói đến xe buýt; làm cho cái thành phố giả tạo này thiếu đi linh hồn.
Thủ đô hành chính được dời về đây sau khi đã được chọn ngày lành tháng tốt, có lẽ để gây khó khăn hơn cho các thế lực xâm lăng, hoặc để xóa đi quá khứ bị đô hộ.
Có điều chắc chắn đây là ý thích của một thiểu số lãnh đạo, những người quan tâm nhiều hơn đến cơ sở hạ tầng không cần thiết và khoe khoang sự giàu sang, thay vì quan tâm đến y tế và giáo dục của người dân.
Cuộc bầu cử sắp tới có thể không công bình, không tự do dưới con mắt của phương Tây, nhưng một số nhân viên cứu trợ và nhà ngoại giao nói ít ra đó cũng là một sự thay đổi, một vài chuyển động sau nhiều năm trì trệ.
Lời của Tướng Than Shwe “chuyển đổi nhẹ nhàng qua dân chủ và kinh tế thị trường” nghe có vẻ rỗng tuếch, không có gì nhiều để lạc quan ở đây, nhưng mà ngay cả khi khả năng thay đổi là giới hạn, người ta vẫn hy vọng.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/03/100328_burmaarmyday.shtml