Hôm qua, đọc bài “Một bộ máy ‘ngốn’ 77 sân vận động Mỹ Đình” tôi rất ngạc nhiên về con số ngân sách dành cho xóa đói giảm nghèo lên đến 120,000 tỉ đồng (tức 5.5 tỉ USD), và trong số này chỉ có 36% là thật sự đến tay người nghèo, và >63% dành cho “hành chính, sự nghiệp”. Nói cách khác cứ 1 đồng đến tay người nghèo thì 10 đồng chi cho hành chính, sự nghiệp (Tác giả bài báo không ghi đường link gốc, nhưng tôi cũng tìm ra một cách dễ dàng).
Nhưng hôm nay thì có thông tin mới: theo một bạn am hiểu ngân sách VN, tổng dự chi cho xóa đói giảm nghèo năm 2014 là 6,242 tỉ đồng (tức ~ 300 triệu USD). Con số 300 triệu USD này xem ra có lí hơn con số 5.5 tỉ USD. Như vậy có lẽ nhà báo hiểu lầm đâu đó.
Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải nhà báo hiểu lầm, mà chính là bà bộ trưởng nói không rõ. Bài báo trên website Đảng Cộng sản trích lời bà bộ trưởng rằng “… từ năm 2011- 2013 nguồn lực dành cho hộ nghèo tăng lên khoảng 120 nghìn tỷ đồng/năm” (nguồn: dangcongsan.vn). Câu này được nhà báo diễn giải thành “Quỹ xóa đói giảm nghèo của VN trong giai đoạn 2011-2013 đạt mức 120 nghìn tỷ đồng/năm (khoảng 5,5 tỷ USD)”. Như vậy, chữ “nguồn lực” được diễn giải là “quĩ”.Có lẽ đó chính là hiểu lầm.
Nói nhà báo hiểu lầm cũng được, nhưng tôi lại nghĩ chính bà bộ trưởng phát biểu không rõ ràng. Tại sao không định nghĩa hay giải thích chữ “nguồn lực” là gì? Nguồn lực bao gồm những gì?Mà có giải thích thì thú thật tôi nghĩ người dân cũng chẳng cần biết (vì đó là chuyện của “các anh”). Điều mà người dân cần biết rất đơn giản: bao nhiêu tiền đã chi cho những người dân nghèo, hay tính trung bình mỗi hộ nghèo nhận được bao nhiêu tiền?
Trên mặt báo, tôi thấy có rất nhiều cách viết không rõ ràng về con số phần trăm, nhiều đến nỗi chỉ biết lắc đầu bó tay. Trong trường hợp này thì lời nói rất rõ ràng về con số tuyệt đối, nhưng chữ “nguồn lực” thì lại mù mờ. Writing is thinking – suy nghĩ mù mờ thì phát biểu cũng mù mờ.
N. V. T.
Nguồn:FB Nguyễn Văn Tuấn