Ngày 23-3-2010 Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành luật cải cách y tế Mỹ. Dẫu luật này còn gặp nhiều khó khăn do Đảng Cộng hòa nói sẽ dùng mọi biện pháp để ngăn cản việc thực hiện và cả chục bang (do đảng Cộng hòa nắm quyền) đe dọa sẽ kiện đạo luật này vi hiến, Tổng thống Obama đã có một kỳ công ngoạn mục, giữ được một lời hứa quan trọng của mình khi tranh cử.
Sau khi được thực hiện, luật này sẽ cải tổ sâu sắc xã hội Mỹ, nó là một sự điều chỉnh rất khó khăn và vô cùng lớn của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Nó sẽ đảm bảo thêm cho 32 triệu người Mỹ các dịch vụ y tế cơ bản mà họ chưa được hưởng. Đảng dân chủ đã định đưa ra đạo luật cải cách y tế từ nhiều chục năm qua nhưng đều thất bại, lần này họ đã thành công.
Trong khi các nhà nước phúc lợi châu Âu đã đảm bảo dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân từ lâu, thì hệ thống y tế của Mỹ dựa quá nhiều vào sự tự nguyện, vào thị trường, vào khu vực tư nhân nên đã khiến hàng chục triệu người không có bảo hiểm y tế.
Phúc lợi xã hội tạo gánh nặng cho nhà nước ở các nước châu Âu và đã buộc các nước này có những cải tổ hệ thống để nâng cao hiệu quả. Với đạo luật này Mỹ dường như tiến đến một nhà nước phúc lợi hơn, tiến gần hơn tới kiểu chủ nghĩa tư bản dân chủ châu Âu.
Đảng cộng hòa và các hãng bảo hiểm y tế tư nhân ở Mỹ đã phản đối kịch liệt dự luật này trong thời gian qua và sẽ tìm mọi cách để cản trở việc thực hiện nó trong tương lai. Họ có rất nhiều lý do phản đối, từ giảm quyền tự do của người dân đến lấn quyền của các bang, v.v. Nhưng một trong những lý do cơ bản là ý thức hệ. Họ mang con ngáo ộp “xã hội chủ nghĩa” ra dọa dân Mỹ, để biện hộ cho sự phản đối của họ, nói rằng luật này cho phép nhà nước can thiệp quá sâu vào lĩnh vực y tế và khiến nước Mỹ trở nên “xã hội chủ nghĩa” hơn.
Xã hội chủ nghĩa được hiểu ở mỗi nơi một khác với sự lẫn lộn khái niệm do vô tình hay hữu ý.
Nếu hiểu xã hội chủ nghĩa là nhiều dân chủ hơn, nhiều phúc lợi hơn cho người dân, là “dân giàu nước mạnh xã hội dân chủ công bằng văn minh”, thì đúng các nhà nước phúc lợi Tây Âu “xã hội chủ nghĩa” hơn Mỹ, và hơn các nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa rất rất nhiều. Có thể gọi họ là “xã hội chủ nghĩa dân chủ” nhưng thực chất họ là các nước tư bản chủ nghĩa hiện đại. Chủ nghĩa tư bản có sức sống dẻo dai, có khả năng tự điều chỉnh và đã có sự điều chỉnh rất nhiều từ chủ nghĩa tư bản man rợ thời trước Marx. Luật cải cách y tế Mỹ là một minh chứng nữa cho sự điều chỉnh như vậy.
Thực ra, tên gọi là gì cũng quan trọng (đối với hiệu quả truyền thông nếu dùng các khái niệm rõ ràng) song không quan trọng bằng thực chất là gì.
Một số trong số các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu trước kia đã chuyển hẳn sang con đường tư bản chủ nghĩa hiện đại hay “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, số còn lại (phần lớn thuộc Liên Xô trước đây) đi theo con đường tư bản man rợ.
Trung quốc rất khôn khéo đi theo con đường mà họ gọi là “chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Quốc”. Con đường mang mầu sắc Trung Quốc là gì? Xét theo việc làm chứ không theo lời họ nói, đó, thực chất, là con đường tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, khu vực tư nhân phát triển, cải cách mạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế toàn cầu. Nhà nước phúc lợi trước kia ở Trung Quốc, tuy mới chỉ dành cho số ít (trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp nhà nước) nhưng đã bị cắt giảm, bị “xã hội hóa” theo kiểu chủ nghĩa tự do Mỹ, tuy mức độ phúc lợi kém hơn nhiều. Nay Trung Quốc muốn cắt ngắn giai đoạn tư bản chủ nghĩa man rợ để phát triển chủ nghĩa tư bản hiện đại và họ đã có kế hoạch cải cách hệ thống phúc lợi, trong đó có y tế, cho số đông.
Họ chẳng bao giờ nói họ phát triển tư bản chủ nghĩa (vì nói thẳng thế không hay cho sự phát triển tư bản chủ nghĩa của họ), nhưng việc làm của họ thì chính xác như vậy, đấy là con đường nhanh nhất, hữu hiệu nhất để chấn hưng Trung Quốc. Cái chủ nghĩa thực sự thịnh hành ở Trung Quốc hiện nay là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa dân tộc. Sự vươn lên của Trung Quốc hiện nay có nét giống với sự vươn lên của Đức và Nhật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Không rõ Trung Quốc có trở thành “tư bản chủ nghĩa dân chủ” hay không? Nếu có thì đó sẽ là hồng phúc cho nhân loại; nếu không sẽ có nhiều bất trắc cho thế giới.
Nhân tranh cãi về cải cách y tế ở Mỹ, có thể thấy cả ở Mỹ lẫn Trung Quốc và nhiều nơi khác người ta vẫn dùng đến chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ để biện hộ cho sự phản đối hay thúc đẩy những cải cách nào đó. Lời nói, phép tu từ học vẫn được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để biện hộ, đôi khi che dấu những mục đích, những động cơ thực.
Học kinh nghiệm nước ngoài nên xem xét hành động thực tiễn, đừng quá tin vào ngôn từ. Cùng một từ có thể được dùng với những nghĩa khác nhau. Cứ thấy họ dùng từ giống hay gần giống mình mà làm theo cách người ta nói, người ta khuyên hay ám chỉ thì rất có thể phải mang thóc giống ra ăn.
Hãy xem họ làm gì, cách họ làm thế nào, đưa chúng vào một khung khổ khái niệm rõ ràng để có những phân tích mạch lạc và hãy đừng quá để ý đến điều họ nói. Tránh kinh nghiệm xấu, học cách làm hay và tìm cách làm cho chúng thích ứng với điều kiện của mình, sẵn sàng thử nghiệm những cách làm mới. Đấy có thể là cách khôn ngoan để cải tổ xã hội, nền kinh tế và hệ thống phúc lợi, để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, để chấn hưng đất nước.
* Bài viết đã được biên tập lại và đăng trên Tiền phong Chủ nhật, 28-3-2010. Bản ở đây là đầy đủ.