Sài Gòn từng có cuộc triển lãm lớn “CHỐNG QUÂN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC”

                     Người Sài Gòn trước 1975 hầu như ai cũng biết “Nhà Chú Hỏa”. Khu dinh thự nguy nga rộng lớn này gồm 3 tòa nhà chính, bên dưới có hầm ngầm kiên cố.

Nơi đây vào đầu mùa hè năm 1979 từng diễn ra cuộc triển lãm lớn “chống quân Trung Quốc xâm lược” do Sở VHTT tổ chức dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM và Bộ VHTT. Người viết bài này được phân công tham gia tập hợp tư liệu, biên tập đề cương, biên tập thuyết minh ảnh và cùng tất cả anh chị em trong cơ quan Phòng TTCĐ đóng tại “Nhà Chú Hỏa” ngày đêm canh giữ an toàn tuyệt đối “vòng trong cùng” của cuộc triển lãm. Bởi, theo lời thủ trưởng 8 Võ (Trần Hữu Phước), cuộc triển lãm “chống quân Trung Quốc xâm lược” năm 1979 không giống như cuộc triển lãm bên “Nhà trưng bày tội ác Mỹ ngụy” mở cửa sau 30/4/1975 không lâu – xét về mọi phương diện.

Như vậy, có thể nói, chí ít kể từ ngày 17/2/1979, trong danh sách chỉ đích danh kẻ thù nước ta, ngoài Mỹ ra, đã có thêm “quân Trung Quốc xâm lược”. Nếu có khác chăng là ở chỗ trong tài liệu được phổ biến công khai lúc bấy giờ có nêu rõ “đế quốc Mỹ là kẻ thù lâu dài, bành trướng bá quyền Trung Quốc là kẻ thù trước mắt”. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Bởi, nói gì thì nói, ai cũng biết CHXHCNVN và CHNDTH “tuy hai mà như một” do cùng chung ý thức hệ, có trở thành kẻ thù của nhau chăng cũng chỉ là sự thù hằn “trong luồng” nhất thời mà thôi, sớm muộn gì cũng (cần) đoàn kết lại vì “mục tiêu chung”. Trong khi giữa Mỹ và CHXHCNVN cũng như CHNDTH hoàn toàn khác nhau về ý thức hệ. Do vậy, Mỹ được xác định là “kẻ thù lâu dài”.

Thế thì máu xương của người VN nói chung đã đổ xuống trong hai cuộc chiến “chống Mỹ xâm lược” “chống Trung Quốc xâm lược” được nhìn nhận, đánh giá ra sao, có công bằng, bình đẳng không? Lẽ nào cùng đổ máu “chống quân xâm lược”, nhưng “chống quân xâm lược Mỹ” thì được vinh danh, tạc bia tưởng niệm”, còn “chống quân xâm lược Trung Quốc” thì bị đối xử ngược lại, bởi nguyên nhân sâu xa duy nhất mà ai cũng biết từ lâu đất nước và dân tộc bị xếp đứng dưới và đứng sau trò chơi chủ nghĩa mà chính người “cầm cái” hiện giờ cũng đã thừa nhận hết thế kỷ 21 chưa biết kết quả trò chơi này ra sao?

Tôi nhớ năm 1979, “Nhà Trưng Bày Tội Ác Mỹ Ngụy” (nay đổi tên là “Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh”) nằm trên đường Võ Văn Tần Q3 (trước 1975 là đường Trần Quý Cáp). Nơi đây từng là trụ sở một cơ quan quan trọng của Mỹ. Còn cuộc triển lãm “chống quân Trung Quốc xâm lược” tổ chức tại 97 Phó Đức Chính Q1 nguyên là “Nhà Chú Hỏa” – một người Tàu chính tông lưu lạc sang VN thuở cơ hàn rồi sinh con đẻ cái, ăn nên làm ra trở thành một trong những gia đình giàu có, quyền lực nhất Đông Dương. Cả hai địa chỉ đều có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ.

Ba mươi lăm năm đã trôi qua, cuộc triển lãm “chống quân Trung Quốc xâm lược” đã đóng cửa từ lâu, nhưng “Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh” thì vẫn còn tồn tại và nghe nói thường xuyên thu hút rất nhiều người trong nước và ngoài nước đến xem. Tuy nhiên tôi không biết ở đây có trưng bày hình ảnh, hiện vật lịch sử gì được xác định là chứng tích về cuộc chiến tranh “chống quân Trung Quốc xâm lược” nói chung ở cả hai vùng biên địa Tây Nam và phía Bắc nước ta sau 1975 hay không – bởi thực tế đã xác nhận Trung Quốc giữ vai trò chủ động, chủ công xâm lược nước ta thông qua chiến tranh đẫm máu ở hai vùng biên địa này ngay sau ngày non sông đất nước ta liền một dãi từ Bắc chí Nam. Nếu không thì quả là đáng giận. Hoặc nếu có nhưng chỉ qua loa, sơ sài thì thật là đáng buồn, đáng tiếc!

Có thể nói, dù đã được xác định “bành trướng bá quyền Trung Quốc là kẻ thù trước mắt”, nhưng công cuộc tuyên truyền “chống quân Trung Quốc xâm lược” tiến hành riêng trong năm 1979 và một số năm tiếp theo diễn ra rất quyết liệt trên diện rộng khắp mọi miền đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau vô cùng khí thế.

Cuộc triển lãm mang tên “Chống Quân Trung Quốc Xâm Lược” tại “Nhà Chú Hỏa” số 97 Phó Đức Chính đã công bố rất nhiều hình ảnh sinh động chứng minh quân đội của “đồng chí Trung Quốc” cực kỳ tàn bạo, dã man đối với nhân dân của “đồng chí Việt Nam” khi chính họ hỗ trợ “chư hầu” Khmer Đỏ cũng như khi chính họ trực tiếp xua đại quân tấn công xâm lược “nước VN anh em” trên toàn tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Đây là những hình ảnh hầu hết do TTXVN cung cấp hoặc được sao chụp lại từ các báo ND, QĐND và của một số cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế uy tín. Trong đó tôi nhớ có hình ảnh nữ dân quân trẻ tuổi Hoàng Thị Hồng Chiêm đang hiên ngang cầm súng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Tấm hình này gợi nhớ tấm hình o du kích năm xưa chĩa súng vào tên lính Mỹ cao lêu khêu bị bắt làm tù binh từng được coi như một biểu tượng của cuộc “chống Mỹ cứu nước”.

Nếu tôi nhớ không lầm, cuộc triển lãm “chống quân Trung Quốc xâm lược” đã thu hút hơn 350 ngàn lượt người đến xem, đông nhất là vào những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu triển lãm mở cửa. Trong khi ngay sau đó không lâu cũng tại “Nhà Chú Hỏa” cuộc triển lãm “Lê-nin với thời đại” được tổ chức với nhiều hình ảnh màu, phụ kiện rất đẹp, rất tân kỳ được mang từ Nga sang nhưng chỉ thu hút vỏn vẹn có…30 lượt người vào xem. Hầu như tất cả Ủy viên Bộ Chính Trị khóa IV (ngoại trừ Hoàng Văn Hoan) đều có đến xem triển lãm “chống quân Trung Quốc xâm lược” tại “Nhà Chú Hỏa” 97 Phó Đức Chính Q1 năm 1979. Vị nào cũng xem rất chăm chú từng hình ảnh và đều ngỏ lời khen ngợi cuộc triển lãm đã góp phần phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cả nước lúc bấy giờ.

Vậy, còn bây giờ thì sao? 35 năm đã trôi qua, “kẻ thù trước mắt” trong năm 1979 được chỉ đích danh có còn là “kẻ thù” nữa không khi biển Đông đang dậy sóng bành  trướng bá quyền khiến cả thế giới quan tâm và quần đảo Hoàng Sa của nước ta vẫn đang tiếp tục bị “đồng chí mình” chiếm giữ một cách phi lý? Thử hỏi giữa “kẻ thù trước mắt” “kẻ thù lâu dài”, kẻ thù nào hiểm độc hơn, nguy hiểm hơn – xét về lâu dài và xét từ thực tế ai cũng biết trong suốt 35 năm qua?

Câu hỏi này thiển nghĩ chỉ có thể tìm ra lời đáp thuyết phục khi biết đặt quyền lợi dân tộc và sự toàn vẹn đất nước lên trên hết. Suy cho cùng, câu nói “dạy cho VN bài học” của Đặng Tiểu Bình gắn liền sự kiện ngày 17/2/1979 Trung Quốc ngang nhiên xua đại quân xâm lược nước ta, cuồng sát nhân dân ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc là hành động tiếp nối của chuỗi dài lịch sử 1000 năm giặc Tàu theo đuổi âm mưu thôn tính, đô hộ nước ta như một lời nguyền. Vì vậy, có thể nói được chăng, trong thực tế số đông nhân dân VN đều đã hiểu ngược lại: “kẻ thù trước mắt” mới đích thực là “kẻ thù lâu dài”. Những hình ảnh, cứ liệu công bố tại cuộc triển lãm “Chống quân Trung Quốc xâm lược” được tổ chức tại “Nhà Chú Hỏa” số 97 Phó Đức Chính Q1, TPHCM cách đây 35 năm chưa hề nhạt phai trong tâm trí rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nguồn gốc lý lịch khác nhau. Bởi, trong suốt 35 năm qua, cuộc xâm lược này vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thái, biện pháp khác, nếu không nói hiểm ác hơn hình thái, biện pháp quân sự đã được “đồng chí mình” triển khai kéo dài trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 17/2/1979 – ngày mà người VN nào cũng nhớ, không bao giờ quên.

N.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in biên giới. Bookmark the permalink.