“HAI MẶT” CỦA KINH TẾ TRÍ THỨC

Đây là bài viết góp ý cho Hội thảo “Phát triển kinh tế tri thức Việt Nam” đến năm 2020 và tầm nhìn tới 2030 do giáo sư – viện sĩ Đặng Hữu,  nguyên Trưởng ban Khoa giáo, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp nhà nước) chủ trì. 

Theo quy luật tiến hoá thì nhân loại tích luỹ tri thức . Chuyên gia Vũ Quang Việt cho rằng  việc tìm hiểu về phát triển kinh tế trong bối cảnh thay đổi của lịch sử tư tưởng, chính trị và công nghệ là điều không những thú vị mà còn giúp thấy được sự ảnh hưởng qua lại giữa điều kiện phát triển kinh tế và tư tưởng.

Từ năm 1960, sau hội nghị giữa National Bureau of Economic Research và The Economic History Association ở Mỹ, việc phát triển và ứng dụng lý thuyết kinh tế và phương pháp lượng học vào nghiên cứu lịch sử được đặt ra. Chính điều này đã dẫn Douglas C. North, giải Nobel kinh tế năm 1993, người tự coi là bị chủ nghĩa Marx ảnh hưởng, đã đi đến kết luận là lý thuyết kinh tế tân cổ điển không thôi không giải thích nổi lý do tại sao nhiều nền kinh tế tiếp tục đình đốn hoặc không phát triển được trong một thời gian lâu dài. Phải tìm đến vai trò của tư tưởng, ý thức hệ, thói quen suy nghĩ đối với việc tồn tại lâu dài của một thể chế không hữu hiệu. Sự kết hợp giữa nghiên cứu thể chế, tư tưởng và kinh tế đòi hỏi sự lượng hoá kinh tế.

Chúng tôi hiểu kinh tế tri thức không phải là vấn đề mới. Kinh tế tri thức bao gồm giáo dục, kỹ thuật, phương pháp quản lý (doanh nghiệp và xã hội). Kinh tế tri thức được biểu hiện trong cái gọi là multi-productivity, chỉ có thể đo được bằng cách loại trừ mọi ảnh hưởng khác như tăng lượng lao động, vốn (máy móc và tài nguyên thiên nhiên). Như vậy là nó có sai số. Trong thời gian IT ra đời người ta nói đầy rẫy về ảnh hưởng không lường được của cái gọi là kinh tế mới hay kinh tế trí thức. Nhiều nhà kinh tế thì thấy chúng cũng bình thường, không thấy sự nhảy vọt của năng suất nói trên. Thị trường chứng khoán của các công cụ này,  sau đó sụp đổ.

Chính sách, giải pháp xây dựng bốn trụ cột của nền kinh tế tri thức ở Việt Nam là : thể chế môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống đổi mới, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Trong 4 trụ cột phát triển kinh tế trí thức mà ban tổ chức hội thảo nêu ra ở trên, còn thiếu hẳn “trụ cột cái” là thể chế chính trị dân chủ. Chừng nào chưa chuyển đổi được từ toàn trị sang dân chủ thì mọi biện pháp phát triển kinh tế trí thức đều bị cản trở, cố gắng lắm cũng chỉ có những kết quả rất hạn chế. 

I. TRI THỨC VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

Phạm trù kinh tế tri thức ra đời vào năm 1995, do tổ chức ODCP đưa ra. Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử loài người thì phải nhận biết rõ rệt hơn, con người là một sinh vật biết suy nghĩ nên phát triển vượt bậc khác với các sinh vật khác. Phương Tây đã có nhà triết học xác định con người là một cây sậy yếu ớt nhưng biết suy nghĩ (Un roseau pensant). Như vậy, quá trình phát triển của loài người cũng là quá trình phát triển của trí tuệ, của tri thức. Quá trình này đi từ bản năng, kinh nghiệm tích lũy được dần phát triển đến trình độ nhận biết và vận dụng được các quy luật của tự nhiên và xã hội để thực hiện quá trình tự tái sản xuất mở rộng, dẫn đến trình độ như hiện nay.

Phát triển tri thức trong lĩnh vực nhận biết và vận dụng các quy luật của tự nhiên, loài người đi từ biết sử dụng các gậy gộc để đi đến thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, … tiến tới trình độ cơ giới hóa và tự động hóa như hiện nay. Trong lĩnh vực nhận biết và vận dụng các quy luật xã hội, loài người đã trải qua các phương thức sản xuất khác nhau, đi từ chế độ xã hội cộng đồng nguyên thủy, qua chế độ xã hội nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa để rồi tiếp tục phát triển sang một chế độ xã hội cao hơn mang tính chất vòng xoáy ốc.

Trong quá trình nhận biết và vận dụng các quy luật khách quan đó, đứng về mặt kinh tế, con người đã từng xác định thời gian cấm rừng, cấm đánh bắt cá vào các mùa sinh sản, đã biết lợi dụng năng lượng của nước, của gió, … để đi tới sử dụng máy hơi nước, rồi biết sử dụng điện năng và phát hiện nhiều nguồn năng lượng khác có thể chuyển hóa thành điện năng. Với các loại khoáng sản cũng có tình hình tương tự như vậy. Quá trình đi tới nền văn minh nông nghiệp cũng là quá trình chuyển từ kinh tế lượm hái sang kinh tế trồng trọt, từ kinh tế săn bắt sang kinh tế chăn nuôi. Quá trình này, tri thức của loài người đã từ bản năng và kinh nghiệm để đi tới nhận biệt các quy luật của di truyền để chọn lọc, lai tạo các loại giống cây trồng và vật nuôi (thậm chí cả đối với bản thân con người qua việc quy định cấm hôn nhân cận huyết thống) do đó công nghệ gien, được coi là một thành tựu mới của khoa học kỹ thuật sinh học cũng chỉ là bước phát triển của tri thức mà loài người đã tích lũy được.

Song trong quá trình nhận biết và vận dụng các quy luật của tự nhiên, loài người cũng phạm những sai lầm nghiêm trọng vào kéo dài đến ngày nay. Tuy nhận biết sai lầm đó nhưng vẫn chưa thống nhất được cách khắc phục. Có thể nêu một vài trường hợp cụ thể trong một lĩnh vực quan trọng sau đây :

Trong lĩnh vực năng lượng, việc phát minh máy hơi nước và chuyển lên thành máy phát điện đã dẫn đến hoàn thiện công nghệ này và được hiệu suất sử dụng ngày càng cao nên đem lại nhiều hiệu quả kinh tế. Thế nhưng con đường đó cũng đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng khoáng sản, dầu khí, gây ô nhiễm môi trường, … Thế giới và Việt Nam đã đi vào con đường phát triển thủy điện nhưng bên cạnh mặt lợi ích, vẫn có những mặt hạn chế, tác hại và VN đã nếm mùi dẫn đến phải loại khỏi quy hoạch hàng trăm đề án thủy điện. Trong điều kiện đó, có thể nói là vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học đã tìm kiếm và sáng tạo ra công nghệ sản xuất điện năng từ năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, …. và nổi bật là năng lượng nguyên tử. Trong các nguồn năng lượng mới đó, năng lượng nguyên tử được nghiên cứu ứng dụng từ vào lĩnh vực ý tế sau đó được tập trung vào nhiệm vụ phục vụ chiến tranh dẫn đến việc sản xuất các loại bom nguyên tử, bom kinh khí, … Từ thành tựu của việc nghiên cứu sử dụng năng lượng nguyên tử đó, các nhà đầu tư đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế với việc đầu tư phát triển các nhà máy điện nguyên tử, sử dụng uranium, nguyên liệu được dùng để chế tạo các vũ khí nguyên tử.

Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và khẳng định khả năng sử dụng plutonium vào sản xuất điện năng với độ an toàn hơn, thời gian tan rã các thanh nhiên liệu này ngắn hơn và đặc biệt là không thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Thế nhưng để chuyển sang việc sử dụng nguyên liệu mới đó thì đỏi hòi vừa phải đầu tư để vừa tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiên công nghệ mới, vừa phải nghiên cứu chuyển đối các nhà máy hiện có sang sử dụng nhiên liệu mới nên các nhà đầu tư không sẵn sàng thực hiện việc chuyển đổi sang công nghệ mới và nhiều Chính phủ cũng không mặn mà đầu tư hỗ trợ việc chuyển đổi này. Đối với việc sử dụng năng lượng thủy triều cũng có tình hình tương tự. Mãi gần đây, nước Anh mới tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới và nếu thành công trong vận hành thì sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng gây ô nhiễm và không có khả năng tái sinh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thế kỷ XX đã triển khai việc phát triển công nghệ hóa học để hóa học hóa nông nghiệp. Quá trình này cũng đã tạo bước phát triển vượt bậc của nông nghiệp song cũng để lại nhiều di hại như làm cho đất bị suy thoái vì không được bổ xung nguồn phân hữu cơ tạo độ phì của đất, dẫn đến việc ô nhiễm môi trường và tiêu diệt nhiều loại sinh vật cộng sinh, kể cả sinh vật có hại và có lợi.  Phải hàng chục năm sau, chúng ta mới bắt đầu thấy và ngấm tác hại của con đường hóa học hóa nông nghiệp. Trong khi đang phải khắc phục tổn hại của con đường hóa học hóa nông nghiệp thì ngày nay lại đang rộ lên vấn đề công nghệ biến đổi gien, coi đây là một mũi nhọn của kinh tế trí thức trong nông nghiệp. Thế nhưng, cũng trên thế giới đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ, tác hại của công nghệ biến đổi gien nhưng các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực này lại đang tích cực lobby để tác động đến đường lối hiện đại hóa nông nghiệp, bất chấp lời cảnh báo về tác hại của giống biến đổi gien.

Kinh tế tri thức không phải là vấn đề mới

Xuất phát từ nhận thức trên, có thể thấy vấn đề vận dụng tri thức vào lĩnh vực phát triển kinh tế là một tất yếu khách quan đã được thực hiện từ hàng ngàn năm nay (nếu không muốn nói từ lâu hơn nữa) nên không phải là một vấn đề mới. Song trong quá trình đó, chúng ta cũng đã phạm sai lầm nghiêm trọng kéo dài dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng mà ngày nay thế giới đã phải công nhận và tìm cách khắc phục.

Do đã nhận thức được các mặt trái của quá trình vận dụng các quy luật khách quan nên đến nay, trên thế giới đã hình thành phong trào đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với phát triển kinh tế xanh, công nghệ sinh thái, … phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển môi trường. Phải chăng vì nhận biết được sự cần thiết cần phải điều chỉnh cách vận dụng các quy luật khách quan theo một chiều hướng mới để khắc phục những sai phạm nghiêm trọng kéo dài nên OPCD đề xuất khái niệm kinh tế tri thức? Do đó, phải chăng khi nói đến kinh tế tri thức  là phải nói đến nhiệm vụ điều chỉnh cách vận dụng các quy luật khách quan để khắc phục vết xe đổ mà nhân loại đã mắc phải?

Xã hội nào cũng có tri thức

Xã hội nào cũng có tri thức, ngay cả xã hội ăn lông ở lỗ. Tri thức kiểu đó chỉ là kinh nghiệm được đúc kết lại. Người ta, sau đó có thể làm ra thuốc súng, làm ra giấy nhưng chỉ là những khám phá bất ngờ không hiểu nguyên lý. Những kinh nghiệm xã hội biến thành tôn giáo, tư tưởng cổ lỗ học ở khắp mọi nơi đã kìm tỏa sự phát triển của thế giới cả mấy nghìn năm.

Cho đến khi tri thức đạt được sự thay đổi đột biến. Đó là khi thoát khỏi vòng kìm tỏa của tôn giáo và tư tưởng cổ lỗ, thời đại khoa học đã mở ra đi tìm ra các nguyên lý hay các qui luật của khoa học (về đủ mọi ngành nghề) và trên cơ sở đó phát triển các sản phẩm, công cụ hay phương pháp sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động phát triển kinh tế, đồng thời quản lý và điều hòa quyền lợi cũng như quyền lực của các nhóm quyền lợi khác nhau trong xã hội.

Như thế, trên cơ sở tinh thần khoa học, mọi vấn đề, mọi cái tưởng dù đã được coi là nguyên lý đều có thể bị đặt lại. Xã hội nào xây dựng được thể chế chấp nhận việc đặt lại vấn đề, cho phép tự do tư tưởng và học thuật, và có cơ hội phát triển sáng kiến thì xã hội đó sẽ tiến nhanh chóng. Xã hội nào đi ngược lại thì rốt cuộc bị buộc chân vào những huy hoàng của quá khứ và thoái hóa.   

Kinh tế trí thức và chuyên chính vô  sản

Theo GS Nguyễn Lang, không chỉ có chuyên chính vô sản mà chế độ xã hội nào, nhà nước nào cũng đểu thực hiện sự chuyên chính của giai cấp cầm quyền. Dưới chế độ nô lệ, đụng đến nhà nước nô lệ, đến chuyên chính của giai cấp chủ nô có được không? Dưới chế độ phong kiến, đụng đến nhà Vua  thì đứng trước nguy cơ tru di tam tộc. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa đụng đến nhà nước của giai cấp tư sản  và lợi ích của giai cấp tư sản có được không ? Vấn đề nợ trần của Mỹ là một dẫn chứng cụ thể. Các cuộc cách mạng màu, cách mạng mùa xuân Ả rập, và các cuộc nội chiến ở Syrie, Ai cập, … đều mang tính chất chuyên chính của một giai cấp, của một nhóm người cụ thể.

Mặt khác, nếu giai cấp cầm quyền không có chú trọng thỏa đáng đến lợi ích của nhân dân thì trước sau cũng bị nhân dân phế truất. Nhìn  vào lịch sử Việt Nam  (cũng như Trung Quốc) sẽ thấy nguyên nhân dẫn đến thay đổi triều đại trị vì. Cón nhìn vào Tây Âu thì cũng thấy chế độ chuyên chính của giai cấp phong kiến + áp đặt chế độ thần quyền là nguyên nhân dẫn đến thời đai phục hưng, cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng tư sản dân quyền. Điều đó liên quan đến việc chế độ chuyên chính bị tha hóa.

Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy là có mối liên kết giữa các giới giang hồ với một số chính giới làm rối loạn quan hệ giữa nhà nước và người dân. Thông tin mới nhất từ EU cho thấy tham nhũng đã làm nền kinh tế EU bị thiệt hại với khối lượng tương tự ngân sách EU..

Cũng phải nói thêm là khi đã có một khối đông cá thể cùng sinh sống thì cần có chế độ mà F. Ăng ghen gọi là quyền uy và đã dẫn chứng là trên một con tàu vượt đại dương, mọi người trên tàu phải phục tùng lệnh chỉ huy của thuyền trưởng… Còn Mác thì nói một dàn nhạc thì phải có nhạc trưởng. Điều đó không phủ định hoạt động có sáng tạo, chủ động của mọi người dưới quyền. Bản thân chúng ta, khi thực hiện giao thông thì đều phải đi bên phải và tuân thủ luật giao thông. Do đó F.Ăng ghen kết luận là nếu xóa bỏ quyền uy trong công nghiệp thì chẳng khác nào xóa bỏ nhà máy sợi để quay về cái xa quay tơ.

Thể nhưng tập trung quyền lực, thực hiện quyền uy phải bảo đảm thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ (tập trung một cách dân chủ chứ không phải là vừa tập trung, vừa dân chủ).

Do đó, đề nghị xem xét lại vấn đề chuyên chính vô sản, đặt trong thực trạng chuyên chính chung trong lịch sử và trong vấn đề tha hóa chuyên chính đó vì tập trung vào phục vụ  lợi  ích của một nhóm người, bất chấp quyền lợi của đa số nhân dân.

Bất cứ sự phát triển nào cũng cần có cơ chế hãm để không đi quá đã. Rõ nhất là các soupape của nồi hơi, các relais trên đường dây điện.        Do đó, khi giao quyền lực cho một người (hoặc nhóm người) thì cũng cần có cơ chế hãm để không dẫn đến việc làm dụng quyền lực. Một số trong những cơ chế hãm đó là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện cơ chế giám sát và phản biện xã hội.

Trí thức là người có khả năng nhận biết các quy luật của tự nhiên, xã hội để từ đó vận dụng quy luật đó để đảm bảo nhu cầu, lợi ích của người (hoặc nhóm người) cụ thể.Vì thế nên cũng cần thấy là người trí thức cũng còn là người mang bản chất giai cấp cụ thể. Ngay từ dưới chế độ nô lệ đã có những nhà trí thức và nhận thức về thế giới quan trong chừng mực nhất định bị chi phối bởi điều kiện lịch sử xã hội đương thời. Dưới sự áp bức, đè nén của chế độ phong kiến và chế độ thần quyền của giáo hôi, tại các nước châu Âu, xuất hiện vai trò của lớp người trí thức dẫn đến thời kỳ phục hưng, đến cách mạng công nghiệp và cách mạng xã hội. ..

Từ đó có thể đặt câu hỏi :

– Đội ngũ cán bộ chiến lược của chúng ta còn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân không hay đã bị tha hóa ở những mức độ nhất định?

–  Các nhà trí thức là bộ phận cấu thành chủ yếu của đội ngũ cán bộ chiến lược này, trên thực chất, là đứng trên lập trường của giai cấp nào để tham gia vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch..

Theo chúng tôi hiểu, quan điểm ban đầu của Mác coi Nhà nước là công cụ thống trị của giai cấp cầm quyền, do đó giai cấp vô sản phải dùng bạo lực lật đổ nhà nước tư sản và thực hành chuyên chính vô sản. Lênin từng nói : Chuyên chính vô sản là hòn đá thử vàng xem ai thực sự là mác-xít. Đến cuối đời (1883), Mác nói trong lần góp ý về cương lĩnh của Đảng công nhân Pháp: phổ thông đầu phiếu từ chỗ là thủ đoạn của giai cấp tư sản cầm quyền nay có thể là phương thức mà giai cấp lao động sử dụng để giành chính quyền.

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, dân trí ngày càng được nâng cao, đặc biệt là tinh thần sáng tạo (kinh tế tri thức)  của tầng lớp trí thức, không chỉ về khoa học-công nghệ (tự nhiên, ký thuật) mà cả về kinh tế-xã hội mà tư tưởng chủ đạo là thực thi dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Quan điểm về “Khế ước xã hội”, về “Tam quyền phân lập” vv… ngày càng được nhiều người ủng hộ và phát triển thêm, đẩy lùi lý thuyết coi Nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của giai cấp thống trị. Lập trường của Engels khi thành lập Quốc tế thứ hai theo chủ nghĩa xã hội-dân chủ (đúng ra phải gọi là dân chủ xã hội, với dân chủ là chủ ngữ) có sức sống cho đến ngày nay với phong trào Quốc tế xã hội gồm gần 150 Đảng, trong đó khoảng 50 đảng có vai trò cầm quyền hoặc tham gia cầm quyền. Một thực tế được thế giới công nhận là những nước thực hành chủ nghĩa xã hội-dân chủ (khác hẳn chủ nghĩa xã hội toàn trị mang danh chuyên chính vô sản), điển hình là mấy nước Bắc Âu, được coi là những nước mà xã hội phát triển cao và người dân thực sự được tự do hạnh phúc nhất

Một số nước không đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, kể cả một số nước còn duy trì vai trò của vương quyền (Nhật, Anh, Thái Lan, Malaysia..) nhưng thiết lập và không ngừng hoàn thiện thể chế dân chủ, bảo đảm nhân quyền thì vẫn là những nước phát triển, chăm lo an sinh xã hôị hơn hẳn mấy nước theo chế độ toàn trị, đặc biệt là những nước do Đảng cộng sản cầm quyền.

Thực tế ở nước ta cho thấy rõ “chế độ toàn trị của Đảng cộng sản” (thực chất là của giới cầm quyền nhân danh Đảng cộng sản và giai cấp công nhân) là nguyên nhân cơ bản khiến cho đất nước bị tụt hậu, xuống cấp về mọi mặt như ngày nay. Vì vây, nguyện vọng của “kẻ sĩ” cùng với đông đảo nhân dân là phải làm sao chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa, không dùng bạo lực, tránh đổ máu. Muốn vậy, phải gạt bỏ trở ngại đầu tiên về tư duy coi “chuyên chính của một giai cấp” là tất yếu.

II.  NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC VIỆT NAM

Trong quá trình phát triển kinh tế VIệt Nam, nhất là từ khi bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế (mở đầu từ sau khi giải phóng miền Bắc), chúng ta tuy đã có những bước phát triển, đưa nước ta ra khỏi nhóm các nước kém phát triển nhưng trong quá trình đó, đã đi vào “vết xe đổ” mà thế giới đã mắc phải.  Do đó, phải chăng nhiệm vụ phát triển kinh tế trí thức Việt Nam mang nội hàm điều chỉnh lại chiến lược, quy hoạch chính sách phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nề kinh tế nói chung? 

Cơ hội và thách thức đối với VN

– Cơ hội đối với chúng ta thể hiện trên hai bình diện chủ yếu. Về phương diện khách quan, nước ta đã phá thế cấm vận của đế quốc Mỹ và trên thế giới việc nghiên cứu triển khai những công nghệ mới và điều chỉnh cơ chế vận hành nền kinh tế cũng đã có nhiều tiến bộ. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta có thể thực hiện phương châm đi tắt, đón đầu để tiếp cận với những công nghệ mới và cơ chế quản lý mới. Về phương diện chủ quan, Đường lối của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh tạo điều kiện cho chúng ta thoát khỏi vết xe đổ của quá trình phát triển trước đây để tiếp cận và vận dụng các công nghệ mới, cơ chế quản lý mới ở cả tàm vi mô và vĩ mô.

– Thách thức đối với Việt nam cũng thể hiện trên hai bình diện đó. Cụ thể là các nước có xu hướng chuyển giao công nghệ cũ cho Việt nam (và các nước chậm phát triển khác) để thay thế bằng công nghệ mới. Do đó đã có lời cảnh báo là Việt Nam có thể trở thành bãi rác công nghệ phế thải của thế giới. Thực tế là trình độ công nghệ của nền kinh tế nước ta đã lạc hậu hàng vài ba thế hệ so với các nước trong khu vực. Mặt khác, với một số công nghệ hiện đại tuy đã phát triển nhưng chưa có điều kiện đánh giá đúng mức mặt tích cực và mặt tiêu cực, chẳng hạn như công nghệ biến đổi gien, các tập đoàn kinh tế nước ngoài đang lobby để đưa vào sản xuất rộng rãi ở nước ta. Mặt khác là các tệ nạn tiêu cực xã hội trong lĩnh vực đầu tư cũng là một trong nhứng nguyên nhân tạo sự thách thức nghiêm trọng đối với việc đầu tư đi đón đầu trong việc phát triển kinh tế tri thức.

Về phương diện này, chỉ xin nhắc lại kết luận của Hội nghị TƯ 3, Khóa XI (Văn kiện trang 41)  là “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối.”

Đây là vấn đề liên quan đến phẩm chất và năng lực của đội ngũ quản lý (các CEO) và bộ máy giúp việc. Ngoài ra, còn phải thấy rõ hơn một thách thức chủ quan bắt nguồn từ việc ngân sách cũng như vốn của các doanh nghiệp VN còn nhỏ bé, lại không có sự liên kết với nhau một cách thích hợp nên không đủ nguồn vốn đầu tư cần thiết để tiếp nhận các công nghệ mới, thay thế công nghệ cũ và hiện đại hóa cơ chế vận hành, quản lý từ cấp vi mô đến cấp vĩ mô của nền kinh tế.

Ngoài ra, thách thức đối với Việt Nam là không có bất cứ 1 công ty hay một nhóm đứng ra tổ chức để làm cầu nối giữa các venture capitalist (người có tiền) và người có sáng kiến. Israel là một đất nước có tỷ lệ công ty khởi nghiệp được thành lập trên dân số cao nhất so với các quốc gia khác. Trung bình có 1 công ty khởi nghiệp/2.000 dân.

Trung tâm khởi nghiệp quốc gia Israel cho biết: 3 yếu tố trực tiếp dẫn đến khởi nghiệp thành công là chính sách của chính phủ, sự năng động của công dân (trong đó có dân nhập cư) và sự đóng góp của môi trường quân đội. Theo nghiên cứu của nhà báo Kim Hạnh http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140209/bi-quyet-thanh-cong-cua-cong-ty-khoi-nghiep-israel.aspx  thì yếu tố đóng góp sâu sắc, căn cơ nhất chính là do nền giáo dục, do quá trình tạo dựng “gien cơ bản” cho tinh thần khởi nghiệp trong mỗi công dân nước này.

Theo chúng tôi hiểu, cái cầu nối này cần có:

– Kinh nghiệm đánh giá dự án hay ý tưởng, gạt ra những gì viển vông, như vậy cũng cần những người chuyên môn, hiểu thị trường.

– Hiểu biết về luật pháp (hoặc cần có luật sư) thảo ra các hợp đồng bảo vệ người sáng tạo, vừa bảo vệ sáng kiến, vừa bảo về quyền hưởng thụ của họ. Người có tiền chủ yếu muốn làm giầu và đồng thời muốn vắt chanh người sáng tạo. Có ý kiến cho rằng venture capitalist được hưởng khoảng 5% cổ phần gì đó thôi. Thời gian thử nghiệm có hạn, sau đó chia tay nếu không thành công (vì nhiều lý do, một trong hai lý do quan trọng là người venture capitalist không chịu tiếp tục bỏ thêm tiền, còn lý do khác là sáng kiến tồi), nhưng khi đó quyền sáng kiến được bảo vệ đến lúc nào, mức nào.

– Phân biệt rõ ràng giữa phát triển sáng kiến thành sản phẩm và việc mua sản phẩm đã làm rồi . Đây là 2 hướng tác nghiệp khác nhau. Hướng sau không thể gọi là cầu nối sáng tạo, mà là các hành động take-over những công ty đã có sản phẩm nhưng không biết quản lý, không biết marketing.

– Về vấn đề khởi nghiệp, chúng tôi nghĩ một nhóm tư nhân hoàn toàn có thể đứng ra tổ chức làm cầu nối giữa người có ý tưởng sáng tạo và người có tiền muốn đầu tư rủi ro.  Nhóm phải tổ chức những cuộc gặp gỡ thường xuyên. Nhóm có thể đánh giá sơ bộ ý tưởng của người sáng tạo và chọn lựa các dự án được trình bày trong các cuộc gặp gỡ, hướng dẫn việc sửa soạn ý tưởng dự án và thử nghiệm ban đầu (ngân sách), thiết lập các nguyên tắc cơ bản trong việc hưởng cổ phần của người bỏ tiền đầu tư và quyền của người sáng tạo.  Một tổ chức như thế có thể là một công ty phi vụ lợi được chính phủ tài trợ, hoặc là một công ty vụ lợi ăn hoa hồng (%)  trên số vốn bỏ ra, hay được trả bằng cổ phần trong công ty khởi nghiệp.

– Theo thông tin http://www.theatlantic.com/international/archive/2014/02/can-vietnam-create-the-next-silicon-valley/283760/  được biết đã có người bắt đầu khởi động hoạt động sáng tạo và có sự đóng góp của Bộ Khoa học và Công nghệ.

According to Linh, the Ministry of Science and Technology has earmarked $3 million for the project, as well as $50 million per year for “the application of technology through startups” and $100 million to develop the tech industry through a joint project with the World Bank. Đây là dự án của Bộ, chỉ tập trung vào IT,  huấn luyện, giúp làm đề án, tạo cơ hội gặp gỡ vv…

Theo tài liệu http://siliconvalley.com.vn cho thấy họ đi đúng hướng, chứ không nhằm xây các khu công nghệ cao như hồi xưa. 

Bài học kinh nghiệm

Nhiều bài viết trước đây, tôi đã đề cập đến kinh thế tri thức liên quan đến tài nguyên nước , môi trường  và nông nghiệp.  Thảo luận với GS Phạm Gia Khai, tôi lĩnh hội về kinh tế tri thức trong ngành y rất đáng suy ngẫm.  Một bộ phận của khoa học kỹ thuật trong y học, không thể thiếu vắng, mà nếu bị ngưng trệ sẽ kéo theo sự ngưng trệ to lớn hơn trong y học và nhiều ngành có liên quan.

Phương pháp tiếp cận khoa học: Ở đây có sự giao thoa giữa phương pháp luận hiện đại với khoa học chuyên ngành. Cách học ở Liên xô cũ có điểm tốt là giúp học viên tích lũy nhiều nguyên lý. Học ở Hoa Kỳ có điểm tốt là trình bày một vấn đề có thảo luận tự do, không bị gò bó trong bất kỳ một khuôn khổ nào, nhưng đồng ý hay phản bác bất cứ một vấn đề gì cũng phải có chứng cứ cho lập luận của mình.

Các đồng nghiệp Hoa Kỳ cho biết là theo họ nhận xét, các trường Đại học ở  Mỹ khác nhau chủ yếu là ở “phần mềm”, và phần mềm là ở đây, người thầy có vai trò quan trọng là phát triển và giúp đỡ học viên phát triển phần mềm đó. Một chi tiết nên chú ý: Phương pháp thống kê của mỗi chuyên ngành là quan trọng, có một bạn Pháp kể lại truyện: Một bác sĩ trình bày một vấn đề ở Montreal, Canada, không nói tới giá trị của công trình qua kiểm nghiệm thống kê, kết quả: Thính giả bỏ ra về.

Học những vấn đề giúp giải quyết những yêu cầu của thực tế cuộc sống

Theo GS Phạm Gia Khai với  kỹ thuật thích hợp trong điều kiện của nước ta, ví dụ trong y học lâm sàng, thấy chẩn đoán các tổn thương tim mạch bằng siêu âm là có lợi, không những cho tim mạch, mà cho nhiều chuyên khoa khác, và cuối cùng, kỹ thuật siêu âm đã được áp dụng thường qui trong tất cả các bệnh viện của nước ta, trở thành tiếng nói chung cho các thầy thuốc lâm sàng không những của VN, mà cả với thế giới nữa.

Tim mạch can thiệp cũng vậy (interventional cardiology). Gs Phạm Gia Khai đã giúp nong rộng, đặt giá đỡ (stent) cho động mạch vành bị hẹp, nong rộng van hai lá bằng bóng qua da, triệt phá các ổ phát sinh loạn nhịp tim với năng lượng radio, bít các luồng thông bất thường giữa các buồng tim. Toàn quốc đã phát triển ngành này, giúp VN có vị trí trong khu vực.

Kết hợp các chuyên ngành với nhau

Trong tim mạch: lâm sàng nội khoa kết hợp với tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch với tuần hoàn ngoài cơ thể, đã đưa ngành tim mạch VN lên vị trí xứng đáng trong nước và khu vực, tạo điều kiện cho chúng ta hòa nhập thế giới, tiến bộ không ngừng.

Cần có sự liên thông giữa các ngành khoa học, vật lý, hóa học, sinh vật học, cho nên,  người cán bộ khoa học, một mặt phải có chuyên sâu, mặt khác, phải có kiến thức chung, giúp đỡ nhiều cho chuyên ngành của mình, và cuối cùng, cho đối tượng phục vụ là xã hội.

Vì không hiểu rõ về sự nguy hiểm của cộng hưởng từ hạt nhân (Magnetic resonance imaging) khi tiếp xúc với kim loại, nên đã có trường hợp thầy thuốc chỉ định thăm dò tim mạch với cộng hưởng từ hạt nhân trên một người đã đặt stent động mạch vành, kết quả: Stent bị di lệch, gây tai biến cho người bệnh, đó là kinh nghiệm của VN, còn theo y văn gần đây: Tại Trung Quốc  ở một bệnh viện phẫu thuật, bỗng phát ra một tiếng nổ lớn ngay trên bàn mổ một nữ bệnh nhân chướng bụng do ăn uống nhiều quá, trong hơi dạ dày của người bệnh này có rượu, khi tiếp xúc với dao điện, tia lửa điện gây tiếng nổ và hỏa hoạn ngay tại phòng mổ.

Cần thiết phát triển mạng lưới

 Công việc này giúp xác định các nhóm, các cá nhân, thực sự có khả năng làm được một số việc có lợi cho sự hợp tác đa chiều: Việc này giúp các nhà khoa học tiết kiệm được nhiều công sức, nhưng ta phải có cách phát triển được tinh thần hợp tác nhóm (team work), mà chúng ta còn rất kém, tư tưởng giữ tủ, không ai chịu ai, vẫn còn nặng nề ở VN. Dùng biện pháp nào để khắc phục, khẩu hiệu xuông không đủ, ở đây, quyền tác giả phải được đề cao (intellectual property). Hiện nay, sự đãi ngộ đối với khoa học kỹ thuật còn quá thấp, chứng tỏ cách suy nghĩ của một số người quản lý còn bất cập với tình hình trong và ngoài nước.

III. LIÊN HỆ GIỮA KINH TẾ TRI THỨC VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 

Lỗ hổng lớn nhất của bản chiến lược phát triển KHCN  giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt chính là khi bàn về khoa học xã hội và Nhân văn. Chúng ta chưa mạnh dạn, đánh giá cho đúng sự lạc hậu, thậm chí là lạc điệu so với khoa học xã hội của thế giới. Vì trong một thời gian quá dài, cho đến hiện nay vẫn vậy, khoa học xã hội chỉ là một công cụ minh họa cho đường lối chính sách của Đảng, nó không đáng được gọi là một NGÀNH KHOA HỌC theo nghĩa đích thực của nó. Bởi thế, các nhà khoa học Việt Nam dù có tài giỏi, trí tuệ cũng không thể hòa đồng hay  tiếp cận với khoa học xã hội của thế giới  vì tư duy về phương pháp luận hoàn toàn khác nhau.

Muốn xây dựng một ngành khoa học xã hội đúng với vai trò và chức năng, nhiệm vụ đích thực của nó phải thay đổi tận gốc tư duy về khoa học xã hội,  gần như phải xóa đi làm lại từ đầu, trả về cho nó chức năng khoa học đích thực. Thực tế cuộc sống đòi hỏi  đào tạo và tuyển chọn lại  đội ngũ người làm khoa học xã hội.bao gồm những người được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, mời những chuyên gia giỏi người Việt ở nước ngoài về nước tham gia đào tạo đội  ngũ khoa học trẻ được thanh lọc và tuyển chọn trong nước đồng thời, biết cách mời gọi những nhà khoa học xã hội đã có quá trình đào tạo và nghiên cứu tốt, có công trình xuất bản được giới khoa học trong và ngoài nước thừa nhận trở lại giúp thêm vào công cuộc đào tạo các cán bộ nghiên cứu trẻ.

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của một nước thường gồm 6 thành tố sau đây : (i)  Đánh giá đúng thực trạng  và các vấn đề nổi cộm của nền khoa học và công nghệ nước nhà; (ii) Xác định đúng đòi hỏi về khoa học và công nghệ của nước nhà (thí dụ trong 10 năm tới); (iii)  Lựa chọn một cách thông minh những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, những khâu đột phá; Con đường, các nguồn lực và các biện pháp phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà, trong đó mấy điều rất quan trọng là  từ chỗ học hỏi, du nhập, làm theo khoa học và công nghệ của thế giới đến chỗ tạo ra khoa học và công nghệ của nước mình ; (iv) Thiết lập các điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học,  nhà công nghệ của nước mình hoạt động và giao lưu, hội nhập quốc tế;  (v) Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ.  (vi)  Tổ chức các cơ quan khoa học và công nghệ của nước nhà.

Trong 6 thành tối liệt kê ở trên thì chiến lược phát triển KHCN ở Việt Nam  đã trả lời 3 vấn đề  nhất là vấn đề thứ 3 còn thiếu ý nói tới vấn đề cuối cùng. Hay nói cụ thể hơn, với thành tố (ii), trong các lĩnh vực, luôn có cây mục tiêu nên việc xác định này liên quan đến yêu cầu chọn đúng đoạn nào của cây mục tiêu đó. Nói cách khác, phải xác định và đi từ gốc của vấn đề để rồi tiếp tục đi đến các vấn đề phát sinh. Hiện nay, trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đã tích tụ quá  nhiều vấn đề bất cập. Vấn đề không phải là ở chỗ chưa có sự thống nhất ý kiến mà là ở chỗ  để sự không thống nhất này kéo dài, dẫn đến sự phân liệt về tư tưởng quan điểm, phân liệt trong hành động để  khi phát triển đến mức cao thì thành phân liệt về tổ chức.Minh chứng là những ý kiến khác nhau về dự thảo Hiến pháp 2013 thể hiện rõ thực trạng này.

Với thành tố (iv) và (v), tôi vẫn băn  băn khoăn ở khía cạnh cần làm rõ chủ trương, chính sách sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học. Đó là chưa kể đến việc chảy máu chất xám do chính sách đãi ngộ, do chính sách tuyển dụng (gắn với tệ nạn mua quan, bán chức). Ngoài ra,  còn phải tính đến nhiệm vụ phòng ngừa tệ nạn “Khoa học phiệt” có thể đã chớm xuất hiện ở Việt Nam , có thể liên quan đến vấn đề bè phái được hình thành dưới tác động của nhóm lợi ích.

IV. KẾT LUẬN  

Mầy mò trên con đường phát triển kinh tế thị trường, khi đất nước đổi mới cơ chế quản lý, nhưng sự thiếu lý luận về hình thái và mô hình kinh tế  mới, cộng với tư duy sản xuất thời bao cấp còn rơi rớt nặng, và sức ì của ý thức hệ tư tưởng, đã dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trên lĩnh vực này. Kinh tế và thể chế là cặp song sinh,  là  lĩnh vực yếu nhất của Việt Nam. Cùng xuất phát điểm gần tương tự như Việt Nam nhưng Hàn Quốc đã hoàn thành công nghiệp hóa từ năm 1990. Thái Lan là nước phát triển trung bình nhưng Việt Nam còn phải phấn đấu khoảng 30 năm nữa mới đạt được như  Thái Lan ngày nay. Các giải pháp để chấn hưng đất nước, trong đó có vai trò của kinh tế tri thức đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học phân tích đề xuất, “quả bóng” đang nằm trong chân những người có trách nhiệm điều hành quản lý đất nước.

Ở Việt Nam, sai sót rất nghiêm trọng, yếu kém, thậm chí lạc hậu về lĩnh khoa học xã hội nhân văn dẫn đến các tiêu cực trong xã hội, không tiếp thu được một cách có chọn lọc các thành tựu nghiên cứu khoa học. Ngay tại các nước phương tây, đã có nhận định là nhiều phát minh sáng kiến đã bị các nhà đầu tư mua rồi cất ngăn kéo vì nếu khai thác, ứng dụng thì sẽ phải điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ các công nghệ hiện đang đem lại cho họ lợi nhuận lớn. Đây cũng là vấn đề mà ta đang gánh chịu một cách âm thầm mà ít người lên tiếng.

Kinh tế tri thức có hai mặt như đồng xu. Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, chỉ riêng về lĩnh vực nông nghiệp, một số tổ chức/người có thể sử dụng Học thuyết kinh tế tri thức mới để đặt ra vấn đề bản quyền và làm hại nông dân (ví dụ các loại giống cây trồng biến đổi gen), sử dụng kiến thức bản địa của nông dân mà không trả tiền. Khi các doanh nghiệp tạo ra tri thức thì họ tính tiền rất đắt nhưng tri thức của nông dân thì luôn bị lạm dụng mà không có ai bảo vệ. Nếu Chính phủ vì dân thì họ sẽ có những biện pháp bảo vệ nông dân như tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ nông dân, đẩy mạnh chi tiêu công cho công tác nghiên cứu phục vụ nông dân, phát triển các nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cộng đồng, v.v. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải giúp đỡ và phát triển các tổ chức của nông dân để họ tự bảo vệ họ.

Tài liệu tham khảo 

http://www.angelcapitalassociation.org/entrepreneurs/faqs/

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140209/bi-quyet-thanh-cong-cua-cong-ty-khoi-nghiep-israel.aspx

http://www.alliancetechventures.com/dynamic/road_to_venture.php5

http://inventors.about.com/od/fundinglicensingmarketing/a/inventionfunds.htm

http://www.angelcapitalassociation.org/entrepreneurs/faqs/

http://www.theatlantic.com/international/archive/2014/02/can-vietnam-create-the-next-silicon-valley/283760/

Trích dẫn một số ý kiến thảo luận với các nhà khoa học như Trần Đức Nguyên, Vũ Quang Việt, Nguyễn Lang. 

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.