Phạm Toàn dịch
Bên trong nước Trung Hoa, khắp cả nước, hiện đang công khai kết án việc người ta thường sử dụng biện pháp này. Những cái chết của các bị can thường xuyên được các cơ quan thong tấn nêu lên. Một báo cáo gần đây trước Quốc hội về pháp lý cũng nhấn mạnh là vẫn còn tồn tại việc tra tấn – chuyện sau đây là một chứng cứ.
22.03.2010 bài của Fu Jianfeng trên Nam phương Đo thị báo Bình luận Tuần san
“Tại sao [công an] đánh người? Tại sao lại để mặc cho công an được làm chuyện đó? Tại sao không một ai tố cáo những hành động như vậy của họ?” Những câu hỏi như thế đặt ra không phải là của một người đang lướt mạng nào đó thấy choáng vì những lời của bị can do bị tra tấn mà phải cung khai. Đó là những câu hỏi do Jiang Jianchu đặt ra, ông là phó ủy viên Tổng công tố Tòa án nhân dân tối cao trong cuộc họp của nhóm đại biểu Quốc hội trong cuộc họp hằng năm năm 2010. Chỉ thế thôi cũng đã nói lên rất nhiều điều về những lo lắng và cảm giác bất an trong giới lãnh đạo và cai trị đất nước tại những cơ quan pháp lý tối cao trước “đại họa” diễn ra khi có các cuộc hỏi cung “mạnh”. Để sửa chữa tình trạng đó, ông Jiang Jianchu đề nghị phải dồn bắt nghiêm ngặt cho kỳ được những lạm dụng của các nhân viên công an pháp lý. Nhưng tôi cho rằng, nếu không tiến công vào gốc rễ của cái xấu, thì khác gì dùng kiếm đâm xuống nước. Vấn đề nằm ở chỗ, công an có những quyền lực nhất định, nhưng đơn giản đó cũng là những người đang thực tập để ngày một ngày hai trở thành những kẻ tra tấn.
Nói như vậy, tôi không ngoại suy và cũng không nói giỡn chơi, tôi chỉ nhắc lại điều một bạn học đã cho biết vậy mà thôi. Anh cũng như tôi, tốt nghiệp một Học viện danh tiếng về Luật và các khoa học chính trị. Anh cho tôi biết là, nhân dịp thực tập, anh được tham dự vào những cuộc hỏi cung “mạnh” tại một văn phòng công an pháp lý một thành phố lớn. Anh kể cho tôi rằng anh đã dự vào các cuộc tra tấn, cảnh tượng anh không sao chịu đựng nổi, đến độ anh dự định bỏ cuộc không thực tập nữa. Nhưng mấy tháng sau, anh bắt đầu giải thích cho tôi hay, rằng anh thấy hài lòng khi có được cảm giác hết sức kích động trước việc tra tấn một kẻ tình nghi. Các ông công an giảng cho anh hiểu rằng bọn tội phạm đứa nào cũng đều sành sỏi, rắn giỏi, tinh ma quỉ quái, với chúng, sẽ chẳng thể nào bắt chúng cung khai nếu không tẩn cho chúng thật mạnh [pháp luật Trung Quốc dựa trên các lời khai – chứ không phải chứng cứ, PT thêm]. Và thế là anh bạn tôi cũng tự mình tham gia dùng nhục hình với bọn kia. Sau đó, những gì anh nhìn thấy người ta làm, anh liền làm lại, anh cũng nhét người bị tình nghi vào bao tải đen bịt kín rồi cứ thế mà đấm đá, và rồi, trái ngược với những gì anh hằng tin tưởng, kể từ đó anh cũng thấy thích thú trong việc tra tấn người. Sau vài tuần lễ, anh nhận ra là mình thực sự có bị lệ thuộc vào chuyện đó. “Vài ba ngày không được tra tấn, thế là thấy tay chân ngứa ngáy”, anh tâm sự với tôi. “Bây giờ thì mình thích tham gia vào các cuộc hỏi cung còn “mạnh” hơn nữa, chẳng hạn như lấy tăm nhét từng chiếc vào móng tay những nghi phạm loại cứng đầu cứng cổ nhất”, anh lạnh lùng kể tiếp cho tôi nghe.
Anh đứng đó trước mặt tôi để kể cho tôi nghe mọi chuyện như vậy, với cặp kính gọng đen khiến anh đầy vẻ thư sinh mọt sách. Bề ngoài anh chẳng có gì khác với chàng trai trẻ mới chỉ cách đây vài tháng đã phê bình rất nghiêm khắc những cuộc hỏi cung “mạnh”. Kể từ nay, những gì anh nói khiến tôi rùng mình sởn gai ốc, và tôi có cảm giác anh là hiện thân của ác quỷ. Tôi chẳng thể nào tin nổi một người sinh viên được học hành đào luyện tử tế về Luật học lại có thể để bản thân mình bị lôi cuốn nhanh đến thế vào một môi trường bẩn thỉu đến như vậy. Làm cách gì mà một con người bản chất tốt đẹp đến vậy lại nhanh chóng bị cuốn vào cuộc sống như của súc vật đến độ “phụ thuộc” vào lối sống đó? Tôi nhớ lại cái năm trước khi tôi tốt nghiệp, một sinh viên khóa trước, sau khi đi thực tập tại một văn phòng an ninh công cộng quận Beibei, tỉnh Trùng Khánh, đã đánh một ông già bị hỏi cung cho đến chết tại chỗ. Dạo đó, nghe thấy chuyện này, tôi vô cùng sốc. Tôi hoàn toàn không sao hiểu nổi vì sao một thực tập sinh lại lao vào những hành động xấu xa đến thế. Nhưng chỉ vài năm sau, khi nghe chuyện của anh sinh viên kia, thì cuối cùng tôi đã ý thức được rằng, ở một con người cá thể, các khái niệm Thiện và Ác, Đạo đức và Giáo dục mong manh đến thế nào. Tôi nhận ra rằng mọi chuyện đó, đạo đức và giáo dục, thiện và ác, tất cả đều dễ dàng bị thủ tiêu, bị biến đổi hoặc bị xua đuổi bởi môi trường và bởi sức mạnh của một hệ thống.
Nguồn: http://www.courrierinternational.com/article/2010/03/22/la-torture-un-mal-profondement-enracine