Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Trong một bài trên BBC[1], TS Trần Công Trục phản biện ý kiến Việt Nam cần “chính thức tuyên bố hủy bỏ công hàm do cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958”. Mặc dù trong một bài khác trên BBC[2] tôi có cùng kết luận với TS Trần Công Trục, tôi cho rằng một số lập luận khác của TS Trần Công Trục là chưa đủ để biện luận cho chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước Tòa hay dư luận luật học.
Thủ tướng VNDCCH có thẩm quyền không?
Lập luận “Các Hiệp ước, Hiệp định này phải được Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất phê chuẩn theo thủ tục pháp lý rất chặt chẽ mới có hiệu lực thi hành … các tuyên bố, các văn bản của một nhân vật nào đó, dù là những quan chức nhà nước cao nhất, có nội dung về biên giới lãnh thổ đều không có giá trị pháp lý tuyệt đối trong quan hệ quốc tế” dường như có ý cho rằng công hàm Phạm Văn Đồng (CH PVĐ) chưa được Quốc hội phê chuẩn cho nên không có đủ giá trị pháp lý.
Trong phiên tòa xử tranh chấp Đông Greenland, Na Uy cho rằng Ngoại trưởng Na Uy Nils Claus Ihlen đã không có thẩm quyền khi nói với Bộ trưởng Đan Mạch rằng kế hoạch của Đan Mạch về chủ quyền Đan Mạch trên toàn bộ Greenland sẽ không gặp khó khăn gì từ Na Uy, và theo luật Na Uy thì Quốc hội mới có thẩm quyền. Nhưng Tòa đã bác bỏ lập luận này, với lý do trong luật quốc tế Ngoại trưởng có thẩm quyền để đại diện cho quốc gia trong vấn đề lãnh thổ.
Như vậy, lập luận “Quốc hội chưa phê chuẩn” chắc chắn sẽ bị bác bỏ, vì trong luật quốc tế Thủ tướng cũng là người có thẩm quyền để đại diện cho quốc gia trong vấn đề lãnh thổ.
Hướng lập luận “TT Phạm Văn Đồng không có thẩm quyền” là đúng, nhưng có lẽ sẽ phải dựa trên lập luận lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa không nằm dưới thẩm quyền lãnh thổ của VNDCCH, mà dưới thẩm quyền của một quốc gia Việt khác. “Quốc gia” ở đây là khái niệm pháp lý được định nghĩa trong Công ước Montevideo 1933 là một chủ thể có lãnh thổ, dân cư, chính phủ và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác. Quốc gia là khác với Tổ quốc, đất nước, nhà nước hay chính phủ.
Không công nhận, nhưng lại không bảo lưu
Lập luận “[CH PVĐ] chỉ ủng hộ và thừa nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc vừa tuyên bố, không có chữ nào nhắc đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …” khó có thể biện luận đầy đủ cho chủ quyền Việt Nam.
Đúng là tuyên bố 5/9/1958 của Trung Quốc có đưa ra ba nguyên tắc chính: (1) lãnh hải 12 hải lý, (2) đường cơ sở thẳng và nội thủy cho Hoa Lục và các đảo gần bờ, (3) tàu thuyền nước ngoài đi lại trong lãnh hải phải tuân thủ luật Trung Quốc, tàu thuyền máy bay quân sự nước ngoài vào lãnh hải phải xin phép. Nhưng tuyên bố đó cũng ghi rằng nguyên tắc thứ nhất được áp dụng cho “tất cả lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm … Hoàng Sa, … Trường Sa và các đảo khác của Trung Quốc”, và nguyên tắc thứ nhì và ba được áp dụng cho “…Hoàng Sa, …Trường Sa và các đảo khác của Trung Quốc”.
CH PVĐ ghi “Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.” CH PVĐ tuy không nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa nhưng đã ghi rằng CP VNDCCH ghi nhận và tán thành như trên mà không bảo lưu gì về hai quần đảo đó.
Có thể dựa vào “không nhắc đến” để biện luận “không công nhận”, và như vậy là cần thiết, nhưng không đủ. Lý do là sự không bảo lưu trên có nghĩa VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền Việt trước sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Vấn đề còn nghiêm trọng hơn vì từ 1954 đến 1976 VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền Việt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo luật quốc tế, nổi bật nhất là theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp đảo Pedra Branca, nếu trong một thời gian dài mình không khẳng định chủ quyền trong khi nước khác đòi chủ quyền thì mình có thể mất.
Trong kịch bản giả tưởng chính phủ VNDCCH đã là đại diện pháp lý cho toàn Việt Nam, với hành vi của VNDCCH, Việt Nam sẽ khó thắng cuộc tranh biện pháp lý. Điều làm cho Việt Nam thua trong kịch bản này sẽ không ở việc công nhận hay không công nhận, mà ở việc không khẳng định chủ quyền của mình trong khi nước khác đòi chủ quyền.
Một trong những phương hướng lập luận cho Việt Nam là chứng minh rằng trong giai đoạn 1954-1975 đã có một quốc gia Việt khác với VNDCCH duy trì chủ quyền Việt trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Chủ quyền Việt đã được một quốc gia duy trì?
Lập luận chính thức của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Nhưng trong luật quốc tế các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ phải là do đại diện cho một quốc gia thì mới có giá trị pháp lý. Vì vậy, để cho các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của chính quyền VNCH có giá trị pháp lý, lúc đó chính quyền đó phải là đại diện pháp lý cho một quốc gia.
Do đó, và lưu ý đến thực tế, để cho các tuyên bố và hành động chủ quyền lãnh thổ của VNCH có giá trị pháp lý, cần vận dụng quan điểm cho rằng từ 1956 đến 1976 có hai quốc gia Việt trên một đất nước Việt Nam, mỗi quốc gia một bên vĩ tuyến 17. Thêm vào đó, cần vận dụng quan điểm cho rằng từ 1956 đến 30/4/1975 chính phủ VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía Nam, và sau 30/4/1975 CP CMLT CHMNVN là đại diện pháp lý của quốc gia đó cho đến khi Việt Nam thống nhất năm 1976.
Lập luận “… theo Hiệp định quốc tế Geneva 1954 bàn về vấn đề Đông Dương … Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa …” đi theo hướng cần thiết: “VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa, Trường Sa; VNCH có”, nhưng nó có đi xa đủ và và nó có mạnh đủ chưa?
Theo Hiệp định Geneva, chính quyền VNDCCH quản lý miền Bắc, và Liên Hiệp Pháp quản lý miền Nam. Vấn đề là “quản lý” có nghĩa gì? Nó chỉ có nghĩa quản lý dân sự nội địa bên trong duy nhất một quốc gia Việt, hay nó bao hàm cả thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế?
Nếu chỉ là trường hợp thứ nhất thì khó thể cho rằng theo Hiệp định Geneva chính quyền VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và chính quyền VNCH có. Trường hợp này sẽ có nhiều rủi ro cho Việt Nam trước Tòa và dư luận luật học.
Nếu là trường hợp thứ nhì, thí dụ như sau 1954 hay 1956 sự quản lý được quy định trong Hiệp định Geneva đã tiến hóa để bao hàm cả thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế, thì chính quyền VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, và chính quyền VNCH có. Đó là điều cần thiết cho lập luận về Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng trong luật quốc tế thì “có thẩm quyền lãnh thổ trong quan hệ quốc tế” và “là một quốc gia” đi đôi với nhau. Như vậy, lập luận cần thiết để bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa đi đôi với quan điểm khi VNCH còn tồn tại thì chính thể đó đã từng là một quốc gia, và với quan điểm trước 30/4/1975 chính quyền VNCH là đại diện của quốc gia đó trong luật quốc tế.
Lãnh vực nhạy cảm?
Dễ thấy vì sao hai quan điểm trên dễ bị cho là “nhạy cảm”, thậm chí là “phản động”. Thậm chí còn có thể có những chuyện chụp mũ kiểu “Anh nói có 2 quốc gia và chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý. Vậy là anh muốn khôi phục VNCH, anh là phản động, anh muốn chia đôi đất nước lần nữa.” Nhưng nếu cho rằng trước 1976 và 1975 có hai quốc gia, hay cho rằng trước 30/4/1975 chính quyền VNCH đã từng là đại diện pháp lý của một quốc gia thì đó chỉ là một nhận định về quá khứ, không có nghĩa muốn chia đôi đất nước đã thống nhất năm 1976, và không có nghĩa muốn khôi phục VNCH.
Mặt khác, nếu cho rằng VNDCCH và CHMNVN đã thống nhất một cách hợp pháp thành CHXHCNVN năm 1976, và do đó CHXHCNVN đã thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa[3], thì dễ bị cho là “thân Cộng”, thậm chí là “biện minh cho CS xâm chiếm miền Nam”, nhưng đó cũng là chụp mũ.
Thật ra khi VNDCCH và CHMNVN còn tồn tại thì quan điểm chính thức của hai chính thể đó là có hai quốc gia trên đất nước Việt Nam, mỗi quốc gia một bên vĩ tuyến 17. Quan điểm đó cũng bao hàm quan điểm trước 30/4/1975 có hai quốc gia. Nhưng ngày nay quan điểm đó bị lãng quên nhiều và truyền thông Việt Nam ít dám đụng đến nó.
Về quan điểm cho rằng từ 1956 đến 30/4/1975 chính phủ VNCH là đại diện pháp lý của quốc gia phía Nam, có thể phi nhạy cảm hóa nó phần nào bằng cách lưu ý rằng đại diện của một quốc gia trong luật quốc tế là một vấn đề trong phạm trù luật quốc tế tương đối độc lập với các vấn đề chính trị, chính nghĩa của các chính quyền VNCH, chính quyền VNDCCH và chính quyền CHMNVN.
Nếu không phi nhạy cảm hóa việc thảo luận giữa người Việt và việc trình bày với quốc tế về những vấn đề quốc gia, đại diện pháp lý của quốc gia, thống nhất đất nước, thì sẽ bất lợi cho Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền.
Từ trước đến nay, người Việt thường nhận định về cuộc chiến 1954-1975 từ những góc độ ý thức hệ, chính trị và chính nghĩa của bên mình. Phải chăng nhu cầu tranh biện pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa đang đòi hỏi người Việt phải đi đến một nhận định về lịch sử có thêm tính chất luật quốc tế và bớt bị kẹt trong các lề ý thức hệ, chính trị và chính nghĩa?
D.D.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN