Ngoài chứng cứ pháp lý mang tính lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời Pháp thuộc, theo tôi, Việt Nam phải bám những chứng lý sau đây để bảo vệ và thu hồi đảo:
1/- Sau hiệp định Genève 1954, VN thật sự chia thành 2 nước, đều được quốc tế công nhận: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ở miền Nam.
2/- Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc VNCH quản lý – VNDCCH không có quyền. Vì vậy, công hàm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm văn Đồng không có giá trị về mặt pháp lý.
3/- Cũng sau 1954, VNCH xảy ra nội chiến giữa VNCH và Cộng hòa miền Nam Việt nam (CHMNVN).
4/- Ngày 19/01/1974, Trung Quốc xâm chiếm đảo Hoàng Sa, Hải quân Quân đội VNCH tử chiến giữ đảo Hoàng Sa, hy sinh 74 người, thua trận, mất đảo Hoàng Sa từ đó. Được tin, CHMNVN đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa. VNCH vẫn quản lý đảo Trường Sa.
5/- Ngày 30/04/1975, cuộc nội chiến giữa VNCH và CHMNVN kết thúc, phần thắng thuộc về CHMNVN. Về mặt pháp lý, CHMNVN là đại diện hợp pháp thay cho VNCH ở Nam VN. CHMNVN tiếp tục giữ đảo Trường Sa, còn Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm trái phép năm 1974, sẽ đòi lại sau.
6/- Từ 25/04/1976 đến 02/07/1976, Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước Việt Nam giữa CHMNVN (miền Nam) và VNDCCH (miền Bắc). Kể từ ấy, nước VN là một, dân tộc VN là một. Vì vậy, biên giới, hải đảo thuộc VNDCCH hay CHMNVN, về mặt pháp lý, thuộc về nước Việt Nam thống nhất – bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, hãy dẹp bỏ ý thức hệ ngông cuồng, dựa vào lịch sử, quyết giữ và đấu tranh thu hồi biển đảo; thực hiện hòa giải để hòa hợp dân tộc. Về đạo lý, phải thừa nhận những liệt sĩ tử chiến bảo vệ biển đảo, bao gồm 74 liệt sĩ thuộc Quân đội VNCH chết ở Hoàng Sa năm 1974 và 64 liệt sĩ thuộc Quân đội Nhân dân VN chết ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.
Ngày 09/02/2014
Đ.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN