Gửi em chiếc nón Ba Đồn

Thiếu nữ và nón lá Ba Đồn (Quảng Bình)

Thiếu nữ và nón lá Ba Đồn (Quảng Bình)

Cự Nẫm-một làng nằm ở bờ Nam sông Gianh vốn nổi tiếng với những chiến công  trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Vào cuối năm 1968, đầu năm 1969, Cự Nẫm bỗng trở thành nơi tập kết quân cuối cùng trên đất Bắc trước khi nhập trạm T.5-trạm đầu tiên trên tuyến đường Trường sơn. Một hoặc hai ngày nghỉ ở Cự Nẫm, giữa bom đạn ùng òang gần xa lính ta còn được nhìn thấy lần cuối cùng đôi vai tròn, bóng dáng óng ả của các cô gái Quảng Bình làm ruộng trên đồng, kéo nước bên giếng; còn được nghe lần cuối tiếng guốc võng kẽo kẹt như điểm nhịp tiếng bà ru cháu, tiếng chị ru em..Trạm Cự Nẫm bổ xung cho người sắp lên Trường Sơn thịt hộp, mắm ruốc, sữa đường..Lính ta cũng vội vã sé số tay, viết những dòng thư cho người yêu ở lại hậu phương để được bỏ phong thư vào thùng bưu điện của một làng cuối cùng trên đất Bắc…

Đấy là việc làm muộn màng của những những chú lính chân chỉ hạt bột, còn đám lính Hà Nội tinh ranh, ma quái chúng tôi lúc này đã có thể nằm gác chân trên võng, phì phèo điếu thuốc “ Tam đảo” mắt lơ đãng ngó nhìn mặt sông Gianh thấp thóang hiện ra phía sau hàng chân tre, mà nôn nao nhớ lại bao kỷ niệm những ngày sắp chia tay…

Kỷ vật cuối cùng gửi lại cho người thương lính Hà nội đã biết lo từ đêm hôm trước.

Không biết ai mách nước, những ông “ tham mưu con” đã rỉ tai nhau, bên bờ Bắc sông Ròn có sản phẩm nón Ba Đồn nổi tiếng từ ngày xửa ngày xưa. Chẳng biết nón Ba đồn có đẹp, có bền hơn nón làng Chuông bày bán ở chợ  Đồng Xuân không ? Chỉ cần nghĩ rằng vào tới Ba đồn, qua phà Ròn ,  tới sông Gianh là đã đi xa Hà Nội cả một “ dặm đường máu lửa”, là đã sắp rời hậu phương Miền Bắc để đặt chân lên Trường Sơn. Người ta yêu nom sẽ ra sao dưới vành nón lá Ba Đồn nhỉ? Gương mặt lúc buồn mắt ngân ngấn nước? Hay lúc vui , mỉm nụ cười với đôi hàm răng tăm tắp ngọc ngà ? Nàng sẽ đội vành nón lá lên đầu tới cơ quan, công sở hay vẫn thích chiếc mũ cối gắn ngôi sao vuông tự vệ ? Mình sẽ làm nàng đẹp thêm hay xấu đi đây trước ánh nhìn dòm dỏ của những thằng cha trốn lẩn ở phố phường , không chịu ra trận ? Mà thôi, nghĩ làm gì cho đau đầu ? Cứ đinh ninh tin rằng hẳn người ta yêu cầm trên tay chiếc nón Ba đồn lên tay sẽ bổi hổi bồi hồi vừa nhớ nhung, vừa tự hào biết bao về chính ta đang dãi gió dầm sương , đang bước vào nơi trận mạc- thế là sung sướng lắm rồi !Chỉ còn một sự hệ trọng không thể quên : muốn chiếc nón nguyên lành, không bẹp, không méo thì hãy biết chăm lo, chiều chuộng , thậm chí hầu hạ nước thuốc cánh lái xe..Để bọn hắn chằng buộc cẩn thận chiếc nón ngay trong buồng lái không rách bẹp và trên đường trở ra đừng có ngủ gật để xe không lao xuống hố bom hay lòng sông lòng suối…

Xe vào tới thị trấn Còng, giáp ranh hai tỉnh Thanh Nghệ đã cảm nhận ra hơi thở của chiến trường. Phía tây, máy bay trinh sát Mỹ nháy đèn chụp ảnh liên hồi. Phía đông nhang nháng ánh lửa của đạn từ pháo hạm Mỹ bắn vào các xóm làng ven biển. Dọc đường lộ 1, đèn dù từ máy bay Mỹ thả xuống lúc xa lúc gần. Đèn dù vừa tắt lập tức rền vang tiếng bom, tiếng rockét. Nghỉ một ngày ở thị trấn Voi , Hà tĩnh. Vừa sẩm tối hôm sau xe tranh thủ vượt đèo Ngang, xuống tới chân đèo đã sang đất Quảng Bình, đã gặp ngay sông Ròn, phà Ròn.

Ngày nay, vài ba năm có dịp qua lại sông Ròn tôi đứng rất lâu trên cây cầu mà không thể nào tự trả lời nổi câu hỏi, vì sao chỉ một khúc sông hẹp, êm đềm, hiền hòa trôi chẩy trước mắt tôi kia mà một thời lại trở thành trọng điểm đánh phá quyết liệt của đủ lọai máy bay và hạm pháo của Mỹ đến như vậy. Tôi nhớ tới con đường đổ xuống bến phà mù mịt bụi xe, nhỏ to tiếng người gọi nhau lẫn lộn trong tiếng xe rồ máy xuống phà. Tôi như nghe thấy tiếng nổ inh tai nhức óc của bom Mỹ từ đường 20, từ phía bờ bên kia phà Ròn vọng tôi. Phía ven biển pháo hạm của địch đang đổ đạn xuống các xóm thôn. Ngọn lửa nhà cháy mỗi lúc vươn ngọn một cao thêm. Tiếng các mắt tre, mắt luồng nổ lốp bốp. Văng vẳng trong gió nhận ra cả tiếng khóc, tiếng hời của những người gặp nạn. Hai bên con đường xuống bến phà là những cánh đồng nước lõng võng, trong ánh sáng đèn dù hiện ra những miệng hố bom lở lói, chi chít nhau. Còn ngay trên mặt sông Ròn giăng giăng hàng pháo sáng đèn dù câm lặng , cái nọ chưa kịp tắt cái kia đã bung nở ra.  Những tốp lính vào chiến trường vừa từ trên xe tụt xuống , theo một mệnh lệnh chỉ huy của ai đó, tạt ra hai bên vệ đường, tìm ngay cho mình những chiếc hố cá nhân đã đào sẵn. Chỉ cần hàng đèn pháo sáng kia chợt lụi tắt, những chiếc máy bay cường kích có thể rẹt sát sạt trên đầu, tung xuống những lọat bom bi sát thương, hoặc bom napal để thiêu cháy những đòan xe.

Trong cái ắng lặng, căng thẳng thần chết đang chơi trò ú tim như vậy  , không biết từ đâu bỗng xốn xao tiếng nói cười trẻ thơ , ngay sau đó xuất hiện những bóng dáng thấp nhỏ của các cháu với những chồng nón trắng trên tay. Các cháu len lỏi giữa đám xe cộ tìm đến bên những tốp lính, giọng Quảng bình ngọt ngào , dễ  thương :

-Nón Ba đồn đấy các chú ơi! Các chú mua, làm quà gửi về quê làm kỷ niệm cho các cô !

– Nón thương, nón nhớ, nón đợi nón chờ . Em đội chiếc nón mà ngờ chiêm bao.

-Anh đi đánh giặc nơi xa. Em đội nón lá ở nhà đợi anh !

Chúng tôi cầm nón lên tay, không lựa chọn, móc tiền trong túi ra trao cho các cháu mà không cần đếm, vì đây là những đồng tiền cuối cùng còn chi tiêu được trước khi đặt bước lên Trường sơn. Lòng dạ bồn chồn, nôn nóng chúng tôi chỉ mong các cháu bán cho chóng hết những chồng nón kia để mau chóng tránh xa nơi cái chết có thể bất thần ập tới .

Từ phà Ròn vào tới phà Gianh chúng tôi vội vã ghi những dòng chữ thương nhớ lên phía bên trong vành nón. Ghi dưới ánh đèn dù. Ghi trong luồng sáng nhỏ như hạt đỗ của chiếc phao đèn pin đã bị giấy đen che kín mít. Ghi dưới ánh sáng của ngọn đèn gầm khi xe ô tô bị sa rệ ..”Tạm biệt em yêu, anh đi nhé!”, “ Phà Ròn, Quảng Bình…Nhớ em rất nhiều”, “ Quà nghèo gửi tới cho ai. Đừng đếm ngày rộng tháng dài, anh đau”, “ Chờ anh , anh lại về. Trông chết cười ngạo nghễ”…

Trong mười một thằng lính Hà nội mua nón Ba Đồn gửi về cho người yêu đêm qua phà Ròn năm ấy đã nằm lại trên mảnh đất các chiến trường mất tám thằng. Đứa chết vì đạn bắn thẳng. Đứa chết vì pháo bày, vì bom tọa độ. Đứa chết do sốt rét ác tính. Cũng có đứa chết tức tưởi vì cây đổ đè vỡ xương chậu trong mùa phát nương trồng sắn chống đói cuối năm 1969 .

Vài đứa sống sót trở về Hà Nội, như hẹn ước với nhau, không bao giờ dám mở miệng nhắc lại chuyện đã mua những chiếc nón Ba đồn gửi cho người yêu thuở nào. Nhớ cả đấy, nhưng nhắc để làm gì? Những người bạn gái của chúng tôi đều đã nhận được những chiếc nón lá Ba Đồn . Nhưng chiến tranh kéo quá dài mà tuổi xuân thì có hạn.Trách móc chị này, em kia không thủy chung chả cố chấp lắm sao ? Dăm ba người tình của những thằng bạn xấu số khóc lóc, vật vã đến võ vàng, tiều tụy cả năm ròng, rồi châm lửa đốt chiếc nón đã ngả vàng đi, để qua một bến đò khác , để lấy chồng , sinh con đẻ cái, làm bà nội bà ngọai…

Có chuyện này đáng kể hơn : Vài ba năm trước, trong lúc trà dư tửu hậu với đám bạn văn quê Quảng bình, tôi chợt nhớ lại đêm mua nón Ba đồn mấy chục năm trước khi chờ qua phà Ròn. Nghe chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Lập bỗng thủng thẳng:

-Ồ, vui rứa đó !  Trong đám trẻ bán nón Ba đồn ở bến phà Ròn thuở ấy có em và thằng Vinh (nhà văn Nguyễn Quang Vinh, em trai Nguyễn Quang Lập). Sao bọn em không nhận ra anh hề?

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.